Bài viết của Yên Tử, một học viên Pháp Luân Đại Pháp

[MINH HUỆ 17-05-2019] Tôi sinh ra vào những năm 1980 và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) vào năm 1996. Đại Pháp đã cải biến gia đình không êm ấm của tôi thành một nơi tràn ngập sự ấm áp và hạnh phúc, khiến chúng tôi mãi biết ơn Sư phụ Lý.

Cha tôi không lập gia đình mãi đến khi ông bước vào ngưỡng tuổi 30, vì ông xuất thân từ một gia đình nghèo. Mẹ tôi nhỏ hơn cha 12 tuổi và bà có chỉ số IQ thấp. Nói cách khác, bà là một “người ngốc nghếch” trong mắt những người khác.

Ngay từ khi tôi có thể nhớ được, tôi là một cô bé bẩn thỉu, thường hay cười và không một đứa trẻ đồng trang lứa nào muốn chơi với tôi. Vì vậy, tôi chỉ chơi với bà nội bị mù của mình. Tôi có một người em trai cũng có chỉ số IQ thấp.

Cha tôi là người nóng tính nhưng lại rất có năng lực. Cả làng đều biết ông nghiện rượu nặng và uống rượu suốt cả ngày. Ông thường được mời đến các tiệc cưới và lễ tang để uống rượu cùng người khác. Ông cũng nghiện thuốc lá.

Cuộc sống gia đình khốn khổ

Cha tôi thường nổi giận với mẹ và em trai, nói họ thật ngốc nghếch. Ông đánh họ, và em trai tôi thường rất sợ trở về nhà sau giờ tan học. Em ấy sẽ trốn trong những bụi rậm và tôi phải đi tìm em. Cha tôi cũng thường xuyên đánh mẹ. Giọng bà to, nên mỗi lần cha đánh, bà sẽ khóc và hét lên. Tôi phải an ủi và cố gắng xoa dịu mẹ để không làm phiền hàng xóm.

Một tối nọ, cha tôi lại đánh mẹ, và bà quyết định bỏ trốn. Tôi cố hết sức để ngăn bà lại, nhưng bà đẩy tôi qua một bên rồi bỏ đi. Tôi rất sợ hãi và đuổi theo bà trong đêm tối. Tôi chạy vào nhà cầu xin cha đi tìm mẹ, nhưng ông ấy từ chối và tiếp tục uống rượu. Tôi đã thức cả đêm trong sự sợ hãi.

Một số người tốt bụng đã đưa mẹ tôi về nhà vào ngày hôm sau. Mọi người trong gia đình mẹ tôi đã cố gắng ngăn cản cha tôi ngược đãi bà, nhưng ông vẫn không thay đổi. Ông tiếp tục hành hạ mẹ tôi, và bà lại bỏ trốn hết lần này đến lần khác. Tôi quyết định khóa cổng lại để mẹ không thể ra ngoài.

Để làm hài lòng cha, tôi đã cố hết sức giúp mẹ nấu ăn và chăm sóc em trai. Tôi thường cảm thấy buồn vì mình sinh ra trong một gia đình như thế và tim tôi chứa đầy sự sợ hãi và tự ti. Tôi chưa bao giờ biết đến hạnh phúc hay cảm thấy mình được quan tâm như những đứa trẻ khác cùng trang lứa.

Đại Pháp đã cải biến cha tôi

Khi tôi tầm 12 tuổi, dì tôi đã giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho cha. Sau đó, tôi và cha tôi bắt đầu tập luyện cùng nhau. Cha tôi đã thay đổi rất nhiều.

Ông ngừng uống rượu và hút thuốc, nhưng mọi người vẫn còn rất hoài nghi. Cậu tôi nói rằng: “Nếu ông ấy ngừng uống rượu thì tôi cũng sẽ nhịn ăn”. Vài tháng sau, khi cậu thấy cha tôi thực sự đã cai hẳn rượu, ông ấy nói: “Tôi thật sự ngưỡng mộ người anh rể này. Tôi thật sự ngưỡng mộ Đại Pháp”.

Tính khí của cha tôi cũng trở nên bình ổn hơn nhiều. Mặc dù ông vẫn còn hơi nóng nảy một chút khi mẹ tôi làm những việc ngớ ngẩn, nhưng ông hiếm khi đánh bà. Ví dụ, khi mẹ tôi uống nước từ một cái muôi, bà luôn làm đổ một nửa nước và khiến quần áo bị ướt. Sau đó, bà sẽ đổ phần nước còn lại trên sàn nhà.

Những ngôi nhà ở vùng nông thôn không có sàn lát gạch, vì vậy nước đổ xuống sẽ khiến sàn nhà trở nên bẩn và vấy bùn. Cha tôi rất tức giận, nhưng mẹ vẫn cứ làm vậy mỗi ngày.

Tôi nhắc cha rằng đây là một khảo nghiệm tâm tính đối với ông. Ông ấy tiếp thu và tâm tính của ông được cải thiện nhanh chóng. Những cuộc cãi vã ngày càng ít đi và mẹ tôi không còn bỏ nhà đi nữa. Tôi rất biết ơn Đại Pháp đã ban cho tôi một cuộc sống gia đình bình thường.

Cuộc sống sau khi tu luyện Đại Pháp

Cha tôi đã bị bắt giữ bất hợp pháp sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Hai tuần sau đó, họ hàng của tôi đã giúp cha tôi được thả ra. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn tiếp tục can nhiễu gia đình tôi. Mẹ tôi rất sợ hãi và bảo cha từ bỏ tu luyện. Tất nhiên là cha tôi đã từ chối.

Một ngày nọ, tôi và cha quyết định đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Đại Pháp. Ngay khi chúng tôi chuẩn bị đi, mẹ tôi đã hỏi cha khi nào chúng tôi sẽ quay về vì bà và em trai tôi đều đang bệnh. Sau khi cân nhắc, cha tôi nói với tôi rằng, “Con nên ở nhà để chăm sóc mẹ và em”, thế nhưng tôi vẫn nhất quyết muốn đến Bắc Kinh. Vì vậy, cha tôi bảo: “Thôi được, con có thể đi, cha sẽ ở nhà và chăm sóc họ”.

Mặc dù cha tôi rất muốn đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Đại Pháp, nhưng ông đã quyết định ở lại để chăm sóc mẹ và em trai bệnh tật của tôi. Sau này ông nói với tôi rằng, “Sư phụ đã dạy chúng ta làm người tốt mọi lúc mọi nơi. Cha không thể để hai người bệnh ở nhà một mình”.

Lòng từ bi

Sau đó, mẹ tôi bị đột quỵ. Cha tôi đưa bà đi chữa trị tại các bệnh viện lớn mà không quan tâm đến chi phí. Ông cũng chế tạo năm loại dụng cụ tập thể dục giúp mẹ tôi phục hồi sau khi bà xuất viện.

Mẹ tôi nằm liệt giường và không tự chủ được bản thân. Mỗi ngày, cha giúp bà ngồi dậy và cố gắng giúp bà đi lại. Ông bảo bà giữ chặt cổ ông và di chuyển chầm chậm cùng ông.

Cha tôi luôn cười khi chăm sóc mẹ. Ông nói rằng ông chỉ đang làm những gì ông nên làm. Ông vệ sinh cho mẹ khi bà đi ngoài mà không hề phàn nàn. Khi họ hàng mang tặng thức ăn ngon những dịp lễ hội, cha tôi luôn để dành mọi thứ cho mẹ.

Khi thời tiết thay đổi, cha tôi đưa mẹ đi dạo trên xe lăn. Người dân trong làng tôi nói rằng: “Nếu ông ấy không tu luyện Pháp Luân Công, thì bà ấy đã chết từ lâu rồi”.

Họ đều biết rằng mẹ tôi ở trong tình trạng không tốt ngay cả trước khi bị đột quỵ. Họ không thể hiểu tại sao cha tôi vẫn có thể chăm sóc bà ấy tốt như vậy. Cha nói: “Đó là lòng từ bi đối với một sinh mệnh”.

Sáu năm sau, mẹ tôi lại bị đột quỵ và phải nằm điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt hai ngày. Bà thở gián đoạn và nhịp tim rất yếu. Bác sĩ đề nghị chúng tôi đưa bà về nhà, nhưng cha tôi nói: “Xin hãy cố hết sức cứu bà ấy, thậm chí ngay cả khi bà ấy sống trong tình trạng thực vật”. Tất cả mọi người có mặt đều vô cùng cảm động trước những lời cha tôi nói. Các bác sĩ đều bất lực đối với trường hợp của mẹ tôi, và bà đã qua đời sau đó. Nhiều người đến dự đám tang của bà, và tất cả họ đều giơ ngón cái lên với cha tôi. Họ nói rằng ông ấy thực sự là một người đàn ông tốt hiếm gặp.

Cuộc hôn nhân không hạnh phúc của em trai tôi

Em trai tôi kết hôn, nhưng họ hàng của vợ em ấy là những người rất không có lý lẽ, đặc biệt là mẹ vợ em – một người có tiếng tham lam. Bà ấy tranh đấu với tất cả mọi người và không hòa hợp với anh chị em trong nhà.

Khi nghe tin cha tôi có tiền, bà ấy nhờ một người mai mốt giới thiệu con gái mình với em trai tôi. Em tôi vốn không thông minh, nên không dễ tìm được vợ cho em ấy. Vì thế, cha tôi sẵn sàng đồng ý với cuộc hôn nhân này và sau đó bắt đầu sắp xếp cho hai người quen biết nhau.

Giá để cưới một cô dâu ở địa phương vào khoảng 10.000 Nhân dân tệ, nhưng mẹ vợ của em trai yêu cầu đến 30.000 Nhân dân tệ kèm theo các thiết bị gia dụng chất lượng cao. Cha tôi đồng ý với tất cả yêu cầu của bà ấy.

Sau khi em trai kết hôn, mọi người trong gia đình vợ đều coi thường em và cha tôi cũng thường xuyên bị sỉ nhục. Tuy nhiên, ông vẫn nhẫn chịu mọi thứ và chiểu theo các nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp. Ông cũng giúp đỡ họ hết mức có thể. Đôi khi, ông cũng đưa chúng tôi đến giúp nhổ cỏ trên những cánh đồng của họ.

Một năm sau, em dâu tôi sinh hạ một bé trai. Nghĩ rằng con gái họ đã sinh được con trai, cha mẹ vợ em trai tôi ngày càng tham lam hơn và yêu cầu cha tôi phải xây cho họ một ngôi nhà mới. Khi cha tôi từ chối, họ không chịu đến thăm chúng tôi nữa và yêu cầu em tôi đưa họ tất cả tiền lương hàng tháng. Ngay khi họ nhận được tiền, họ bảo em tôi phải rời đi mà không hề mời em ở lại dùng bữa. Người cha vợ thậm chí còn đánh em, đến mức ngay cả con trai ruột ông ấy nghĩ rằng hành vi của ông không thể chấp nhận được.

Vì bị đối xử như một nô lệ nên em tôi quyết định không đến thăm họ nữa. Sau đó, họ yêu cầu em phải ly hôn. Em tôi muốn nuôi con, nhưng họ từ chối yêu cầu của em vì họ muốn nhận tiền trợ cấp nuôi con. Em trai tôi không muốn ly dị, vì thế họ đã kiện em ra tòa. Cuối cùng, em tôi nói rằng em ấy đồng ý ly hôn nếu được nuôi con và không cần bất cứ khoản tiền trợ cấp nuôi con nào. Họ từ chối lời đề nghị của em tôi. Thẩm phán đã ra phán quyết giao đứa trẻ cho gia đình người vợ và cho em tôi 15 ngày để kháng cáo.

Em trai tôi rất đau lòng và đã uống rượu một cách vô tội vạ. Cha tôi và em sống ở hai khoảng sân riêng biệt. Khi em không qua nhà ăn cơm, cha tôi đi tìm và phát hiện em đã qua đời.

Đối đãi với sự tàn nhẫn bằng lòng thiện lương

Vì từ lâu cha tôi đã mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho em trai, nên ông đã thông báo công ty bảo hiểm về sự qua đời của em. Khi cha mẹ vợ cũ của em trai tôi nghe tin, họ yêu cầu chia phân nửa số tiền bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm không nêu tên người thụ hưởng, và phán quyết ly hôn vẫn còn trong thời hạn 15 ngày kháng cáo, nên về nguyên tắc, gia đình vợ cũ của em tôi được hưởng 50% khoản tiền thanh toán.

Cha tôi không biết có điều khoản này trong hợp đồng bảo hiểm. Một nửa số tiền thanh toán tương đương với hàng chục ngàn nhân dân tệ. Đây là số tiền phải mất nhiều năm làm việc vất vả mới kiếm được. Và sau cùng, nó là do sự đối xử bất công của họ với em tôi khiến em qua đời trong sự đau khổ. Bên cạnh đó, cha tôi là người đã chi trả cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ này. Sao họ có thể yêu cầu bất cứ điều gì sau tất cả những việc họ đã đối xử với em tôi?

Tuy nhiên, cha tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp và ông nhớ lời dạy của Sư phụ về việc trở thành một người tốt chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, và rằng chúng ta nên vứt bỏ bất cứ chấp trước nào về danh lợi tình.

Cha tôi đã ở tuổi 60, và chỉ có vài mẫu đất để sinh sống. Ở thời điểm đó, chúng tôi cũng cần chi trả các khoản viện phí của mẹ tôi. Tiền bảo hiểm lẽ ra đã có thể hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Cha tôi rơi vào tình huống khó xử, vì thế ông đã hỏi ý kiến tôi. Tôi nói ông hãy làm bất cứ điều gì ông thấy phù hợp và tôi tôn trọng quyết định của ông.

Cha tôi quyết định ông sẽ hành xử dựa trên các tiêu chuẩn của một học viên Pháp Luân Đại Pháp, và đã đưa cha mẹ vợ em trai tôi phân nửa số tiền bảo hiểm. Họ đã vui mừng khôn xiết.

Cha tôi giải thích với họ rằng ông làm thế là vì ông tin vào Chân – Thiện – Nhẫn.

Con trai của em tôi đang được gia đình họ nuôi dưỡng. Cách đây không lâu, cháu bị xe đụng ở gần trường học và bị gãy một chân. Họ báo với chúng tôi khi cháu nhập viện.

Tôi và cha tôi đến thăm cháu và giúp chuyển cháu qua một bệnh viện tốt hơn.

Bố dượng cháu đang làm việc ngoài thị trấn và cha mẹ vợ cũ của em tôi đang bận rộn với các việc riêng của họ, vì thế mẹ cháu phải tự chăm sóc cháu và một con trai ba tuổi.

Cha tôi cảm thấy thương cho tình cảnh của họ nên đã đề nghị giúp đỡ. Họ quyết định là mẹ cháu sẽ chăm sóc cháu vào buổi sáng, còn cha tôi sẽ chăm cháu vào buổi chiều.

Cha tôi luôn mang thức ăn ngon và mang cả hai phần, một phần cho cháu nội và một phần cho đứa em trai cùng mẹ khác cha của cháu. Mẹ cháu vô cùng cảm động trước lòng tốt của ông, và những người khác trong nhà cô ấy cũng thế.

Một lần, dự báo thời tiết thông báo sẽ có mưa vào ngày hôm sau, vì thế mẹ cháu bảo cha tôi không cần đến vì ông phải đi cả một quãng đường dài. Thế nhưng cha tôi biết rằng cô ấy đang bị cảm lạnh, do đó ông vẫn đến giúp. Ông bảo: “Con đang mệt và cha lo là con sẽ không được nghỉ ngơi nhiều vì thằng bé vẫn đang nằm liệt giường và cần được chăm sóc đủ thứ. Con nên nghỉ ngơi nhiều vào”. Một lần nữa, cô ấy vô cùng cảm động trước lòng tốt của cha tôi.

Trước đây, cô ấy đã khiến cuộc sống của cha tôi vô cùng khó khăn và gây ra cho ông rất nhiều sự sỉ nhục và xấu hổ, nhưng ông vẫn không để tâm và vẫn xem cô như người nhà. Ông đã cho cô thấy được lòng từ bi vĩ đại nhờ vào việc tu luyện Đại Pháp như thế nào. Sức mạnh của Đại Pháp đã cải biến cha tôi trở thành một đệ tử Đại Pháp vĩ đại.

Đại Pháp đã cải biến cha tôi và chuyển biến tâm oán hận mà ông thường đối xử với mẹ tôi thành tình thương và lòng từ bi rộng lớn. Đại Pháp khiến cha tôi có thể bảo trì tâm thái lạc quan và tích cực sau khi chịu đựng quá nhiều khó khăn và khổ nạn.

Con xin cảm tạ Sư phụ vì lòng từ bi vô hạn của Ngài! Con cũng quyết tâm ngày càng tinh tấn hơn trên con đường tu luyện Đại Pháp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/17/386081.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/25/177760.html

Đăng ngày 12-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share