Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 31-07-2019] Bà Trương Đại Kha, 80 tuổi, một kỹ sư tài nguyên nước về hưu, đã liên tục bị bắt và giam cầm hơn 20 năm qua vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Năm 2006, bà đã bị kết án bốn năm tù và lương hưu bị đình chỉ. Đến hôm nay, lương hưu của bà vẫn chưa được phục hồi, khiến cuộc sống của bà sau khi ra tù trở nên khó khăn hơn khi bà bị buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.

Cuộc đời tái sinh nhờ tu luyện Pháp Luân Công

Bà Trương ở thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, từng bị bệnh tim và các triệu chứng về dạ dày. Bà cũng bị bệnh lao và căng cơ thắt lưng. Cơn sốt nhẹ kéo dài của bà cũng không khỏi dù đã thử mọi loại thuốc.

Không lâu sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, sức khoẻ của bà đã hồi phục một cách kỳ diệu. Cuộc sống của bà thay đổi và bà tràn đầy năng lượng. Bà làm nhiều việc nhà và trở nên quan tâm đến người khác hơn trước.

Liên tục bị bức hại

Bị giam giữ tuỳ tiện

Bởi bà Trương tình nguyện mở nhạc luyện công của Pháp Luân Công tại điểm luyện công, nên bà trở thành một trong những mục tiêu chính trong mắt chính quyền khi cuộc bức hại xảy ra vào năm 1999.

Sáng ngày 18 tháng 7 năm 1999, bà bị bắt ngay sau khi luyện công xong. Bà đã bị giam ở một khách sạn trong một tuần.

Đơn vị công tác của bà, Cục Tài nguyên Nước An Dương, đã bị Phòng 610 địa phương tống tiền một khoản khá lớn. Theo lời những người biết sự việc, số tiền lớn hơn tiền lương cả đời của vài người cộng lại.

Bị bắt vì kêu oan cho Pháp Luân Công

Bà Trương đã thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công ở Bắc Kinh vào ngày 26 tháng 6 năm 2000. Bà đã bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn và bị đẩy vào một chiếc xe chở đầy các học viên Pháp Luân Công, những người đến từ khắp mọi miền đất nước để lên tiếng cho đức tin của họ.

Công an đã tát vào mặt các học viên và đưa họ về đồn công an. Nơi giam giữ của đồn giam nhiều học viên đến nỗi không thể nhét thêm người vào được nữa.

Sau khi bà Trương nói với cảnh sát tên và địa chỉ của mình, bà đã bị đưa về thành phố An Dương và bị giam tại Trại tạm giam Thành phố An Dương 40 ngày. Công an đã tống tiền gia đình bà 5.000 nhân dân tệ trước khi thả bà.

Bà Trương lại đến Bắc Kinh thỉnh nguyện vào tháng 12 năm 2000. Bà đã bị bắt trên xe lửa và bị nhốt trong một cơ sở giam giữ ở Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 321km. Bà đã bị trói vào một chiếc ghế và không được ăn uống trong suốt một ngày, sau đó bị đưa về An Dương và bị giam 15 ngày nữa.

Không lâu sau khi được thả, bà bị bắt tại nhà và bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Thiết Tây. Vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, bà bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Thành phố An Dương.

Trung tâm Tẩy não Thành phố An Dương ở trong một khách sạn địa phương. Mỗi học viên bị giam trong một phòng riêng và bị hai người trông chừng liên tục. Gia đình không được thăm nom. Ngoại trừ thời gian ăn ngắn ngủi, các học viên đều bị giam trong phòng và bị tẩy não cả ngày. Bà đã bị giam ở đó khoảng 10 tháng.

Đồng thời, trung tâm tẩy não đã tống tiền nhiều hơn từ cơ quan công tác của bà và buộc họ phải đình chỉ phúc lợi của mỗi nhân viên hòng kích động thù hận các học viên.

Lao động cưỡng bức

Chỉ một vài tháng sau khi bà Trương được thả, công an đã sách nhiễu và lục soát nhà bà. Khi phát hiện bà sở hữu một cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” (cuốn sách chính của Pháp Luân Công), bà lại bị bắt và bị giam trong trại tạm giam Thành phố An Dương sáu tháng. Bà bị ép phải làm tiền giấy vàng mã có chứa độc tố và phải dọn dẹp nhà vệ sinh trong bốn tháng. Các lính canh thường xuyên lăng mạ bà và ép bà phải đứng trong nhiều giờ.

Chính quyền đã tống tiền bà 5.000 nhân dân tệ và giam bà tại một trung tâm tẩy não trong hai tháng.

Bốn năm tù

Vào ngày 1 tháng 3 năm 2006, khi bà Trương đang chăm sóc chồng tại bệnh viện, tám công an đã đến tìm bà.

Để tránh cho người chồng đang mang bệnh lo lắng, bà đã đi ra ngoài để gặp họ. Ngay khi bà bước ra khỏi bệnh viện, họ đã bắt bà, dù lúc đó chồng bà đang cần bà chăm sóc.

Công an đã lục soát nhà bà và tịch thu tất cả các sách Pháp Luân Công. Họ doạ gia đình rằng sẽ kết án bà bảy hoặc tám năm tù nếu bà không chịu từ bỏ đức tin. Ngoài ra, họ còn ép chồng bà phải gọi điện thoại cho bà để gây áp lực khiến bà từ bỏ đức tin. Chồng bà rất căng thẳng và sức khoẻ xấu đi nhanh chóng. Chưa đầy hai tháng sau ông đã qua đời.

Sau đó bà Trương đã xuất hiện tại Toà án Khu Ân Đô. Bà đã tự biện hộ cho mình.

Thẩm phán và công tố viên đã chế giễu bà khi bà nói rằng mình không vi phạm luật khi tu luyện Pháp Luân Công và rằng Giang Trạch Dân, nguyên lãnh đạo của đảng cộng sản, đã vi phạm pháp luật khi bức hại người tốt.

Họ nói: “Bà vẫn rất cứng đầu và không nhận sai ngay cả khi sắp bị tống vào tù. Giang Trạch Dân là ai? Ông ta là nguyên chủ tịch nước!”

Bà Trương trả lời: “Hiện giờ Giang không còn là chủ tịch nước nữa. Ông ta bức hại người tốt nhất định sẽ gặp báo ứng, thiện ác hữu báo là Thiên lý. Lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt.” Họ lại cười phá lên chế nhạo bà.

Sau đó thẩm phán đã kết án bà bốn năm tù và thụ án trong Nhà tù nữ Tân Hương. Đồng thời, lương hưu của bà cũng bị đình chỉ.

Sau khi được thả, bà buộc phải sống xa nhà để tránh bức hại thêm nữa.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/31/390853.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/6/178755.html

Đăng ngày 15-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share