Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 8-2-2018] Năm 2012, tôi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Nửa năm sau, người điều phối quyết định lập một điểm sản xuất tài liệu, và nhóm đã chọn tôi làm người phụ trách.

Vận hành điểm sản xuất tài liệu

Quan niệm đầu tiên mà tôi phải đột phá là vứt bỏ thói quen tránh xa máy vi tính. Một học viên rất giỏi kỹ thuật đã đến nhà tôi khoảng năm lần để dạy tôi cách sử dụng máy vi tính, tôi đã ghi đến vài trang giấy những điểm cần nhớ. Tôi nghĩ mình đã biết cách sử dụng, nhưng ngay khi vị học viên kia ra về, những vấn đề liền nảy sinh và tôi không thể tìm ra cách giải quyết chúng qua những ghi chú của mình.

Các học viên sau khi học Pháp xong đã phải ra về tay không, vì tôi không chuẩn bị được bất cứ tài liệu nào cho họ. Tôi cảm thấy có lỗi và áy náy.

Vấn đề khó chịu nhất là khi in, nhiều trang giấy đã bị dính vào nhau. Nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây tổn thất rất lớn, và sự việc đã xảy ra khá nhiều lần. Tôi cảm thấy rất buồn khi ôm đống giấy in lỗi trên tay.

Chúng đã được an bài để trở thành tài liệu giảng chân tướng về Đại Pháp, mà giờ đây lại trở thành một đống giấy mực bị bỏ đi. Đáng ra tôi có thể tránh được việc này nếu tinh tấn và đặt tâm hơn. Khi đã nhận ra chấp trước của mình, tôi bắt đầu chú ý hơn.

Quá trình in tài liệu giảng chân tướng là một quá trình tu luyện. Trong khi dọn sạch đầu in bị tắc, tôi phải tự vấn bản thân xem mình đã nghĩ hay làm gì đó sai. Khi sửa lỗi giấy bị kẹt trong máy, tôi hướng nội xem tại sao mình lại vội vàng. Tôi luôn có thể tìm ra những thiếu sót của mình trong tu luyện.

Tôi cũng hiểu được tầm quan trọng của việc học Pháp vì nó liên quan đến tài liệu được làm ra. Tôi thấy rằng khi học Pháp tốt, công việc đạt hiệu quả lớn, tài liệu làm ra chuẩn đẹp. [Vì vậy] Tôi không bao giờ buông lơi việc học Pháp.

Tâm tật đố

Học viên Mai [bí danh] từng phụ trách quản lý các tài liệu. Cô đã không vui khi biết tôi là người đang in tài liệu. Khi không có đủ tài liệu thì cô ấy sẽ lấy hết toàn bộ, nhưng khi có rất nhiều thì cô ấy chỉ lấy vài tờ hoặc không lấy.

Đôi khi cô còn không đến đúng giờ đã hẹn để nhận tài liệu. Cô phàn nàn rằng tờ rơi lớn quá khó phát, trong khi đó tờ rơi nhỏ thì nội dung lại không đủ phong phú.

Mỗi khi chúng tôi gặp nhau ở nhóm học Pháp, cô sẽ cho tôi vài lời “chỉ dẫn”. Những học viên khác cho rằng cô có tâm tật đố và tôi cũng nghĩ vậy.

Tôi quyết định chia sẻ thể ngộ của mình với cô ấy, và dùng các Pháp lý để biện minh cho những cảm xúc của mình, liệt kê những thiếu sót của cô. Ngay khi về đến nhà, tôi cảm thấy khá tự mãn vì “những lời cảnh tỉnh” đã nói với cô ấy.

Sư phụ giảng:

“chư vị không có cái tâm đó, thì tựa như gió thoảng qua, chư vị căn bản không cảm giác.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco năm 2014)

Pháp của Sư phụ khiến tôi suy nghĩ lại về vấn đề này và tôi đã hướng nội. Tôi phát hiện ra mình có tâm tật đố, tranh đấu và tự cao. Tôi nghĩ mình có tâm tính tốt, hoà đồng, khá vô tư, và tôi từng nghĩ rằng Sư phụ đang nói về ai đó khác. Do đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình cũng có tâm chấp trước đó.

Tâm tật đố của học viên Mai rất rõ rệt và có thể nhận ra ngay lập tức, nhưng tâm tật đố của tôi thì tinh ranh và bị che đậy. Bản thân tôi không những không nhận ra mà cả những đồng tu khác cũng vậy.

Thực sự, tôi nên cảm ơn cô Mai vì đã giúp tôi tìm ra chấp trước. Khi tâm tật đố của tôi yếu đi, những lời bình luận của cô ấy cũng ít dần và chúng tôi quý trọng nhau hơn.

Loại bỏ tình và sắc dục

Điểm sản xuất tài liệu được đặt ở nhà của một cặp vợ chồng học viên họ Bạch, và tôi đã dành rất nhiều thời gian ở nhà họ. Hai vợ chồng tôi đã chia tay vì tôi đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999.

Chồng tôi sợ bị liên luỵ, vì vậy tôi đã chuyển ra ngoài thuê một căn nhà và sống cùng con. Vợ chồng học viên này rất thông cảm trước tình cảnh của tôi, và họ quan tâm tôi như cha mẹ với con cái. Tôi đã nảy sinh vọng tưởng: nếu như mình được sinh ra trong một gia đình như này thì thật tốt. Nó dần khiến tôi trở nên dễ bị phụ thuộc tình cảm vào cặp vợ chồng này.

Sau khi bà Bạch nhờ tôi giúp chồng bà đề cao tu luyện qua việc cùng ông học Pháp nhiều hơn, ông ấy và tôi đã dành nhiều thời gian ở cạnh nhau. Chúng tôi đã hình thành một mối quan hệ tốt đẹp và sâu sắc theo thời gian.

Có lần chúng tôi khá thân mật, vợ ông tình cờ thấy chúng tôi cười với nhau, và ông nói rằng ông ấy sẽ đến nhà tôi để đón tôi. Vài ngày sau đó, bà đã giận dữ vì chuyện gì đó rất nhỏ. Bà đã nhắc đến điều mà bà nghe được [hôm đó] và tôi cảm thấy bị sốc, bị sỉ nhục ghê gớm. Tôi bảo với bà rằng họ lớn tuổi hơn cả bố mẹ tôi, làm sao bà ấy có thể nghi ngờ điều như vậy được.

Sau buổi học Pháp nhóm, bà Bạch từ chối chia sẻ thể ngộ, và chồng bà phàn nàn về sự thay đổi thái độ đột ngột của tôi.

Người điều phối hỏi tôi xem đã có chuyện gì, và nói: “Trong một giấc mơ, tôi thấy chị đi trên một sườn núi và chị không trả lời khi tôi gọi chị. Tôi băn khoăn không biết chị đang thế nào nên đã đến để đảm bảo là chị vẫn ổn.”

Sau khi trở về nhà, tôi bắt đầu xem xét lại những gì đã xảy ra. Những lý tưởng của tôi về cuộc sống luôn là “được cha mẹ yêu thương”, “vợ chồng hoà hợp”, và một “đôi vợ chồng gắn bó”. Nhưng trên thực tế, tôi đã có một cuộc sống trắc trở và cô đơn.

Mãi đến khi đọc được những bài chia sẻ trên Minh Huệ, tôi mới ngộ được rằng có hảo cảm với người ít và lớn tuổi hơn cũng là biểu hiện của sắc dục.

Trước đây, tôi sẽ không bao giờ đồng ý với bài chia sẻ này và nghĩ tác giả đã hiểu Pháp không đúng. Hiện tôi đã nhận ra mình chưa từng tu mặt này và thậm chí còn chìm đắm trong chấp trước của mình.

Sư phụ giảng:

“Mỗi khi ma nạn tới, không dùng phía bản tính để nhận thức, mà hoàn toàn dùng phía con người để lý giải, như vậy tà ma sẽ lợi dụng điểm ấy để can nhiễu và phá hoại mãi không thôi, khiến học viên lâm trong ma nạn một thời gian lâu.” (Nói về PhápTinh Tấn Yếu Chỉ)

Sư phụ không chỉ cảnh tỉnh những học viên khác mà tôi cũng ở trong đó. Tôi vẫn hướng ngoại.

Tôi đã xin lỗi bà Bạch và chồng bà, đồng thời chia sẻ thể ngộ của mình với người điều phối. Vợ chồng bà Bạch cũng nhận ra những thiếu sót của mình sau khi chia sẻ thể ngộ của họ với người điều phối.

Chúng tôi lại cùng nhau làm và phân phát tài liệu giảng chân tướng. Chúng tôi xem bản thân mình là đệ tử Đại Pháp và hướng nội bất cứ khi nào có vấn đề nảy sinh.

Trên đây là những chia sẻ trong tầng thứ hữu hạn của tôi trong quá trình tu luyện, có điều gì không đúng với Pháp xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/2/8/360570.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/3/23/169135.html

Đăng ngày 21-4-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share