Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Đại Lục

[MINH HUỆ 22-05-2019] Tôi là đệ tử Đại pháp “thế hệ 9X” đến từ Trung Quốc Đại Lục, là học viên mới bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 2016. Từ khi đắc pháp tới nay, bởi trường học và nơi công tác ở ngoại tỉnh nên tôi rất ít gặp mặt người nhà, cũng là người tu luyện. Bởi vậy, tôi cơ bản ở trạng thái độc tu. Có lúc, nhìn thấy những việc làm vĩ đại của các đồng tu hải ngoại như diễu hành, chứng thực Pháp, trong lòng tôi hy vọng có thể tận mắt được nhìn thấy. Hai năm nay, tôi tới Thẩm Quyến làm việc, cách Hồng Kông rất gần, nên có điều kiện thuận tiện để sang đó.

Năm nay, khi gần tới ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, ngày 13 tháng 5, tôi bỗng nhiên có một nguyện vọng mãnh liệt, tôi đoán ngày hôm ấy, Hồng Kông nhất định sẽ có lễ diễu hành chào mừng, nhất định phải đi xem. Tuy nhiên, vì chưa từng sang Hồng Kông, cũng không biết đoàn diễu hành khởi hành từ đâu, nên dù có nguyện vọng mãnh liệt như vậy, tôi cũng không biết làm sao mà thực hiện.

Sau đó, nhờ sự điểm hóa của Sư phụ, trong lúc lên mạng, tôi tình cờ tìm được thông báo về việc phân luồng giao thông do Sở Giao thông Hồng Kông ban hành để công chúng phối hợp trong giao thông vào ngày 12 tháng 5, đồng thời còn nêu rõ lộ trình kiểm soát giao thông. Tôi vui mừng khôn xiết, đoán chắc đây là tuyến đường diễu hành của các đồng tu. Tôi lập tức quyết định sang Hồng Kông xem lễ diễu hành.

Chuyến đi Hồng Kông lần này tôi đã thu hoạch được rất nhiều điều bổ ích. Là một học viên mới quanh năm độc tu, tôi thực sự phấn khích khi gặp được rất nhiều đồng tu. Hơn nữa, những lời nói và hành động của họ còn giúp tôi nhận thấy những thiếu sót và chỗ thua kém của mình, từ đó có động lực để tinh tấn hơn. Dưới đây, tôi xin viết ra những điều mắt thấy tai nghe và cảm ngộ của bản thân để giao lưu chia sẻ với mọi người. Vì tầng thứ có hạn, nếu có điều gì sai sót, xin vui lòng chỉ rõ.

Trân quý thời gian

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi tới Hồng Kông và gặp các đồng tu là họ thực sự trân quý thời gian và tận dụng mọi lúc để tu luyện.

Vào buổi sáng, tôi xuống tàu điện ngầm và đến sân chơi bên Vịnh Trường Sa. Khi đó, trong sân các đồng tu đang chuẩn bị tiến hành các hoạt động tạ ân Sư. Bên ngoài cũng có mấy đồng tu, có những người đang chuẩn bị cho buổi diễu hành. Những đồng tu không tham gia các hoạt động trong sân, cũng không có việc gì để làm thì không ngồi không, rất nhiều người ngồi xếp bằng trên đất để học Pháp.

Vừa đến nơi, tôi đã thấy một nam đồng tu đang ngồi xếp bằng phát chính niệm dưới gốc cây, lưng ngay thẳng, bất động tới hơn một giờ. Tôi cũng thấy một nhóm nữ đồng tu trẻ tuổi trong chòi nghỉ chân, hẳn là đội tiên nữ. Khi trang điểm và phục sức xong, họ tập trung lại một chỗ và cùng nhau luyện công. Trong trang phục tiên nữ, động tác luyện công của họ trông thật duyên dáng, cùng với nhạc luyện công êm dịu, tất cả đã tạo nên cảnh tượng thật nên thơ.

Khi các hoạt động tạ ân Sư kết thúc, bên ngoài bỗng xuất hiện rất nhiều đồng tu, nhưng ai nấy đều rất trật tự. Một số đồng tu không bận rộn lắm, bèn tìm chỗ trống, lấy tấm nhựa trải ra, rồi ngồi đả tọa trên mặt đất; một số học Pháp; và một số ngồi song bàn, tay kết ấn. Không ai ồn ào náo động, không ai chơi điện thoại di động, không mấy người ngồi nói chuyện phiếm, bầu không khí rất yên bình.

Điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc nhất là các đồng tu của Đoàn Nhạc Tian Guo. Trong cuộc diễu hành buổi chiều, đoàn diễu hành dừng lại trên đường nghỉ ít phút. Có đồng tu đánh trống lớn đứng ở hàng đầu trong đoàn nhạc, dù chỉ vài phút nghỉ ngơi cũng không bỏ qua. Sau khi đặt chiếc trống nặng xuống đất, anh lập tức luyện công. Khi thực hiện bài tập “Quán thông lưỡng cực pháp”, hai tay anh lên xuống nhẹ nhàng như lá bay. Giữa chốn phồn hoa náo nhiệt này lại xuất hiện cảnh tượng tao nhã và yên tĩnh đến vậy.

Biểu hiện tinh tấn của các đồng tu khiến tôi nhận thấy rõ chỗ thua kém của bản thân. Trong tu luyện, tôi không biết trân quý thời gian, hết giờ làm về nhà, ăn cơm, tôi còn dành chút thời gian chơi điện thoại, lên mạng, đáng lẽ có thể đủ thời gian học một bài giảng Pháp thì chỉ còn đủ để học được nửa bài. Đôi khi, tôi luôn cảm thấy rằng thời gian là không đủ, đôi khi vì công việc quá bận rộn, nên thường rút ngắn thời gian học Pháp. Nhưng các đồng tu ở Hồng Kông lại không như thế. Họ bận rộn hơn tôi, nhưng họ tận dụng từng phút từng giây để tu luyện. Cái gọi là “không có thời gian” chỉ là cái cớ để tôi biện minh cho sự lười biếng của mình. Nếu có thể đặt Đại Pháp lên vị trí hàng đầu, dành thời gian giải trí, xem điện thoại di động để học Pháp, luyện công, thì hẳn sẽ không phàn nàn là không đủ thời gian.

Những lời nói và hành động của các đồng tu đã giúp tôi thu hoạch không nhỏ. Sau khi từ Hồng Kông về, tôi tự nhủ phải học theo các đồng tu ở Hồng Kông. Trên đường đi làm và về nhà, tôi sẽ phát chính niệm hoặc học thuộc Pháp, giờ nghỉ trưa cũng học thuộc Pháp, khi ăn cơm sẽ nghe “Giải thể Văn hóa Đảng” hoặc các bài tương tự, cơm nước xong sẽ lên Minh Huệ đọc bài chia sẻ, đảm bảo thời gian học pháp mỗi ngày. Tôi sẽ không làm bất cứ việc gì vô bổ. Chỉ vẻn vẹn vài ngày kiên trì như vậy mà tình trạng tu luyện của tôi đã cải thiện rất nhiều.

Trường năng lượng tu luyện Chính Pháp

Trong quá trình tiếp xúc với các đồng tu, tôi thực sự cảm nhận được “trường năng lượng” mà Sư phụ giảng.

Trước hết là sự tương phản rõ ràng giữa bầu không khí yên bình, tường hòa của các đồng tu với “Hội Thanh niên Quan ái” quanh đó. Buổi sáng, khi cử hành các hoạt động tập thể trước lúc diễu hành, ĐCSTQ xúi giục ba, bốn trăm người của “Hội Thanh niên Quan ái” bao vây sân chơi trên Vịnh Trường Sa, nơi tổ chức hoạt động, dùng loa công suất lớn la ó, chửi bới. Vừa bước ra khỏi tàu điện ngầm, tôi đã thấy các thành viên của Hội Thanh niên Quan ái phát quạt gấp tay, còn thấy rất nhiều biểu ngữ phỉ báng Đại Pháp. Tôi lập tức bị động tâm, cảm giác có gì đó đè nén lên thân, một cảm giác sợ hãi, căng thẳng không giải thích được, trong tâm thực sự khó vượt qua.

Vậy mà, khi vào trong trường của các đồng tu, đột nhiên nội tâm cảm thấy bình tĩnh lạ kỳ. Bất kể tay sai của ĐCSTQ la ó thế nào, các đồng tu vẫn cứ người nào việc đó, không hề bị can nhiễu gì, ai nấy đều mỉm cười, bình tĩnh, tường hòa, toát ra năng lượng của chính Pháp, cho tôi cảm giác an tĩnh mà chấn động tâm can. Cảm giác sợ hãi, căng thẳng liền tiêu tan, chỉ còn lại sự thư thái. Lúc này, nhìn lại mấy người của Hội Thanh niên Quan ái ngoài kia, thấy họ như những tên hề, vừa lố bịch vừa đáng thương. Sư phụ giảng:

“Do vậy các học viên chúng ta ngồi trong trường này đều có cảm thụ, rằng trong tư tưởng không có niệm đầu nào xấu; hơn nữa rất nhiều học viên chúng ta ngồi tại đây thậm chí không nghĩ đến hút thuốc, cảm thấy bầu không khí hết sức tốt lành, hết sức thoải mái; đó chính là [vì] năng lượng mà người tu luyện chính Pháp mang theo [bên mình]; trong phạm vi của trường này thì [nó] khởi tác dụng ấy.” (Bài giảng thứ Ba, Chuyển Pháp Luân)

Tôi cảm ngộ được, là trường năng lượng mạnh mẽ mà các đồng tu mang theo đã giải thể các nhân tố tà ác bao quanh tôi, giúp tôi khởi chính niệm. Bởi đó là sân chơi (giống như công viên ở Đại Lục) nên cũng có người thường đưa trẻ nhỏ tới chơi. Bầu không khí thật vui vẻ an hòa, so với bên ngoài đúng là hai thế giới hoàn toàn khác biệt, đúng như điều Sư phụ giảng:

“Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh” (Chuyển Pháp Luân)

Một yếu tố nữa khiến tôi cảm nhận được “trường năng lượng” này là các đồng tu giảng chân tướng bên lề đường để thuyết phục “tam thoái”. Tôi không biết tại sao, hôm đến Hồng Kông, dạ dày của tôi bỗng rất khó chịu, lúc qua hải quan, suýt chút nữa thì bị nôn. Bữa sáng và bữa trưa hôm đó, tôi chỉ ăn hai cái bánh bao. Khi đi bộ, liền cảm thấy mệt mỏi và muốn nôn. Vì vậy, khi đi theo đoàn diễu hành vào buổi chiều, đôi lúc, tôi phải dừng lại nghỉ. Tôi cảm giác đó có thể là can nhiễu của tà ác, nhưng khi phát chính niệm, tôi không sao tĩnh hẳn lại được, nên không hiệu quả lắm.

Cứ vậy đi, tôi thấy có đồng tu vừa đi vừa giảng chân tướng cho mọi người bên lề đường, vẻ mặt tươi cười khiến mọi người cảm thấy rất thân thiện. Khi cô ấy đến trước mặt, giảng chân tướng cho tôi, tôi mỉm cười và nói với cô ấy rằng tôi đã làm tam thoái rồi. Cô ấy chúc mừng tôi và hỏi tôi có Tuần báo Minh Huệ chưa rồi chúc tôi may mắn. Nghĩ lại thấy thật thần kỳ. Cô ấy vừa đi khỏi, tôi đã thấy bụng dễ chịu hơn chút. Một lúc sau, khi chờ đèn đỏ ở một ngã tư, chúng tôi lại gặp nhau. Thấy tôi, cô ấy rất vui và nói: “Thật là có duyên!” và liền hàn huyên vài câu với tôi. Khi biết tôi là học viên mới từ Đại Lục sang, cô ấy bảo tôi hãy xem những hoạt động chứng thực Pháp của mọi người, và ở bên cạnh hỗ trợ phát chính niệm. Cô ấy cũng khuyến khích tôi đi giảng chân tướng, nói “có thể giảng như thế nào thì giảng thế ấy”. Cô ấy còn cho tôi xem danh sách tam thoái của cô ấy – chỉ qua ba, bốn chục phút mà tờ A4 của cô ấy đã đầy kín tên. Cuối cùng, cô còn nhắn nhủ tôi cố gắng:

“Trợ Sư chính Pháp cứu độ chúng sinh” (Tinh tấn hơn nữa, Giảng Pháp tại các nơi X)

Lời vừa nói dứt, đèn xanh cũng bật, chúng tôi nói lời từ biệt, cô vội vã lên đường giảng chân tướng. Lúc này, tôi chợt phát hiện dạ dày của tôi đã bình thường trở lại, một chút khó chịu cũng không còn. Tôi không những không phải vừa đi vừa nghỉ, mà còn có thể chạy. Điều này khiến tôi một lần nữa cảm nhận được sự thần kỳ và siêu thường của Đại Pháp. Tôi ngộ ra rằng, tâm thái thuần chính, từ bi của cô đồng tu khi giảng chân tướng có thể triển hiện uy lực của Đại Pháp, mang theo một trường năng lượng mạnh mẽ, và chỉnh lại trạng thái không đúng đắn. Có thể hình dung giảng chân tướng trong trạng thái như thế này thì sẽ hiệu quả đến thế nào.

Không biết sau này có còn cơ hội gặp lại cô đồng tu ấy không, nhưng qua đây, tôi muốn cảm ơn cô đồng tu đã động viên tôi. Hy vọng chúng ta cùng nhau tinh tấn và “Viên mãn theo Sư phụ về nhà”! (Duyên quy Thánh quả, Hồng Ngâm)

Tà ác càng ác, chúng ta càng phải Thiện

Buổi diễu hành của chúng tôi rất hùng tráng, nhưng tà ác can nhiễu cũng rất hung hăng. Ngoài tiếng la ó, chửi bới của Hội Thanh niên Quan ái xung quanh sân lúc sáng, nhiều tổ chức bị ĐCSTQ mua chuộc, vào buổi chiều, còn bắc loa công suất lớn trên đường diễu hành, liên tục la lối, không chỉ quấy nhiễu người dân, mà còn đầu độc thế nhân nữa.

Ban đầu, khi nhìn thấy cảnh tượng này, trong lòng tôi rất buồn, và cảm thấy bất lực. Nhưng khi nghe thấy một câu của khách du lịch từ Đại Lục trên đường diễu hành, tôi phát hiện ra cách ứng đối nằm ngay ở bước chân mình. Khi đi theo đoàn diễu hành qua chỗ Hội Thanh niên Quan ái bắc loa la ó, chửi bới “quấy nhiễu người dân”, tôi nghe một nữ du khách trẻ Đại Lục nói với giọng điệu chế giễu: “Đến thời đại nào rồi mà còn làm thứ này. Xem người ta kìa (ý nói đoàn diễu hành), điềm tĩnh thế kia chứ! Mấy người áo xanh này (ám chỉ Hội Thanh niên Quan ái) thật là… ”

Trong lòng tôi vô cùng chấn động. Tôi không chỉ thấy mừng cho nữ du khách có thể phân biệt đúng sai, mà còn nhận ra rằng cách tốt nhất để các đệ tử Đại Pháp ứng đối với cái ác là Thiện. Sự tương phản giữa Thiện và ác có thể phơi bày cái ác khắp thiên hạ. Đối với sự can nhiễu của Hội Thanh niên Quan ái và các tổ chức ngoại vi khác của ĐCSTQ, điều chúng ta cần làm nhất không phải là nhắm vào bọn họ như thế nào, mà là khi họ càng chửi bới, càng dùng loa công suất lớn mà can thiệp, thì khúc nhạc chúng ta chơi lại càng phải êm tai, đội ngũ đi càng chỉnh tề hơn, tâm càng từ bi hơn, khuôn mặt càng rạng rỡ nụ cười hơn, biểu hiện rõ tố chất hơn. Cứ như vậy, càng phân minh rõ Thiện và ác, sự tương phản càng sống động, chúng sinh càng dễ phân biệt giữa đúng và sai, việc cứu người càng hiệu quả hơn. Vốn là tố chất của những người trong Hội Thanh niên Quan ái cũng không tốt, nào là hút thuốc, khạc nhổ, chửi bới, ồn ào, càng gây phản cảm cho người dân và khách du lịch, so sánh liền thấy trái ngược hẳn với tố chất cao quý của các đệ tử Đại Pháp. Vào lúc này, nếu tâm chúng ta sinh ra tà niệm, sẽ bị can nhiễu, thậm chí còn khiến chúng sinh hồ nghi chúng ta mà không liễu giải được chân tướng.

Trên đường, có một người của Hội Thanh niên Quan ái phát cho tôi một cái quạt, tôi liếc nhìn khinh bỉ, cô ta liền quay đầu bỏ đi. Sau đó, tôi hướng nội và ngộ ra rằng thật sai lầm khi làm như vậy, chẳng Thiện chút nào. May thay, tôi xuất hiện với tư cách là khách du lịch. Nếu lúc đó tôi mặc áo có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, “Chân, Thiện, Nhẫn hảo” mà lại lườm cô ta như thế thì ảnh hưởng không biết là tệ tới mức nào, có lẽ người này cũng không thể cứu được nữa. Nhiều người của các tổ chức như Hội Thanh niên Quan ái này thực ra là những chúng sinh bị mê mờ, có lẽ càng cần từ bi lớn hơn mới có thể cứu độ được họ.

Tôi còn quan sát thấy một hiện tượng. Những người hô khẩu hiệu, chửi bậy trông có vẻ rất nhiều, từ xa nghe cũng tưởng đông lắm, chẳng qua là họ phát loa công suất lớn, kỳ thực nhiều người cũng chỉ làm qua loa cho xong chứ không thực sự muốn hò hét như thế. Nhiều người nấp sau biểu ngữ chơi điện thoại di động, hoặc tám chuyện, có người lấy điện thoại di động quay lại cuộc diễu hành. Họ chỉ bị ĐCSTQ lừa dối và chưa biết chân tướng. Họ chỉ làm điều sai trái đó vì mưu sinh. Có lẽ họ được an bài đến để nghe chân tướng dưới hình thức này. Trong mọi trường hợp, là một người tu luyện, chúng ta không nên bị dẫn động mà nên dùng tâm thái từ bi đối đãi mọi việc.

Điều nhìn thấy tại Bến phà Star

Cuối bài viết, nhân tiện, tôi muốn chia sẻ ngoài lề một chút. Sau buổi diễu hành, tôi đến bến phà, nơi có rất nhiều khách du lịch đang chờ đi thuyền qua Vịnh Victoria. Trong đám đông có một nữ đồng tu, trên lưng đeo một chiếc loa, đang hướng tới mọi người giảng chân tướng. Tôi lắng nghe với tư cách một khách du lịch, nhưng cảm thấy những điều đồng tu nói rất cao, đề cập tới những chủ đề như “Sáng thế chủ”, “quỷ sa tăng”. Đồng tu chưa nói hết, người nghe đã rời đi. Cuối cùng, có hai người như cảnh sát ra hiệu cho cô dừng lại và đi chỗ khác. Nhưng cô ấy chỉ di chuyển một chút và vẫn kiên trì giảng chân tướng.

Nỗ lực kiên trì và cảnh giới không sợ người khác thờ ơ của đồng tu là rất đáng trân trọng, nhưng tôi vẫn cảm thấy phải chăng có thể cải thiện phương pháp giảng chân tướng một chút? Du khách tín thần ở Đại Lục sang Hồng Kông rất ít, nếu giảng quá cao, không những khiến họ có thể không tiếp nhận được, mà còn có thể phản tác dụng. Bởi tôi thấy có du khách không hiểu chân tướng, nghe đồng tu giảng một hai câu, còn cười chê. Hơn nữa, giảng quá nhiều, có thể sẽ không có mấy người có thể nghe đầy đủ. Cá nhân tôi cảm thấy nếu cầm tấm biển đứng lặng lẽ ở đó, có lẽ hiệu quả sẽ tốt hơn. Đương nhiên, đây là quan điểm của tôi dưới góc độ khách du lịch, tình hình thực tế có thể phức tạp hơn tôi biết.

Kết luận

Trong chuyến đi đến Hồng Kông này, tôi đã thu hoạch được nhiều điều mà có lẽ sẽ không bao giờ quên. Đây có thể là một bước ngoặt trên con đường tu luyện của tôi. Cá nhân tôi không có môi trường học Pháp tập thể ở Đại Lục, cũng không được thấy các đồng tu khác tu luyện như thế nào. Tôi đã thấy rất nhiều đồng tu ở Hồng Kông đang tinh tấn, nỗ lực chứng thực Pháp, thực sự cảm thấy Pháp Luân Đại Pháp thực sự là miền đất tịnh thổ duy nhất tại cõi nhân gian. Tôi cảm thấy như mình vừa được nước trong gột sạch một lần.

Tôi cũng càng hiểu rõ tại sao Sư phụ nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học Pháp tập thể, bởi vì môi trường này quá quan trọng và có tác dụng quá lớn đối với người tu luyện.

Tôi cũng nhắc nhở các đồng tu ở Đại Lục, nếu có môi trường học Pháp tập thể thì hãy trân trọng nó. Nếu ở trạng thái độc tu thời gian dài như tôi thì nhất định phải thường xuyên vào đọc các bài trên Minh Huệ, bảo trì tinh tấn. Đừng giải đãi bản thân mà dần chìm đắm trong vũng bùn danh, lợi, tình của người thường.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/22/观香港“五·一三”大游行有感-387679.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/10/178005.html

Đăng ngày 22-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share