Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Melbourne, Úc
[MINH HUỆ 27-03-2018] Ngày 25 tháng 3 năm 2018, một cuộc thỉnh nguyện đã được tổ chức ở trước Thư viện Quốc gia Melbourne để ủng hộ 300 triệu người Trung Quốc dũng cảm thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó.
Làn sóng thoái ĐCSTQ của người dân Trung Quốc bắt đầu từ khi Thời báo Đại Kỷ Nguyên (The Epoch Times) đăng tải tác phẩm Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc (Cửu Bình) vào năm 2004. Tính đến tháng 3 năm 2018, đã có hơn 300 triệu người Trung Quốc gửi thông báo tới Thời báo Đại Kỷ Nguyên tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ bằng tên thật hoặc bí danh của mình.
Các học viên Pháp Luân Công ở Melbourne đã tổ chức một buổi thỉnh nguyện trước Thư viện Quốc gia để chào mừng 300 triệu người Trung Quốc thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.
Một nghị sỹ Quốc hội Úc và các đại biểu đến từ một tổ chức phi chính phủ cũng như các tổ chức cộng đồng của người Hoa tại địa phương đã phát biểu bày tỏ sự ủng hộ của mình tại buổi lễ.
Cuộc kháng nghị và những tấm áp phích với nội dung thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã thu hút được sự chú ý của nhiều khách bộ hành. Họ đọc thông tin trên các tấm bảng và lấy các tài liệu giảng chân tướng.
Khách bộ hành tìm hiểu về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc đồng thời ký tên thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại này.
Giữ im lặng cũng tương đương với thực hiện tội ác
Thượng nghị sỹ Quốc hội Úc, bà Janet Rice phát biểu trong buổi lễ thỉnh nguyện.
Thượng nghị sỹ Quốc hội Úc, bà Janet Rice, đã phát biểu trong lễ kháng nghị rằng, việc im lặng trước cuộc bức hại này cũng tương đương với việc đồng tình với nó. Ủng hộ người dân thoái xuất khỏi ĐCSTQ chính là ủng hộ nhân quyền và công lý.
Bà Rice cho rằng, chính phủ Úc nên yêu cầu chính quyền Cộng sản Trung Quốc cho phép các nhà điều tra quốc tế được vào Trung Quốc để tiến hành điều tra về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Theo bà, chính phủ Úc không nên đánh đổi những hợp đồng thương mại với Trung Quốc với cái giá của nhân quyền. Bà Rice hứa sẽ tiếp tục lên tiếng bảo vệ nhân quyền cho các học viên Pháp Luân Công.
Phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ không phải đất nước Trung Quốc
Ông Peter Westmore, nguyên chủ tịch Hội đồng Công dân Quốc gia, bày tỏ lòng kính trọng dành cho những người đã can đảm đứng lên và thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Ông Peter Westmore, nguyên chủ tịch Hội đồng Công dân Quốc gia cho biết, hàng triệu người đã từ bỏ ĐCSTQ và phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Ông cho biết, sự phản kháng này không phải nhằm vào đất nước Trung Quốc, mà nhằm vào chính quyền Cộng sản Trung Quốc. Ông cũng luôn đứng về phía người dân Trung Quốc đang bị bức hại và ủng hộ quyền con người của họ.
Cuối cùng, ông Westmore cho rằng, việc bức hại nhân dân không phải là biểu hiện của một chính phủ quyền lực, mà là biểu hiện của một chế độ vô cùng yếu kém. Một quốc gia thực sự hùng mạnh và văn minh sẽ luôn tôn trọng ý chí của nhân dân đất nước mình.
Việc thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó có mối liên quan mật thiết với người Hoa tại Úc
Ông Ruan Jie, tổng biên tập Thời báo Thiên An Môn cho rằng việc thoái ĐCSTQ không chỉ liên quan tới người dân ở Trung Quốc Đại lục, mà còn liên quan tới người Hoa ở khắp nơi trên thế giới.
Ông Ruan Jie, tổng biên tập Thời báo Thiên An Môn cho biết, sự khống chế của chính quyền Cộng sản Trung Quốc ở Úc đang đe dọa trực tiếp tới sự tự do và nhân quyền của người Trung Quốc tại đất nước này. Ông tin tưởng rằng, thoái xuất khỏi ĐCSTQ không chỉ là việc của người dân Trung Quốc Đại lục, mà còn là việc nên làm của những người Hoa ở nước ngoài.
Ông Ruan nhận xét, sự tồn tại của ĐCSTQ là một mối đe dọa khủng khiếp không chỉ đối với nhân dân Trung Quốc mà còn là mối hiểm họa đối với nền dân chủ và tự do trên khắp thế giới. Ông cũng kêu gọi những người Hoa ở hải ngoại cũng như chính phủ các nước nói không với ĐCSTQ.
Phong trào thoái Đảng sôi nổi
Bà Lucy Bridgewater đến từ London đã ký tên thỉnh nguyện yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt ngay cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Bà Lucy Bridgewater đến từ London, đã dừng chân một hồi lâu để đọc thông tin trên các tấm bảng giảng chân tướng và ký tên thỉnh nguyện yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt ngay cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Bà cho biết, việc 300 triệu người thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó là một tin rất đáng mừng. Bà rất buồn khi nghe tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc nhưng lại rất vui khi biết rằng, nhiều người dân Trung Quốc đã đứng lên chống lại chính quyền độc tài cũng như phản đối cuộc bức hại này.
Bà Bridgewater cho biết, bà cũng tin tưởng rằng, con số thoái Đảng này sẽ tiếp tục gia tăng bởi vì trong thực tế, giải pháp hòa bình để tẩy chay ĐCSTQ là phương cách hiệu quả nhất. Bà đã không biết được rằng, ĐCSTQ đã giết hại hơn 80 triệu người dân Trung Quốc trong các cuộc vận động chính trị. Bà cho biết, những gì mà bà biết được trong ngày hôm đó đã khiến bà thức tỉnh.
Ông Paul Donohoe đến từ Richmond tích cực ủng hộ những nỗ lực phản bức hại của các học viên Pháp Luân Công.
Ông Paul Donohoe đến từ Richmond cho biết, trước đây ông đã từng nghe nói đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công và đặc biệt bày tỏ sự ủng hộ của mình dành cho Pháp Luân Công. Ông nói rằng, ông luôn ủng hộ nỗ lực của các học viên nhằm chấm dứt việc bị bỏ tù phi pháp, sự bức hại cũng như cưỡng bức thu hoạch tạng đối với các học viên còn sống để phục vụ hoạt động cấy ghép.
Ông Donohoe cho biết, ông tin tưởng rằng, buổi lễ kháng nghị này mang một ý nghĩa hết sức quan trọng bởi vì người dân sẽ xem và nhớ mãi về buổi lễ này, đồng thời việc nâng cao nhận thức cho công chúng sẽ giúp ích cho nỗ lực của các học viên trong việc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/3/27/363399.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/3/29/169204.html
Đăng ngày 4-4-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.