Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 22-10-2018] Tôi đã thấy nhiều học viên mất đi thân người vì nghiệp bệnh. Cũng có nhiều người hiện đang chịu nghiệp bệnh. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến các học viên chứng thực Pháp. Tôi đọc Minh Huệ hàng ngày và trong một thời gian dài, tôi suy ngẫm về một số bài chia sẻ liên quan đến “bệnh”. Tôi muốn chia sẻ với các đồng tu thể ngộ của bản thân về nghiệp bệnh.
Sư phụ giảng:
“Ai đã hoàn toàn ở trong Pháp thì không ai động đến được; đó chẳng phải đã có trang bị năng lực bảo hộ tự mình hay sao?” (Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005)
Tôi hiểu rằng nếu một học viên đã hoàn toàn “ở trong Pháp” thì người đó có thể qua được bất cứ quan nào. Thế nào là “hoàn toàn ở trong Pháp”? Điều đó nghĩa là suy nghĩ và hành động của học viên phù hợp với Pháp. Nói cách khác, tư tưởng và hành vi phải chính. Vậy nên chúng ta đều có thể chính niệm chính hành và qua được khảo nghiệm đơn giản bằng cách chính lại tư tưởng và hành vi của mình. Sao chúng ta biết chắc tâm mình là chính? Điều này cần được nhận biết qua cách hành xử của chúng ta. Nếu hành xử của một người ở trong Pháp, vậy thì tâm người đó có thể nói là ở trong Pháp. Nếu hành xử của người đó chưa ở trong Pháp, vậy thì tâm của người đó chắc chắn chưa hoàn toàn ở trong Pháp.
Hãy nhìn xem trạng thái của các học viên đang bị nghiệp bệnh. Một số đang ở trong tình trạng rất nghiêm trọng đến nỗi họ không còn có thể sống một cuộc sống bình thường và tu luyện được nữa. Một số thì coi bản thân như người bệnh và nghỉ ngơi ở nhà. Vì học viên này đang coi bản thân mình như một người bệnh và hành vi là do tư tưởng dẫn dắt, nên điều đó có nghĩa là trong tâm anh ấy coi mình là người bệnh. Thậm chí học viên này có thể không nhận ra điều đó. Tuy nhiên, vấn đề chính là ở chỗ này. Sư phụ đã giảng cho chúng ta Pháp lý rằng các học viên là không có bệnh. Vậy chẳng phải học viên này không tín Sư tín Pháp sao?
Khi giả tướng nghiệp bệnh xuất hiện, các học viên thường khẳng định rằng người tu luyện là không có bệnh. Họ thường có chính niệm như vậy. Tuy nhiên, một quan niệm người thường về ốm đau bệnh tật đã hình thành trong quá khứ có thể chiếm ưu thế, khiến học viên cảm thấy đó là bệnh. Kết quả là lúc này có sự giằng co giữa chính niệm và quan niệm người thường! Nếu chính niệm mạnh hơn quan niệm người thường, chúng sẽ chiếm ưu thế và học viên này sẽ không xem biểu hiện này là bệnh. Nhưng nếu quan niệm người thường chiếm ưu thế, thì người này sẽ cho rằng mình bị bệnh và không thể qua được quan này.
Còn có một tình huống khác có thể xảy ra. Lúc đầu, dù là chưa hoàn toàn kiên định, nhưng học viên này có thể có chính niệm mạnh. Anh ấy có thể chủ động coi tình trạng này là không đúng đắn và tiếp tục làm những gì cần làm, gồm có ba việc. Nhưng nếu anh ấy không chủ động hướng nội và buông bỏ một số chấp trước, tình trạng đó có thể tiếp diễn. Khi thời gian qua đi, nếu anh ấy mất tín tâm và quan niệm người thường thắng thế, vậy thì anh ấy sẽ bắt đầu coi biểu hiện đó là bệnh.
Khi một người xem mình có bệnh, ôm giữ cách nghĩ này, thì chấp trước về bệnh sẽ được hình thành. Rồi sau đó người ấy có thể hình thành tâm cầu chữa bệnh và nỗi sợ hãi sẽ lớn hơn. Khi tình trạng thực sự xấu đi và trở nên nguy hiểm đến tính mạng, họ sẽ nảy sinh tâm sợ chết. Một số học viên thậm chí còn oán trách rằng Sư phụ không quản họ.
Thật ra khi một người trong tâm có suy nghĩ về bệnh ấy, thì chính là anh ấy đang ôm giữ cái bệnh đó. Lúc đầu nó vốn không phải bệnh, nhưng học viên này đối đãi như vậy thực sự là đang chiêu mời nó đến. Sư phụ giảng:
“Chúng tôi nhấn mạnh một điểm: [nếu] chư vị không bỏ được cái tâm ấy, không bỏ được cái [suy nghĩ về] bệnh ấy, [thì] chúng tôi chẳng thể làm gì, đối với chư vị chẳng thể giúp được.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Lúc này, cả Sư phụ và các học viên khác đều không thể giúp anh ấy. Cách duy nhất là anh phải buông cái suy nghĩ về bệnh kia đi. Chỉ khi một học viên lựa chọn buông bỏ, Sư phụ và các học viên khác mới có thể giúp được. Nhiều học viên bị nghiệp bệnh nặng cuối cùng qua đời, dù các học viên khác đã trợ giúp. Nguyên nhân chủ yếu là bởi học viên này không thực sự buông tâm xuống.
Làm cách nào để một người có thể giải quyết nghiệp bệnh? Hướng nội chính là chìa khóa. Người này phải triệt để hướng nội tìm chấp trước và xem xét một cách hệ thống tất cả các quan niệm người thường về bệnh, như tâm chấp trước vào bệnh, truy cầu chữa bệnh, sợ bệnh sẽ nặng hơn, ham sống sợ chết, nghi ngờ Sư phụ, nghi ngờ công hiệu của Đại Pháp, v.v.. Bất cứ chấp trước hoặc quan niệm nào dẫn đến tình trạng này sau đó đều cần phải loại bỏ, lần lượt từng chấp trước một. Cuối cùng chỉ còn lại một niệm duy nhất “người tu luyện là không có bệnh.” Sau đó người học viên này phải tập trung vào những việc phải làm và làm tốt ba việc. Có chính niệm chính hành, chúng ta sẽ qua được khảo nghiệm.
Có một nhắc nhở nữa đối với các học viên đang trong nghiệp bệnh đó là chúng ta cần hướng nội trong mọi thời khắc. Chúng ta cũng không được chấp trước vào việc vượt qua khảo nghiệm. Chúng ta phải nghiêm túc tu chính mình, chứ không phải chấp trước vào bản thân khảo nghiệm đó. Khi hình thành chấp trước vào bản thân khảo nghiệm, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào vòng xoáy làm mọi thứ chỉ vì khảo nghiệm đó, gồm cả học Pháp, luyện công, hướng nội, phát chính niệm và giảng chân tướng. Mục đích của chúng ta không phải là để qua khảo nghiệm mà là để chân chính đề cao. Chúng ta phải tận dụng tốt khảo nghiệm đó, “dĩ Pháp vi Sư”, tìm ra thiếu sót và quy chính lại trong Pháp. Nếu có thể qua khảo nghiệm tốt bằng chính niệm chính hành, chúng ta có thể biến nó thành hảo sự.
Con đường chứng thực Pháp sẽ thông suốt nếu một người luôn có chính niệm chính hành ở trong Pháp. Chúng ta sẽ gặp khảo nghiệm khi không ở trong Pháp. Trong thời kỳ Chính Pháp, một số khảo nghiệm là do cựu thế lực an bài. Chúng sẽ lợi dụng những sơ hở khi chúng ta không ở trong Pháp. Chúng ta phải xử lý chuyện này thế nào? Không cần quan tâm đến cựu thế lực, thay vào đó chỉ chú tâm làm mọi việc chiểu theo Pháp và quy chính lại tất cả những gì bất chính. Khi chúng ta chính niệm chính hành, cựu thế lực sẽ không còn có cớ nào và khảo nghiệm sẽ kết thúc.
“Công tu hữu lộ tâm vi kính”
(Pháp Luân Đại Pháp, Hồng Ngâm)
Tạm dịch:
“Tu luyện có đường tâm là tắt”
Quan khảo nghiệm trong tu luyện Đại Pháp không nằm ở việc bắt cóc của tà ác, nghiệp bệnh, sách nhiễu của cảnh sát, không nằm ở các học viên khác hay người thường. Tất cả đều là ở tâm của chúng ta. Nếu muốn thực sự vượt qua khảo nghiệm, chúng ta phải tập trung vào thay đổi suy nghĩ và quan niệm của mình, hướng nội và đề cao tâm tính. Nếu không đề cao tâm tính, hết thảy các biện pháp khác nhằm vượt qua khảo nghiệm trên thực tế đều là hướng ngoại, đi theo ma đạo và không phải là chính lộ để vượt qua khảo nghiệm trong tu luyện.
Trên đây chỉ là nhận thức nông cạn của cá nhân tôi, có chỗ nào chưa thỏa đáng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/22/376073.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/8/173553.html
Đăng ngày 26-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.