Bài viết của một học viên ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 24 – 09 – 2012] Cho đến tận ngày hôm nay tôi mới biết rằng mình có một nhược điểm lớn: Tôi đánh giá mọi thứ theo cảm xúc của mình thay vì từ quan điểm của Đại Pháp. Ví dụ, nếu tôi cảm thấy rằng một người là tốt, tôi sẽ đối xử với anh ấy như một người bạn và với tất cả tấm lòng của mình; nếu tôi cảm thấy một người là người xấu, tôi sẽ khép mình và đối xử với anh ấy như một người xa lạ. Bởi vì tôi đánh giá người khác một cách tiêu cực, tôi sẽ đề phòng khi tiếp xúc với họ. Tôi đã hành xử như vậy ngay cả trước khi tu luyện Pháp Luân Công, nhưng sau khi bắt đầu tu luyện, tôi vẫn không nhận ra rằng điều này là sai. Vì vậy, tôi tiếp tục giao tiếp theo cách này với các bạn đồng tu cho đến khi tôi nhận ra nó vào ngày hôm nay.
Khi cuộc đàn áp Đại Pháp lên cao điểm nhất, các học viên đã dừng đến thăm nhau. Tôi chỉ học Pháp và luyện các bài công pháp một mình ở nhà. Năm 2003, tôi đã gặp một học viên. Sau một thời gian tiếp xúc với cô ấy, tôi đánh giá rằng cô ấy tốt dựa trên cảm nhận của mình. Khi phát ra suy nghĩ này, tôi bắt đầu đối xử với cô ấy hết lòng và giúp cô ấy tiến bộ dựa trên Pháp. Tôi luôn luôn nghĩ về cô ấy và thích được ở bên cô ấy. Bất cứ khi nào có người nói điều gì xấu về cô ấy, tôi sẽ bảo vệ cô. Tuy nhiên, một hôm học viên này đã nói rất nhiều điều xấu về tôi trước mặt những người khác. Khi tin này đến tai tôi, tôi biết rằng mình đã bị mắc kẹt trong tình, nhưng tôi lại không đào sâu hơn để tìm ra căn nguyên hoặc loại bỏ chấp trước.
Sau một thời gian, tôi đã gặp một học viên lớn tuổi. Sau khi tiếp xúc với bà ấy một thời gian, tôi cảm thấy bà ấy là một người rất tốt. Tương tự như lần trước, tôi đối xử với bà ấy thân mật và vô tình rơi vào ‘tình’ một lần nữa. Một lần, khi tôi gặp xung đột và nói với bà ấy về khó khăn của tôi, thay vì giúp đỡ tôi sáng tỏ bằng các nguyên lý của Pháp, bà ấy vặn lại: “Cô đối phó với nó như thế nào là việc của riêng cô. Tôi không thể tham gia.” Khi nghe điều này, tôi đã rất thất vọng. Tôi không biết mình có điều gì sai. Tại sao tôi đối xử với người ta chân thành chỉ để nhận được sự đáp lại như vậy? Sau đó, tôi đã cố gắng nhìn vào bên trong bản thân mình. Tôi chỉ thấy rằng tôi có chấp trước về ‘tình’ đối với các bạn đồng tu. Một lần nữa, tôi đã không hướng nội đủ sâu, và các chấp trước vẫn tiếp tục tồn tại.
Sau đó, tôi lại gặp một học viên lớn tuổi khác. Lúc đầu, tôi đối xử với bà ấy cũng như cách tôi đối xử với hai học viên trước đó bởi vì tôi nghĩ rằng bà ấy rất tốt. Nhưng một hôm, tôi nghe thấy điều gì đó về bà ấy từ một học viên khác, khiến tôi tin rằng người học viên này thường xuyên nói dối. Những gì bà ấy nghĩ là khác với những gì bà ấy nói. Vì vậy, tôi tự nhắc nhở bản thân mình phải từ bỏ ‘tình’ đối với các đồng tu, nhưng tôi không biết nên đối xử với bà ấy như thế nào. Sau đó, tôi đã chỉ ra những thiếu sót của bà ấy. Tuy nhiên, bà ấy nói rằng tôi đã đặt những vật chất xấu lên bà. Tôi thực sự không biết mình đã làm sai điều gì. Tôi đối xử với những người khác tử tế. Tại sao họ không thể hiểu tôi?
Tôi nghĩ về vấn đề này rất nhiều và đột nhiên nhận ra rằng tôi đã tương tác với những người khác, bất kể đó là đồng tu hay người thường, bằng cách sử dụng các cảm xúc và cảm giác của bản thân chứ không bằng tiêu chuẩn “Chân – Thiện – Nhẫn”.
Sau khi hiểu ra điều này, tôi đã thay đổi cách đối xử với mọi người. Một hôm, tôi gặp một người bạn cùng lớp mà tôi đã không liên lạc trong nhiều năm. Khi gặp cô ấy, tôi đã loại bỏ những quan niệm cũ của tôi về việc cô ấy không đối xử tốt với tôi trong quá khứ. Tôi đã chủ động nói chuyện với cô ấy và đối xử với cô ấy như một chúng sinh. Sau khi thực hiện theo cách này, tôi cảm thấy rằng chúng tôi rất hòa hợp với nhau. Giống như Sư phụ giảng:
“Người ta nếu nhảy ra khỏi cái ‘tình’ này, thì không ai động đến chư vị được, tâm người thường không động đến chư vị được; thay vào đó là ‘từ bi’, vốn là điều cao thượng hơn.” (Chuyển Pháp Luân)
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/10/12/135829.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/9/24/对用“情”做事的剖析-263060.html
Đăng ngày 26-1-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.