Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 13-06-2019] Trong quá trình tu luyện, chúng ta trong khi gặp các mâu thuẫn và xung đột khác nhau, đều thông qua hướng nội tìm để phát hiện ra các chấp trước của mình – bao gồm tâm tranh đấu, tâm tật đố, tâm oán hận, tâm hoan hỷ và tâm hiển thị. Tôi thường phân tích mỗi chấp trước, sự hình thành của mỗi quan niệm, mục đích và xuất phát điểm của nó là gì, tại sao chấp trước đó xấu, cứ như vậy không ngừng phủ định nó và nhận ra thiếu sót của mình để có thể đề cao.

Thông qua một sự cố nhỏ gần đây, tôi đã hướng nội và hiểu rõ hơn về nguồn gốc sâu xa của từng chấp trước của mình.

Suy ngẫm về cái tình đối với con gái

Tôi nhìn thấy con gái ngồi viết với tư thế xấu và đã gắt gỏng: “Mẹ đã nói với con nhiều lần phải ngẩng đầu lên trong khi viết, tại sao con không nghe lời”. Tôi cảm thấy tổn thương khi con bé không nghe lời tôi. Tôi biết rằng mình là người tu luyện, nhưng tôi đã không thể kiểm soát được sự bùng nổ của mình.

Sau khi cơn giận lắng xuống, tôi bình tĩnh phân tích bản thân mình. Tôi phát hiện ra rằng tôi có tâm hữu cầu mạnh mẽ liên quan đến con gái. Tôi muốn con gái mình giữ gìn mắt và răng miệng, học tập tốt và nghe lời. Khi cháu không làm những điều này, tôi sẽ tức giận. Ở bề mặt, mọi thứ tôi yêu cầu cháu làm đều vì tốt cho cháu, nhưng thực ra là để thỏa mãn mong muốn của tôi. Với sự dẫn động của tình, khi con gái làm tốt, tôi sẽ cao hứng, con gái làm không tốt tôi sẽ không vui. Cuối cùng mục đích là vì sự cao hứng của tôi, yêu cầu con gái làm theo điều mình muốn, để không phải lo lắng hay suy nghĩ về con gái.

Tình yêu của tôi dành cho con gái thật ích kỷ. Cháu có cuộc sống riêng được an bài theo nghiệp lực và duyên tiền định. Liệu có phải cuộc sống của cháu được an bài để thỏa mãn chấp trước của tôi không? Tôi nên tôn trọng những gì cháu đã được an bài.

Những truy cầu của bản thân

Tiếp theo, tôi hướng nội sâu hơn về các tâm truy cầu của bản thân. Nhiều chấp trước của tôi bắt nguồn từ các truy cầu đối với Sư phụ và Đại Pháp. Tôi cũng có nhiều đòi hỏi và kỳ vọng đối với con gái, chồng, người thân và bạn bè, cũng như các học viên xung quanh.

Tôi có nhiều truy cầu từ Đại Pháp và Sư phụ: Tôi mong muốn Sư phụ giúp tôi thoát khỏi bệnh tật và được khỏe mạnh cũng như hy vọng Sư phụ có thể cho viên mãn, thoát khỏi lục đạo luân hồi. Tôi tu luyện để có được những điều này. Chấp trước truy cầu này đã ngăn cản tôi ngộ được các Pháp lý và tạo thành sơ hở để cựu thế lực bức hại tôi.

Đối với cha mẹ tôi cũng có nhiều truy cầu. Tôi muốn có được sự khích lệ, tán thành và quan tâm từ họ. Tôi cảm thấy buồn và bất công khi không nhận được điều mình muốn. Tôi muốn chồng chỉ yêu mình, thành công trong sự nghiệp và chịu đựng được tính khí thất thường của mình. Tôi muốn con gái nghe lời, đạt điểm cao, lớn lên khỏe mạnh, và có một tương lai tốt đẹp v.v.

Khi con người ta truy cầu nhiều thứ với hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn, họ sẽ gặp khó khăn. Họ không biết rằng ham muốn của họ khiến họ đau khổ và thay vào đó họ lại đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài. Các loại nhân tâm thao túng phần người của họ để tạo ra những cái tôi giả tướng.

Khi các truy cầu được đáp ứng, tôi rất vui và hài lòng. Tôi thậm chí còn cảm thấy phấn khích và trở nên kiêu ngạo. Ngược lại, khi không được thỏa mãn, tôi tức giận, bực bội, đố kỵ và tự ti. Khi không chắc chắn những gì mình truy cầu có đạt được hay không, tôi lo lắng, sợ hãi và hy vọng. Tất cả những chấp trước này đều bắt nguồn từ các truy cầu của tôi.

Không ngừng đo lường bản thân dựa trên Pháp

Làm thế nào để chúng ta có thể diệt tận gốc các chấp trước? Chúng ta chỉ có thể diệt trừ được chúng khi không truy cầu. Vô sở cầu, vô chấp trước; vô sở cầu, tình tự đoạn.

Vậy làm thế nào để làm được vô sở cầu? Làm thế nào tôi có thể khiến bản thân cam tâm tình nguyện buông bỏ những truy cầu liên tục kia? Cách duy nhất là lấy Đại Pháp làm tiêu chuẩn để đo lường và thực sự đặt Đại Pháp lên hàng đầu, thực sự tín Sư tín Pháp. Khi chấp trước của tôi mạnh mẽ, tôi đã không đo lường bản thân bằng các tiêu chuẩn của Pháp. Khi tôi thực sự đặt Đại Pháp vào vị trí thứ nhất, các chấp trước sẽ không còn sức mạnh nữa. Sinh mệnh đặt Đại Pháp ở vị trí nào, sẽ quyết định vị trí của chính sinh mệnh đó. Cũng giống như thái độ và nhận thức của chúng sinh đối với Đại Pháp sẽ quyết định vị trí của chúng sinh.

Tuy nhiên, để trừ bỏ các chấp trước không hề dễ dàng, vì đằng sau nó có sự gia cường của tà ác, và sự thao túng của cựu thế lực. cựu thế lực lợi dụng các chấp trước của con người để thỏa mãn ham muốn của chính họ. Trong thời kỳ Chính Pháp hiện nay, điều quan trọng hơn là liệu chúng ta giữ hay buông bỏ các chấp trước, và liệu chúng ta bảo vệ Pháp hay bảo vệ tà ác. Từ quan điểm này, các chấp trước cần phải được loại bỏ vì không ai muốn trở thành một công cụ của tà ác.

Nguồn gốc của chấp trước

Sự tồn tại của chấp trước cũng khiến cho thân thể không thoải mái, vì bản chất của chấp trước là ma tính, là thứ mà ma ưa thích. Tâm chấp trước là một loại vật chất, chủng vật chất này là chỗ ẩn thân của ma. Hãy nghĩ thử xem, khi người ta tức giận, tật đố, oán hận, thân thể lập tức sẽ không thoải mái. Những chấp trước của bản thân chiêu mời các linh thể, khiến thân thể không thoải mái. Nhưng người đó lại đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài. Chính vì vậy, làm người tốt mới có thể ít tạo nghiệp, đối xử tốt với người khác cũng là đối xử tốt với chính mình và làm hại người khác cũng là làm hại chính mình. Nhìn từ phương diện này, tất cả chấp trước đều nên từ bỏ.

Mục đích của truy cầu là để bảo vệ lợi ích trong người thường, chúng ta vắt óc tìm kế để đạt được điều đó. Nhưng chúng ta liệu có thực sự bảo vệ được lợi ích cá nhân của mình hay không? Trong thực tế, mọi việc thường diễn ra không như mong muốn. Thực tế, tất cả đều được đo lường bởi Đại Pháp, đều căn cứ theo nghiệp lực và đức của mỗi cá nhân mà tiến hành luân báo, người ta suy nghĩ như thế nào đều không được công nhận, sự việc từ trước đến nay vốn không diễn ra theo mong muốn của con người. Nếu đã minh bạch điều này, tại sao còn truy cầu? Con người đều nên tuân theo sự đo lường của Thần đối với mỗi cá nhân. Đặt truy cầu của bản thân lên trên Đại Pháp là bất kính với Đại Pháp. Từ góc độ này, chúng ta đều nên phóng hạ những truy cầu, thản nhiên tiếp nhận những việc diễn ra xung quanh. Chúng ta càng nên minh bạch rằng nếu không tu luyện Đại Pháp, nghiệp lực chúng ta phải trả còn cao hơn trời, phải nên cảm tạ Sư phụ, tôn kính Sư phụ.

Tất cả các chấp trước giống như cát bụi bám vào cơ thể chúng ta. Chúng tuyệt nhiên không phải là bản ngã chân chính. Bản ngã chân chính phù hợp với Đại Pháp. Khi chúng ta loại bỏ chấp trước, cảm thấy thống khổ, kỳ thực chính là biểu hiện của những chấp trước không muốn bị trừ bỏ đang giãy giụa. Ngay cả cảm giác thống khổ này cũng bị ép lên chúng ta, mục đích là khiến chúng ta tiếp tục ôm giữ chấp trước. Cũng như vậy, khi chấp trước được thỏa mãn thì loại cảm giác hoan hỷ cũng được ép lên người chúng ta, mục đích là khiến chúng ta hưởng thụ chấp trước đó, đắm chìm trong chấp trước đó. Từ góc độ bản tính tiên thiên của chúng ta mà nói, chúng ta đều cần phải tẩy sạch bản thân, triệt để thanh trừ chấp trước.

Truy cầu chính là mong muốn, là dục vọng, nó cấp động lực cho con người. Chính vì có dục vọng, có truy cầu, mà con người mới hoạt động.

Sư phụ giảng:

“Tâm chấp trước sinh ra từ dục vọng của người ta, đặc điểm của nó là có mục tiêu hoặc mục đích là mang tính cục bộ rất rõ ràng, khá là minh xác và cụ thể, vậy mà thông thường chính người đó nhận thức không ra.“ (Chương III, Tu luyện tâm tínhPháp Luân Công)

Chúng ta đều cho rằng bản thân mình đang truy cầu, đang suy nghĩ, đang mong chờ. Thực ra, nó giống như cái “tình”, đều không phải bản ngã chân chính của chúng ta, cần phải phát chính niệm thanh trừ. Khi những dục vọng và truy cầu nổi lên, chúng ta phải minh bạch rằng chúng đang tới để hại chúng ta, thao túng chúng ta, lúc này cần xem định lực như thế nào, phải kiên trì chính niệm không buông lỏng, mới có thể trấn áp nó, thanh trừ nó. Từ góc độ này mà nhìn, chúng ta cần thanh trừ mọi dục vọng và tâm hữu cầu.

Loại bỏ các chấp trước

Tôi tự nhủ phải loại bỏ các truy cầu và làm theo an bài của Sư phụ. Đối với những thứ tôi phải hoàn trả, tôi tình nguyện hoàn trả mà không kháng cự. Tôi không sợ mất bất cứ thứ gì, thay vào đó, tôi sẽ dũng cảm đối mặt với mọi thứ và đi theo con đường do Sư phụ an bài.

Là một người mẹ, tôi đã yêu cầu bản thân phóng hạ tâm hữu cầu đối với con gái và loại bỏ tâm không thoải mái. Cháu có vận mệnh của riêng mình, mà tôi không có cách nào thay đổi. Tôi nên để Sư phụ quản số phận của cháu và giữ cho tâm trí được thoải mái.

Khi tôi cố gắng làm mọi thứ theo cách này, tôi thấy nhẹ nhàng, thản nhiên, ổn định. Khi chấp trước nổi lên, tôi lập tức dùng các tiêu chuẩn của Đại Pháp để kiểm soát bản thân. Chính niệm đã được củng cố của tôi không cho chấp trước có bất kỳ cơ hội nào được biểu lộ. Tôi chỉ tin vào Sư phụ và chỉ dùng Đại Pháp để đo lường mọi thứ, vì vậy không gì có thể ngăn cản tôi.

Tất cả chúng ta hãy từ bỏ các chấp trước. Sư phụ giảng:

“Là người tu luyện, thì ngay nơi hoàn cảnh người thường mà tu luyện bản thân, mà ‘ma luyện’ chính mình; các tâm chấp trước những thứ dục vọng đều dần dần vứt bỏ.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

“Người ta thường cho rằng những điều mình truy cầu đều là tốt; kỳ thực tại cao tầng mà xét, thì đều là để thoả mãn chút đỉnh lợi ích vốn đã có được nơi người thường. Trong tôn giáo giảng: Chư vị có tiền nhiều đến mấy, làm quan to đến đâu cũng chỉ là mấy chục năm, khi sinh chẳng đem đến, khi tử chẳng mang theo. Cái công này tại sao quý giá vậy? Chính vì nó tăng trưởng trên thân nguyên thần của chư vị, khi sinh đem đến được, khi tử mang theo được; hơn nữa nó quyết định trực tiếp quả vị của chư vị; do đó tu được không dễ. Nghĩa là, những gì chư vị vứt bỏ đều là những thứ không tốt, có như vậy chư vị mới có thể phản bổn quy chân.“ (Bài giảng thứ tưChuyển Pháp Luân)

Trong thời kỳ Chính Pháp, việc quan trọng nhất đối với một sinh mệnh là được đắc cứu hay không, có thể đặt Đại Pháp ở trên hết thảy hay không, có thể duy hộ Đại Pháp hay không. Tất cả những gì chúng ta gặp đều thuận theo Thiên lý thiện ác hữu báo, mọi việc đều có nhân duyên, muốn cải biến quả báo cần phải đồng hóa với Đại Pháp và đo lường mọi thứ dựa trên các tiêu chuẩn của Đại Pháp.

Nói tóm lại, chúng ta không nên tranh đấu, tật đố, oán hận, bất bình. Chúng ta không nên bị mê hoặc bởi những gì cặp mắt mình nhìn thấy, cần buông bỏ tất cả chấp trước. Kiên tín vào Sư phụ, kiên định chính niệm, trong mâu thuẫn, trong xung đột niệm đầu tiên đều dùng Đại Pháp đo lường bản thân, không cấp cơ hội cho chấp trước biểu hiện. Lần đầu làm không tốt, lần sau nhất định phải làm tốt. Chỉ cần một lần làm tốt, nhất định sẽ mang đến biến hóa rất lớn. Vì bạn sẽ nhận ra rằng chiểu theo tiêu chuẩn của Đại Pháp không quá khó, sẽ càng có tín tâm hơn. Cần phóng hạ những tiêu chuẩn do chính mình đặt ra và chân chính dùng Đại Pháp để đo lường bản thân, tôi tin rằng chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa.

Trên đây là thể ngộ của tôi. Tôi đã viết ra các nội dung và sắp xếp chúng lại để chia sẻ với mọi người. Tôi muốn kết thúc bài chia sẻ của mình bằng đoạn giảng Pháp của Sư phụ:

“Sinh vô sở cầu
Tử bất tích lưu
Đãng tận vọng niệm
Phật bất nan tu” (Vô tồnHồng Ngâm)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/13/388600.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/8/178363.html

Đăng ngày 26-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share