Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-08-2024] Trong hai thập kỷ qua, chính quyền Cộng sản Trung Quốc làm đủ mọi cách để ép buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin. Một trong những chiến thuật của họ là bức hại các học viên về mặt tài chính – bằng cách phạt nặng, cắt lương hưu, tịch thu tiền mặt trong khi lục soát nhà và tống tiền để đổi lấy việc được trả tự do hoặc giảm án.

Bởi vì một số giao dịch liên quan đến số tiền rất lớn, cảnh sát yêu cầu các học viên và người nhà của họ nộp tiền mặt, thay vì chuyển qua ngân hàng hoặc thanh toán điện tử để không lưu lại vết trên giấy tờ.

Dưới đây là một vài ví dụ về việc tống tiền trong những năm gần đây.

“Bà vẫn muốn lấy lại 20,000 Nhân dân tệ đó sao?”

Ông Triệu Bảo Lỗi là một chủ doanh nghiệp nhỏ ở thành phố Tề Hạ, tỉnh Sơn Đông. Năm 2017, ông phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở thị trấn Miêu Hầu và bị bắt. Sau đó, ông bị giam tại một trại tạm giam.

Cảnh sát yêu cầu gia đình ông phải trả 20.000 Nhân dân tệ để bảo lãnh cho ông. Sau đó, chị gái của ông Triệu hỏi cảnh sát khi nào sẽ trả lại số tiền đó. Cảnh sát trưởng trả lời: “Bà vẫn muốn lấy lại 20.000 Nhân dân tệ đó sao?”

Gia đình phải trả 80.000 Nhân dân tệ để một người đàn ông được thả

Ngày 17 tháng 4 năm 2017, ông Trình Ngọc Phát, 48 tuổi, một quân nhân về hưu ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, bị chặn tại một trạm kiểm soát đường bộ. Cảnh sát phát hiện một số tài liệu Pháp Luân Công trên xe của ông, và bắt giữ ông.

Gia đình ông, không phải là học viên Pháp Luân Công, phải nhờ đến các mối quan hệ cá nhân để trả tự do cho ông bằng cách chiêu đãi cảnh sát một bữa ăn. Ban đầu, cảnh sát yêu cầu trả 50.000 Nhân dân tệ để trả tự do cho ông, sau đó tăng lên 80.000 Nhân dân tệ. Cuối cùng ông Trình được thả sau khi nộp tiền.

Con trai phải trả 100.000 Nhân dân tệ để người mẹ được thả

Ngày 28 tháng 12 năm 2017, bà Chu Hậu Mai bị hơn 20 cảnh sát từ đội an ninh nội địa Thiên Tân, đội an ninh nội địa Quận Ngũ Thanh, và đồn công an Đấu Trường Trang bắt giữ. Lúc đó, bà Chu đang đến thăm một học viên khác, ông Cao Ngọc Minh. Con trai bà phải chi gần 100.000 Nhân dân tệ để hối lộ các quan chức, nhưng bà vẫn bị kết án 4 năm tù.

Gia đình một người phụ nữ ở tỉnh Sơn Tây bị tống tiền 100,000 Nhân dân tệ

Ngày 15 tháng 1 năm 2020, cảnh sát thành phố Dương Tuyền, tỉnh Sơn Tây, và các viên chức ủy ban gọi điện cho con gái của bà Quách Thúy Anh, cô Liên (bí danh), yêu cầu cô đến ủy ban xã Kim Tam và thuyết phục mẹ cô từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Họ đe dọa việc học của các con cô cũng như công việc của cô sẽ bị ảnh hưởng nếu mẹ cô tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công.

Chính quyền tống tiền cô Liên 100.000 Nhân dân tệ, cho biết mỗi năm sẽ trả lại cô 10.000 Nhân dân tệ nếu năm đó bà Quách không bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Nhưng nếu bà Quách bị bắt, 10.000 Nhân dân tệ sẽ bị tịch thu. Do áp lực quá lớn, chồng của cô Liên đang tính đến chuyện ly hôn với cô.

Người chồng phải trả 20,000 Nhân dân tệ để vợ được thả

Ngày 30 tháng 3 năm 2020, bà Phong Thúy Hà ở thành phố Chư Thành, tỉnh Sơn Đông, bị bắt vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Khi chồng bà trở về nhà, cảnh sát lục soát nhà bà. Ông nhận thấy những vết bầm tím trên mặt vợ mình, và hỏi cảnh sát tại sao họ lại đánh bà. Cảnh sát cố gắng chối bỏ trách nhiệm, và nói người tố giác bà đã đánh bà.

Ban đầu, cảnh sát yêu cầu chồng bà Phong phải trả 50.000 Nhân dân tệ để trả tự do cho bà, nhưng ông nói mình không có nhiều tiền đến vậy. Ngày 2 tháng 4 năm 2020, cảnh sát gọi lại, và giảm số tiền xuống còn 20.000 Nhân dân tệ. Bà được thả khi gia đình nộp 20.000 Nhân dân tệ.

Cảnh sát: “Trả cho chúng tôi 240.000 Nhân dân tệ và chúng tôi sẽ thả ông ta”

Sau khi ông Lưu Quốc Hoa ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt vào ngày 12 tháng 5 năm 2021, cảnh sát của phòng an ninh nội địa quận Tân Đô và đồn công an Trúc Hoa Viên yêu cầu gia đình ông phải trả 240.000 Nhân dân tệ để ông được thả.

Vào năm 2019, cũng tại Thành Đô, cảnh sát của đồn công an Quế Hồ tống tiền gia đình một học viên lớn tuổi 60.000 Nhân dân tệ để bà được tự do.

Năm 2020, cảnh sát của đồn công an Quế Hồ cố gắng tống tiền gia đình ông Vương Quốc Hoa để đổi lấy sự tự do cho ông. Gia đình ông không chịu tuân theo, và ông bị kết án 3 năm tù.

“Trả 100.000 Nhân dân tệ và tôi sẽ thả bà ấy”

Bà Huyền Lập Phân ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, bị bắt vào ngày 18 tháng 10 năm 2021. Khi một thành viên lớn tuổi trong gia đình qua đời, gia đình bà Xuân nhất quyết yêu cầu thả bà để dự tang lễ. Một cảnh sát nói: “Trả cho chúng tôi 100.000 Nhân dân tệ và tôi sẽ thả bà ấy”. Gia đình phải lùi đám tang đến 12 ngày sau, cho đến khi bà Huyền hết hạn tạm giam.

Trả 50.000 nhân dân tệ và chúng tôi sẽ thả họ

Ngày 1 tháng 11 năm 2023, bà Tạ Bảo Hoa và bà Vương Duyệt Hoa ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, bị bắt. Gia đình họ buộc phải trả 50.000 Nhân dân tệ cho mỗi người để được thả.

“Chỉ nhận tiền mặt, không nhận chuyển khoản”

Ngày 13 tháng 11 năm 2021, bà Trần Vương Thu, bà Vương Tú Hà, bà Vương Á Lý và ông Chân Quán Thiên, 55 tuổi, đến từ thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đến một hội chợ cộng đồng để nói với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Họ bị tố giác và bị bắt vào chiều hôm đó. Ông Chân bị bắt nộp 20.000 Nhân dân tệ, trong đó 10.000 Nhân dân tệ để bảo lãnh và 10.000 Nhân dân tệ còn lại không có biên nhận. Cảnh sát đặc biệt yêu cầu phải nộp tiền mặt, và từ chối nhận chuyển khoản.

“Trả 50.000 đến 70.000 Nhân dân tệ trong một tháng, nếu không cô ấy sẽ phải nhận án tù 3 đến 7 năm”

Cô Lâm Quốc Lan ở thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm, nhận được lệnh bắt giữ vào ngày 5 tháng 1 năm 2022. Sau khi cảnh sát đệ trình vụ việc của cô lên viện kiểm sát huyện Lục Hợp, họ yêu cầu gia đình cô phải trả từ 50.000 đến 70.000 Nhân dân tệ để đổi lấy việc thả cô. Họ nói rằng nếu không nhận được tiền trong một tháng, cô Lâm sẽ bị kết án từ 3 đến 7 năm tù. Không rõ gia đình cô có chấp thuận hay không, nhưng quả thực cô Lâm đã bị kết án 3 năm tù, và bị chuyển vào Nhà tù Nữ Cát Lâm vào đầu tháng 9 năm 2022.

Gia đình phải trả 10.000 Nhân dân tệ để người phụ nữ được thả

Bà Tôn Phong Cầm bị một số cảnh sát từ đồn công an Hình Hoa ở quận Thường Nghi bắt tại nhà vào khoảng 8 giờ tối ngày 12 tháng 8 năm 2022. Nhà của bà bị lục soát. Cảnh sát tịch thu tất cả các sách Pháp Luân Công của bà cùng với 2.300 Nhân dân tệ tiền in thông điệp về Pháp Luân Công.

Bà Tôn bị giữ ở đồn công an trong 3 ngày. Gia đình bà bị bắt trả 10.000 Nhân dân tệ để bà được tại ngoại.

Gia đình buộc phải trả 200,000 Nhân dân tệ để người phụ nữ được thả

Vào thời điểm bà Trương Ngọc Hồng ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, mãn hạn 4 năm tù vào tháng 11 năm 2022 vì tu luyện Pháp Luân Công, người phụ nữ từng khỏe mạnh này đã bị tàn tật bởi tra tấn.

Khi nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh thông báo cho con trai bà Trương đến đón bà, anh từ chối và khẳng định nhà tù phải chịu trách nhiệm về tình trạng của bà. Nhà tù đưa bà Trương đến một viện điều dưỡng, và cố gắng kiện con trai bà vì đã bỏ rơi bà.

Năm 2021, nhà tù từ chối thả bà Trương để chữa bệnh, thay vào đó yêu cầu gia đình bà phải trả 200.000 Nhân dân tệ để đổi lấy việc thả tự do cho bà. Do không đủ khả năng chi trả, bà Trương vẫn bị giam giữ.

“Chỉ nhận tiền mặt, không được phép chuyển khoản qua WeChat”

Lúc 1 giờ chiều ngày 12 tháng 8 năm 2023, một số cảnh sát do Đỗ Chí Quốc, trưởng đồn công an thị trấn Tam Trà dẫn đầu, đến nhà bà Vương Yến ở thôn Đông số 9. Họ lục soát nhà bà và tịch thu một bức ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công và một sách bài hát. Khi bà Vương và con trai cố gắng ngăn cản, cả hai đều bị bắt và đưa đến đồn công an.

Chiều hôm đó, chồng của bà Vương và những người họ hàng khác đến đồn công an để yêu cầu trả tự do cho bà Vương cùng con trai. Đỗ nhất quyết yêu cầu họ phải trả 100.000 Nhân dân tệ, sau đó thương lượng xuống còn 30.000 Nhân dân tệ. Ông ta yêu cầu họ trả bằng tiền mặt, chứ không phải chuyển khoản bằng WeChat (một phương thức thanh toán phổ biến ở Trung Quốc). Sau khi trả tiền (mà không có biên nhận), con trai của bà Vương được thả vào khoảng 9 giờ tối, nhưng bà Vương vẫn bị giam giữ trong khoảng 5 ngày.

“Trả 30.000 Nhân dân tệ để bảo đảm cho con trai được thả”

Ngày 12 tháng 4 năm 2021, cảnh sát thành phố Ngân Xuyên, khu tự trị Hồi Ninh Hạ, bắt giữ con trai của bà Vương Cư Hương, sau đó họ nói với gia đình bà Vương rằng gia đình bà cần phải trả 30.000 Nhân dân tệ để trả tự do cho ông. Trong 2 ngày, gia đình cố gắng gom góp số tiền đó, nhưng vẫn không đảm bảo được sự tự do cho con bà. Cảnh sát tuyên bố họ bắt giữ con trai của bà Vương vì người mẹ 75 tuổi của ông bị tố giác trong khi nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công, mặc dù con trai bà không tu luyện Pháp Luân Công.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/30/481368.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/22/220960.html

Đăng ngày 23-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share