Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông
[MINH HUỆ 12-07-2019] Bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công, một gia đình ở tỉnh Sơn Đông đã phải chịu nhiều thống khổ. Người con trai qua đời ở tuổi 35 vì bị tra tấn. Con dâu bị rối loạn tinh thần do bị tra tấn và tẩy não, và đã qua đời. Người cha già, một giáo viên hưu trí, bị đau tim và cũng đã qua đời vào năm 2018.
Gia đình nói trên cư trú ở huyện Vũ Thành, tỉnh Sơn Đông. Người con trai là anh Trần Quế Bân, bị tàn tật do bị đánh đập trước khi chết. Người con dâu goá chồng, cô Chu Hải Đào, bị bỏ đói, cấm ngủ và cấm sử dụng nhà vệ sinh trong khi bị giam giữ. Người cha, ông Trần Cảnh Hoa, cũng bị bắt giam. Chính quyền liên tục tống tiền gia đình họ bất chấp gia cảnh họ nghèo khó.
Cái chết của người con trai
Anh Trần Quế Bân, từng là nhân viên của Nhà máy Sợi Vũ Thành ở tỉnh Sơn Đông, đã qua đời ở tuổi 35 vào năm 2001 trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Anh Trần Quế Bân làm việc tại Nhà máy Sợi Vũ Thành ở tỉnh Sơn Đông. Thời thơ ấu, anh bị viêm khí quản, nhiễm trùng vi khuẩn khí quản, gây tắc nghẽn đường hô hấp.
Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 3 năm 1995, sức khoẻ của anh đã được cải thiện. Anh cũng chiểu theo những giáo lý đạo đức của Pháp Luân Đại Pháp, sự trung thực và đạo đức nghề nghiệp của anh đã khiến mọi người tại nơi làm việc và bà con lối xóm kính trọng.
Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, anh Trần đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Công và bị bắt giam hơn một tháng. Sau khi được thả, anh nhận lệnh phải báo cáo cho Cục Công an Vũ Thành mỗi ngày. Sau đó anh và vợ đã bị giam hơn 10 ngày xung quanh các ngày có ý nghĩa toàn cầu đối với việc tu luyện Pháp Luân Công. Công an Vũ Thành cũng lục soát nhà anh vào ngày 25 tháng 7 năm 1999, tịch thu tài sản có giá trị hơn 3.000 tệ và 2.500 tệ tiền mặt.
Cuối tháng 12 năm 2000, anh Trần và vợ lại bị bắt và giam trong một cơ sở giam giữ bên trong Nhà máy Sợi Vũ Thành. Hầu Kim Tài, trưởng ban an ninh của nhà máy, nghi ngờ rằng anh Trần đã bảo những người khác đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Hầu đã còng tay anh và ra lệnh cho bốn người ngược đãi anh. Một người đã đẩy mạnh anh Trần từ sau lưng khiến anh ngã nhào. Với hai tay bị còng, anh không thể lấy tay đỡ người lại, và đầu của anh bị đập vào một chiếc tủ đựng hồ sơ bằng kim loại. Ngay lập tức, toàn thân anh tê liệt, không thể cử động. Sau đó, kiểm tra y tế cho thấy anh bị gãy đốt sống cổ nghiêm trọng.
Hầu và những người khác tiếp tục đánh anh trong khi anh bất động và bất tỉnh nằm trên sàn nhà. Sau đó Hầu đã cởi giày, tất và quần áo của anh. Họ đưa anh ra ngoài, nơi có tuyết rơi, và để anh ở đó hơn một giờ đồng hồ. Sau đó, họ đưa anh vào bên trong và đặt trên một tấm ván gỗ trong một căn phòng không có lò sưởi.
Vợ anh Thành, cô Chu, cũng bị giam trong cùng cơ sở giam giữ đó. Cô nghe tin về việc chồng bị đánh đập và đã báo cáo việc này với tổng giám đốc công ty, Vương Ngọc Dân, nhưng bà ta làm ngơ. Mẹ và em trai anh Trần đã nhiều lần yêu cầu được gặp bà ta nhưng đều bị từ chối.
Bà Chu Quế Hương, mẹ của anh Trần, đã biết việc con trai bị thương trong lúc đến thăm anh vào hôm sau. Bà và bác sỹ đã liên tục liên lạc với ban lãnh đạo công ty, và cuối cùng anh Trần đã được chuyển đến một bệnh viện sau 28 giờ bị thương tích. Anh đã qua đời vào ngày 7 tháng 2 năm 2001.
Trương Thuỵ Quân, đội trưởng của Đội An ninh Nội địa trực thuộc Cục Công an Vũ Thành, đã trực tiếp giám sát việc đánh đập anh Trần.
Cái chết của người con dâu
Anh Trần Quế Bân, cô Chu Hải Đào và con trai của họ.
Cái chết đột ngột của anh Trần đã phá huỷ cuộc sống yên ấm của cô Chu và cậu con trai 10 tuổi. Họ đã lâm vào cảnh nghèo túng. Cô đã đến Viện Kiểm sát Tối cao ở Bắc Kinh để tìm kiếm công lý vào đầu năm 2001.
Một quan chức nói: “Cô đã bị oan, và tôi thừa nhận rằng gia đình cô đã bị hãm hại. Nhưng tôi không thể làm gì. Cô sẽ thắng kiện trong tương lai.”
Công an Vũ Thành đã giam cô Chu hơn ba tháng tại Trung tâm Tẩy não Đức Châu. Ở đó, cô bị đánh đập, bỏ đói, cấm ngủ và không được dùng nhà vệ sinh. Cô cũng bị ép phải xem những video phỉ báng Pháp Luân Công và Nhà sáng lập pháp môn. Sau đó, cô bị đưa đến Trại Lao động Nữ Tế Nam, bị giam hơn sáu tháng và bị sốc điện, treo người lên và đánh đập.
Việc bị tra tấn đã khiến sức khoẻ của cô suy yếu nhanh chóng và cô không thể làm việc. Tài chính khó khăn và áp lực khiến cô bị suy sụp tinh thần, cô phải về sống cùng với ba mẹ chồng. Cô đã qua đời vào năm 2017.
Sự thống khổ của cha mẹ
Cha mẹ của anh Trần Quế Bân là ông Trần Cảnh Hoa và bà Chu Quế Hương, từng mắc nhiều bệnh tật, gồm bệnh tim, đau dạ dày, đau chân và khối u tử cung. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, họ đã hồi phục sức khoẻ. Nhờ hành xử chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, họ có một gia đình hạnh phúc và cải thiện mối quan hệ với hàng xóm.
Ông Trần Cảnh Hoa bị giam tại văn phòng chính quyền xã Đại Truân vào ngày 22 tháng 7 năm 1999. Ông bị bỏ đói, bỏ khát, cấm ngủ và sử dụng nhà vệ sinh. Ông nhận lệnh phải viết một tuyên bố vu khống Pháp Luân Công và đọc nó trong khi quỳ gối. Sau đó quan chức tại trường học nơi ông công tác đã đưa ông đến một trung tâm tẩy não ở huyện Chúc Trang, ở đây ông bị ép phải trả sinh hoạt phí.
Tiếp đó là các phiên tẩy não và tống tiền. Ngày 23 tháng 4 năm 2000, ông Trần bị giam tại Đồn Công an Đại Truân, bị ra lệnh phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và phạt 1.000 tệ.
Ngày 19 tháng 7 năm 2000, ông bị đưa đến văn phòng chính quyền xã Đại Truân trong vài ngày và bị phạt 1.000 tệ. Vì ông không có tiền, bí thư thôn phải đóng vai trò là người bảo lãnh để ông được tự do.
Tháng 1 năm 2001, ông Trần lại bị giam và bị phạt 1.000 tệ. Ông đã trốn thoát khi công an truy bắt ông vào tháng 12 năm 2001. Sau khi vợ chồng ông đi trốn, công an đã xông vào nhà họ. Ông Trần Cảnh Hoa đã qua đời vào năm 2018.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/12/389543.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/6/178759.html
Đăng ngày 12-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.