Bài viết của phóng viên Báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 10-07-2020] Từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, bà Vương Hiểu Yến, một cư dân 59 tuổi ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt giữ sáu lần và bị cầm tù hai lần với tổng thời gian là 18 năm.
Sự tàn bạo mà bà phải chịu đứng dưới bàn tay của chính quyền là không thể tưởng tượng nổi và đã khiến bà nhiều lần ở bên bờ vực của cái chết.
Bà Vương đã phải chịu sự tổn thương vô cùng lớn cả về thân thể lẫn tinh thần bởi bà từ chối từ bỏ đức tin của mình. Sự tra tấn liên tục trong khi đang bị giam giữ khiến bà trở thành người tàn tật. Bà bị đau dữ dội ở các khớp xương và thị lực bị mờ kéo dài.
Tại thời điểm tồi tệ nhất, bà Vương bị mất phản xạ và liên tục bị bất tỉnh. Có thời điểm toàn thân bà gồm cả đầu và cánh tay bị đánh đập tím xanh đen. Các cơ bị hoại tử, nó giống như một tấm ván sơ cứng.
Bà còn bị tổn hại to lớn về tài chính. Tiền lương của bà bị đình chỉ từ tháng 7 năm 1999 tới tháng 7 năm 2017. Có thông tin cho rằng khoản tiền lương của bà bị Phòng 610 lấy để chi trả cho những khoản tiền phạt của bà. Sau khi bà Vương được trả tự do vào năm 2017, tiền lương mà bà nhận được từ Cục An sinh Xã hội giảm xuống chỉ vừa đủ sinh sống.
Dưới dây là câu chuyện cá nhân của bà Vương về sự bức hại mà bà phải trải qua trong suốt 20 năm qua.
Có được cuộc sống mới sau khi tu luyện Pháp Luân Công
Một ngày trong năm 1989, khi tôi chỉ mới 28 tuổi, tôi có một cảm giác khác lạ. Tôi đi kiểm tra sức khỏe tổng thể tại một bệnh viện và được chẩn đoán bị ung thư tuyến giáp. Tôi bị choáng váng bởi thông tin nghiệt ngã này và cảm giác giống như bị sét đánh giữa một ngày trời quang.
Tôi đã phẫu thuật hai lần, làm hóa trị và nhiều phương pháp điều trị y tế khác nhưng đều không có tác dụng. Hậu phẫu thuật quá đau đớn khiến tôi mất hết niềm tin vào cuộc sống và không muốn sống thêm nữa. Tính khí của tôi cũng trở nên rất tệ; tôi trở nên dễ tức giận với mọi thứ, suốt ngày cãi nhau với chồng và coi thường mẹ chồng. Gia đình hạnh phúc một thời của tôi bị đảo lộn hoàn toàn.
Tôi vô cùng may mắn được biết đến Pháp Luân Công trong thời điểm tồi tệ nhất của cuộc đời. Sau khi tu luyện, tôi hiểu tại sao con người ta sống và tại sao con người lại bị bệnh. Tôi cũng tìm được ý nghĩa cho cuộc đời mình.
Tôi yêu cầu bản thân mình hành xử theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Tôi không còn tranh cãi với chồng và đối xử tốt hơn với mẹ chồng. Trong cuộc sống hàng ngày và công việc, tôi luôn đặt người khác lên trước. Khi tôi cải biến trong tu luyện, các bệnh tật của tôi cũng biến mất hoàn toàn.
Thấy được sự thay đổi của tôi, mẹ chồng tôi cũng trở thành một học viên Pháp Luân Công. Bệnh tim của bà cũng biến mất và bà trở nên ân cần hơn. Gia đình tôi một lần nữa lại tìm được hạnh phúc.
Nhiều lần bị bắt giữ vì kiên định đức tin của mình
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân đã bắt đầu cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công. Dưới chính sách “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” của Giang, hàng trăm nghìn học viên bị cầm tù, và một lượng lớn học viên bị giết; hàng triệu gia đình học viên bị hủy hoại. [Ghi chú của biên tập viên: Hơn 4.000 học viên được xác nhận đã qua đời trong cuộc bức hại, nhưng bởi sự kiểm duyệt và phong tỏa thông tin của ĐCSTQ, con số thực tế có thể cao hơn nhiều lần.]
Ngày 10 tháng 9 năm 1999, tôi tham gia một nhóm luyện công bên bờ sông. Chúng tôi bị bắt giữ và bị đưa tới Đồn Công an Tĩnh Vũ, ở đó chúng tôi bị đối xử như những tù nhân hình sự. Sau đó, tôi bị đưa tới một trại tạm giam bởi tôi từ chối từ bỏ đức tin của mình. Tiếp sau đó, họ chuyển tôi tới một trung tâm tẩy não trong 15 ngày.
Tôi chứng kiến những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong trung tâm tẩy não. Tôi bị tra tấn cả về thân thể lẫn tinh thần hơn một tháng.
Sau khi được trả tự do, điện thoại của tôi bị theo dõi phi pháp. Vào tháng 3 năm 2000, tôi bị bắt giữ và bị đưa tới một trại giam địa phương vì nói chuyện qua điện thoại với một học viên về việc tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Sau khi bị bắt, tôi bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Vũ Gai Bảo hơn 80 ngày. Tại thời điểm đó, thời tiết ở Phủ Thuận rất lạnh; tôi bị buộc phải ngủ trên ghế băng mà không có chăn hay đệm.
Tháng 7 năm 2000, tôi tới Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh với hy vọng nói cho người dân biết ĐCSTQ đang vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của chúng tôi và Pháp Luân Công là tốt. Bởi tôi luyện các bài công pháp Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn nên tôi bị bắt giữ một lần nữa và bị đưa tới Đồn Công an Tĩnh Vũ ở thành phố Phủ Thuận. Tôi bị giam giữ tại đồn công an 15 ngày, sau đó bị đưa tới một trung tâm tẩy não. Tiếp đó, tôi bị kết án hai năm rưỡi tại một trại lao động cưỡng bức.
Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Vũ Gia Bảo đã tuyệt thực tập thể để phản đối sự tra tấn mà chúng tôi phải chịu đựng bao gồm đánh đập và treo người lên. Tôi bị biệt giam và bị đánh đập dã man bởi tôi tố cáo sự ngược đãi tàn bạo của lính canh với trưởng trại tạm giam.
Ngày 22 tháng 9 năm 2000, trại lao động đưa tôi và một số học viên khác tới Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng, nơi được gọi là địa ngục trần gian của các học viên. Để “chuyển hóa” các học viên, lính canh nhà tù lăng mạ Pháp Luân Công và Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Công) mỗi ngày. Khi học viên từ chối “chuyển hóa”, họ bị cấm ngủ và bị tra tấn tàn bạo.
Sự ngược đãi khiến tôi bắt đầu ho và nôn ra máu không ngừng cho tới khi tôi không thể nói được. Tôi được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế vào đêm giao thừa.
Từ năm 1999 tới năm 2002, tôi bị theo dõi và điện thoại của tôi bị giám sát. Tôi bị bắt giữ và cầm tù năm lần; nhà tôi cũng bị lục soát. Khi tôi bị bắt giữ lần thứ 5, con trai vị thành niên của tôi cũng ở nhà và cháu cũng bị đưa tới đồn công an.
Kể từ sự việc này, tôi đã bỏ nhà đi sống một mình để gia đình không bị đe dọa hay bị bắt giữ.
Ngày 10 tháng 4 năm 2002, tôi bị bắt giữ một lần nữa trong khi đang đi trốn. Cảnh sát tịch thu tài sản cá nhân của tôi bao gồm hai điện thoại di động và 20.000 Nhân dân tệ tiền mặt. Trong khi thẩm vấn, tôi không cung cấp thông tin gì cho cảnh sát và sau đó tôi bị đưa tới trại tạm giam Phủ Thuận.
Sau một năm giam giữ, bị kết án 15 năm
Trong trại tạm giam, tôi tuyệt thực để phản đối sự giam giữ tùy tiện. 20 ngày sau, tôi lâm vào tình trạng nguy kịch. trại tạm giam đưa tôi về nhà, họ sắp xếp cả cảnh sát thường phục và quân phục xung quanh nhà để giám sát tôi.
Vào ngày mẹ và em trai tôi tới thăm. Khi tôi mở cửa cho mẹ và em, cảnh sát cũng xông vào nhà tôi. Họ ra lệnh cho tôi phải từ bỏ Pháp Luân Công. Tôi nói rằng Pháp Luân Công đã cứu sống tôi và tôi sẽ tiếp tục tu luyện. Tôi cũng nói họ đừng bị ĐCSTQ đánh lừa. Do đó, tôi bị đưa trở lại trại tạm giam.
Sáu tháng sau, cảnh sát từ Sở Công an Phủ Thuận đưa tôi tới văn phòng của họ để thẩm vấn. Để tôi trả lời câu hỏi, cảnh sát Quan Yong nói với tôi rằng đồng tu Trâu Quế Vinh (sau đó được xác nhận là đã chết vì bị tra tấn tại trại tạm giam) đã nhảy lầu tự tử.
Tôi nói: “Sư phụ chúng tôi dạy tự tử là một tội ác. Một học viên Pháp Luân Công chân chính sẽ không tự tử. Chắc anh đã đẩy bà ấy xuống cầu thang và giết bà ấy. ”
Quan Yong rất tức giận với phản hồi của tôi. Anh ta trói hai tay tôi ra sau lưng và treo cánh tay của tôi lên. Tôi đã khóc và nói: “Thả tôi xuống!”
Khi một cảnh sát khác giúp thả tôi xuống, tôi nói với anh ấy “Tu luyện Pháp Luân Công không vi phạm pháp luật. Tôi chỉ giúp mọi người hiểu sự thật. Tôi hành xử theo Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để trở một người nội chợ tốt ở nhà, một nhân viên tốt tại nơi làm việc và một công dân tốt của xã hội. Tôi đã làm gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công?”
Quan Yong còn cố gắng cưỡng bức tôi và tôi đã kháng cự quyết liệt. Sau đó anh ta cấm tôi ngủ ba ngày và tra tấn tôi với nhiều hình thức khác nhau. Anh ta cố gắng buộc tôi ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công được in sẵn nhưng tôi từ chối. Sau những nỗ lực thất bại, anh ta đưa tôi trở lại trại tạm giam.
Sau khi bị giam cầm một năm, bản án của tôi được ban hành. Tôi bị kết án 15 năm tù mà không dựa trên một cơ sở pháp lý nào. Thậm chí lính canh còn đồng ý rằng cuộc bức hại là quá tàn ác. Tôi đã viết đơn kháng án, nhưng tòa án trung cấp vẫn giữ nguyên bản án ban đầu.
Tra tấn tàn bạo trong Nhà tù Đại Bắc Thẩm Dương
Ngày 10 tháng 4 năm 2003, tôi bị chuyển tới Nhà tù Đại Bắc Thẩm Dương. Ban đầu, nhà tù từ chối chấp nhận tôi vì tôi bị ung thư. Nhưng họ đã nhận hối lộ 1.000 Nhân dân tệ mà Phòng 610 tịch thu của tôi – số tiền gia đình đưa tôi để chi trả chi phí sinh hoạt, và sau đó nhà tù đồng ý tiếp nhận tôi.
Thời điểm đó, dịch bệnh SARS đang lây lan rộng. Thực phẩm tươi và nhu yếu phẩm hàng ngày không được cung cấp. Nhà tù cho chúng tôi ăn ngô mốc khiến tôi bị ợ chua hàng ngày và sức khỏe bị tổn hại.
Mỗi ngày, lính canh không ngừng lăng mạ Pháp Luân Công và nỗ lực buộc tôi từ bỏ tu luyện. Tôi bị tổn hại tinh thần và thường xuyên bị sốc.
Đội trường mới cử hai tù nhân sách nhiễu tôi trong nhà xưởng của nhà tù. Tôi đã tuyệt thực để phản đối sự tra tấn vô nhân đạo này.
Tôi hô lớn: “Tôi là một bệnh nhân ung thư đang chết. Pháp Luân Công đã cứu sống tôi bên bờ vực của cái chết và cho tôi cuộc sống khỏe mạnh. Tôi hành xử theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành một người tốt hơn. Sự tu luyện của tôi không vi phạm pháp luật. Tại sao các ông bắt giữ và kết án phi pháp tôi 15 năm?”
“Suốt ngày, các ông cứ cố buộc tôi phải ‘chuyển hóa’ và điều đó đã làm cho tôi bị tổn thương nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi sẽ không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công dưới bất cứ hoàn cảnh nào.”
Đối mặt với sự tàn bạo, tôi vẫn giữ vững lập trường của mình. Sau đó, lính canh nghĩ ra một hình thức tra tấn khác: Họ cưỡng chế tôi lao động nặng nhọc.
Làm việc nặng nhọc
Tù nhân không được đối xử với nhân phẩm của một con người và bị cấm các quyền cơ bản. Hình phạt thân thể là phổ biến.
Mỗi ngày chúng tôi phải ra khỏi giường vào lúc 5 giờ 30 phút sáng, đi tới cánh đồng vào lúc 6 giờ 30 phút sáng và kết thúc công việc lúc 8 giờ 30 phút tối gồm cả cuối tuần và ngày lễ. Giờ làm việc thường bị kéo dài để chúng tôi không có đủ thời gian tắm giặt và ăn tối. Đôi khi, sự kéo dài sẽ hết cả đêm và tới ngày hôm sau khiến mọi người suy kiệt tới mức nguy hiểm. Một số tù nhân không thể chịu được sự ngược đãi này và đã tự tử. Nhưng lính canh sẽ báo cáo rằng họ qua đời trong hoàn cảnh tự nhiên. Ngoài ra, bất cứ ai không hoàn thành sản lượng công việc sẽ phải chép những quy tắc nhà tù năm lần, thường sẽ kéo dài tới nửa đêm hoặc muộn hơn.
Sự tàn bạo đã được giữ kín. Tù nhân không dám nói vì sợ sẽ bị giết hại. Những tù nhân được trả tự do cũng giữ im lặng để tránh bị sách nhiễu và bắt giữ một lần nữa.
Năm 2011, chúng tôi bị chuyển tới khu giam giữ mới xa nhà xưởng nhà tù. Mỗi người chỉ được giới hạn một đôi giày và phải đeo đôi giày ướt vào những ngày trời mưa. Vào cuối ngày làm việc, mỗi người phải cởi giày của mình và đứng chân trần để kiểm tra bất kể thời tiết lạnh như thế nào. Ba người dùng chung một vòi nước và chỉ có 10 phút để đánh răng và rửa mặt. Trong vài ngày, chúng tôi chỉ được phép tắm một lần và nước tắm lạnh như băng trong mùa đông.
Quản lý thuốc không rõ nguồn gốc
Năm 2009, nhà tù thành lập một “khu cải tạo” để “chuyển hóa” học viên Pháp Luân Công mới tới cơ sở này cũng như những học viên vẫn kiên định đức tin của mình.
Tuy tôi không bị đưa tới khu cải tạo nhưng sự bức hại tôi phải chịu đựng trong khu giam giữ cũng tồi tệ như vậy. Khi tôi bị ốm, nhà tù lấy thuốc từ khu cải tạo và cưỡng chế tôi uống.
Sau khi uống thuốc, tôi rất yếu và sợ hãi ngay cả khi có một cơn gió nhẹ. Xương của tôi mềm và các khớp sưng lên đau đớn. Tôi thường bị ảo giác và thị lực của tôi bị mờ; trí nhớ của tôi cũng bị suy giảm. Khi tôi nhận thấy những vấn đề này và từ chối uống thuốc, lính canh cưỡng bức tôi ký vào một biên bản khẳng định rằng tôi sẽ chịu trách nhiệm cho bất cứ điều gì xảy ra sau đó.
Lính canh cũng lấy mẫu máu của tôi một tuần một lần. Tôi hỏi họ tại sao. Họ nói dối rằng sẽ cần kiểm tra mẫu máu ở bên ngoài bệnh viện để giám sát tiến triển bệnh của tôi. Sau đó, tôi biết rằng họ đang xây dựng một ngân hàng dữ liệu để thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công còn sống hiệu quả hơn.
Biệt giam
Tôi bị liệt vào danh sách người cứng đầu phải được “đối xử đặc biệt”. Lính canh không cho phép bất cứ ai nói chuyện với tôi. Bất cứ ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị lăng mạ và không đủ điều kiện để được giảm án. Do đó, tôi không nói chuyện với các tù nhân khác để tránh liên lụy tới họ. Sau một thời gian, tôi phát hiện rằng mình không thể nói được nữa – tôi bị chứng mất khả năng ngôn ngữ.
Lính canh bí mật ngược đãi tôi trong nhà xưởng. Vào những ngày nắng nóng, họ đặt tôi vào chỗ nóng nhất ở giữa hai chiếc bàn sắt để làm việc may vá một mình trong nhiều giờ. Họ cưỡng chế tôi phải đạp máy may liên tục nhiều giờ cho tới cuối ngày; do đó, chân tôi bị sưng lên. Khối lượng công việc vượt quá giới hạn mà cơ thể của tôi có thể chịu đựng. Tôi rất yếu và chân tôi đau không thể chịu nổi. Sau đó, họ cưỡng chế tôi uống thuốc để giảm đau.
Sau khi uống thuốc, tôi trở nên lú lẫn và bị ảo giác. Huyết áp của tôi tăng vọt tới ngưỡng nguy hiểm và tôi bắt đầu có biểu hiện đột quỵ. Bất chấp điều kiện đó, họ vẫn cưỡng chế tôi tiếp tục may vá. Khi tôi không thể lấy được chậu rửa mặt của mình, các tù nhân đã cười nhạo và chế giễu tôi.
Tôi khiếu nại sự bức hại với đội trưởng. Bà ấy nói chỉ có cách từ bỏ đức tin của mình tôi mới có thể tránh được sự tra tấn.
Cưỡng bức “chuyển hóa”
Tháng 10 năm 2011, khu giam giữ của tôi đặt mục tiêu tỉ lệ chuyển hóa 100%. Họ bắt đầu với tôi và nói rằng tôi phải “chuyển hóa” bất kể tôi có muốn hay không. Họ nói dối và nói rằng gia đình tôi nhiều lần yêu cầu họ “chuyển hóa” tôi để tôi có thể được về nhà sớm.
Sau đó, lính canh đưa tôi vào một phòng nhỏ và tối được dùng riêng cho học viên kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Họ ra lệnh cho tù nhân thay phiên nhau tạo ra tiếng ồn lớn. Tiếng ồn rất to thậm chí các tù nhân cũng không thể chịu đựng được. Sự căng thẳng đã làm cho huyết áp của tôi còn cao hơn nữa. Tôi cảm thấy các mạch máu như vỡ ra và đầu tôi như muốn nổ tung. Tôi gần như rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần.
Họ thử mọi thủ đoạn để gài bẫy tôi, nhưng tôi không từ bỏ đức tin của mình. Tôi bị đưa trở lại nhà xưởng sau hơn 40 ngày chịu đựng sự tra tấn vô nhân đạo. Sau đó, họ làm giả tuyên bố “chuyển hóa”, giả mạo chữ ký và dấu vân tay của tôi. Khi tôi phủ nhận tuyên bố, họ tìm lý do để vu khống và gài bẫy tôi hàng ngày. Thậm chí họ còn trao thưởng cho ai bắt nạt tôi.
Các linh canh đã làm quá nhiều điều xấu. Họ cố gắng để tôi mất đi sự minh mẫn bởi họ sợ rằng tôi sẽ tiết lộ tội ác của họ sau khi tôi được trả tự do.
Gia đình tan vỡ
Cuộc bức hại đã phá vỡ gia đình tôi. Mẹ chồng tôi là một học viên. Bà bị bắt giữ ba lần, bị tra tấn tàn bạo và phải chịu sự tẩy não trong khi bị giam. Tiền lương của tôi bị đình chỉ và tôi không đủ tiền để sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá.
Khi tôi bị kết án 15 năm tù, bà không thể tiếp nhận tin nghiệt ngã đó và bị đột quỵ. Bà qua đời vào năm 2014.
Chồng tôi cũng không thể chịu được áp lực từ các bên và đã ly hôn tôi. Kể từ khi còn nhỏ, con trai của tôi liên tục chứng kiến tôi bị bắt giữ và nhà chúng tôi bị lục soát. Bóng đen của cuộc bức hại đã đeo bám tâm chí non nớt của cháu và ảnh hưởng đến tâm lý của cháu.
Cháu từng nói với tôi: “Mẹ ơi, ngay khi nghe tiếng còi của cảnh sát, con nghĩ rằng cảnh sát tới bắt giữ mẹ một lần nữa. Nó khiến con thực sự sợ hãi.” Cháu đã bỏ tôi sau khi cháu lớn lên.
Dưới sự tuyên truyền và sự dối trá của ĐCSTQ, người thân và bạn bè của tôi không dám liên lạc với tôi vì sợ bị liên lụy. Tất cả họ đều lẩn tránh tôi.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/10/408628.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/23/186468.html
Đăng ngày 13-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.