Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Úc

[MINH HUỆ 28-06-2024] Luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada, ông David Matas, tác giả của cuốn “Thu hoạch đẫm máu: Thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc” (Bloody Harvest: Organ Harvesting of Falun Gong Practitioners in China), đã được mời sang thăm Úc gần một tháng vào tháng 6 vừa qua. Ông đã gặp gỡ các quan chức dân cử cũng như người dân địa phương ở Canberra, Melbourne, Adelaide, Perth và Sydney, đồng thời được nhiều cơ quan truyền thông chính thống phỏng vấn. Các cuộc thảo luận tập trung vào vấn đề kiềm chế nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và ngăn chặn người Úc trở thành đồng phạm với những tội ác nghiêm trọng này.

Đài Truyền hình Sky News của Úc đã thực hiện một cuộc phỏng vấn đặc biệt với ông Matas và trang skynews.com.au đã đăng một bài viết về chuyến thăm của ông nhằm vạch trần nạn thu hoạch nội tạng tàn bạo của ĐCSTQ. Tuần báo News Weekly của Úc cũng đã xuất bản một bài báo vào ngày 19 tháng 6 với tựa đề “Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Trung Quốc là ‘vết nhơ cho thế giới’.“

c5e319020e660f8a78a7492b8eca63d3.jpg

Ông David Matas được Đài Truyền hình Sky News của Úc phỏng vấn ngày 21 tháng 6 năm 2024 (Ảnh chụp màn của Đài Truyền hình Sky News của Úc).

Thủ tướng Trung Quốc cũng có chuyến thăm Úc trong một tuần, trùng với thời gian chuyến thăm của ông Matas. Vì thế, hành vi vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đã trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Dựa theo cuộc điều tra chuyên sâu về nạn thu hoạch nội tạng trong gần 20 năm qua, ông Matas đã cung cấp thông tin cập nhật cho các quan chức dân cử và người dân Úc để họ hiểu rõ hơn về thực trạng của tội ác khủng khiếp này.

Đài Truyền hình Sky News của Úc: Thực tế nghiệt ngã của nạn thu hoạch nội tạng

Nhà báo và cũng là phát thanh viên chương trình tin tức nổi tiếng người Úc, cô Sharri Markson, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Matas trên Đài Truyền hình Sky News của Úc vào ngày 21 tháng 6. Trong buổi phát sóng trực tiếp, phát thanh viên của chương trình cho biết hồ sơ ghi nhận đối với vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Quốc là vô cùng nghiêm trọng, nhưng nội dung này đã không được phát sóng nhiều trong thời gian chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc.

Cô Markson cho biết: “Một trong những vấn đề ngày càng tồi tệ hơn là hoạt động thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Chúng ta không được nghe nói nhiều về vấn nạn này, nhưng có nhiều báo cáo điều tra chuyên sâu cho thấy các bệnh viện nhà nước đã bí mật thu hoạch nội tạng của hàng chục nghìn tù nhân, đôi khi còn lấy đi nội tạng quan trọng của họ ngay khi họ vẫn còn sống. Theo báo cáo, hoạt động này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong gần hai thập kỷ qua.”

Cùng ngày, trang skynews.com.au đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “Sự thật nghiệt ngã đằng sau nạn thu hoạch nội tạng có hệ thống từ tù nhân Trung Quốc qua lời tiết lộ của luật sư nhân quyền.” Bài báo nêu rõ: “Kể từ khi xuất hiện những báo cáo đầu tiên vào năm 2006 về tình trạng tù nhân chính trị và các học viên của môn tu luyện bị cấm Pháp Luân Công bị mổ lấy nội tạng trái với ý nguyện của họ, đến nay đã gần hai thập kỷ, song nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc vẫn liên tục dấy lên mối lo ngại. Một báo cáo điều tra năm 2007 do Nghị sỹ David Kilgour và Luật sư Nhân quyền David Matas của Canada thực hiện đã kết luận rằng một bệnh viện ở quận Tô Gia Đồn của Trung Quốc đã tiến hành thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công trên diện rộng.”

2eb96b1b28b31de5bce56a092112841f.jpg

Đài Truyền hình Sky News của Úc phỏng vấn ông David Matas.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Matas tiết lộ mức độ nghiêm trọng của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc và vì sao ĐCSTQ gây ra tội ác này. Ông giải thích, hành vi sai trái này mang lại nguồn lợi nhuận, lại có thể đàn áp các kẻ thù chính trị. Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố đã chấm dứt hoạt động lấy nội tạng từ các tử tù, nhưng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc.

Quy mô của loại tội phạm này thật đáng báo động. Nó phổ biến ở Trung Quốc và đã diễn ra từ đầu những năm 2000. Ông Matas giải thích: “Nạn nhân chủ yếu là các tù nhân lương tâm, các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những người theo đạo Cơ đốc tại gia.” Nhu cầu lớn nhất về nội tạng là thận, mỗi người chỉ cần một quả thận là có thể duy trì được sự sống. Ông nói thêm: “Nhưng trên thực tế, không ai sống sót sau những ca thu hoạch nội tạng này vì họ bị lấy đi nhiều nội tạng cùng một lúc và bị giết trong quá trình lấy tạng.”

Tại buổi phỏng vấn, người dẫn chương trình giải thích thêm rằng đây là những hoạt động tàn bạo. Trung Quốc được biết đến là nước không thân thiện với các nhà báo nên cô muốn biết làm sao ông Matas thực hiện được cuộc điều tra. Ông Matas đã thuật lại quá trình công phu đòi hỏi rất nhiều thời gian: “Chẳng hạn, về số các ca cấy ghép, điều chúng tôi làm là đến từng bệnh viện một và bổ sung những thông tin mà họ chưa đăng trên trang web của họ. Chúng tôi đã đến khoảng 700 bệnh viện. Nên cô có thể hình dung đó, phải mất rất nhiều thời gian để làm điều đó. Nhưng về lý thuyết thì không khó lắm. Chúng tôi phỏng vấn những người được ra tù và rời khỏi Trung Quốc. Họ kể với chúng tôi rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị xét nghiệm máu, kiểm tra nội tạng, còn những người khác thì không.” Từ hơn 700 bệnh viện này, nhóm điều tra đã thu được khá nhiều bằng chứng về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Ông Matas chỉ ra rằng còn rất nhiều việc phải làm, như: “Vào tháng 6 năm 2021, có 12 báo cáo viên nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ rằng có bằng chứng đáng tin cậy về nạn thu hoạch nội tạng từ nạn nhân là tù nhân lương tâm, nạn nhân là học viên Pháp Luân Công, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc, yêu cầu Trung Quốc hợp tác điều tra độc lập và yêu cầu Trung Quốc phản hồi, song nội dung phản hồi của Trung Quốc rất vô nghĩa. Vì vậy, không phải là họ hoàn toàn im lặng, nhưng việc hợp tác chắc chắn chưa tương xứng với bản chất của vấn đề.”

68a782fcd879e8010b6703c7ce042579.jpg

Khi đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc, Kênh 7 của Đài Truyền hình Úc ở Perth đã liên tục đề cập và chiếu những đoạn phim về các cuộc kháng nghị ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công. (Ảnh chụp màn hình Kênh 7 của Đài Truyền hình Úc cung cấp).

Tạp chí News Weekly của Úc: “Vết nhơ cho cả thế giới”

Vào ngày 19 tháng 6, tạp chí News Weekly của Úc đã đăng một bài báo do ông Patrick J. Byrne, cựu Chủ tịch Quốc gia của Hội đồng Công dân Quốc gia (NCC), viết. Bài báo trích dẫn công trình nghiên cứu của ông David Matas, cho biết ngành công nghiệp giết hại hàng loạt tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng của họ nhằm thu lợi là “vết nhơ cho cả thế giới”.

Theo điều tra của ông Matas, nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc đã mở rộng sau khi các học viên Pháp Luân Công bắt đầu kháng nghị ôn hòa trên Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1999. Ông giải thích: “Vì những học viên này không hút thuốc hay uống rượu, nên họ đã trở thành nguồn nội tạng sạch để cấy ghép so với các tù nhân khác ở nhiều nhà tù Trung Quốc, nơi bệnh viêm gan rất phổ biến.”

Ông cho biết thêm, khi số tù nhân Pháp Luân Công giảm dần, các nhóm mới đã trở thành mục tiêu của nạn thu hoạch nội tạng, như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương/Đông Turkestan, cũng như các tín đồ Cơ đốc giáo tại gia.

Bài báo nêu: “Căn cứ vào các báo giá cấy ghép nội tạng được quảng cáo, ngành công nghiệp này – dưới sự quản lý sát sao của quân đội Trung Quốc – ước tính thu về khoảng 8,9 tỷ USD hàng năm, chủ yếu từ khách hàng nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và Ai Cập.” Nhóm nghiên cứu của ông Matas đã thu thập được một cơ sở dữ liệu khổng lồ về bằng chứng về ngành này, mặc dù việc thu thập bằng chứng không hề dễ dàng.

Bài báo tiếp tục: “Giết hại hàng loạt tù nhân lương tâm để lấy nội tạng không biểu lộ rõ như nhiều tội ác khác. Các nạn nhân không lên tiếng được. Thi thể của họ bị hỏa táng nên không thể khám nghiệm tử thi.” Theo ông Matas: “Tội ác xảy ra ở những nơi như trại giam và bệnh viện, nơi không có người ngoài cuộc, chỉ có thủ phạm và nạn nhân. Số ít những người tố giác hầu hết không muốn công khai vì nguy cơ cho bản thân và gia đình, vả lại họ cũng không muốn công khai thừa nhận tội lỗi của mình. Hồ sơ bệnh viện, nhà tù và trại giam ở Trung Quốc đều không được công khai.”

Ông Matas giải thích, ĐCSTQ tham gia vào việc che giấu sự thật một cách có hệ thống, chặn các luồng dữ liệu từng được trích dẫn và phủ nhận mọi bằng chứng về hành vi bạo hành, thậm chí cả bằng chứng từ hồ sơ của chính họ. ĐCSTQ ngụy tạo ra những bằng chứng ngược lại, dễ nhận ra nếu xem xét kỹ lưỡng, nhưng cũng rất dễ bị đánh lừa nếu bất cẩn.

Nhóm điều tra của ông Matas đã phỏng vấn những người từng đến Trung Quốc để cấy ghép tạng. Những người này tiết lộ rằng các cuộc hẹn cấy ghép nội tạng chính như gan, phổi, và tim có thể được đặt trước vào những thời điểm cố định hoặc thông báo trước vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng ở những nơi khác trên thế giới, thời gian chờ đợi kéo dài hàng tháng, hàng năm. Điều đó có nghĩa là “ai đó đang bị giết vì ca cấy ghép đó”, ông cho biết.

98694f16bc4c990260ea66f2c2cc4f03.jpg

Luật sư nhân quyền David Matas kêu gọi cơ quan lập pháp Úc vạch trần nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ trong cuộc họp báo trước Tòa nhà Quốc hội Úc.

Bài báo đưa tin: “Trung Quốc là quốc gia cấy ghép tạng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cho đến năm 2010, quốc gia này vẫn chưa xây dựng hệ thống hiến tạng người chết. Thậm chí ngày nay, số nội tạng hiến qua hệ thống này vẫn còn rất nhỏ. Vậy, chúng ta có thể làm gì trước tội ác man rợ của thế kỷ 20 này? Công ước chống buôn bán nội tạng người năm 2015 của Hội đồng Châu Âu yêu cầu các quốc gia thành viên cấm công dân hoặc thường trú nhân đồng phạm trong việc lạm dụng cấy ghép tạng ở nước ngoài. Cho đến nay đã có 15 quốc gia phê chuẩn Công ước này.

Báo cáo nêu rõ: “Riêng các quốc gia như Israel, Đài Loan, Ý, Hàn Quốc, Anh và Canada đã ban hành luật cấm công dân nước mình tham gia vào các hoạt động lạm dụng cấy ghép nội tạng ở nước ngoài. Quốc hội Hoa Kỳ đã chuẩn bị một dự luật [Ghi chú của biên tập viên: Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công], theo đó sẽ thu hồi hộ chiếu của những người đồng phạm trong các hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng, đồng thời báo cáo về hành vi đồng phạm đó và các biện pháp trừng phạt đối với kẻ đồng phạm.”

Ông Matas đề nghị các bác sỹ phải có báo cáo bắt buộc cho cơ quan quản lý y tế về các trường hợp du lịch cấy ghép nội tạng, tương tự như việc báo cáo về sự sai sót, lạm dụng tình dục, lạm dụng trẻ em, mất năng lực, bệnh truyền nhiễm, v.v. Các bác sỹ y tế có thể xác định được những trường hợp du lịch ghép tạng vì những người này cần phải dùng thuốc chống đào thải liên tục.

Bài báo kết luận bằng cách trích dẫn lời của ông Matas rằng: “Mặc dù có vô số hành vi vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới, nhưng không thể so sánh được với việc Trung Quốc giết hại hàng loạt người vô tội và tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng.”

Tuần báo News Weekly được xuất bản bởi Hội đồng Công dân Quốc gia (NCC), một tổ chức tư nhân ở Úc có quá trình hình thành và phát triển hơn 80 năm với mục tiêu khôi phục các giá trị truyền thống.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/28/479141.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/30/218815.html

Đăng ngày 05-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share