[MINH HUỆ 23-08-2024] Ngày 21 tháng 8 năm 2024, Thượng viện Úc đã thông qua một dự luật mới, nhằm mục đích chống lại nạn buôn bán nội tạng bất hợp pháp và cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ người sống.

cd4a5aaddaa071e90a5f4369fa40fa8e.jpg

Tòa nhà Quốc hội tại Canberra, Úc

Dự luật về Luật Di trú Sửa đổi (về tiết lộ cấy ghép nội tạng ở nước ngoài và các biện pháp khác) năm 2023 lần đầu tiên được Thượng nghị sỹ đảng Tự do Dean Smith đề xuất vào tháng 6 năm 2023. Đến tháng 11, Dự luật đã được đệ trình lên Ủy ban Luật pháp Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại để xem xét. Ngày 22 tháng 3 năm 2024, Thượng viện đã tổ chức phiên điều trần công khai về Luật Sửa đổi.

Sau các cuộc tranh luận vào ngày 15 và 21 tháng 8, dự luật đã được thông qua sau khi nhận được sự ủng hộ từ các thượng nghị sỹ của các đảng Tự do, Quốc gia, Xanh và các thượng nghị sỹ độc lập.

Trong quá trình dự luật được thông qua, câu chuyện về học viên Pháp Luân Công, ông Trình Bội Minh (Cheng Peiming) đã được các hãng truyền thông lớn ở Anh, Hoa Kỳ và Úc đưa tin rộng rãi. Ông Trình là nạn nhân đầu tiên còn sống sót trong các vụ thu hoạch nội tạng sống có hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tháng trước, ông đã có bài phát biểu tại Washington D.C. Và kể lại trải nghiệm của mình về những gì đã xảy ra với ông ở Trung Quốc.

Thượng nghị sỹ Smith: Bước tiến quan trọng nhất

Dự luật này sửa đổi Đạo luật Di trú năm 1958 của Úc với mục đích thực hiện một số khuyến nghị trong báo cáo năm 2018 của Tiểu ban Nhân quyền có tiêu đề “Lòng trắc ẩn, chứ không phải là thương mại: Cuộc điều tra về Buôn bán Nội tạng Người và Du lịch Ghép tạng”.

Dự luật yêu cầu tất cả hành khách đến Úc phải khai báo trên thẻ hành khách nhập cảnh về việc họ có được ghép tạng ở nước ngoài trong năm năm qua hay không. Nếu câu trả lời là có, những người đến Úc sẽ được yêu cầu khai báo quốc gia, tiểu bang và địa phương mà họ đã được ghép tạng, cũng như tên của cơ sở y tế nơi diễn ra ca phẫu thuật. Dữ liệu này sẽ được thu thập và công bố trong báo cáo thường niên và trình lên Quốc hội.

217b0d6dfef688c6846bd15f49d8278f.jpg

Thượng nghị sỹ Dean Smith của Đảng Tự do ở Tây Úc phát biểu tại cuộc tranh luận về Luật Sửa đổi ngày 21 tháng 8. (Ảnh do trang web của Thượng viện Úc cung cấp)

Thượng nghị sỹ Dean Smith, người bảo trợ dự luật, đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí ngày 21 tháng 8 năm 2024: “Thông tin này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các tổ chức nhân quyền, các tổ chức y tế, và Chính phủ Úc trong việc phân tích dữ liệu về xu hướng ghép tạng ở nước ngoài, đồng thời giúp xác thực bằng chứng hiện có về hoạt động buôn bán hoặc thu hoạch nội tạng ở nước ngoài.”

“Dự luật này cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức về tính nhạy cảm và rủi ro đi đôi với hoạt động du lịch ghép tạng, khuyến khích công dân và cư dân Úc cân nhắc xem kế hoạch nhận ca phẫu thuật ở nước ngoài có thể mang đến rủi ro nào gắn với việc ghép tạng phi đạo đức hoặc không an toàn hay không.”

Theo thông cáo báo chí, “Dự luật đã được Thượng viện thông qua với sự ủng hộ của các Thượng nghị sỹ liên đảng mà không có sự chia rẽ.”

Thượng nghị sỹ Smith cho biết, “Đây là bước tiến quan trọng nhất có được trong nhiều thập kỷ qua nhằm thúc đẩy nỗ lực của Úc trong việc chống nạn buôn bán và thu hoạch nội tạng phi pháp và phi đạo đức ngày càng gia tăng.

“Đây là bước đi đầu tiên quan trọng dù chậm trễ trong việc đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn của Chính phủ Úc đối với những hành vi ghê rợn này.” “Sáng kiến ​​đơn giản và giản dị này sẽ có tác động to lớn trong việc vạch trần phạm vi của tội ác quốc tế phức tạp và mờ ám này.”

Dự luật hiện sẽ được chuyển xuống Hạ viện để tiếp tục tranh luận.

Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp: Quốc hội Úc chú ý đến tội ác của ĐCSTQ

Tiến sỹ Lucy Zhao, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Úc, hoan nghênh dự luật mới. Bà cho biết việc thông qua dự luật mang một thông điệp đặc biệt và quan trọng, vì đây là hành động lập pháp đầu tiên của Quốc hội Úc nhằm hạn chế nạn thu hoạch nội tạng bất hợp pháp. Trong cuộc tranh luận, các thượng nghị sỹ đã trình vấn đề thu hoạch nội tạng sống cũng như cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công và tù nhân lương tâm lên cấp Quốc hội.

Nhiều quốc gia đã thông qua các dự luật tương tự, và Tiến sỹ Zhao hy vọng chính phủ Úc có thể tiến thêm một bước nữa và thông qua các dự luật trừng phạt thủ phạm cấy ghép nội tạng phi pháp, tương tự như luật mà Vương quốc Anh và Canada đã thông qua.

Các thượng nghị sỹ liên đảng ủng hộ dự luật mới trong cuộc tranh luận

Trong cuộc tranh luận ngày 15 tháng 8, Thượng nghị sỹ Smith cho biết các cơ quan lập pháp của nhiều quốc gia, như Canada và Vương quốc Anh, đã có những bước tiến khi thông qua các dự luật và chính sách liên quan. Úc không tham gia vào vấn đề này và dự luật này nhằm thúc đẩy sứ mệnh của Úc trong việc duy trì và đẩy mạnh nhân quyền, cả ở Úc và trên toàn thế giới.

Khi nói về bối cảnh của Luật Sửa đổi, Thượng nghị sỹ Smith cho biết, “… trong một thời gian dài, mọi người không tin rằng điều này thực sự đang xảy ra trên thế giới chúng ta. Tôi rất vui khi nói tôi nghĩ hiện những người hoài nghi đã ít đi và nhiều người hơn nhận ra rằng điều này đang xảy ra trên quy mô khiến người ta phải kinh hoàng khi biết, khi hiểu ra.”

2024-8-22-au-senate_03.jpg

Thượng nghị sỹ Claire Chandler phát biểu tại cuộc tranh luận về Luật Sửa đổi ngày 15 tháng 8. (Ảnh từ trang web của Thượng viện Úc)

Thượng nghị sỹ Claire Chandler phát biểu tại cuộc tranh luận ngày 15 tháng 8: “Đây là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền đáng lo ngại nhất hiện nay và bằng chứng cho thấy tình trạng này đang gia tăng trên toàn thế giới; nghĩ vậy mà thấy thật đáng sợ.”

Thượng nghị sỹ Chandler đã dẫn ra ước tính của WHO vào năm 2008, nói rằng 5% ca ghép tạng trên toàn thế giới được thực hiện phi pháp. Bà cho biết, “… có những lo ngại không nhỏ về nạn thu hoạch nội tạng nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công…”

Bà cho biết tỷ lệ này cho thấy mức độ nghiêm trọng của nạn buôn bán nội tạng phi pháp, đây là tội ác tày đình, vi phạm nghiêm trọng quyền con người trên toàn cầu. “Úc cầm phải làm mọi cách có thể để chống lại hoạt động tội phạm đen tối vô cùng này.”

79e21540575b726af229f2d2ae3d20e6.jpg

Thượng nghị sỹ David Shoebridge đã phát biểu tại cuộc tranh luận về Luật Sửa đổi vào ngày 21 tháng 8. (Ảnh do trang web của Thượng viện Úc cung cấp)

Thượng nghị sỹ Đảng Xanh David Shoebridge ủng hộ việc thông qua dự luật và cho biết vào ngày 21 tháng 8 rằng luật này cho phép Úc theo kịp nỗ lực quốc tế. Ông tuyên bố, “Dự luật này đưa chúng ta tiến thêm một bước nữa để trở thành một công dân toàn cầu tốt”, “Chúng tôi nghĩ rằng đây là một hành động thể hiện sự đàng hoàng toàn cầu. Chúng tôi nghĩ rằng đây là loại hành động mà Úc nên thực hiện.”

Úc không thể im lặng

e1c3bbde43e82fdba51c73ef3d61d0a7.jpg

Thượng nghị sỹ Paul Scarr phát biểu tại cuộc tranh luận về Luật Sửa đổi ngày 15 tháng 8. (Ảnh từ trang web của Thượng viện Úc)

Thượng nghị sỹ Quốc gia Tự do Paul Scarr, khi phát biểu tại cuộc tranh luận, đã trích dẫn thông cáo báo chí của Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc vào tháng 6 năm 2016. Thông cáo báo chí nêu rõ rằng các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và người theo đạo Cơ Đốc đang bị giam giữ tại Trung Quốc có thể bị cưỡng chế xét nghiệm máu và thăm khám nội tạng mà không có sự đồng thuận của họ, và kết quả xét nghiệm được lưu vào cơ sở dữ liệu về nguồn nội tạng sống để thuận lợi cho việc phân bổ nội tạng.

“Tôi lưu ý rằng Vương quốc Anh đã sửa đổi Đạo luật Mô người (Human Tissue Act) tại Anh để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, Canada cũng đã có những bước đi để sửa đổi Bộ luật Hình sự liên quan đến vấn đề này. Vì vậy, chúng ta cần phải bắt kịp với các đối tác quốc tế của mình.

“Chúng ta không thể im lặng trước những vấn đề này. Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức phải nêu lên những vấn đề này, và hôm nay, tại đây, tôi đã nêu lên vấn đề này một cách thiện chí.”

ba4a4e43e692eba7927ba6f356a86107.jpg

Thượng nghị sỹ Đảng Quốc gia Ross Cadell phát biểu tại cuộc tranh luận về Luật Sửa đổi ngày 15 tháng 8. (Ảnh từ trang web của Thượng viện Úc)

Thượng nghị sỹ Ross Cadell của Đảng Quốc gia phát biểu trong cuộc tranh luận ngày 15 tháng 8 rằng dự luật có thể không đảm bảo được việc điền phiếu sẽ tuân thủ 100%, nhưng nó sẽ bắt đầu xây dựng một ngân hàng thông tin có thể giúp Úc xác định các hoạt động buôn bán nội tạng phi pháp tiềm ẩn trong tương lai. Ông cho biết, “… nếu lần đầu tôi ra nước ngoài nhận tạng hiến tặng, hơn nữa phương thức nhận tạng lại sai, thì khi quay về Úc, tôi cũng không phạm tội gì ở Úc.” Tuy nhiên, có nơi trên thế giới lại “… có người bị cưỡng chế hiến tạng cho tôi, mà có khi là không có sự đồng thuận của họ, có thể là vì họ quá khó khăn về kinh tế mà phải làm vậy. Đối với người nộp thuế Úc thì chi phí không đáng kể gì, chỉ cần có tấm thẻ mới và xử lý dữ liệu đôi chút, nhưng những người ít có tiếng nói gì nhất trên thế giới này lại mang lại lợi ích tiềm tàng rất lớn.”

4a52b36a6bed90ed40aa572b2606a435.jpg

Thượng nghị sỹ James McGrath phát biểu tại cuộc tranh luận về Luật Sửa đổi vào ngày 15 tháng 8. (Ảnh do trang web của Thượng viện Úc cung cấp)

Thượng nghị sỹ James McGrath của Đảng Quốc gia Tự do đã dành lời tri ân đặc biệt cho những học viên Pháp Luân Công đã dự cuộc tranh luận ngày 15 tháng 8. Ông cho biết: “Tôi cũng muốn ghi nhận những người có mặt tại phòng trưng bày đang chứng kiến ​​và quan sát cuộc tranh luận về dự luật này tại hội trường này.”

Thượng nghị sỹ McGrath đã trích dẫn báo cáo năm 2021 của Liên Hợp Quốc, trong đó nêu rõ rằng Liên Hợp Quốc có bằng chứng có hiệu lực về nạn buôn bán nội tạng người. Ông nói, “Thật dã man. Điều đó sẽ khiến mọi người trong phòng họp này vô cùng tức giận. Điều đó sẽ khiến mọi người lắng nghe, dù là trong phòng này hay tại các phòng trưng bày của phòng này, hay qua các kênh truyền hình mạch kín hoạt động trong tòa nhà này, rằng có một quốc gia trên thế giới này thực sự biến việc buôn bán nội tạng cưỡng bức thành hoạt động thương mại, bởi vậy dự luật này là rất kịp thời.”

Cuối bài phát biểu, ông nói, “Những gì dự luật này làm sẽ đảm bảo rằng chúng ta sẽ làm nhiều hơn và chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Không một người nào, dù là người Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người theo đạo Cơ Đốc, đạo Hồi, hay người Trung Quốc nói chung đang ở Trung Quốc cộng sản và có thể đang bị giam giữ, đáng bị đưa vào một hệ thống phi nhân tính, nơi họ bị đối xử như những sản phẩm thương mại có thể thu hoạch khi có người chọn hoặc nhổ củ cà rốt lên khỏi đất hay hái táo trên cây. Mà ở đây, chúng ta đang nói về con người.”

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/23/481126.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/24/219657.html

Đăng ngày 29-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share