Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 10-06-2019] Gần đây tôi đã đọc một bài viết của đồng tu kể về một học viên tên là Mei. Mei phàn nàn về mâu thuẫn trong gia đình của mình với một học viên khác.
Học viên kia không những không giúp Mei hướng nội mà còn đổ lỗi cho chồng của cô ấy, bày tỏ sự thông cảm với cô ấy, và vì thế khiến Mei càng bực bội hơn với chồng. Điều này dẫn đến sự mất mát và rắc rối lớn trong tu luyện của cô.
Tôi cũng gặp tình huống tương tự. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc giải quyết mâu thuẫn tại gia đình trong quá trình tu luyện, với hy vọng có thể giúp đỡ các đồng tu đang vượt quan gia đình.
Mâu thuẫn trong gia đình
Tôi đã vật lộn với quan gia đình trong một thời gian dài. Khi tôi phàn nàn với một người bạn cùng lớp cũng là một đồng tu, cô ấy đã thông cảm với tôi.
Tôi là mẹ của ba đứa con, và tôi cùng chồng quản lý một cửa hàng. Tôi thường phải vừa làm việc ở cửa hàng vừa trông các con.
Đôi khi tôi không thể để mắt được tới cả ba đứa, và có lần đứa lớn đi lang thang ra khỏi cửa hàng. Tôi thậm chí đã phải gọi cảnh sát nhờ giúp tìm con mình.
Tôi phải chăm sóc con và làm các việc nhà khác, khiến tôi kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ai sống ở Trung Quốc đều biết rằng đàn ông tham gia nhiều bữa tiệc xã giao và thường về nhà muộn. Khi về đến nhà, chồng tôi thường mắng tôi, đôi khi còn đánh tôi. Ở Trung Quốc, cuộc sống của một phụ nữ có con không hề dễ dàng.
Khó khăn mà tôi phải chịu đựng khiến tôi cảm thấy oán hận, sự oán hận ấy giống như một ngọn núi trước mặt mà tôi không thể vượt qua. Bất cứ khi nào gặp một người tốt với tôi, tôi sẽ kể lể với họ về sự bất hạnh của mình.
Những suy nghĩ tiêu cực chiếm cứ toàn bộ tâm trí tôi và khiến tôi đau khổ. Tôi biết rằng điều này không đúng, nhưng tôi không thể vượt qua nó.
Hướng nội tìm, chuyển biến quan niệm
Một ngày nọ, chồng tôi trong khi làm việc tại công trường bị ngã từ trên thang xuống, đồng thời con gái tôi, đang học trung học, bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Bước ngoặt này đã cảnh báo tôi về trạng thái tu luyện của chính mình và tôi tự hỏi: “Mình đang làm gì vậy? Chẳng phải mình tới đây để cứu chúng sinh sao? Mình đã làm được gì?”
Tôi nhận ra rằng trạng thái tiêu cực trong một thời gian dài đã khiến cựu thế lực lợi dụng sơ hở này để bức hại gia đình tôi và khiến tôi gặp nhiều khó khăn hơn.
Tôi bắt đầu hướng nội, cố gắng nghĩ mọi việc trên quan điểm của chồng tôi. Khi làm theo cách này, tôi bắt đầu hiểu anh ấy. Ở Trung Quốc, cả nam giới và phụ nữ đều không có cuộc sống dễ dàng và áp lực đối với chồng tôi khá lớn.
Trên thực tế, chúng tôi là một gia đình truyền thống; Anh ấy đi làm, còn tôi chăm sóc gia đình.
Nhưng tôi đã không tu luyện bản thân cho tốt. Tôi truy cầu cuộc sống tốt hơn, hy vọng chồng mình sẽ ghi nhận những gì tôi làm, và mong anh ấy sẽ đối xử tốt với tôi.
Chẳng phải đây là các chấp trước vào danh lợi? Chẳng phải tôi vẫn chưa bước ra khỏi được cái khung vị ngã vị tư sao?
Sư phụ giảng:
“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ).
Đối chiếu với Pháp của Sư phụ, tôi chỉ là một kẻ ác. Vì tâm tật đố đã khiến tôi không có sự bao dung và từ bi. Tôi nghĩ về các khó khăn trong cuộc sống của bản thân mà không nghĩ đến khó khăn của người khác, và chỉ nghĩ đến những điểm tốt của bản thân chứ không nghĩ đến điểm tốt của người khác.
Sư phụ muốn chúng ta trở thành bậc chính giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã. Tôi còn cách cảnh giới đó quá xa.
Tôi ngộ ra lý do tại sao Sư phụ lại giảng rằng “kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công”, vì người đó ích kỷ, chỉ nhìn thấy các vấn đề của người khác mà không nhìn vào vấn đề của chính bản thân mình. Đệ tử Đại Pháp không nên như thế. Nếu không làm sao có thể cho chúng sinh thấy sự bao dung và lòng trắc ẩn của chúng ta, và cứu độ họ?
Sự oán hận ở không gian khác là vật chất thực tại, nó đem đến rất nhiều rắc rối không cần thiết cho cả tôi và những người xung quanh.
Làm thế nào để tôi có thể cứu người khác và tầng tầng lớp lớp chúng sinh phía sau họ? Tôi đã khiến rất nhiều sinh mệnh không thể được cứu, vậy chẳng phải tôi là người xấu sao?
Tôi bắt đầu hướng nội. Tôi nhận ra chồng tôi tốt như thế nào, và cuộc sống của anh ấy khó khăn ra sao.
Trong nhiều năm, anh ấy đã làm việc chăm chỉ vì gia đình. Ở Trung Quốc, nơi mà giá cả hàng hóa liên tục tăng, một gia đình có ba con cần thu nhập cơ bản 100.000 nhân dân tệ mỗi năm.
Gia đình chúng tôi không phải lo lắng về cái ăn cái mặc, nhờ có chồng tôi làm việc chăm chỉ. Anh ấy đã cố gắng hết sức để kiếm đủ tiền nuôi gia đình.
Tôi bắt đầu cảm thấy có lỗi với chồng, vì anh ấy phải đối mặt với nhiều căng thẳng hơn tôi rất nhiều.
Tôi đã không biết cách thấu hiểu, bao dung và chăm sóc anh ấy, thay vào đó lại yêu cầu anh ấy hiểu, bao dung và quan tâm đến tôi. Tôi đã không xem lại bản thân, khiến ngày càng gia tăng tâm tật đố, hư vinh, và hiển thị.
Trên thực tế, tôi thật may mắn! Chồng tôi đi làm và tôi không cần phải lo lắng về bất cứ điều gì.
Việc kinh doanh cũng là anh ấy lo, còn trải thảm sẵn. Tôi chỉ hoàn thành các việc cụ thể.
Anh ấy có tính khí thất thường, nhưng chẳng phải vì tôi làm không tốt sao? Hằng ngày anh ấy rất mệt mỏi và còn phải đối diện với người vợ cáu kỉnh mỗi khi về đến nhà.
Chẳng phải ai cũng sẽ muốn một người vợ thấu hiểu và bao dung? Nếu thấy vợ cười vui mỗi ngày, anh ấy chắc chắn sẽ cảm thấy tốt hơn. Tôi nhận ra rằng vấn đề là lỗi của tôi chứ không phải của anh ấy.
Chồng tôi là người rất ít tâm hư vinh và không ngại lái xe cũ mỗi ngày.
Tôi đã luôn nghĩ rằng vì mình đã học Đại Pháp, tôi là người khoan dung. Thực ra tôi luôn nhắm vào các điểm xấu của anh ấy và chỉ nhìn thấy điểm tốt của bản thân. Thực sự anh ấy đã bao dung và chăm sóc tôi!
Càng hướng nội, tôi càng nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp ở chồng. Tôi cũng nhìn thấy nhiều thiếu sót của mình.
Khi loại bỏ các chấp trước, tôi cảm thấy biết ơn và có lỗi với anh ấy hơn.
Tôi cũng từng bực bội với mẹ chồng và chị dâu. Nhưng gần đây tôi nhận ra rằng họ thực sự là những người tốt. Họ đều là những người rất truyền thống, chăm chỉ và tiết kiệm. Họ cũng rất tốt với tôi.
Tuy nhiên, bất cứ khi nào mọi việc không theo ý, tôi có xu hướng đổ lỗi cho người khác. Tôi bảo thủ và không rèn luyện tâm tính của mình.
Người thường có câu: “Bên ngoài tô vàng nạm ngọc, bên trong thối rữa mục nát,” rất đúng với tôi. Để đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài, tôi cần phải thực sự tu luyện bản thân cho thật tốt.
Nhìn lại ví dụ về Mei, khi cô ấy phàn nàn với một học viên khác rằng người nhà cô ấy không tốt, những điều Mei nói có thể là sự thật, nhưng nó khiến hình ảnh người nhà cô ấy trở nên xấu xí.
Tuy nhiên, khi đặt trong hoàn cảnh cụ thể, những điều mà người nhà cô ấy nói và làm có thể không phải là bất hợp lý. Do đó, điều quan trọng là các học viên phải hướng nội và cải biến chính họ thay vì dùng cái tình của người thường để cố gắng giúp các đồng tu vượt quan trong quá trình tu luyện.
Sư phụ giảng:
“Từ bi khán thế giới
Phương tùng mê trung tỉnh” (Viên mãn công thành, Hồng Ngâm)“Đối đích thị tha
Thác đích thị ngã
Tranh thậm ma” (Thùy thị thùy phi, Hồng Ngâm 3)
Khi một học viên kể khổ, trước tiên chúng ta nên nhận ra rằng trạng thái tu luyện của họ trong thời điểm đó không đúng. Một học viên chân chính nên bình hòa, từ bi và thân thiện, trong tâm tràn đầy lòng biết ơn, luôn nhìn thấy mặt tốt của người khác; thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
Chúng ta nên giúp đỡ các đồng tu tìm ra vấn đề của họ đồng thời chú trọng tu luyện bản thân hơn là để ý vào người khác.
Sau khi đọc các bài viết mừng kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp, tôi thấy rõ hơn những thiếu sót của mình. Thái độ trong sáng, từ bi của những học viên đó thực sự khiến tôi cảm động.
Tôi đã đi đường vòng, nhưng tôi hy vọng rằng kinh nghiệm của tôi có thể giúp các học viên trong tình huống tương tự để bớt đi đường vòng.
Chỉ bằng cách hướng nội, tu bản thân và đề cao tâm tính, chúng ta mới có thể đạt được sự từ bi và thực sự vượt khỏi tầng thứ con người.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/10/388088.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/21/178526.html
Đăng ngày 28-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.