Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 4-11-2018] Anh Hứa Văn Long, một học viên Pháp Luân Công 32 tuổi ở tỉnh Hắc Long Giang, đã bị tra tấn trong Nhà tù Thái Lai, thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ từ tháng 12 năm 2012 vì anh từ chối từ bỏ đức tin của mình.

Anh đã bị biệt giam, đánh đập, sốc điện, treo lên bằng còng tay, bỏ đói và cấm ngủ. Gần đây, anh Hứa đã bị chuyển đến Nhà tù Phùng Truân ở Tề Tề Cáp Nhĩ để bức hại thêm nữa.

Anh Hứa, sinh năm 1986, là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh. Anh bị bắt giữ cùng với tám học viên khác vào năm 2011, sau khi công an ghi âm điện thoại của anh và theo dõi anh một khoảng thời gian. Anh đã bị kết án 6,5 năm tù và bị đưa đến Nhà tù Thái Lai vào ngày 26 tháng 12 năm 2012.

Biệt giam

Anh Hứa bị giam trong một xà lim nhỏ hơn một tháng, bị yêu cầu phải viết “báo cáo tư tưởng” hàng ngày. Khi anh viết “Tôi vô tội” vào ngày 16 tháng 1 năm 2013, lính canh tù Cao Bân đã đánh đập và hăm doạ “giam anh vĩnh viễn.”

Thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, miền cực bắc của Trung Quốc, nhiệt độ thường giảm đến âm 23ºC vào tháng 1. Trong xà lim không có giường, chăn hay gối, và anh Hứa phải ngủ trên sàn bê tông lạnh giá. Mặc một lớp áo mỏng cùng với tay chân bị xích, anh chỉ có thể ngủ trong thời gian ngắn do lạnh và không được thoải mái.

69478e5581f397f025305424e5aef4b7.jpg

Minh hoạ tra tấn: Ngủ trên sàn bê tông với tay chân bị xích.

Các lính canh chỉ cho anh Hứa hai muỗng canh vơi mỗi ngày. Bị đói dẫn đến táo bón nặng. Anh bị sụt cân nhanh chóng, và trở nên hốc hác vào lúc ra khỏi nơi biệt giam. Nướu của anh nhiễm trùng vì anh không được đánh răng.

Sau khi chịu đựng 37 ngày biệt giam, đói rét, anh Hứa đã đầu hàng và viết cam kết bất tu luyện. Sau đó khi anh viết một bản nghiêm chính thanh minh rằng cam kết đó là vô hiệu, các lính canh lại bắt đầu tra tấn anh.

Đánh đập và sốc điện

Ngày 25 tháng 3 năm 2013, sau khi thất bại trong việc ép anh Hứa lăng mạ Ông Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập của Pháp Luân Công, lính canh Vũ Cương đã treo anh lên bằng còng tay vào một động cơ điện trong xưởng làm việc, và tiến hành đánh đập và sốc điện anh bằng dùi cui điện. Vũ đã đánh vào đầu, mặt và bộ phận sinh dục của anh.

Anh bị đánh đập liên tục. Một vài lính canh thường xuyên dồn anh và đánh đập anh bằng dùi cui điện cho đến khi chúng hết điện. Sau đó họ nâng anh lên và đặt người anh một thanh kim loại và để anh gập người trên đó trong nhiều giờ. Họ đưa các tù nhân còn lại đi chỗ khác để không ai chứng kiến việc anh bị tra tấn.

Gập mình trên cây gậy kim loại vào ban ngày và treo người lên vào ban đêm

Anh Hứa chỉ được ăn một cái bánh bao hấp mỗi ngày trong suốt hai tuần cuối của tháng 3. Nhiệt độ ở Tề Tề Cáp Nhĩ thường xuyên giảm hơn âm 23ºC vào tháng 3. Anh Hứa chỉ mặc quần áo mỏng tang trong khi các lính canh mặc áo khoác dày.

Vào ban ngày, anh bị chống người vào một cây gậy kim loại khiến cơ thể anh gập lại như hình “chữ U”, hai chân bị trói vào một cây gậy nhét trong quần anh. Cơ thể gập như vậy trong nhiều giờ. Vào ban đêm, hai tay anh bị còng ra sau lưng và bị treo vào một cái thanh giường tầng trong tư thế khó chịu. Một tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát anh cả đêm. Anh không được phép ngủ hay dùng nhà vệ sinh.

d2bdea722e8f23e840600e759bd21f1d.jpg

Minh hoạ tra tấn: Gập người vào cây gậy trong xưởng làm việc vào ban ngày.

Khi đoàn viên chức từ Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh đến kiểm tra Nhà tù Thái Lai vào cuối tháng 5 năm 2013, anh Hứa từ chối trả lời trưởng đoàn. Đội phó Trịnh Huy đã ra lệnh cho nhiều tù nhân đánh đập anh đến khi anh bị thương.

Đội trưởng Lưu Xuân Hiểu đã còng tay và xích chân anh Hứa, rồi đội mũ cho anh để che đi các vết thương. Anh lại bị nhốt vào một xà lim nhỏ trong một thời gian dài.

16 ngày tra tấn liên tục

Năm 2015, anh Hứa bị tra tấn ròng rã 16 ngày từ 3-18 tháng 12 vì từ chối làm theo yêu cầu của lính canh tù.

Các lính canh đã biệt giam anh vào ngày 3 tháng 12 năm 2015, sau khi anh tố giác rằng nhà tù đã tra tấn anh Trương Hải Đào, một học viên Pháp Luân Công khác. Họ trói anh vào “ghế cọp” trong sáu ngày với hai tay bị còng ra sau lưng và chân bị xích. Ngoài ra còn có một dây an toàn trói qua ngực anh. Họ không cho anh ngủ và xịt nước ớt vào đầu, mặt và cổ anh từ 10 đến 20 lần một ngày.

Sau đó anh Hứa nói: “Nó đủ để gội sạch đầu tôi.”

5a6911ed18c4f4876e1b5bb1f5840545.jpg

8a017964ae7da0a970a659a13552d600.jpg

Bức vẽ của anh Hứa mô tả lại phương thức tra tấn trói vào “ghế cọp” và xịt nước ớt

Khi anh Hứa phản đối việc ngược đãi, họ còn xịt nhiều hơn. Cơn đau trở nên dữ dội và thị lực của anh bị ảnh hưởng rõ rệt. Mặt và mũi anh trở nên sưng phồng.

Khi lính canh thả anh Hứa ra khỏi “ghế cọp” vào ngày 9 tháng 12, anh không thể đi được. Sau đó họ xích anh vào một cái neo trên sàn – một cái vòng gắn với mặt đất, trong chín ngày.

Cổ tay anh đau đớn nếu anh cố nằm xuống ngủ. Khu vực giam giữ rất lạnh, nhưng anh chỉ được mặc quần áo mỏng tang. Anh đã tuyệt thực và trở nên ốm yếu hơn. Ngồi trên sàn bê tông trong chín ngày khiến anh bị đau nhức ở chân, hông và mông.

d1e8bfc9bfded06a00a8291a0b8736ac.jpg

Bức vẽ của anh Hứa mô tả hình thức tra tấn neo trên sàn

Anh Hứa nói trong chú thích rằng anh cảm thấy lạnh buốt cùng cực với một lớp quần áo mỏng. Không có đệm cho anh ngồi và mông anh bị mưng mủ sau một thời gian dài ngồi trên sàn bê tông.

Các lính canh đã neo anh vào sàn nhà để hạn chế anh như vậy đến tận ngày 18 tháng 12 năm 2015.

Gia đình bị từ chối thăm viếng và gửi thư

Tháng 7 năm 2016, anh Hứa trở thành đối tượng bị bức hại nhiều hơn vì từ chối từ bỏ đức tin và phản đối việc ngược đãi các học viên bị cầm tù khác.

Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2016, các lính canh ở Đội 3 đã từ chối cho gia đình anh thăm viếng, gọi điện thoại, gửi thư và mua đồ tại căng tin. Anh chỉ được ở trong một khu vực chỉ định và không được nói chuyện với ai.

Hiện tại, anh Hứa đang bị biệt giam ở Nhà tù Phùng Truân.

Bài liên quan:

Nhà tù Thái Lai tăng cường bức hại các học viên Pháp Luân Công


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/4/376663.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/20/173324.html

Đăng ngày 28-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share