Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở Atlanta, Georgia
[MINH HUỆ 22-9-2017] Ngày 18 và 19 tháng 9 năm 2017, các học viên Pháp Luân Công từ khu vực Atlanta đã tập trung tại Đại học Georgia (UGA) để nâng cao nhận thức cho các sinh viên và giảng viên về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 18 năm qua. Hơn 1.000 sinh viên, giảng viên và nhân viên đã ký thỉnh nguyện lên án cuộc bức hại.
Dưới tác động của Lãnh sự quán Trung Quốc, Hiệp hội Sinh viên Trung Quốc (CSA) đã lên kế hoạch can thiệp vào sự kiện này nhưng cuối cùng không thành công.
Được công nhận là “Cây bạch dương công cộng”, Đại học Georgia là trường đại học lớn nhất của bang Georgia và hiện có khoảng 1.000 sinh viên đến từ Trung Quốc.
Các học viên Pháp Luân Công nói chuyện với khách bộ hành tại Đại học Georgia vào ngày 18 và 19 tháng 9 năm 2017, về môn tu luyện thiền định và cuộc bức hại ở Trung Quốc
Nâng cao nhận thức về cuộc bức hại
Bên ngoài Trung tâm Sinh viên Tate, các học viên dựng một chiếc lều và trưng bày các biểu ngữ và áp phích về Pháp Luân Công và cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc. Thông qua việc đọc tài liệu và trò chuyện với các học viên, nhiều khách bộ hành rất ngạc nhiên khi biết đến những cách thức tra tấn khác nhau của chính quyền cộng sản đối với các học viên ở Trung Quốc, những người làm theo đức tin của mình. Nhiều người đã bày tỏ ý muốn giúp đỡ các học viên bằng cách ký thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt sự tàn bạo. Những người có sự quan tâm mạnh mẽ đến thiền định đã học cách luyện các bài công pháp trong suốt sự kiện.
Tom, một trong những học viên điều phối sự kiện, nói rằng sự kiện kéo dài hai ngày đã thu thập được hơn 1.000 chữ ký. Những người ký tên bao gồm giảng viên, nhân viên, và sinh viên từ Georgia, các tiểu bang khác, và ở nước ngoài. “Những đơn thỉnh nguyện này sẽ được chuyển tới văn phòng của ông Johnny Isakson và ông David Perdue, hai thượng nghị sĩ của Georgia, để họ có thể theo sát các nhà lập pháp kêu gọi chấm dứt sự tàn bạo ở Trung Quốc.”
Jessie, một sinh viên Trung Quốc đến từ Hàn Quốc, nói rằng cuộc đàn áp “nhất định” cần phải chấm dứt, và đã ký tên thỉnh nguyện không chút do dự. Azima, một sinh viên đến từ Ấn Độ, đã ký tên và nói cô sẽ tìm hiểu về vấn đề này nhiều hơn trên mạng.
Stephanie, một điều phối viên của một tổ chức sinh viên, đã ký đơn thỉnh nguyện và sau đó đã bảo bạn mình là Ursula và Helen cũng làm như vậy. Cô nói: “Chúng tôi không thể cho phép một tội ác như vậy tiếp diễn nữa.”
Các sinh viên thích thú học các bài công pháp Pháp Luân Công
Can thiệp thất bại từ Lãnh sự quán Trung Quốc
Hiệp hội Sinh viên Trung Quốc (CSA), một tổ chức của trường có quan hệ mật thiết với Lãnh sự quán Trung Quốc, đã cố gắng lôi kéo sinh viên nhằm phá hỏng sự kiện của các học viên.
Tối ngày 17 tháng 9, tài khoản chính thức của CSA trên WeChat, một phương tiện truyền thông xã hội được người Trung Quốc sử dụng rộng rãi, đã đăng một thông báo. Thông báo viết: “Pháp Luân Công sẽ dựng một quầy thông tin tại Tate vào ngày mai để phỉ báng Trung Quốc.” Một thông báo tương tự đã được đăng lên vào sáng ngày 18 tháng 9.
Các thông báo cũng kèm một đường link dạng Google docs yêu cầu “tình nguyện viên” phản đối: “Chúng tôi cần sự hỗ trợ nhiều hơn – ngay cả khi bạn chỉ xuất hiện và không thể ở lại đó.”
Thông báo này nhanh chóng được báo cáo cho chi nhánh FBI ở Atlanta. Một cảnh sát nói rằng họ sẽ chú ý đến nó, và có những hành động thích hợp đối với bất cứ ai vi phạm nhân quyền, thực hiện những hành vi thù địch, hoặc làm việc cho các chính quyền cộng sản ở nước ngoài.
Tom nói rằng có khá nhiều sinh viên Trung Quốc trong hai ngày sự kiện, và nhiều người đã nhận tài liệu của các học viên. Ông nói: “Chúng tôi không thấy sự phản đối từ những người được khuyến khích bởi các thông báo của CSA.” Trên thực tế, qua theo dõi các thảo luận trên WeChat, dường như rất ít sinh viên sẵn sàng tham gia vào các hoạt động do Lãnh sự quán Trung Quốc hậu thuẫn.”
Ông Tôn, Chủ tịch của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp ở Atlanta, nói rằng những gì Lãnh sự quán Trung Quốc và CSA đã làm có thể đã vi phạm luật pháp của Hoa Kỳ. Ông giải thích: “Theo Đạo luật đăng ký các tổ chức nước ngoài (FARA) đã được thông qua nhiều thập kỷ trước, nếu một sinh viên được Lãnh sự quán Trung Quốc trả tiền và hành động thay mặt họ, nhưng không tiết lộ mối liên hệ như vậy, thì thị thực của sinh viên đó có thể mất hiệu lực. Hậu quả của việc đó là bị đuổi học hay trục xuất.” Ngoài ra, sự tham gia của Lãnh sự quán Trung Quốc trong trường hợp này có thể đã vi phạm nhân quyền.
Ông Tôn nhận thấy: “Khi Lãnh sự quán Trung Quốc bảo các sinh viên không đến các sự kiện của các học viên Pháp Luân Công, hoặc [cố gắng] huy động họ đi biểu tình, nó có thể khiến các sinh viên tò mò để tìm hiểu xem điều gì thực sự đang diễn ra, như chúng tôi đã thấy trong suốt hai ngày sự kiện này.”
“Ở đây chúng tôi khuyến khích sinh viên Trung Quốc nhìn nhận sự việc và tư duy một cách độc lập”, ông Tôn nói thêm: “Khi chúng ta đã ở trên một vùng đất tự do đây, tại sao không thoát khỏi sự ảnh hưởng của Lãnh sự quán Trung Quốc và trở thành một người có đầu óc thanh tỉnh?”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/9/22/354041.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/9/23/165521.html
Đăng ngày 28-9-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.