Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-03-2025] Khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ đã qua đời Giang Trạch Dân đã ban hành 3 chính sách diệt trừ: “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể”. Ngoài việc phát tán tuyên truyền để bôi nhọ Pháp Luân Công, kết án và tra tấn các học viên, chính quyền nước này còn ra lệnh cho các cơ quan an sinh xã hội địa phương đình chỉ lương hưu của các học viên, khiến họ rơi vào tình trạng tài chính khó khăn.

Báo cáo này cho thấy cách chính quyền ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh thực hiện việc bức hại tài chính đối với những người đã nghỉ hưu từng bị bỏ tù vì tập Pháp Luân Công.

Đối với những học viên làm việc trong khu vực tư nhân và có lương hưu do các cơ quan an sinh xã hội quản lý, thì chính các cơ quan an sinh xã hội đã giữ lại và đình chỉ các khoản thanh toán lương hưu của họ.

Đối với những người làm việc trong khu vực công, hầu như tất cả các khoản tính toán lương hưu của họ đều bị xóa kể từ tháng 6 năm 2020, về cơ bản khiến họ không có quyền lợi hưu trí. Họ cũng bị yêu cầu phải trả lại lương hưu mà họ đã nhận trước đó trong thời gian bị giam trong tù. Những học viên này bao gồm: Bà Ngô Tú Lan, ông Ngô Bảo Quý, bà Vương Li Ca, bà Hà Cửu Mai, ông Lý Thế Vinh, bà Trương Nhã Băng, bà Mục Thục Lan, bà Lư Tô Bình và bà Từ Tố Thanh.

Cụ thể, bà Ngô thường xuyên đến Cục An sinh Xã hội Cẩm Châu và tìm cách khôi phục lương hưu của mình, nhưng Đông Dã, lúc đó là Trưởng phòng Lương hưu của Cơ quan Công thuộc Cục An sinh Xã hội Cẩm Châu đã phớt lờ yêu cầu của bà và yêu cầu bà trả lại số tiền bà đã nhận được trong thời gian bà bị giam trong tù. Đông đã có thái độ thô lỗ với các học viên và đôi khi còn lăng mạ họ.

Ngoài việc bị đình chỉ lương hưu, một số học viên cũng bị cắt các chế độ phúc lợi khác, bao gồm bảo hiểm y tế hoặc trợ cấp sưởi ấm nhà ở.

Ngoại trừ bà Ngô đang nhận trợ cấp sưởi ấm nhà ở, ông Ngô, bà Vương và bà Hà đều bị công ty cũ hủy bỏ chế độ phúc lợi này. Những chế độ phúc lợi ngoài lương hưu này do công ty trực tiếp quản lý chứ không phải do cục an sinh xã hội quản lý, nhưng công ty của họ đã hỗ trợ cục này một cách sai trái trong việc đình chỉ lương hưu của các học viên và cắt giảm thêm những chế độ phúc lợi khác của họ một cách tùy tiện.

Cũng giống như việc thiếu cơ sở pháp lý để kết án một học viên Pháp Luân Công, việc chính quyền đình chỉ lương hưu của các học viên, vốn là tài sản hợp pháp của họ, với sự đóng góp từ chính họ và người sử dụng lao động của họ, cũng là bất hợp pháp. Về mặt chức năng, các cơ quan an sinh xã hội chỉ quản lý quỹ lương hưu cho các học viên. Các khoản thanh toán không đến từ chính phủ hay các cơ quan an sinh xã hội. Không có cá nhân, công ty hay cơ quan chính quyền nào có thẩm quyền giữ lại lương hưu của người đã nghỉ hưu, đình chỉ hoặc thậm chí yêu cầu người thụ hưởng trả lại sau khi đã nhận được khoản thanh toán.

Theo “Hiến Pháp”, “Luật Lao động” và “Luật Bảo hiểm xã hội” của Trung Quốc, điều kiện tiên quyết để một người bắt đầu nhận lương hưu là người đó đã đóng góp tổng cộng 15 năm và đã đến tuổi nghỉ hưu hợp pháp. Và tiêu chí duy nhất để đình chỉ lương hưu của một người là người đó đã qua đời.

Dưới đây là một số trường hợp học viên tại Cẩm Châu đã bị đình chỉ lương hưu.

Bà Ngô Tú Lan

Bà Ngô Tú Lan, 80 tuổi, là cán bộ đã nghỉ hưu của Viện Khoa học Môi trường Cẩm Châu. Bà bị bắt vào tháng 5 năm 2015 và sau đó bị kết án hai năm tù. Năm 2016, Cục An sinh Xã hội Cẩm Châu đã đình chỉ lương hưu của bà.

Bà Ngô đã nộp đơn khiếu nại lên Cục An sinh xã hội, yêu cầu họ khôi phục lại lương hưu của bà. Năm 2018, Cục Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội Cẩm Châu, Cục Tài chính, Viện Khoa học Môi trường đã đồng ý trả trợ cấp sinh hoạt tối thiểu cho bà. Bà không đồng ý, mà vẫn kiên quyết đòi được hưởng toàn bộ lương hưu của mình – hơn 3.000 tệ mỗi tháng.

Khi bà Ngô tiếp tục tìm kiếm công lý, Cục Dân chính Quận Lăng Hà cho biết vào năm 2024 rằng họ có thể cấp cho bà khoản cứu trợ khó khăn đặc biệt là 1.200 tệ mỗi tháng. Bà Ngô vẫn từ chối nhận vì số tiền đó không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản của bà.

Vào ngày 6 tháng 2 năm 2025, bà Ngô đã đến Cục An sinh Xã hội Cẩm Châu, yêu cầu cục này cung cấp hồ sơ chi tiết về khoản tiền mà họ đã đình chỉ đối với bà. Một nhân viên nói họ không thể cung cấp thông tin đó.

Bà Vương Li Ca

Bà Vương Li Ca, cựu giáo viên Trường trung học cơ sở số 2 thành phố Cẩm Châu, đã bị kết án bốn năm tù vào năm 2009. Sau khi bà được phóng thích, Trường trung học cơ sở số 2 thành phố Cẩm Châu đã sáp nhập với Trường trung học cơ sở số 4 thành phố Cẩm Châu. Trường đã chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của bà vào năm 2014. Vài năm sau, trường đã được sáp nhập tiếp với Trường thực nghiệm thành phố Cẩm Châu, đơn vị đã làm việc với Cục An sinh xã hội thành phố Cẩm Châu để đình chỉ lương hưu của bà Vương vào tháng 6 năm 2020. Bảo hiểm y tế, trợ cấp sưởi ấm và trợ cấp của chính phủ cho việc chỉ có một con của bà cũng đã bị dừng lại.

Sau bốn năm không có thu nhập nào, bà Vương đã nói chuyện với giám đốc Trường Thực nghiệm Thành phố Cẩm Châu và yêu cầu họ ít nhất phải cấp cho bà khoản trợ cấp sưởi ấm và trợ cấp một con. Sau đó, người giám đốc này nói với bà rằng ông ta đã tham khảo ý kiến ​​của hiệu trưởng trường, Cục An sinh Xã hội Cẩm Châu và Cục Giáo dục Thành phố Cẩm Châu, nhưng họ đã từ chối yêu cầu của bà.

Ông Ngô Bảo Quý

Ông Ngô Bảo Quý làm việc tại Văn phòng Quản lý Ngư nghiệp Cẩm Châu và nghỉ hưu vào năm 2010. Ông bị bắt vào ngày 27 tháng 5 năm 2020 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công và vài ngày sau đó bị kết án ba năm tù. Sau khi được phóng thích vào năm 2023, ông đã sốc khi biết rằng lương hưu của mình đã bị đình chỉ trong hơn hai năm và ông cũng bị lệnh phải trả lại hơn 300.000 tệ mà ông đã nhận trước đó.

Khi cơ quan của ông Ngô cố gắng giúp ông có được một số khoản thanh toán để trang trải các chi phí sinh hoạt tối thiểu, Cục Tài chính Thành phố Cẩm Châu, đơn vị chịu trách nhiệm phân bổ quỹ hưu trí cho Văn phòng Quản lý Ngư nghiệp Cẩm Châu, đã nói với Văn phòng rằng hồ sơ phục vụ của ông Ngô đã được đặt thành số không và ông không còn trong danh sách những người đã nghỉ hưu để nhận bất kỳ khoản thanh toán nào nữa.

Bà Hà Cửu Mai

Bà Hà Cửu Mai là giáo viên tại Trường Tiểu học Trung tâm Thiên Dương ở Huyện Dịch trước khi nghỉ hưu vào tháng 9 năm 2010. Bà đã bị bắt vào tháng 6 năm 2015 và bị Tòa án Quận Lăng Hà kết án bốn năm tù vào ngày 16 tháng 12 năm 2015. Vào tháng 4 năm 2016, Trung tâm Dịch vụ An sinh Xã hội và Nguồn nhân lực Huyện Dịch đã đình chỉ lương hưu của bà. Bảo hiểm y tế của bà cũng đã bị dừng vào năm 2020. Bà đã liên lạc với trường và trung tâm dịch vụ an sinh xã hội nhiều lần, yêu cầu họ khôi phục lương hưu của bà. Ban lãnh đạo trường đã hứa sẽ thảo luận việc đó với cấp trên, nhưng lương hưu của bà vẫn chưa được khôi phục tại thời điểm viết bài này.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/1/491213.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/31/226047.html

Đăng ngày 04-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share