Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-03-2025] Một người phụ nữ ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, cùng với con gái và con rể của bà, đã bị bắt và bị giam giữ từ ngày 19 tháng 2 năm 2025 chỉ vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đã bị chế độ cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999. Các viên chức trại giam không cho phép luật sư của họ vào thăm.

Vào khoảng 11 giờ đêm ngày 19 tháng 2, hơn 20 người từ đồn cảnh sát Phủ Đông và La Thành Đầu đã đột nhập vào nơi ở của gia đình họ với sự giúp đỡ của một thợ khóa chuyên nghiệp. Cảnh sát đã không xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, họ bắt đầu còng tay bà Dương Phượng Liên và con gái bà, cô Đỗ Lệ Khôn. Khi chồng cô Đỗ Lệ Khôn là ông Mã Vĩnh Kiêu cố gắng lý luận với cảnh sát, họ đã đẩy ông vào xe cảnh sát, sau đó quay lại tiếp tục khám xét đến trưa hôm sau. Máy tính, máy in và một số tiền mặt của gia đình đã bị tịch thu. Hai chiếc ô tô và một chiếc xe đạp của họ cũng bị tịch thu.

Cảnh sát tuyên bố lệnh bắt giữ gia đình này đến từ chính quyền tỉnh. “Chúng tôi sẽ để các người yên nếu các người chỉ tập [Pháp Luân Công] ở nhà. Nhưng nếu các người ra đường để phân phát tài liệu, chúng tôi sẽ bắt giữ các người,” họ nói.

Bà Dương Phượng Liên, 70 tuổi và cô Đỗ Lệ Khôn, 40 tuổi, đã bị đưa đến trại tạm giam số 3 thành phố Hàm Đan vào ngày hôm sau, còn ông Mã Vĩnh Kiêu bị đưa vào trại tạm giam số 2 thành phố Hàm Đan. Họ đều tuyệt thực để phản đối việc đàn áp và đã bị đưa đến bệnh viện để bức thực. Cô Đỗ Lệ Khôn bị huyết áp cao, còn ông Mã Vĩnh Kiêu ở trong tình trạng nguy kịch sau khi lên cơn động kinh.

Gia đình của các học viên đã thuê ba luật sư cho họ. Hai luật sư đã đến trại tạm giam số 3 thành phố Hàm Đan vào chiều ngày 28 tháng 2 để thăm hai mẹ con bà Dương. trại tạm giam đã hướng dẫn họ đến gặp ông Doãn Nhạc Phi, cảnh sát phụ trách vụ án, để xin phép. Ông Doãn đã từ chối yêu cầu vào thăm thân chủ của luật sư. Luật sư của bà Dương chỉ ra rằng cảnh sát không có thẩm quyền quyết định việc ông có thể đến thăm thân chủ của mình hay không, ông tuyên bố sẽ nộp đơn khiếu nại cảnh sát và trại tạm giam vì hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn như vậy. Chỉ khi đó, luật sư của bà Dương mới được phép vào thăm bà.

trại tạm giam số 3 thành phố Hàm Đan đã liên lạc với cả hai luật sư vào ngày 1 tháng 3 và “giải thích” rằng lý do ban đầu họ không chấp thuận yêu cầu vào thăm là vì hai mẹ con bà Dương bị tình nghi “phá hoại an ninh quốc gia.” Phân cục cảnh sát quận Hàm Sơn cũng đồng tình với quyết định từ chối yêu cầu vào thăm của luật sư.

Các luật sư lập luận rằng trong thông báo giam giữ thân chủ của họ đã liệt kê các cáo buộc khác, không bao gồm “phá hoại an ninh quốc gia.” Ngay cả khi họ bị cáo buộc như vậy, cảnh sát vẫn không quyết định việc các luật sư có thể đến thăm thân chủ của họ hay không. Họ đã chất vấn động cơ của cảnh sát trong việc thay đổi các cáo buộc sau khi các học viên thuê luật sư.

Trong khi đó, cảnh sát vẫn tiếp tục quấy rối chồng của bà Dương và cố gắng ép buộc ông sa thải các luật sư. Ông đã từ chối tuân thủ và yêu cầu cảnh sát trả lại số tiền đã tịch thu từ gia đình mình, nhưng không có kết quả.

Quá khứ bị bức hại của hai mẹ con

Bà Dương Phượng Liên, một kỹ sư thí nghiệm cao cấp đã nghỉ hưu thuộc Khoa Xây dựng Đô thị, Viện Kiến trúc và Công nghệ Hà Bắc, đã bắt đầu tập Pháp Luân Công vào đầu năm 1999. Nhiều căn bệnh lâu năm của bà, bao gồm cả ung thư, đã nhanh chóng biến mất. Sau khi chứng kiến ​​những thay đổi của mẹ, cô Đỗ Lệ Khôn cũng đã bắt đầu tập Pháp Luân Công. Vài tháng sau đó, cuộc đàn áp bắt đầu, hai mẹ con bà liên tục trở thành mục tiêu bị nhắm vào chỉ vì đức tin của mình.

Bà Dương Phượng Liên và cô Đỗ Lệ Khôn đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tập Pháp Luân Công vào ngày 1 tháng 10 năm 2000 và đã bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Họ bị giam giữ tại trại tạm giam Diên Khánh, sau đó bị chuyển đến Văn phòng liên lạc Hàm Đan tại Bắc Kinh. Sau đó, họ bị đưa đến trại tạm giam số 2 thành phố Hàm Đan vào ngày 4 tháng 10. Lính canh trại giam đã 4 lần sốc điện cô Đỗ Lệ Khôn, khi đó cô 16 tuổi, cụ thể ở các vị trí đùi trong, nách và sau đầu. Cô cũng bị buộc phải đeo cùm nặng, khiến mắt cá chân của cô bị thương nghiêm trọng.

Bà Dương đã bị đưa vào Trại lao động cưỡng bức nữ Thạch Gia Trang vào cuối năm 2000 để thụ án một năm tù. Bà bị treo lên, bị trói bằng cổ tay và bị cấm ngủ.

8431537a5c9009037329c7e325f4bd89.jpg

Minh họa tra tấn: Bị treo lên

Cô Đỗ Lệ Khôn vẫn ở trong trại tạm giam. Đầu năm 2001, cô đã tuyệt thực để phản đối, và lính canh đã ép cô ăn nửa chậu thức ăn, khiến cô vô cùng khó chịu. Sau đó, lính canh đã đưa cô vào phòng biệt giam trong hơn một tháng vì cô không đồng ý từ bỏ Pháp Luân Công. Cô được trả tự do vào ngày 16 tháng 7 năm 2001, sau khi gia đình cô nộp cho trại giam 3.000 nhân dân tệ, nhưng cô đã bị nhà trường đuổi học.

Chính quyền đã cố gắng bắt giữ bà Dương một lần nữa vào ngày 27 tháng 2 năm 2002, nhưng bà đã trốn thoát trở về nhà. Bà không dám rời khỏi nhà trong vài tháng tiếp theo. Cảnh sát đã đến một vài lần, cố gắng bắt giữ bà, nhưng bà đã từ chối mở cửa.

Hai mẹ con cùng bị bắt vào tối ngày 3 tháng 11 năm 2002, sau khi cảnh sát sử dụng xe nâng để đột nhập vào nhà họ ở tầng sáu. Sau khi họ bị đưa đến đồn cảnh sát Khai Nguyên, bà Dương đã bị sốc điện bằng dùi cui điện trong hơn một tiếng. Tay, mặt, môi và cổ của bà bị bỏng nặng. Vết phồng rộp trên tay bà to bằng quả trứng.

Cả hai mẹ con đã bị đưa đến trại tạm giam số 2 thành phố Hàm Đan vào ngày hôm sau. Mặc dù bà Dương cực kỳ yếu và không thể tự chăm sóc bản thân sau những lần bị sốc điện, cảnh sát vẫn giam giữ bà trong chín tháng. Bà được thả vào ngày 5 tháng 8 năm 2005, sau khi bị tống tiền 2.000 nhân dân tệ.

Cô Đỗ Lệ Khôn được thả sau hai tháng, khi gia đình nộp 6.000 nhân dân tệ. Trước khi cho cô về nhà, cảnh sát đã giam cô tại một khách sạn do họ quản lý trong mười ngày và buộc cô phải trả hơn 100 nhân dân tệ mỗi ngày.

Bà Dương bị bắt lại vào ngày 27 tháng 9 năm 2003. Bà đã tuyệt thực để phản đối và đã bị bức thực. Cảnh sát đã tát vào mặt bà, khiến bà bị gãy nhiều răng và nôn ra máu. Đến ngày 2 tháng 4 năm 2004 bà mới được trả tự do.

Trong thời gian bà Dương bị giam giữ, cô Đỗ cũng bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 10 tháng 12 năm 2003 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Cô đã bị bức thực tại trại tạm giam số 1 thành phố Hàm Đan sau khi cố gắng tuyệt thực để phản đối cuộc đàn áp. Các lính canh đã dán băng dính vào mặt cô và còng tay cô ra sau lưng để ngăn cô rút ống dẫn thức ăn ra khỏi dạ dày. Cô bị bỏ lại trên nền bê tông lạnh lẽo qua đêm, không thể cử động. Cô đã nôn ra máu vào ngày hôm sau. Sau đó, lính canh đã ngừng bức thực, thay vào đó họ truyền dịch cho cô qua đường tĩnh mạch.

Cảnh sát đã tống tiền gia đình cô Đỗ Lệ Khôn 8.000 nhân dân tệ vào ngày 18 tháng 12 năm 2003 và yêu cầu họ phải trả thêm 1.000 nhân dân tệ để khám sức khỏe cho cô vào ngày hôm sau, khi họ phát hiện cô bị thiếu máu cơ tim nghiêm trọng. Từ đó đến tháng 4 năm 2004, cô bị giam giữ tại Trung tâm Giáo dục Pháp luật tỉnh Hà Bắc, một trung tâm tẩy não trá hình. Lính canh đã không cho cô ngủ, viết những lời phỉ báng Pháp Luân Công lên người cô và bắt cô ngồi ở tư thế hoa sen trong nhiều tiếng đồng hồ. Họ cũng cố gắng ép cô từ bỏ Pháp Luân Công bằng cách đe dọa sẽ tuyên án ba năm tù.

Mặc dù cô Đỗ được thả vào tháng 4 năm 2004, nhưng cô vẫn bị kết án ba năm tù lao động ngay sau đó. Cảnh sát lại tống tiền gia đình cô. Mặc dù cô không bị kết án tù lao động, nhưng cô lại bị một trường trung học khác đuổi học.

Bà Dương bị bắt một lần nữa vào ngày 15 tháng 10 năm 2004. Bà buộc phải sống xa nhà để trốn cảnh sát sau khi được thả, nhưng lại bị bắt một lần nữa khi đang đi thăm bạn vào ngày 28 tháng 3 năm 2005. Lần này bà bị giam giữ trong bốn ngày.

Cảnh sát đã đột kích vào nhà bà Dương và tịch thu máy tính, máy in và chảo vệ tinh mà gia đình bà dùng để thu các chương trình truyền hình không bị kiểm duyệt từ các quốc gia bên ngoài Trung Quốc.

Bà Dương lại bị bắt tại nhà vào ngày 13 tháng 8 năm 2007 và bị đưa đến trại tạm giam số 2 thành phố Hàm Đan vào ngày hôm sau. Bà được thả vào ngày 16 tháng 1 năm 2008.

Cô Đỗ Lệ Khôn và chồng cô bị bắt vào ngày 28 tháng 1 năm 2015 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã khám xét cô tại Đội An ninh Nội địa thành phố Sa Hà. Họ đã thả hai vợ chồng cô vào ngày hôm sau và buộc gia đình họ phải nộp 20.000 nhân dân tệ.

Bài viết liên quan:

Gia đình bà Dương Phượng Liên tại Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc lại bị bắt cóc và giam giữ

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/13/491596.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/1/226057.html

Đăng ngày 30-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share