Bài viết của Quân Tử Lan

[MINH HUỆ 22-03-2019] Tết Dược Vương tiết Xuân phân bắt đầu sau đời Đường, ngày lễ hội dân gian tiết Xuân phân và lễ Xuân xã (thờ cúng Thần Đất), thờ tế Dược Vương Viêm Đế Thần Nông thị được lưu truyền đến nay, là ngày lễ tết theo phong tục độc đáo của dân tộc Trung Hoa.

Xuân phân là ngày mà khi mặt trời đi đến 0 độ hoàng kinh (điểm Xuân phân, lúc này mặt trời chiếu vuông góc với xích đạo), đại thể vào trước sau ngày 21 tháng 3 hàng năm. Ngày này thời gian ngày và đêm bằng nhau, chia đôi mùa xuân. Sau ngày này thì mặt trời chiếu lệch lên phía bắc, bắc bán cầu ngày dài đêm ngắn. Tiết Xuân phân năm nay là từ ngày 21 tháng 3 đến ngày 5 tháng 4.

Xuân xã là hoạt động tế lễ lớn nhất tiết Xuân phân. Xã nhật là ngày lễ tết nông dân cổ đại thờ tế Thần Thổ Địa. Từ thời Hán về trước chỉ có Xuân xã, từ đời Hán về sau mới bắt đầu có Thu xã. Thời nhà Chu, Xuân xã được tổ chức vào ngày Giáp sau tiết Xuân phân, là hoạt động thiên tử thờ tế quan trọng nhất. Do trong Ngũ hành Tuất thuộc Thổ, do đó từ đời Hán về sau đổi ngày Tuất sau tiết Xuân phân là ngày tế Xuân xã. Từ thời Tống trở đi thì ngày Xuân xã định là ngày Tuất thứ năm sau ngày Lập xuân và Lập thu.

Thần Nông thị là một trong Tam Hoàng thượng cổ, là Thần của nông nghiệp và là ông tổ của y dược, được người đời tô làm Dược Vương, Ngũ Cốc Vương, Ngũ Cốc Tiên Đế, Thần Nông Đại Đế… Ban Cố đời Đông Hán viết trong “Bạch Hổ thông luận” rằng: “Thần Nông căn cứ vào thời của trời phân chia cái lợi của đất, chế tạo ra cày, dạy dân làm nông. Thay đổi thần kỳ, khiến cho người dân cảm thấy thích hợp, do đó gọi là Thần Nông.”

2019-3-21-202745-0--ss.jpg

Tranh chân dung Thần Nông thị, xuất xứ từ “Chân dung của các bậc Đế vương, Thánh hiền, danh thần, đại Nho các thời đại”. Tranh vẽ vào thế kỷ 18, hiện lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Pháp.

Thời kỳ Thần Nông thị, nhân khẩu tăng nhiều, đánh cá, săn bắn đã không đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân loại. Hơn nữa tâm hồn nhân loại cũng không còn thuần tịnh nữa, càng ngày càng xa rời tự nhiên, một trường thiên nhiên càng ngày càng xấu đi, nhân loại bắt đầu bị bệnh tật hành hạ. Thần Nông thị bèn đích thân nếm các loại cây cỏ, phân biệt ra ngũ cốc, đồng thời phát minh ra công cụ cày ruộng – cái cày. Ông dạy người dân cày cấy, dẫn dắt nhân loại bước vào thời kỳ văn minh nông nghiệp.

Hoàng Phủ Mật thời Tây Tấn Tam Quốc viết trong sách “Đế vương thế kỷ” rằng: “Viêm Đế Thần Nông thị sống ở vùng sông nước, bắt đầu dạy thiên hạ cày cấy ngũ cốc để ăn, để giảm sát sinh. Ông nếm cỏ cây, dùng để chữa bệnh, cứu sống người tổn thương, yểu mệnh. Bách tính dùng hàng ngày mà không biết. Ông trước tác ‘Bản thảo’ bốn quyển.”

Thần Nông nếm cây cỏ, còn phân biệt ra 365 loại thảo dược, trong đó dược thượng phẩm là 120 loại có thể dưỡng sinh, dược trung phẩm là 120 loại có thể dưỡng sinh, dược hạ phẩm là 125 loại có thể trị bệnh, đồng thời viết thành sách “Thần Nông bản thảo” được lưu truyền đến nay. “Thần Nông bản thảo” và những sách sau này như “Hoàng Đế nội kinh”, “Nan kinh”, “Thương hàn tạp bệnh luận” hợp thành Tứ đại kinh điển của Đông y, đã khai mở cội nguồn thuốc Bắc chữa bệnh.

2019-3-21-202745-1--ss.jpg

Thần Nông nếm cây cỏ

Tương truyền Thần Nông đem theo tám tùy tùng đến huyện An Nhân thành phố Sâm Châu tỉnh Hồ Nam nếm đủ loại cây cỏ, dạy người dân địa phương sử dụng nông cụ và cày cấy lúa, ngũ cốc, giao dịch bách thảo phối hợp trị bách bệnh. Do đó nơi này có tên là Hương Thảo Bình (địa danh cổ ở huyện An Nhân). Để kỷ niệm Thần Nông và tám người tùy tùng, người dân An Nhân đã xây “Cửu Long Am”. Vì vậy Thần Nông đã lưu lại rất nhiều truyền thuyết ở An Nhân như “Hái trà ở Cửu Long Am, uống nước ở Hương Hỏa Đường, rửa thuốc ở Dược Hồ Loan, phơi thuốc ở Hương Thảo Bình”.

“Thần Nông bản thảo” ghi chép rằng: “Thần Nông nếm hàng trăm loại cỏ cây, một ngày bị trúng độc 72 loại độc, hái được trà giải độc.” Vì vậy Thần Nông đã phát hiện ra công dụng của trà, khai sáng ra nền văn hóa trà. Được biết huyện An Nhân chính là nơi Thần Nông nếm các loại cây cỏ, đồng thời phát hiện ra trà có chức năng giữ gìn bảo vệ sức khỏe.

Một lần Thần Nông khi nếm cỏ cây ở núi Hào Sơn huyện An Nhân bị trúng độc, đau đầu hoa mắt. Ông tiện tay bứt mấy cái lá của một cây mọc ở khe đá bên suối nhai nuốt, để đỡ đói, giải khát. Không ngờ bỗng chốc miệng sinh tân dịch, khó chịu tiêu tan. Thần Nông vui mừng đặt tên cho loài cây này là trà, dạy người dân vùng núi này hái trà đun nước, uống vào tinh thần thanh tỉnh, thần khí khoan khoái. Theo tạp chí “Danh trà chí” của Sở nghiên cứu trà Trung Quốc Hàng Châu và “An Nhân huyện chí” ghi chép: “Năm Càn Đức thứ ba đời Tống (năm 965) An Nhân đặt ra huyện, người dân huyện dâng cống trà để tạ ơn. Sau khi Tống Thái Tổ uống trà, long nhan vui vẻ”. Do trà này trồng ở núi Thạch Sơn suối Lãnh Tuyền nên dân gian gọi là “Lãnh Tuyền Thạch Sơn trà”, có thể một lá pha chín chén.

Sau này Thần Nông khi tìm thuốc ở núi Vân Thu ở nơi giao giới giữa An Nhân và Trà Hương, không may ăn phải đoạn trường thảo (cỏ đứt ruột) mà chết. Nhân dân hai vùng này khóc lớn, vô cùng đau buồn. Họ đã xây dựng mộ Viêm Đế cao lớn và điện Thần Nông vàng ngọc rực rỡ ở sườn núi Lộc Nguyên huyện Viêm Lăng thành phố Chu Châu, nơi tiếp giáp núi sông với huyện An Nhân.

2019-3-21-202745-2--ss.jpg

Người dân huyện An Nhân kỷ niệm Thần Nông Viêm Đế đã lần lượt xây dựng điện Thần Nông, chùa Dược Vương (tức Vạn Phúc Am ngày nay) ở Hương Thảo Bình, đã dựng tượng Dược Vương Thần Nông. Để kỷ niệm công đức vỹ đại của Thần Nông đã “chế tạo cày đặt nền móng cho nông nghiệp, nếm cỏ cây mở ra nghề y dược” ở huyện An Nhân, người dân đã chọn trước và sau tiết Xuân phân ba ngày làm ngày Xã nhật. Hàng năm vào tiết Xuân phân, tết Xã nhật, mọi nhà dân An Nhân đều đến Hương Thảo Bình, đốt cỏ thơm dân dương trước bài vị Thần Nông Viêm Đế, tế lễ Dược Vương Thần Nông thị. “Chọn ngày Xã nhật tế Thần để cầu ngũ cốc” (Theo “An Nhân huyện chí” đời Thanh).

Người An Nhân tế lễ Thần Nông Viêm Đế dùng ba loài gia súc là bò lợn dê và bốn mâm thảo dược, bốn mâm lương thực. Sau khi tế lễ xong, mọi người bỏ cỏ thơm và chân lợn vào nấu canh rồi chia nhau ăn. Sau này phát hiện ra chân lợn ninh với các thảo dược như điếu mã đôn, đông mao căn… ăn vào thì khí huyết vượng, gân cốt khỏe, có thể trừ hàn. Dần dần hình thành phong tục vào tết Xã nhật tiết Xuân phân ăn món ăn bài thuốc để điều dưỡng cơ thể, phòng trị bệnh. “Thần Nông nếm cây cỏ, linh dược ở An Nhân.” Đến nay người dân An Nhân vẫn giữ được tập tục ăn các loại thảo dược mọc tự nhiên.

Tập tục người An Nhân tế lễ Dược Vương Thần Nông, “đi chợ Phân Xã” đã có hơn 1.000 năm lịch sử. Từ sau thời nhà Đường, bắt đầu vào năm 935 “hẹn tiết Xuân phân, ở Hương Thảo Bình, dân khắp thiên hạ, đem hàng hóa khắp thiên hạ đến giao dịch rồi về, ai nấy có thứ mình muốn” (theo “An Nhân chí” đời Thanh).

Sách “Trung Quốc thực nghiệp chí” thời Dân Quốc có ghi chép: “Ở đây có phong tục đặc biệt, hàng năm vào hai tiết Xuân phân và Xuân xã, người buôn bán tứ phương tụ tập ở huyện thành, đem bán những đồ của họ.” Ngày nay, tập tục “đi chợ Phân Xã” đã được ghi vào danh lục di sản văn hóa phi vật chất cấp quốc gia.

Tập tục “cản Phân Xã” đã lan toả ra hàng trăm huyện trên 10 tỉnh như Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây, Hà Nam, Vân Nam cho đến khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian “đi chợ Phân Xã”, số người thực tế trong huyện thành gấp mấy lần dân số, đến đâu cũng nườm nượp đông đúc, ồn ào. Nơi họp chợ “đi chợ Phân Xã” đã trải rộng ra khắp cả huyện thành. Người bốn phương tám hướng tụ tập ở huyện thành An Nhân, tế lễ Viêm Đế Thần Nông và tiến hành các hoạt động giao dịch hàng hóa như thảo dược, ngũ cốc, nông cụ, sản phẩm nông nghiệp, vật dụng đời sống, đồ tre gỗ… Chợ thảo dược bày đầy các loại thảo dược hàng trăm loại, gần nghìn loại thu hái từ khắp nơi trong toàn quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Còn có các món ăn đủ các loại các dạng. Các nghệ sỹ dân gian hát Xã kịch, diễn Bố Đại kịch, diễn Bì Ảnh kịch, chơi trò chơi, múa rồng múa sư tử, đi cà kheo… đã tăng thêm không khí náo nhiệt cho “đi chợ Phân Xã”.

Trong địa phận huyện An Nhân có xây dựng rất nhiều đền, am, điện, đường thờ Viêm Đế Thần Nông, số lượng lớn, phân bố rộng, có niên đại lâu đời, hương hỏa thịnh vượng. Người dân huyện An Nhân là những người sớm nhất nhận được ân trạch của Viêm Đế Thần Nông, sùng bái kính ngưỡng Thần Nông được truyền thừa đời này qua đời khác. Ngày tết dân gian tiết Xuân phân huyện An Nhân tế lễ Thần Nông, “đi chợ Phân Xã” do có nội hàm nền tảng văn hóa sâu dày nên trải qua thời gian lâu dài mà vẫn như mới, từ tế lễ thờ Thần Nông dần dần phát triển đến cảnh tượng hoành tráng hiện nay là hàng nghìn hàng vạn người, người mua bán tụ tập đi chợ đông đúc như mây.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/22/春分药王节(图)-384202.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/25/179044.html

Đăng ngày 05-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share