Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Úc
[MINH HUỆ 06-12-2021] Kính chào Sư phụ từ bi! Chào các đồng tu!
Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 26 năm. Năm 2007, gia đình ba người chúng tôi rời Trung Quốc. Mặc dù chúng tôi đã rời khỏi môi trường bức hại tàn khốc, nhưng tôi đã không tu luyện tinh tấn. Áp lực công việc và nhiều áp lực khác khiến tôi không cân bằng được mối quan hệ giữa công việc, cuộc sống và tu luyện. Tôi thường phàn nàn trong mâu thuẫn và mất bình tĩnh với các thành viên trong gia đình.
Mặc dù tôi biết một người tu luyện không nên hành xử như vậy, nhưng chỉ là tôi không thể kiểm soát được bản thân. Tôi phát hiện ra rằng tâm oán hận và tức giận của tôi bắt nguồn từ các chấp trước mạnh mẽ đối với đạt được mục tiêu của mình. Điều đó phản ánh việc tôi không tu luyện tâm tính chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi đối xử với người khác bằng sự khoan dung và nhã nhặn, nhưng lại đối xử với chính các thành viên trong gia đình mình theo một tiêu chuẩn khác. Tiêu chuẩn kép này có nghĩa rằng tu luyện của tôi là giả tu.
Để có nhiều thời gian linh hoạt hơn cho hạng mục Đại Pháp, chúng tôi lập một doanh nghiệp gia đình nhỏ. Tuy nhiên, tiền vay mua nhà, chi phí sinh hoạt hằng ngày và hạng mục Đại Pháp đều cần tiền. Vợ tôi phải làm rất nhiều việc và lịch làm việc mỗi ngày đều kín mít.
Tôi cũng tham gia vào bốn hạng mục giảng chân tướng. Mỗi ngày tôi cảm thấy kiệt sức. Đôi khi tôi thậm chí ngủ gật trên xe trong khi đợi đèn giao thông. Tôi thường phàn nàn với vợ rằng tôi không muốn làm quá nhiều công việc kinh doanh.
Đôi khi tôi có thể bình tĩnh để hướng nội và có thể thấy các quan niệm người thường của mình khi học Pháp. Tuy nhiên, khi mẫu thuẫn xảy ra, tôi vẫn không thể kiểm soát được bản thân. Trong buổi học nhóm và chia sẻ của chúng tôi, tôi luôn phàn nàn rằng chúng tôi không có tiến triển. Tôi tỏ ra rất có kinh nghiệm nhưng sự thực thì tôi muốn thay đổi người khác.
Trước đây, tôi học quản trị kinh doanh và là một ông chủ của công ty. Tôi đã hình thành một cách nhìn nhận sự việc và con người của riêng mình. Văn hóa Đảng đã ăn sâu trong tôi. Mặc dù tôi có thể tu tâm tính trong hành vi của mình, nhưng tôi luôn đổ lỗi cho người khác, thay vì hướng nội mà tu chính mình. Tôi biết rằng đây không phải là trạng thái của một người tu luyện, nhưng tôi nghĩ rằng mình đang làm điều đó vì Đại Pháp. Tôi không thể tìm ra giải pháp cho vấn đề này và nó đã trở thành trở ngại trong tu luyện của tôi trong nhiều năm. Nó thường khiến tôi cảm thấy khổ sở và hoang mang. Tôi cố gắng né tránh mâu thuẫn, nhưng tôi đã giải đãi trong tu luyện.
Điều phối viên của chúng tôi và các đồng tu đôi khi từ bi chỉ ra những vấn đề của tôi. Tôi cũng tự hỏi bản thân liệu có bao giờ tôi có thể ngừng phàn nàn không.
Sư phụ giảng:
“Do đó chúng ta phải ở trong hoàn cảnh phức tạp như vậy mà tu luyện, cần chịu khổ trong những cái khổ; đồng thời còn phải có tâm Đại Nhẫn.”(Bài giảng thứ chín-Chuyển Pháp Luân)
Từ trong Pháp, tôi đã ngộ ra rằng sức chịu đựng và năng lực của tôi là không đủ. Tôi đã không dùng tiêu chuẩn cao hơn để yêu cầu bản thân. Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi những sự vụ và áp lực trong thế giới con người. Tôi đã không đối xử với chúng bằng chính niệm của một người tu luyện, do đó tôi đã không chú ý tới tâm tính. Tôi tự nhủ: Sau này khi gặp khó khăn và mâu thuẫn, nhất định phải giữ được tâm thái hòa ái, và tùy kỳ tự nhiên. Tôi cũng phải làm tốt công việc của mình, không phàn nàn.
Một hôm, hạng mục mà tôi tham gia đề nghị tôi chia sẻ. Ngay khi buổi chia sẻ trực tuyến bắt đầu, vợ tôi mở cửa và nói rằng chúng tôi phải làm việc vào buổi chiều. Tôi đã bị kích động và nói: “Anh phải tham gia một cuộc họp rồi.” Nhưng tôi lập tức nhận ra tâm oán hận của tôi đã xuất hiện, vì vậy tôi cố gắng bình tình lại.
Tôi hỏi một đồng tu liệu tôi có thể là người chia sẻ đầu tiên được không. Anh ấy đồng ý. Sau khi chia sẻ, tôi đi làm. Khách hàng của tôi là một người Ấn Độ. Cô ấy nói với chúng tôi rằng Ấn Độ đã bùng phát dịch Covid. Nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng không có tiền chữa trị nên chỉ còn biết chờ chết. Chúng tôi lập tức giảng chân tướng cho cô ấy.
Từ trải nghiệm này, tôi nhận ra rằng không có sự tách bạch giữa công việc và tu luyện, và Sư phụ Lý (người sáng lập Đại Pháp) đã an bài mọi thứ. Và tôi cũng nhận ra rằng khi có sự xung đột về thời gian giữa công tác Đại Pháp và công việc người thường, thì đột nhiên khách hàng sẽ hủy bỏ việc vào ngày hôm đó. Khi tôi dành tiền cho một hạng mục giảng chân tướng, công việc kinh doanh của tôi sẽ tăng trưởng và tiền sẽ quay lại.
Tôi ngộ ra rằng nếu tôi không cân bằng tốt mối quan hệ giữa công việc và tu luyện, và nếu tôi không tu luyện tốt, thì dù tôi có làm bao nhiêu việc Đại Pháp đi chăng nữa, điều đó cũng như người thường làm các việc bình thường. Sau khi ngộ ra điều đó, tôi bắt đầu đối xử nghiêm túc với mọi thứ ở nhà. Tôi chủ động làm những việc nặng nhọc, vất vả. Tôi không còn khăng khăng theo ý kiến riêng của mình nữa. Tôi khoan dung với người nhà và thực sự tu bản thân.
Môi trường gia đình tôi trở nên hài hòa trở lại. Vợ tôi từng phàn nàn rằng trạng thái tu luyện của tôi không tốt. Ngoài ra, một hạng mục Đại Pháp mà cô ấy tham gia đã bị dừng lại. Vì vậy, trong một thời gian rất dài, cô ấy đã không tham gia học Pháp nhóm. Khi thấy những thay đổi của tôi, cô ấy đã quay lại học Pháp nhóm.
Giáo dục con trai
Sau khi tốt nghiệp đại học, con trai tôi đã đi tìm việc làm, nhưng dù làm công việc gì thì cũng không kéo dài được lâu. Con trai tôi bắt đầu làm một số công việc kinh doanh nhưng vẫn không thành công. Khi cháu về Đại lục làm ăn, cháu đã thua lỗ hết tiền. Sau khi cháu trở về, tôi không nói gì. Từ khi tôi thay đổi, tôi đã có thể nói chuyện với con trai mình. Tôi không đổ lỗi cho cháu, thay vào đó, tôi giúp cháu phân tích tình hình.
Tôi biết rằng việc một đứa trẻ trải qua một số thất bại trong quá trình trưởng thành là một điều tốt, và đó có thể là tôi đã nợ con tôi ở đời trước. Để cháu nhận ra rằng cháu cần kiên trì trong công việc, tôi đã dành thời gian rảnh rỗi trong một năm để cải tạo lại sân trước và sau nhà. Vật liệu, thiết kế, và thi công đều do tôi tự làm. Tôi nói với cháu: “Con xem, đường đời giống như vậy. Con cần kiên trì làm mọi việc mà không sợ khó khăn. Để thành công, con cần phải làm tốt từng việc một.” Tôi đã từng giục cháu học một kỹ năng nào đó, nhưng cháu không chịu nghe lời. Giờ đây cháu đã chấp nhận gợi ý của tôi, có thể chịu trách nhiệm và bắt đầu cuộc sống của riêng mình.
Đối mặt với tâm tiêu cực
Tôi đã từng làm việc ở Sydney, vì vậy tôi đi lại thường xuyên giữa hai thành phố. Một đồng tu ở Canberra phát tờ rơi và thu thập chữ ký thỉnh nguyện đã nhờ tôi mang về một số tài liệu từ Sydney. Cô ấy nhờ tôi nhiều lần, nhưng tôi chưa đồng ý. Tôi có tâm oán hận, cảm thấy rằng môi trường tu luyện ở Canberra không tốt như tôi mong muốn. Tôi không muốn liên quan.
Mặc dù tôi có thể nhận ra những thiếu sót của bản thân, nhưng tôi vẫn dùng Pháp để đánh giá người khác và bám cứng vào quan niệm của bản thân với lý do duy hộ Pháp. Khi thấy Đại Pháp chịu tổn thất hoặc khi hạng mục mà tôi tham gia gặp can nhiễu, tôi trở nên tức giận. Tâm thái tiêu cực này của tôi phản ánh cả trong cách cư xử với các thành viên trong gia đình cũng như với các đồng tu.
Mặc dù tôi không biểu lộ cảm xúc ra ngoài, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn có gián cách với các đồng tu khác. Tôi không muốn phối hợp mà muốn làm mọi việc theo cách riêng của mình. Tôi cũng tìm kiếm sự ủng hộ trong các học viên để chứng tỏ mình đang cố gắng duy hộ Pháp. Trong lúc làm một hạng mục giảng chân tướng, khi tôi gặp phải vấn đề từ gia đình mình hay các đồng tu khác, tôi thường không thể đối đãi với các khảo nghiệm như một học viên. Tôi cảm thấy tức giận và bất bình khi thấy sau đó kết quả không tốt.
Nhưng một ngày nọ, một giọng nói vang lên trong tâm trí tôi: “Tại sao con không ngộ ra?” Tôi cảm thấy Sư phụ đang nói chuyện với mình. Tôi lập tức hướng nội: “Mình bị sao vậy? Minh đã làm sai ở đâu?”
Vài ngày sau, tôi nhớ lại những gì mà đồng tu đó đã nhờ tôi làm nhiều lần. Tôi tự nhủ: Đó là việc cứu người – tại sao tôi lại để cho tư tưởng người thường của mình lấn át? Mặc dù tôi không tức giận đối với vị đồng tu này, nhưng nhân tâm của tôi thực sự đang trì hoãn việc lớn là cứu người!
Một ngày trên đường đi tham gia học Pháp nhóm, tôi đã gặp vị đồng tu này. Tôi thành tâm nhận lỗi với đồng tu, và hứa sẽ phối hợp sau này. Trong thời gian chia sẻ sau khi học Pháp xong, tôi đã công khai xin lỗi đồng tu này trước mặt tất cả các đồng tu và nhận lỗi của mình. Tôi phải có can đảm để thừa nhận những sai lầm, đối mặt với những chấp trước của mình và tu bỏ chúng.
Niệm đầu tiên nên nghĩ đến tu luyện
Canberra là thủ đô của Úc, và chúng tôi thường gửi tài liệu giảng chân tướng cho các nghị sỹ. Vì vậy, tôi đã đặt mua 100 bộ sách giảng chân tướng “Bằng chứng thép”. Trước đây, khi tôi thu thập chữ ký thỉnh nguyện, có một số người yêu cầu đưa ra bằng chứng về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Tuy nhiên khi tôi nói với điều phối viên về 100 bộ sách và thảo luận về cách dùng chúng, điều phối viên quyết định không gửi chúng cho các nghị sỹ, nói rằng gửi một bộ cho mỗi người trong số họ thì không hiệu quả lắm. Lúc đó, tâm của tôi khá bình tĩnh.
Là một người tu luyện, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là tu luyện. Tôi làm một phép so sánh: Suy nghĩ của tôi trước đây là gì, và bây giờ tôi nên làm gì để đạt tiêu chuẩn của một người tu luyện? Đó có phải là khảo nghiệm do Sư phụ an bài không? Tôi đột nhiên ngộ ra: Chẳng phải đây là cơ hội để tôi loại bỏ tâm oán hận và chấp trước vào được mất hay sao? Tôi nghĩ nó thật tuyệt vời! Chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc và thiêng liêng đến thế, trong lòng biết ơn vô hạn.
Khi tôi buông bỏ những chấp trước người thường của mình, trí huệ của tôi xuất lai. Tôi cũng nhận ra nhất định phải có chỗ để sử dụng 100 bộ sách này và chúng chắc chắn sẽ đóng vai trò của chúng. Chẳng hạn như chúng có thể được cung cấp cho các thư viện, cơ quan tư pháp, hoặc được sử dụng khi thu thập chữ ký về thu hoạch nội tạng.
Điều phối viên cũng giới thiệu sách đến các học viên ở các thành phố khác. Một học viên đề nghị chúng tôi cung cấp cho các nghị sỹ địa phương. Nỗ lực chung của các học viên đã tạo ra nhiều kênh hơn để quảng bá cho cuốn sách và kết quả tốt hơn tôi mong đợi ban đầu.
Từ góc độ nghĩ cho người khác trước, tôi có thể hiểu được quyết định của người điều phối, vì cô ấy hiểu rõ tình hình hơn. Tôi không nên có bất kỳ quan niệm người thường nào. Qua sự việc này, tôi cảm thấy mình đã đạt được một bước đột phá trong tu luyện. Tư duy hẹp hòi trước đây của tôi về chấp trước mất và được đã được trừ bỏ, và tôi có thể cảm thụ được trí huệ rộng lớn và bao la của thế giới mười phương được khái quát trong Phật gia. Nếu tôi không nắm bắt cơ hội này do Sư phụ an bài để đề cao trong tu luyện, tôi hẳn đã lãng phí công sức của Sư phụ, từ đó mất đi cơ hội cứu người và đề cao của mình. Đó sẽ là một cái mất thực sự.
Nhờ đề cao trong tu luyện, tôi đã vượt qua được sự cản trở ngăn tôi đề cao trong tu luyện trong nhiều năm. Buông bỏ hơn nữa các quan niệm người thường giúp tôi có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, và thể ngộ của tôi về Chân-Thiện-Nhẫn đã thâm sâu hơn. Trạng thái tu luyện cảm tính của tôi đã thay đổi.
Sư phụ giảng:
“Thời tôi tu luyện trong quá khứ, có rất nhiều cao nhân đã giảng cho tôi câu này, họ nói: “Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành.” Thực ra đúng là như vậy. Nếu không ngại gì thì khi về nhà chư vị hãy thử đi. Khi gặp khó khăn kiếp nạn, hoặc khi vượt quan, chư vị hãy thử xem: khó Nhẫn, chư vị hãy cứ Nhẫn xem sao; thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng. Nếu chư vị có thể thật sự thực hiện được như vậy, thì chư vị sẽ phát hiện rằng ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’!”(Bài giảng thứ chín-Chuyển Pháp Luân)
Sau khi đề cao trong tu luyện, tôi ngộ được ý nghĩa sâu sắc hơn của Pháp lý trên: Chỉ khi một người tu luyện buông bỏ những chấp trước người thường, người đó mới có thể đạt đến trạng thái Chân Nhẫn. Cái Nhẫn của một người tu luyện liên quan tới nhận thức về tu luyện của người đó, sự từ bi và khoan dung vĩ đại của người tu luyện, tín tâm kiên định của người đó đối với Đại Pháp, không phải là kiểu chịu đựng trong nước mắt.
Sư phụ giảng;
“Không hề nảy sinh uất hận, không cảm thấy uỷ khuất thì mới là cái Nhẫn của người tu luyện.”(Thế nào là Nhẫn -Tinh tấn yếu chỉ)
Lời kết
Sư phụ giảng:
“Hãy buông hết các bất mãn của các vị, đó đều là chấp trước của các vị. Hãy cẩn thận cái miệng của các vị. Trong các học viên, thì những lời không ở trong Pháp thì chư vị không xứng nói ra. Hãy hoàn thành sứ mệnh của chư vị, đó là hy vọng duy nhất của tương lai. Các đệ tử Đại Pháp là ‘dĩ Pháp vi Sư’, ‘sơ tâm không đổi’, thì mới có thể viên mãn.”(Gậy cảnh tỉnh mạnh mẽ)
Bằng cách đo lường theo Pháp, tôi thấy rằng các hành vi của tôi đã thể hiện sự giận dữ, phẫn uất và không dung thứ cho sự bất công. Bây giờ Chính Pháp đã tới giai đoạn cuối cùng, nếu tôi vẫn không chính lại trạng thái của mình, liệu tôi có thể viên mãn chăng? Trước đây, tôi nghĩ tôi có tâm tu luyện thuần tịnh và tôi cũng hết sức cố gắng cứu người. Chiểu theo Pháp của Sư phụ, tôi ngộ ra rằng trong nhiều năm, tôi đã có chấp trước và quan niệm người thường lẫn lộn trong tu luyện của mình. Tôi ngộ ra đây chính là lý do ngăn cản tôi đề cao trong tu luyện.
Sư phụ giảng:
“Điều con người khó bỏ được nhất là quan niệm, có người thậm chí vì giả lý mà hy sinh sinh mệnh chứ không cải biến, ấy thế mà quan niệm là hậu thiên hình thành. Người ta vẫn luôn nhìn nhận loại niệm đầu vốn khiến bản thân không cân nhắc thêm nhưng lại không tiếc gì mà hy sinh hết thảy mà không dao động ấy là tư tưởng của chính mình, ngay cả thấy chân lý cũng bài xích. Kỳ thực, ngoại trừ phần thuần chân của tiên thiên ra, hết thảy quan niệm đều là hậu thiên hình thành, thật sự không phải bản thân mình đâu.”(Tồn tại vì ai-Tinh tấn yếu chỉ)
Thông qua học Pháp, tôi ngộ ra rằng tôi coi những được mất của người thường là bảo hộ và chứng thực Pháp – quan niệm này đã củng cố các chấp trước, đồng thời tăng cường ma tính của tôi.
Tôi ngộ ra rằng quan niệm người thường khác xa với các Pháp lý hồng đại và từ bi của Sư phụ. Thể ngộ cá nhân của tôi không phải là chân lý của Đại Pháp. Tôi không nên khăng khăng bám vào ý kiến của mình mà nên buông bỏ nó. Khi thể ngộ của tôi về Pháp đề cao, tôi cảm thấy rằng một phần vật chất lớn đã được loại bỏ khỏi tâm trí của tôi. Khi tôi hát một bài hát Đại Pháp, ngay cả giọng tôi cũng trong hơn. Vợ tôi nói: “Đó là vì anh không còn oán hận nữa.”
Nhiều năm trước khi tôi luyện công, Sư phụ đã cho tôi thấy những cảnh đẹp trên thiên thượng. Khi ấy, tôi cảm thấy tâm mình và thế giới tươi đẹp đó đã hòa quyện vào nhau. Bây giờ tôi nhận ra chắc hẳn đó là Sư phụ đã điểm hóa cho tôi. Không có giới hạn nào đối với việc đề cao trong tu luyện Đại Pháp. Tôi sẽ học Pháp nhiều hơn, tu luyện tinh tấn, không đánh mất tâm tu luyện thuở ban đầu, xứng đáng với sự từ bi khổ độ của Sư phụ, và hoàn thành sứ mệnh lớn lao của một đệ tử.
Vì tầng thứ tu luyện của tôi có hạn, không tránh khỏi có những thiếu sót. Tôi mong các đồng tu từ bi chỉ ra.
Tạ ơn Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!
(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội Tâm đắc thể hội Pháp Luân Đại Pháp trực tuyến tại Úc năm 2021)
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác phát hành trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/6/434407.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/8/196908.html
Đăng ngày 04-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.