Bài viết của một học viên người Tây phương ở Mỹ quốc
[MINH HUỆ 28-6-2018] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu! Sau đây, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của bản thân. Bài chia sẻ của tôi có tựa đề “Viên dung và phối hợp mang đến hiệu quả thật sự.”
Từ một kẻ say xỉn vô dụng trở thành nhân viên của công ty thuộc Top 500 (Fortune 500)
Trong suốt thời thiếu niên và những năm đầu đại học, hầu như ngày nào tôi cũng say xỉn và dùng ma túy. Tôi được sống trong một khu vực tốt, có một gia đình tốt, và được đi học ở trường tốt. Tuy nhiên, tất cả bạn bè tôi đều nghiện rượu và ma túy, do đó với tôi dường như chẳng có gì bất thường. Khi vừa lên đại học, rắc rối của tôi thật sự nhân lên gấp bội. Tôi trượt tất cả các môn học, vì những gì tôi quan tâm chỉ có bia rượu và tiệc tùng.
Tôi thường xuyên gặp vấn đề với nhà trường và cảnh sát do thói quen uống rượu. Nhà trường nói nếu tôi không chấn chỉnh lại hành vi, tôi sẽ bị đuổi học. Nhưng tôi không thể sửa được. Tôi không thể ngừng uống rượu hay dùng ma túy; nó như là bản tính thứ hai của tôi và tôi không có cách nào thay đổi đời mình. Tôi trở thành một kẻ thất bại và ích kỷ, khiến bố mẹ lo lắng và tôi cũng chẳng thấy vui vẻ gì.
Năm 2008, sau vài tháng bị bắt giam lần thứ hai vì lái xe trong trạng thái say rượu, tôi được người em họ giới thiệu về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi bắt đầu luyện công và đọc sách Chuyển Pháp Luân. Tôi bắt đầu cố gắng sống theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, và cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi kể từ đó. Tôi không bao giờ dùng ma túy và chất cồn nữa. Điểm trung bình học tập của tôi tăng gấp đôi, và tôi đã tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng của Mỹ, với danh hiệu gần như đứng đầu lớp. Tôi ngay lập tức được thuê vào làm ở một vị trí cao tại một công ty thuộc Top 500 của Mỹ (Fortune 500).
Đại Pháp đã ban cho tôi một cuộc đời mới, biến tôi từ một thanh niên say xỉn thành một người thành đạt hữu ích, là người khiến bố mẹ, xã hội và bản thân có thể tự hào.
Hướng nội vô điều kiện trong mọi hoàn cảnh
Năm 2015, tôi có cơ hội chuyển đến New York để làm việc trong một hạng mục truyền thông giảng chân tướng cho xã hội chủ lưu. Trước khi tới New York, về nhiều mặt, tôi cảm thấy dường như mình chưa thật sự biết cách hướng nội sâu sắc.
Ngay lập tức, tôi gặp phải nhiều mâu thuẫn với người quản lý và các bạn đồng nghiệp. Tôi có thể nhìn thấy nhiều mâu thuẫn mà tôi có trong công việc là do tôi có tâm khinh thường đồng nghiệp, cảm thấy mình tốt hơn, cao hơn và có tâm lý hiển thị. Lúc đó, tôi có thể nhận thấy nhiều tâm chấp trước của mình – trong đó, vấn đề lớn nhất là cơ chế hướng ngoại mạnh mẽ như là một sự hướng nội có điều kiện. Ví như, tôi thường xuyên phản ứng lại “À, nhưng…” Tôi gặp mâu thuẫn về tâm tính mà biểu hiện ra là ông chủ hoặc ai đó trong công việc hoàn toàn có cái nhìn vô lý hay nhìn nhận sai vấn đề, còn trên bề mặt thể hiện ra là tôi đúng và bình tĩnh. Tất nhiên, là người tu luyện, công việc là để tôi đề cao bản thân và hướng nội tìm, nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm được. Tôi sẽ nói kiểu như “Vâng, tất nhiên tôi cần hướng nội và tu luyện, NHƯNG chỉ khi học viên này thực hiện các việc kia, vấn đề rõ ràng sẽ được giải quyết”. Bất cứ khi nào nói từ “NHƯNG”, tôi biết rằng đó không phải thực tu. Thay vì hướng nội vô điều kiện, tôi lại thêm điều kiện vào đó và đó không phải là điều mà Sư phụ yêu cầu.
Tôi có thể thấy sự dưỡng thành thói quen đó đã khiến tôi thật sự căm tức các đồng nghiệp và người quản lý, mặc dù họ cũng là đồng tu của tôi. Tôi có thể thấy mình đã thắt những gút thắt trong tâm qua việc tỏ ra khắc nghiệt và có những suy nghĩ tiêu cực về lãnh đạo, đồng nghiệp và các đồng tu. Bằng cách thực sự nhận ra rằng hướng nội trong mọi hoàn cảnh, bất kể trên bề mặt có hỗn loạn đến đâu, tôi đã thấy mọi việc xung quanh mình chuyển biến, và quan trọng hơn là tôi đã thay đổi, có thể tăng khả năng cứu độ chúng sinh.
Tôi nhìn thấy rất nhiều phương diện mình còn thiếu sót, như những chấp trước vào tự ngã, chứng thực bản thân, muốn được nhìn nhận, thể hiện sự thông minh, giữ thể diện, chấp trước vào thanh danh, và rất nhiều ham muốn khác. Bằng cách hướng nội vô điều kiện chứ không phải là có điều kiện, những gút thắt trong tâm tôi dần được tháo ra, và tôi trải nghiệm được sự rộng lớn hơn của tâm từ bi.
Sư phụ giảng:
Tu luyện là tu nhân tâm, tu chính mình; khi có vấn đề, khi có mâu thuẫn, khi có khó khăn và bị đối xử bất công bằng, thì vẫn có thể hướng nội tìm trong bản thân mình, thế mới là tu luyện thật sự (Lời chúc gửi Pháp hội Đài Loan [2016])
Bỏ đi lối suy nghĩ người thường và mở rộng tư tưởng
Trong thời gian làm việc ở kênh truyền thông, tôi cũng có thời gian tham gia sâu vào việc quảng bá cho Thần Vận. Gần một năm trợ giúp Thần Vận, đây cũng là cơ hội để tôi chuyển sang làm toàn thời gian cho mảng kinh doanh của Thần Vận. Tôi đã vấp phải một số can nhiễu, khảo nghiệm các tâm chấp trước vào tiền bạc và truy cầu sự thoải mái người thường của tôi. Tôi cũng có cơ hội làm việc ở công ty người thường, với điều kiện tài chính dư dả và địa vị xã hội cao. Sau khi cân nhắc giữa lợi ích tiền bạc và sự truy cầu thoải mái dựa trên Pháp, tôi đã nhất tâm quyết định rằng: Tôi muốn dành tất cả thời gian có thể để cứu độ chúng sinh. Do đó tôi quyết định rời tạp chí và đến làm việc toàn thời gian cho Thần Vận.
Khi bắt đầu làm việc toàn thời gian cho Thần Vận, tôi đã vấp phải những khảo nghiệm giúp tôi thấy được nhiều khía cạnh rất sâu của bản thân và những suy nghĩ hạn chế của người thường đã trói buộc tôi trong nhiều năm. Ví dụ, tôi đã làm việc cho một công ty thuộc Top 500, vận hành phòng tiếp thị cho rất nhiều doanh nghiệp cỡ lớn. Do đó, khi tham gia vào công việc hạng mục, tôi đã kiêu ngạo và cảm thấy tự tin vì mình có rất nhiều kiến thức về tiếp thị và kinh doanh.
Một trong những khảo nghiệm mà tôi gặp phải là phải làm việc với những người không có nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Tôi cảm thấy việc các học viên thiếu kinh nghiệm có thể gây trở ngại và làm chậm trễ tiến độ hạng mục. Khi xây dựng một kế hoạch chiến lược cụ thể cho nhóm, tôi nhớ mình đã rất khó chịu và cảm thấy không có cách nào làm nổi những việc chúng tôi cần làm trong tình trạng tốc độ chậm và thiếu kinh nghiệm như vậy. Tôi thiếu sự khoan dung với người khác, và khá thô lỗ khi chỉ tay vào người khác và đổ lỗi rằng chính sự thiếu chuyên nghiệp của họ là lý do khiến chúng tôi không thể tiến nhanh hơn.
Tuy nhiên, khi chia sẻ với các thành viên trong nhóm, tôi đã nhận ra rằng xuất phát điểm của tôi hoàn toàn sai. Đây không phải là một “công việc” bình thường. Đây là tu luyện và cứu người. Do vậy, sao tôi có thể đánh giá tình hình với những quan niệm hữu hạn của người thường? Sư phụ đã an bài cho chúng tôi vào cùng một nhóm để bổ sung cho nhau. Tôi đã đặt quá nặng vào những kỹ năng người thường mà không nhấn mạnh vào việc thực tu bản thân. Thực ra, khi có thể thực sự hướng nội, tôi thấy những suy nghĩ người thường đã phong bế tôi cách khai khỏi những kỹ năng chuyên môn mà Sư phụ đã ban cho tôi. Khi tôi thật sự nhìn thấy mặt tốt của người khác, tôi nhận thấy toàn bộ nhận thức về các kỹ năng chuyên môn của tôi là không đúng. Những học viên bị tôi chỉ trích đều là những người tâm huyết với công việc và họ đã làm những điều tốt nhất có thể.
Cuối cùng, kế hoạch của chúng tôi đã hoàn thành và mang lại kết quả thực sự tuyệt vời. Điều đó đã dạy cho tôi một bài học về sự khiêm nhường – rằng kết quả được quyết định chủ yếu bởi tâm của chúng ta, chứ không phải kỹ năng. Tất nhiên, việc cải thiện kỹ năng nhất định có thể giúp ích cho hạng mục, nhưng việc coi kỹ năng là điều cơ bản để đẩy hạng mục tiến lên và đưa chúng ta tới thành công là sai lầm, và nó được sinh ra do những hạn chế trong cách suy nghĩ người thường của tôi.
Sư phụ giảng:
Nhưng Pháp tại các tầng khác nhau có các hình thức hiển hiện khác nhau. Người tu luyện đến tầng nào, họ chỉ thấy được cảnh tượng trong tầng đó; chân tướng vượt trên tầng đó [thì] họ không nhìn thấy, cũng không tin; do vậy, họ cho rằng chỉ những gì tự mình nhìn thấy tại tầng này mới là đúng. Khi họ chưa tu luyện đến một tầng cao nào đó, [thì] họ cho rằng những thứ ấy [tại đó] không tồn tại, cũng không thể tin; đây là do tầng [của họ] quyết định; tư tưởng của họ cũng không thể thăng hoa lên trên được. (Chuyển Pháp Luân)
Tôi là người không thể tin vào những gì nằm ngoài tầng thứ của mình. Tư tưởng của tôi không thể thăng hoa lên được bởi lối suy nghĩ người thường bướng bỉnh đã chặn đứng tôi lại và tạo ra những xung đột về tâm tính, làm cho tôi nghĩ rằng các cộng sự hoặc người khác không có sự chuyên nghiệp, hoặc không làm đúng việc, hoặc đi sai hướng. Nhưng những suy nghĩ hướng ngoại đó thực chất là để che đậy cho những chấp trước của bản thân tôi, khiến cho tôi khó mà làm việc với mọi người. Nguy hiểm nhất là tôi không thể nhận thức ra ngay những điều này, bởi tôi không thể cách ra khỏi cái mê của xuất phát điểm người thường ích kỷ của mình. Vấn đề gốc rễ chính là xuất phát điểm của tôi.
Sau đó tôi nhận ra rằng dù tôi cống hiến nhiều đến đâu thì cũng bị hạn chế và tôi nên tìm đến một điểm khởi đầu thuần tịnh hơn – một tầng cao hơn của Pháp mà tôi không thể nhìn thấy hay nhận thức được ngay từ tầng thứ của tôi. Khi ai đó đưa ra ý kiến hoặc khi có việc xảy ra, tôi không nên cố gắng dùng lối nghĩ người thường để cố gắng lý giải tình huống đó, hoặc dùng những suy nghĩ có giới hạn của mình để chỉ trích. Thay vào đó, tôi nên lùi lại và đánh giá bản thân cũng như xuất phát điểm của mình với tư tưởng rộng mở hơn. Trên thực tế, khi tôi thay đổi xuất phát điểm của mình, tôi không còn bị giới hạn bởi những logic thực tế thông thường và tôi có thể nhìn được rộng hơn, dựa trên sự khoan dung mà không phải sự ích kỷ.
Trong tu luyện và cứu độ chúng sinh, tôi biết rằng tâm mình phải rộng mở, nhưng mở rộng tâm như thế nào? Với tôi, đó là phải bỏ đi tự ngã – là khả năng nhìn sự việc từ cơ điểm của người khác, sự khiêm nhường để nhìn thấy bức tranh rộng lớn hơn, sự cởi mở để hòa hợp tốt hơn với những ý kiến và quan niệm nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi. Đó là có một khởi điểm từ Chân – Thiện – Nhẫn chứ không phải theo lối nghĩ của người thường. Đó là con đường mà Thần xem xét sự việc. Đó là biểu hiện của một trái tim từ bi.
Sư phụ giảng:
Chỉ cần hơi động niệm, thì những gì nhìn thấy đều là giả; đó chính là ‘tự tâm sinh ma’, cũng gọi là ‘tuỳ tâm nhi hoá’. Chính là vì có những người luyện công tự họ không thể tự đặt mình làm người luyện công, không thể tự mình giữ lấy mình; (Chuyển Pháp Luân)
Thực tế, phần nhiều trong tu luyện và công việc hạng mục của tôi chịu khó nạn đều bởi xuất phát điểm từ hạn chế của lối suy nghĩ người thường. Tôi cũng nhìn thấy nhiều đồng tu trong các hạng mục khác bị bế tắc bởi vấn đề này mà trở nên cực đoan, thậm chí rời hạng mục với những ca thán rằng quản lý và đồng nghiệp không chuyên nghiệp hoặc không phù hợp với quan điểm xuất phát từ tư duy theo kiểu người thường của họ. Tuy nhiên, tôi có thể nhìn thấy những vấn đề thực sự của họ. Họ đang làm theo cách mà tôi đã làm.
Họ chỉ có thể nhìn nhận sự việc từ cơ điểm hạn chế của mình mà không thể thấy được bức tranh tổng quan hơn. Khi lối suy nghĩ này xuất hiện mà không đi theo con đường tu luyện thì rất dễ dẫn đến can nhiễu. Nhiều tư tưởng tiêu cực sẽ nổi lên, sẽ khiến tôi chỉ nhìn thấy rằng bản thân mình đúng còn người khác là sai, nhưng đó là giả tướng. Cuối cùng thì tôi bỏ lỡ bức tranh lớn hơn trong khi luôn tuyên bố rằng những gì mình nhìn thấy mới là sự thật và lý giải sự việc theo lối suy nghĩ người thường. Khi chúng ta đang làm các việc hạng mục trong xã hội người thường, chúng ta không được để rơi vào cái bẫy bị cuộc hạn ở đó, bởi tiến độ thực sự là theo sự đề cao trong tu luyện của chúng ta, và vượt xa những gì trong tư tưởng người thường.
Sự viên dung và phối hợp mang lại những kết quả thật sự
Sư phụ giảng:
Chư vị tại Pháp, Thần bèn giúp chư vị phối hợp. (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)
Tôi có một tờ giấy ghi chú lớn trên bàn: “Viên dung và Phối hợp” Tôi đặt nó ở đó vì nghĩ rằng sự viên dung và phối hợp là những điều quan trọng nhất trong khi làm việc hạng mục. Tôi để ở đó cũng bởi vì tôi cần những điều ấy. Khi tôi nhận thấy mình đang chuẩn bị gửi một bức thư phản hồi chứa đầy cảm xúc người thường cho một học viên khác, tôi có thể dừng lại và nhìn mảnh giấy. Thường là nó sẽ giúp tôi bình tâm trở lại và suy nghĩ về vai trò thật sự của mình trong hạng mục. Vai trò của tôi là viên dung và phối hợp. Những gì tôi làm nếu không đi theo những nguyên tắc ấy thì không thể giúp thúc đẩy hạng mục đi lên, dù với bất cứ lý do gì tôi trình bày trong bức thư đầy cảm xúc ấy.
Tuy vậy, không phải lúc nào tôi cũng áp dụng được những nguyên tắc ấy một cách dễ dàng. Ví dụ, trong mười năm tu luyện, tôi thường hay gặp khó khăn khi làm việc với các đồng tu Trung Quốc. Tôi đã dùng nhiều lý do để che đậy cho sự e ngại và tâm phàn nàn của mình khi làm việc với người Trung Quốc. Hầu hết họ đều có văn hóa Đảng rất nặng nề khiến cho việc phối hợp gặp khó khăn.
Có một trường hợp cụ thể là khi tôi cảm thấy người điều phối không nắm được công việc và suy nghĩ theo cách mà tôi gọi là “kiểu Trung Quốc”. Đó là một quan niệm mà tôi đã có khi thấy một người Trung Quốc không phù hợp với nhận thức của tôi về xã hội phương Tây. Tôi cảm thấy kế hoạch của họ hoàn toàn ngược lại với những quan điểm của tôi. Sau đó, tôi cảm thấy thật sự lo lắng.
Khi tôi nói chuyện với một vài thành viên trong hạng mục, tôi cảm thấy tình hình có chút vô vọng. Ban đầu, tôi cảm thấy không có cách nào để làm việc với họ, bởi những ý tưởng của họ dường như sẽ phá hỏng cơ hội làm tốt công việc của chúng tôi. Ngày hôm sau, khi tôi xét lại những suy nghĩ của mình, và thấy rằng mình đã nghĩ nhiều điều không đúng về họ. Đầu tiên, người điều phối nói không nhiều nhưng tôi đã suy diễn những lời anh ấy nói theo cách nghĩ của mình.
Tôi đã không thật sự lắng nghe những gì họ nói với tấm lòng bao dung mà nhanh chóng nghĩ theo chiều hướng tiêu cực. Không lâu sau, khi ngồi lại với ban điều phối và nghe họ giải thích chi tiết hơn về ý tưởng, tôi đã nhận ra mình hoàn toàn đồng tình với những gì họ nói. Không chỉ vậy, cách tiếp cận của họ còn rộng hơn và thực sự hiệu quả hơn cái kế hoạch bị hạn chế mà tôi đã nghĩ tới. Vấn đề là tôi đã không nghe kỹ những gì họ nói. Tôi đã không cố gắng thấu hiểu họ. Tôi đã không đứng trên cơ điểm của họ để nhìn nhận sự việc, mà bị cuốn vào những suy nghĩ và quan niệm chủ quan của mình.
Tôi không muốn hiểu họ, mà chỉ muốn họ đồng ý theo cách của mình. Tôi đã dùng quan niệm của mình về các học viên Trung Quốc để đánh giá sai những suy nghĩ của họ. Làm thế có thể đúng sao? Đó là viên dung sao? Phối hợp đơn giản chỉ là làm theo một ý kiến khi nó phù hợp với suy nghĩ của bản thân hay sao? Qua trường hợp này, tôi đã học được một bài học giá trị – Sự phối hợp là phải thật sự thấu hiểu người khác và mở rộng tâm mình để có cái nhìn rộng lớn hơn.
Sau nhiều năm, tôi đã chứng ngộ sâu sắc hơn lý do vì sao tôi làm một học viên Tây phương ở trong thời kỳ lịch sử này. Tôi nhận thức rằng, là một học viên Tây phương, tôi có thể bổ sung và làm hài hoà trong hoàn cảnh này. Thực sự người Trung Quốc và người Tây phương có cơ hội để cân bằng bổ sung cho nhau khá tốt trong hạng mục. Bằng cách tăng thêm lòng từ bi, học cách biết lắng nghe và phối hợp thay vì coi thường người khác, tôi thấy rằng việc các học viên phương Tây và học viên Trung Quốc làm việc cùng nhau thật sự tạo thành một lực lượng mạnh nhất để khai mở xã hội này và cứu thêm nhiều người hơn.
Điểm mấu chốt đối với tôi là chúng tôi có thể thực sự bổ trợ cho người khác – vì vậy nếu như tôi nhìn thấy vấn đề gì đó dường như là của đồng tu, thì tôi tự hỏi tại sao mình lại thấy điều đó? Trước kia, tôi có thể sẽ tức giận, phàn nàn, và coi thường họ. Nhưng như thế có thể cứu được ai đây? Làm thế có thể giúp hạng mục phát triển? Đó có phải là viên dung? Đó có phải là phối hợp? Phần nhiều những phán xét là do tự ngã của bản thân, hoặc do tôi không đủ tin tưởng vào đồng tu, hoặc không chú tâm lắng nghe ý nghĩa chân thực đằng sau lời họ nói để có thể hiểu được quan điểm của họ.
Khi tôi có thể làm được điều này, tôi thấy nó rất tương đồng với dàn nhạc giao hưởng Thần Vận – nơi giai điệu của cả phương Tây và phương Đông hoà hợp làm một và chúng tôi có thể cùng nhau làm những điều tốt nhất, tốt hơn là khi chúng tôi chỉ làm đơn độc. Khi tôi thật sự làm được điều đó, tôi có thể cảm nhận và lý giải sâu sắc hơn ý nghĩa của việc hình thành chỉnh thể.
Con xin cảm tạ Sư phụ tôn kính! Xin cảm ơn các bạn đồng tu!
(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Washington DC năm 2018)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/6/27/370287.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/6/28/170924.html
Đăng ngày 22-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.