Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-03-2025]

Một cư dân thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm đã phải chịu ba năm quản chế từ cuối năm 2018 tới cuối năm 2021 chỉ vì đức tin vào Pháp Luân Công, thế nhưng tới tháng 06 năm 2024 bà lại bị bắt giữ. Sau khi được tại ngoại, bà ra khỏi thị trấn đi thăm con gái vào tháng 12. Tòa án địa phương cáo buộc bà vi phạm quy định tại ngoại và đe dọa bà rằng “chuyện này vẫn chưa xong đâu”, họ ngụ ý sẽ sử dụng bản án quản chế mà bà đã thụ án để chống lại bà.

Khổ nạn này của bà Quốc Khánh Phân bắt nguồn từ vụ bắt giữ bà vào ngày 12 tháng 06 năm 2018, khi bà đang trên đường tới thăm người thân. Sau đó, nhà bà bị đột kích và hơn 40 cuốn sách Pháp Luân Công của bà bị tịch thu. Bà bị giam giữ trong Trại tạm giam thành phố Cát Lâm. Phó trưởng Đồn ông an Thiên Đức là Trương Đẩu, đã gửi thông báo giam giữ hình sự bà cho gia đình bà vào ngày 14 tháng 06 năm 2018. Vài tháng sau, bà bị kết án 3 năm tù cùng 3 năm quản chế.

Trong khi bà Quốc bị giam giữ, chồng bà lâm bệnh nặng. Ông qua đời không lâu sau khi bà được thả dưới dạng quản chế vào tháng 11 năm 2018. Trong vài năm tiếp theo, cảnh sát thường xuyên sách nhiễu bà để đàm bảo rằng bà không vi phạm “quy định quản chế”, trong đó có hai vụ việc lần lượt vào ngày 23 tháng 9 năm 2019 và ngày 10 tháng 9 năm 2020. Cảnh sát đã cố gắng chụp hình bà và lừa bà ký vào một tờ giấy trắng.

Bà Quốc kết thúc thời hạn quản chế vào khoảng tháng 11 năm 2021, thế nhưng tới ngày 05 tháng 06 năm 2024, bà lại bị bắt và sau đó được tại ngoại.

Khi bà Quốc tới nhà con gái vào ngày 28 tháng 12 năm 2024, bà bị người của Đồn công an đường sắt, thành phố Cát Lâm bắt giữ. Cảnh sát tuyên bố rằng bà là người “bị truy nã”.

Không lâu sau, bà được trả tự do. Thế nhưng tới ngày 17 tháng 1 năm 2025, tòa án địa phương gọi cho bà và lệnh cho bà tới ký một số giấy tờ trong khi bà không được cung cấp nội dung chi tiết của các loại giấy tờ đó. Ngày 05 tháng 02 năm 2025, khi bà đang ở nhà con gái, bà lại nhận được cuộc gọi từ tòa án, lệnh cho bà trở về nhà. Bà nói rằng bà không thể quay về cho đến khi hết Tết Nguyên Đán (Từ ngày 29 tháng 1 tới ngày 12 tháng 2 năm 2025).

Khi bà trở về nhà vào khoảng giữa tháng 2 năm 2025, tòa án triệu tập bà để ký giấy tờ gì đó. Lần này, họ tiết lộ rằng việc này liên quan đến án tù của bà vào năm 2018, nhưng cũng không cung cấp bất cứ thông tin chi tiết nào. Bà Quốc đã kết thúc thời hạn quản chế vào năm 2021. Theo luật, vụ bắt giữ bà gần đây nhất vào tháng 06 năm 2024 không liên quan gì đến án quản chế đối với bà.

Tòa án cũng buộc tội bà “cố gắng trốn chạy”. Sau khi tòa án xác nhận rằng cảnh sát không mở án đối với bà nữa, họ cho phép bà về nhà, nhưng đe dọa bà rằng “vẫn chưa xong chuyện đâu”.

Bị bắt vì tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Bà Quốc bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 1998. Chỉ bảy tháng sau khi tu luyện, bệnh khí phế thũng (một bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), bệnh đau đầu thần kinh và bệnh ngoài da toàn thân của bà không cánh mà bay.

Sau khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà Quốc tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền thực hành đức tin của mình. Bà bị bắt ngay khi tàu hỏa tới Bắc Kinh. Bà bị giam giữ trong một sân vận động và sau đó bị đưa trở lại Thư Lan vào nửa đêm. Kể từ đó, bà trở thành “mục tiêu chính” trong danh sách đen của cảnh sát địa phương.

Vào tháng 10 năm 1999, cảnh sát sách nhiễu bà Quốc tại nhà mỗi ngày và lệnh cho bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà quyết định tới Bắc Kinh thỉnh nguyện một lần nữa. Trước khi bà rời khỏi tỉnh Cát Lâm, bà đã bị bắt và bị giam giữ 15 ngày với lý do “gây rối trật tự xã hội”.

Tới ngày 17 tháng 03 năm 2000, bà lại tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện lần thứ ba. Bà bị bắt tại ga tàu hỏa thành phố Cát Lâm. Diêu Thụ Học, trưởng Đồn công an Đông Phú, đã giam giữ bà 15 ngày và phạt bà 500 nhân dân tệ. Vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công tại cơ sở giam giữ, cảnh sát đã bắt bà phải chịu án lao động 1 năm. Trong khi thụ án tại Trại lao động cưỡng bức Hắc Chủy Tử, bà vẫn kiên định đức tin của mình, và để trả thù, lính canh đã không cho người nhà vào thăm bà. Họ cũng tùy ý đánh đập và lăng mạ bà. Khi được thả, bà bị bắt phải trả 1.000 nhân dân tệ.

Thêm nhiều vụ bắt giữ và giam giữ

Một nhóm cảnh sát đột nhập vào nhà bà Quốc lúc 5 giờ sáng ngày 23 tháng 4 năm 2004 và lục soát nơi ở của bà. Máy ghi âm, băng nhạc luyện công Pháp Luân Công và kinh sách Pháp Luân Công của bà đều bị tịch thu. Bà cùng chồng đều bị giam giữ 15 ngày với lý do “gây rối trật tự xã hội”. Họ cũng bị bắt trả 320 nhân dân tệ tiền ăn uống trong khi bị giam giữ.

Lần bắt giữ tiếp theo đối với bà Quốc là vào khoảng nửa đêm một ngày trong tháng 1 năm 2007. Đầu tiên, cảnh sát sách nhiễu bà và một giờ sau trở lại để lục soát nhà bà. Các kinh sách Pháp Luân Công, kéo cắt và lịch có thông tin Pháp Luân Công của bà đều bị tịch thu. Bà bị giam giữ thêm 5 ngày vì “gây rối trật tự xã hội” và bị bắt phải trả 160 nhân dân tệ tiền ăn uống.

Tháng 3 năm 2008, cảnh sát lại đột kích nhà bà Quốc. Không tìm thấy kinh sách Pháp Luân Công hay tờ thông tin chân tướng nào, họ đã lấy đi Pháp tượng của nhà sáng lập Pháp Luân Công. Bà lại bị giam giữ thêm 5 ngày nữa và bị bắt trả 160 nhân dân tệ tiền ăn uống.

Tới ngày 18 tháng 7 năm 2015, bà lại bị bắt vì giảng chân tướng Pháp Luân Công cho người dân. Bà bị giam giữ 15 ngày trong Cơ sở giam giữ Nam Sơn. Người nhà bà bị ép trả 900 nhân dân tệ tiền ăn cho bà.

Cùng thời điểm đó, bà Quốc đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Vì thế, cảnh sát đã bắt giữ bà vào khoảng 7 giờ tối ngày 22 tháng 8 năm 2015. Họ giam giữ bà 15 ngày, rồi chuyển bà tới một trung tâm tẩy não vào ngày 6 tháng 9, nhưng chưa rõ đó là thời gian nào.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/13/491593.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/29/226022.html

Đăng ngày 13-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share