Bài viết của Văn Tư Duệ, Trương Vũ Trừng
[MINH HUỆ 14-09-2023] Có rất nhiều ghi chép trong các tư liệu phương Đông và phương Tây về “bạch nhật phi thăng”, lơ lửng, bay lên. Ví dụ, trong các thầy Yoga, ẩn sĩ và người tu hành ở Ấn Độ, có nhiều người có thể bay lơ lửng trên không; Trong lịch sử phương Tây cũng có ghi chép về những “tu sĩ bay”. Các dân tộc và khu vực phổ biến kính Phật, tu Phật, đều không bài xích loại hiện tượng huyền bí này. Có rất nhiều ghi chép của những nhân chứng cổ kim Đông Tây về hiện tượng này, sau đây là một số ví dụ:
(Tiếp theo Phần 1)
Chỉ sử dụng từ khóa “Tạ Tự Nhiên” tìm kiếm “Tứ khố toàn thư”, kết quả liên quan đến khoảng 80 loại sách, tổng cộng 114 quyển, và xuất hiện 153 lần. Những tài liệu này bao gồm sách chính lịch, địa phương đồ chí, và điển tịch Đạo giáo.
Nói cách khác, việc “Bạch nhật phi thăng” của Tạ Tự Nhiên đã được ghi lại trong chính sử như “Tân Đường thư”, “Tứ khố toàn tư”, và cuốn sách chính thức tương tự như “Thái Bình quảng ký”, được lưu truyền cho các thế hệ sau. Đó là một thông tin có giá trị để mọi người hiểu về văn hóa Thần truyền Trung Hoa. Lịch sử do con người viết ra, có sự giới hạn của mỗi người viết, đồng thời cũng bộc lộ chân cơ.
2.2. Chuyện xen ngang
Hàn Tương Tử là cháu trai của Hàn Dũ, đồng thời là một trong “Bát Tiên” mà dân gian thường nói đến. Theo ghi chép, Hàn Tương Tử mất cha khi còn nhỏ, Hàn Dũ đã nuôi nấng cậu, vốn muốn để cậu lập công danh và báo đáp quốc gia, tuy nhiên, Hàn Tương Tử lại một lòng muốn học Đạo tu Tiên. Năm hai mươi tuổi, Hàn Tương Tử từ biệt Hàn Dũ, một mình du sơn vấn Đạo. Trên đường đi, Hàn Tương Tử gặp Lã Động Tân, người đã đắc Đạo thành Tiên, và được ông điểm hóa, sau này cũng đắc Đạo.
Sau khi Hàn Tương Tử đắc Đạo, ông trở về nhà bái kiến chúc thọ Hàn Dũ. Có lần ông đã biểu diễn cho Hàn Dũ (người chú của ông) và trước mặt mọi người rằng một thùng rượu trống không, chỉ trong phút chốc đã tràn đầy rượu ngon, và một hạt giống hoa trong phút chốc đã nảy mầm, lớn lên, và cuối cùng nở ra một bông hoa lớn màu đỏ, tỏa hương thơm. Hàn Dũ vô cùng kinh ngạc, bước tới quan sát bông hoa, nhìn thấy trên cánh hoa có một dòng chữ nhỏ: “Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại? Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền” (Mây ngang Tần lĩnh nhà nơi nào? Tuyết vây Lam quan ngựa không qua). Sau này, Hàn Dũ bị bắt giam vì đã khuyên hoàng đế không nên sùng kính Phật giáo, bị giáng xuống Triều Châu xa xôi. Khi đi đến một nơi tên là Lam quan, tuyết rơi dày đặc và đường đi ngày càng khó đi, ngựa của Hàn Dũ dừng lại không thể đi được nữa. Lúc này Hàn Dũ chợt nhớ tới hai câu thơ của Hàn Tương Tử, chợt ý thức được cháu trai mình đã sớm đoán trước được chuyện xảy ra ngày hôm nay, nghĩ tới tất cả lòng hiếu thảo mà Hàn Tương Tử ngày xưa đã thể hiện với mình, ông không khỏi bất giác thở dài: “Cháu ơi, lời cháu nói ngày đó, ta đã hiểu rồi, nhưng bây giờ cháu đang ở đâu?”
Vừa dứt lời đã nghe thấy tiếng vó ngựa. Hàn Dũ nhìn lại thì thấy đó là Hàn Tương Tử. Hàn Tương Tử một lần nữa khuyên chú cùng mình học Đạo tu Tiên. Hàn Dũ im lặng một hồi, thở dài: “Mặc dù cháu trai ta nói như vậy, nhưng ta vẫn nguyện ý nỗ lực hết mình để cuộc sống của bách tính tốt đẹp hơn. Giờ chuyện đã đến nước này, tất cả đều là định số”. Sau đó Hàn Dũ viết bài thơ “Tả thiên chí Lam quan thị điệt tôn Tương” (Đi đến Lam quan gặp cháu trai Tương Tử).
3. Thêm nhiều ghi chép về “Bạch nhật phi thăng” trong sử sách
3.1. Hoàng đế cưỡi rồng ra đi
Về “Bạch nhật phi thăng”, ghi chép sớm nhất có thể tìm thấy trong cuốn “Sử ký-Hiếu Vũ bản kỷ”: “Hoàng Đế thu thập đồng từ núi Thú Sơn, và đúc một chiếc đỉnh ở chân núi Kinh Sơn. Đúc xong, một con rồng rũ râu hạ xuống đón Hoàng Đế. Hoàng Đế cưỡi rồng, và hơn 70 người gồm quần thần và hậu cung cũng cưỡi rồng, rồng bay lên. Các quan nhỏ còn lại không lên được lưng rồng, tất cả đều nắm râu rồng, râu rồng bị nhổ ra, và làm cung của Hoàng Đế bị rơi. Bách tính đều ngẩng nhìn Hoàng Đế thăng thiên, họ vẫn cầm cung và ngọc Hồ tuần của Hoàng Đế mà khóc. Cho nên đời sau gọi nơi này là ‘Đỉnh Hồ’, cung của Hoàng Đế gọi là ‘Ô Hiệu’.“
Đại ý là Hoàng Đế đã sử dụng đồng khai thác từ núi Thú Sơn để đúc chiếc đỉnh lớn dưới núi Kinh Sơn. Khi chiếc đỉnh được đúc xong, một con rồng vàng với bộ râu rung rinh từ trên trời bay xuống, và mời Hoàng Đế leo lên trên lưng nó. Hoàng Đế cưỡi rồng. Các phi tần và quan đại thần cũng theo sau leo lên, tất cả là hơn 70 người. Những người khác không leo lên được, đành nắm lấy râu rồng. Đáng tiếc phàm nhân tâm quá nặng, râu rồng đứt, cây cung của Hoàng Đế cũng rơi xuống, mọi người cũng ngã xuống. Mọi người nhìn Hoàng Đế rời đi, họ ôm râu rồng và cung của Hoàng Đế, kêu khóc trong bụi đất. Sau này nơi này được gọi là Đỉnh Hồ và hiện nay thuộc thành phố Linh Bảo, tỉnh Hà Nam. Cây cung rơi của Hoàng Đế được gọi là Ô Hiệu.
Giá trị lịch sử của “Sử ký” luôn được cộng đồng học thuật ghi nhận. Khi Tư Mã Thiên viết “Sử ký”, ông đã thu thập nhiều tài liệu lịch sử khác nhau về những điều cổ xưa, và từ bỏ những thứ khó nắm bắt, chẳng hạn như khi ông đọc cuốn biên niên sử thượng cổ “Lịch phổ điệp” (đã bị thất lạc), bởi vì “văn tự cổ đều khác và nhiều chuyện kỳ lạ”, nên ông đã vứt đi. Mặc dù Tư Mã Thiên chỉ kể đơn giản về sự “Bạch nhật phi thăng” của Hoàng Đế, và sử dụng bút pháp Xuân Thu, nhưng đối với nhà sử học mà nói, không bị ràng buộc bởi những hạn chế của việc nhìn thấy mới tin, đó là điều hiếm có rất đáng quý.
Trong chính sử “Nhị thập tứ sử”, tôn chỉ là dùng lễ trị thiên hạ, dùng đức lập trật tự nhân luân, do đó, không có nhiều ghi chép về “Bạch nhật phi thăng” và các trường hợp khác trong giới tu luyện. Tuy nhiên, có một số lượng lớn ghi chép trong các sách chính thức. Cuốn sách “Thái Bình quảng ký”, được “biên soạn theo chiếu chỉ của hoàng gia” vào thời nhà Tống, chứa đựng một số lượng lớn các ví dụ về sự “phi thăng”, “vũ hóa” và “thi giải” của những người tu hành.
3.2. Trương Chí Hòa phi thăng bay đi trước mặt Nhan Chân Khanh và những người khác
Có một trường hợp trong “Thái Bình quảng ký” về sự tích tu luyện của Trương Chí Hòa, một nhà thơ vĩ đại của nhà Đường, mọi người đều quen thuộc với những bài thơ của ông, nhưng thực tế ông còn là một người tu luyện đắc Đạo.
Trương Chí Hòa, người gốc Sơn Âm ở Cối Kê, là người học rộng đa tài, văn chương siêu phàm. Ông đã đỗ tiến sĩ. Ông không chỉ là một nhà thơ tài hoa mà còn giỏi thư pháp và hội họa. Tình hình tu luyện của Trương Chí Hòa được tiết lộ lẻ tẻ trong “Tục Tiên truyện”, nói rằng ông là người “thủ chân dưỡng khí”, và có thể “nằm trong tuyết mà không bị lạnh, xuống nước mà không bị ướt”. Ông du ngoạn tất cả núi sông của thiên hạ, đối với công danh, ông từ lâu đã coi nhẹ rồi.
Lỗ Quốc Công Nhan Chân Khanh là bạn tốt của Trương Chí Hòa. Khi Nhan Chân Khanh làm Thứ sử Hồ Châu, ông uống rượu với các văn nhân chí sĩ, trong bữa tiệc, họ hát và sáng tác lời bài hát “Ngư phủ”, bài thơ đầu tiên chính là của Trương Chí Hòa. Ca từ có câu: “Tây tái sơn biên bạch điểu phi, đào hoa lưu thủy quyết ngư phì. Thanh nhược lạp, tà phong tế vũ bất tu quy”. (Biên cương bên núi chim trắng bay, hoa đào nước chảy cá béo thay. Mũ tre xanh, chẳng trở về, mặc cho gió thổi với mưa bay)
Nhan Chân Khanh và Lục Hồng Tiệm, Từ Sĩ Hoành, Lý Thành Củ, tổng cộng đã họa 25 bài, truyền nhau xem và khen ngợi với nhau. Trương Chí Hòa nhờ người lấy màu và lụa trắng ra và vẽ ý nghĩa của từ “Cảnh Thiên”, chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành được năm bức tranh. Hoa, chim, cá và côn trùng, cảnh quan và tác phẩm vẽ độc đáo kỳ diệu, cổ kim không có ai vượt qua. Nhan Chân Khanh và các vị khách của ông hết lời khen ngợi. Sau này, khi Nhan Chân Khanh đi về phía Đông đến trạm dịch Bình Vọng, Trương Chí Hòa uống rượu, uống đến lúc say thì chơi trò chơi trên mặt nước, đặt ghế trên mặt nước và ngồi trên đó một mình, uống rượu, cười và hát. Chiếc ghế đó đi lại nhanh chậm, giống như âm thanh của chiếc thuyền. Sau đó có mây và hạc bay theo sau trên đầu ông. Nhan Chân Khanh và những người khác trên bờ đứng xem đều rất ngạc nhiên. Không lâu sau, Trương Chí Hòa vẫy tay trên mặt nước, bày tỏ lòng biết ơn với Nhan Chân Khanh, rồi bay lên rồi ra đi.
3.3. Nhan Chân Khanh thi giải và ra đi
“Bạch nhật phi thăng” là một trong những hình thức siêu thường được người tu luyện viên mãn sử dụng khi họ rời khỏi nhân gian, còn thi giải là một phương pháp phổ biến khác được sử dụng khi người tu luyện đạt đến viên mãn.
Chữ khải theo phong cách Nhan (Nhan thể khải thư) do Nhan Chân Khanh khai sáng là “ngay chính nhưng không cứng nhắc, trang trọng nhưng không hung hiểm, rộng lớn thâm sâu, uy nghi nhẹ nhàng mà hào phóng”, “tâm thông ý cổ, gửi khéo léo trong vụng về”, có ảnh hưởng rất lớn về lịch sử thư pháp Trung Quốc. Tác phẩm “Đa Bảo tháp bi” (tên đầy đủ: “Đại Đường Tây Lương Thiên Phúc tự đa bảo Phật tháp cảm ứng bi”) của ông viết vào thời kỳ đầu, “Đông phương họa tán” và “Nghiêm cần lễ bi” của ông viết vào thời kỳ giữa, và “Lâm Cô Tiên đàn ký” được viết vào những năm cuối đời của ông, v.v., không chỉ là những kiệt tác về thư pháp, mà còn phản ánh hành trình tu luyện cá nhân của ông.
“Thái Bình quảng ký” còn thu lục sự tích của nhà thư pháp nổi tiếng triều Đường, Thái tử Thái sư, Lỗ Quận Công Nhan Chân Khanh dũng cảm đến doanh trại của quân phản nghịch, thà chết chứ không khuất phục, và chết một cách anh hùng. Ngoài ra, “Thái Bình quảng ký – quyển 32” còn ghi lại rằng: hơn 10 năm sau cái chết của Nhan Chân Khanh, một người hầu của nhà họ Nhan đã gặp Nhan Chân Khanh ở Lạc Ấp. Nhan Chân Khanh nói: “Ta tu Đạo, lấy việc bảo toàn hình hài là ưu tiên”. Điều này có nghĩa là: Ta là một người tu Đạo, phải bảo toàn thân thể hoàn chỉnh. Tức là Nhan Chân Khanh đã dùng hình thức thi giải khi viên mãn. Thi giải là một hình thức phổ biến, tức là người đã đắc Đạo viên mãn, trước tiên sẽ để người thường đưa họ vào quan tài và chôn cất như một người bình thường, nhưng sau đó lại hóa thành một chiếc gậy tre hoặc một chiếc giày trong quan tài, còn bản thân người đó sẽ tiếp tục sống ở nhân gian với cơ thể và ngoại hình của họ khi còn sống, để độ hóa người hữu duyên, đồng thời cũng có thể ra vào Tiên giới.
Xuyên suốt các triều đại trong lịch sử, văn hóa tu luyện đã được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều thể hiện sự đề cao trong tu luyện, và trở về Thiên giới. Cơn sốt khí công và các công năng đặc dị dần dần bắt đầu nổi lên vào những năm 1970 của thế kỷ trước, phản ánh khát vọng nội tâm của con người là phản bổn quy chân, mong muốn sự vĩnh hằng. Văn hóa Thần truyền đã tạo ra tiêu chuẩn làm người lấy đạo đức làm gốc, và phép tắc tu luyện, do đó trong xương tủy của người Trung Quốc thực sự có nền tảng văn hóa “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.
(Còn tiếp)
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/9/14/“白日飞升”古今考-2–465106.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/18/212976.html
Đăng ngày 20-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.