Bài viết của Tĩnh Tư, một đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 8-5-2017] Tôi là một giáo viên. Năm 1989, tôi từ vùng Đông Bắc chuyển tới dạy ở một trường học ở tỉnh Sơn Đông.
Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm và thể ngộ của mình trong hơn 20 năm năm qua, trong vai trò là một đệ tử Đại Pháp đồng thời là một giáo viên.
Vị hiệu trưởng đầu tiên: “Thật đáng tiếc cho một nhân tài!”
Việc tôi chuyển đến được nhiều người mong đợi do tôi có trình độ chuyên môn cao. Hiệu trưởng rất kỳ vọng vào tôi. Tôi được giao nhiệm vụ thực hiện một khóa đào tạo mẫu, tuy nhiên thật không may do sức khỏe không tốt nên tôi đã không thể hoàn thành công việc đó.
Khi tôi còn ở trường đại học, do di chứng của phẫu thuật viêm ruột thừa nên tôi thường bị đau dạ dày đến mức bất tỉnh.
Sau đó, tôi trải qua một cuộc phẫu thuật mở bụng để kiểm tra, kết luận cho thấy tôi mắc chứng loạn thần kinh nghiêm trọng, căn bệnh này đã khiến tôi khổ sở trong suốt hơn 10 năm.
Tiếp đó, tôi bị phát hiện mắc bệnh buồng trứng đa nang, sau đó là các bệnh viêm khớp, viêm dạ dày mãn tính, đau đầu, đau mắt và nhiều loại bệnh tật khác.
Toàn thân tôi đều đau đớn, chỉ ngoại trừ tóc và móng tay.
Tình trạng của tôi trở nên tệ hơn khi tôi chuyển tới Sơn Đông, vì tôi phải điều chỉnh thói quen sinh hoạt và làm quen với môi trường mới.
Tôi liên tục xin nghỉ ốm và hầu như không hoàn thành được nhiệm vụ nào. Sự mất cân bằng về thể chất cũng dẫn đến nhiều mâu thuẫn. Tôi chìm sâu trong tuyệt vọng mà không từ ngữ nào có thể diễn tả nổi.
Vị hiệu trưởng nhận xét đầy hối tiếc: “Thật đáng tiếc cho một nhân tài”
Vị hiệu trưởng thứ hai vinh danh tài năng của tôi
Tháng 6 năm 1996, khi tôi nghĩ mình đã tới đường cùng thì một đồng nghiệp đưa cho tôi một cuốn sách tên là Chuyển Pháp Luân. Tôi ngồi xuống đọc một mạch từ đầu đến cuối. Cả thế giới của tôi như bừng sáng. Từng lời của Sư phụ Lý Hồng Chí chạm tới trái tim và tâm hồn tôi.
Sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), tất cả bệnh tật của tôi đã không cánh mà bay. Cả thân và tâm phát sinh cải biến rất lớn. Da của tôi trở nên hồng hào, tinh thần thăng hoa. Những họ hàng và bạn bè trước đây lo lắng cho tôi đều công nhận sự kỳ diệu của Pháp Luân Đại Pháp.
Cuộc sống trở nên hạnh phúc và nhẹ nhàng. Cảm giác đó thật mỹ diệu.
Tôi tuân theo những tiêu chuẩn của Sư phụ để làm một người tốt và luôn nghĩ cho người khác trước. Tôi chấp nhận mọi công việc được phân công một cách vô điều kiện và nỗ lực hết sức để thực hiện chúng. Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không những mang lại thân thể kiện khang mà còn đả khai trí huệ của tôi.
Hai năm sau, tôi được vinh danh và nhận giải thưởng cấp tỉnh cho lớp học chất lượng cao.
Tôi biết rằng giải thưởng cấp tỉnh như vậy rất hiếm, do đó việc tôi được vinh danh và nhận giải thưởng có thể coi là một bước đột phá.
Vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp đã thấm vào từng lời nói cử chỉ của tôi ở trên lớp, mang đến năng lượng tích cực cho tất cả mọi người và mọi thứ xung quanh.
Năm 1999, Sở giáo dục thành phố đã cử 40 vị hiệu trưởng các trường Trung học thực nghiệm tới dự lớp của tôi. Trong bản đánh giá, họ viết: “Lớp học của cô giáo này bình dị và hoà ái, không có sự giả tạo lấy lòng, mọi người đều chân thật và tự nhiên, rất đáng để học tập.”
Từ đó trở đi, trường trung học của thị trấn chúng tôi trở nên nổi tiếng. Hiệu trưởng của chúng tôi rất đỗi vui mừng.
Năm 2000, trường học của chúng tôi phải trải qua cuộc sát hạch để đánh giá cấp bậc chuyên môn và danh hiệu giáo viên. Một số giáo viên hạng nhất sẽ bị đánh xuống hạng hai với mức lương thấp hơn. Tất cả giáo viên hạng nhất đều lo sợ về việc giảm lương.
Trong khi các giáo viên đang chuẩn bị cho bài diễn thuyết của mình, tôi đến gặp hiệu trưởng và nói: “Tôi là một học viên Pháp Luân Công, làm điều gì cũng phải nghĩ đến người khác. Hiệu trưởng vì bảo vệ tôi khỏi bị bức hại đã phải chịu khổ nhiều rồi, tôi xin tự giảm lương để chia sẻ gánh nặng với hiệu trưởng và với tất cả giáo viên khác.
Tuy nhiên, hiệu trưởng trả lời tôi một cách nghiêm nghị: “Cô là một giáo viên ưu tú, tôi quyết sẽ không để cô bị giảm lương.” Nói xong, mắt bà ấy ngân ngấn lệ.
Vị hiệu trưởng thứ ba chuyển từ bức hại sang bảo vệ tôi
Vị hiệu trưởng thứ ba của tôi, lúc đầu do chịu ảnh hưởng của tập đoàn tà ác Giang Trạch Dân, đã hợp tác với kẻ ác để đưa tôi đi “chuyển hoá”.
Một lần, ông ấy bắt tôi đi lên xe, nhưng tôi đã không phối hợp. Ông ấy tìm cách đẩy tôi lên, nhưng tôi vẫn không nhúc nhích. Ông liền gọi hiệu phó và những người khác giúp đỡ, nhưng không có ai nghe theo ông.
Sau khi trở về từ lớp “chuyển hoá”, tôi chủ động đến gặp ông ấy và giải thích cho ông về vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp, cũng như những lợi ích mà tôi thu được nhờ tu luyện.
Tôi nói với ông ấy: “Tôi hiểu được lý do tại sao ông phải làm như vậy. Tôi sẽ không oán hận gì cả. Nhưng tôi hy vọng ông sẽ gắng hết sức để bảo vệ các học viên Pháp Luân Công khác đang làm việc hay đang học tại trường”.
Ông hiệu trưởng mỉm cười và nói: “Tôi đã nghĩ rằng cô sẽ oán hận tôi và tới đây để tính sổ.”
Tôi cười và đáp lại: “Những người tu luyện chúng tôi sẽ không làm thế. Chúng tôi tu luyện theo Chân – Thiện – Nhẫn.”
Trong thời gian đó, tôi cũng được nhận giải thưởng cấp thành phố dành cho lớp học chất lượng cao. Và kinh nghiệm giảng dạy của tôi được quảng bá trong toàn thành phố.
Thái độ của hiệu trưởng đối với tôi đã thay đổi. Từ việc hợp tác với chính quyền, ông đã quay sang bí mật bảo vệ tôi khỏi bị bức hại. Sự thay đổi này đến từ sự ngưỡng mộ chân thành của ông đối với các đệ tử Đại Pháp.
Vị hiệu trưởng thứ tư được thăng chức nhờ thành tích xuất sắc của tôi
Vị hiệu trưởng thứ tư là một người trẻ tuổi, anh ấy hy vọng tôi không chỉ cống hiến cho việc phát triển của nhà trường mà còn giúp anh ấy thăng tiến trong sự nghiệp.
Trong thời gian anh ấy ở trường chúng tôi, tôi đã đạt giải thưởng cấp quốc gia về lớp học chất lượng cao. Tôi trở thành người đầu tiên và duy nhất đạt được vinh dự cao như vậy.
Một chuyên gia giáo dục trong tỉnh đã nhận xét về tôi: “Sự ấm áp và thân thiện mà giáo viên này thể hiện đối với học sinh đã đạt đến cảnh giới mà các giáo viên khác khó có thể đạt được. Điều này không liên quan đến kỹ năng giảng dạy, nó có được nhờ sự tu dưỡng của người giáo viên. Ở nơi xa xôi hẻo lánh này, những học sinh của cô vẫn đạt được mức độ kỷ luật cao như vậy. Cô ấy thật sự làm tôi kinh ngạc.”
Nhờ vậy, danh tiếng của trường học chúng tôi được truyền rộng. Bốn năm sau đó, vị hiệu trưởng được thăng chức và rời khỏi trường một cách mãn nguyện.
Vị hiệu trưởng thứ năm đã bảo vệ tôi khỏi bị bức hại
Vị hiệu trưởng thứ năm đặt ra yêu cầu rất nghiêm khắc đối với tôi. Ông thường nói: “Giáo viên càng có danh tiếng thì yêu cầu càng nghiêm khắc hơn.”
Đối mặt với công việc quá tải, tôi trở nên dễ phàn nàn. Tuy nhiên tôi nhớ tới lời Sư phụ đã giảng:
Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. (Cảnh giới – Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Tôi thông cảm với gánh nặng của hiệu trưởng, do đó tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách ôn hoà vui vẻ.
Học trò thường hỏi tôi: “Cô à, trông cô lúc nào cũng rất vui, giống như đang có niềm hạnh phúc không thể giấu được vậy?” Tôi cười và nói với học sinh: “Vì cô tu luyện Pháp Luân Công!”
Tôi đã tới gặp hiệu trưởng và nói cho ông nghe về vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp, nói cho ông biết tôi đã được thụ ích thế nào từ khi tu luyện, và mong ông hãy đối xử tốt với các đệ tử Đại Pháp.
Một lần, có ai đó tố cáo tôi với chính quyền, và họ đã chuẩn bị bắt tôi. Hệu trưởng đã dùng hết khả năng để thuyết phục các cấp lãnh đạo rằng tôi là một giáo viên tốt. Cha mẹ học sinh cũng nói lời bảo vệ cho tôi.
Khi nhận được thông báo rằng chính quyền đã ra lệnh lục soát nhà tôi, tôi đã bật khóc.
Tôi nói với hiệu trưởng: “Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nhiều năm rồi. Cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với đệ tử Đại Pháp và gia đình họ đã tạo ra quá nhiều đau thương và thống khổ rồi. Chúng tôi không đáng bị bức hại. Chúng tôi không muốn bị bức hại. Thật khó khăn để vượt qua. Nhưng, tôi hứa với ông rằng, Pháp Luân Đại Pháp rất tuyệt vời. Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc.”
Ông hiệu trưởng vốn muốn giáo huấn cho tôi một bài, nhưng thay vào đó ông lại quay sang an ủi tôi. Ông nói: “Cô đừng khóc nữa. Tất cả rồi sẽ ổn thôi.”
Cuối cùng, lệnh bắt giữ đã không được thực thi.
Ông ấy còn nói với tôi rằng: “Từ giờ cô hãy chú ý đến sự an toàn của bản thân.”
Sư phụ đã giảng:
Ngã tiếu—Chúng sinh hữu vọng (Tiếu – Hồng Ngâm)
Vị hiệu trưởng thứ sáu dừng mọi hoạt động giảng dạy của tôi, sau đó lại bổ nhiệm tôi làm trợ lý
Khi vị hiệu trưởng thứ sáu chuyển đến trường tôi, ông ấy biết rằng sự rời đi của người hiệu trưởng cũ có liên quan tới việc tôi là người tu luyện Pháp Luân Công. Do đó, ông ấy đã đình chỉ mọi hoạt động giảng dạy của tôi.
Tôi từ một giáo viên được trọng vọng rớt xuống thành một người chẳng có gì. Tôi cảm thấy bị tổn thương nặng nề.
Nhưng tôi đã luôn ghi nhớ lời dạy của Sư phụ và hướng nội tìm. Tôi phủ nhận việc đổ lỗi cho hiệu trưởng. Tôi cố gắng mở rộng tâm mình. Tôi vui vẻ làm các công việc vặt được giao.
Trước đây tôi luôn chủ động tiếp xúc với hiệu trưởng mới ngay từ ngày đầu họ chuyển tới, để nói với họ về vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp.
Tuy nhiên, tôi thấy lần này làm như vậy không thích hợp. Do đó, tôi quyết định dùng lời nói, hành động, và thái độ của mình để thể hiện vẻ đẹp của Đại Pháp và thay đổi suy nghĩ của ông.
Rất nhanh sau đó, thái độ của ông đối với tôi đã thay đổi. Tôi được bổ nhiệm làm trợ lý của ông.
Từ năm 1996 khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, cảnh giới tư tưởng và kỹ năng giảng dạy của tôi không ngừng nâng cao. Tôi đã đạt được các giải thưởng dành cho lớp học chất lượng cao ở cấp trường, quận, thành phố, tỉnh, và cả cấp quốc gia. Tôi được biết đến như một “kỳ tích” giữa các giáo viên bình thường.
“Kỳ tích” ấy đến từ tinh thần vị tha và vô ngã của đệ tử Đại Pháp, bắt nguồn từ nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Đại Pháp, cũng như trí huệ có được trong quá trình tu luyện.
Giờ đây khi tôi sắp về hưu, hiệu trưởng muốn tôi truyền lại những kỹ năng và kinh nghiệm giảng dạy để tiếp tục hỗ trợ nhà trường và các học sinh trong tương lai.
Nhiều giáo viên cảm thấy bất bình và không muốn tôi nhận lời đề nghị đó, vì họ đã tận mắt chứng kiến con đường gian khổ của tôi và thấy được công việc này nặng nề như thế nào.
Điều này cũng khiến tôi khó xử. Đối mặt với một dự án lớn như vậy, tôi trở nên do dự.
Sau đó tôi đã tĩnh tâm xuống và tăng cường học Pháp.
Sư phụ đã giảng:
Chúng tôi cũng giảng, nếu ai ai trong chúng ta cũng đều hướng nội mà tu, ai ai cũng tìm trong tâm tính của bản thân mình cho ra nguyên nhân ở tự mình đã không làm tốt, để lần sau làm cho tốt, khi thực thi đều nghĩ đến người khác. (Chuyển Pháp Luân)
Tôi là đệ tử của Sư phụ. Tôi phải nghe lời Sư phụ. Tôi sẽ nghĩ đến người khác trước.
Tôi không sợ khổ nữa và bắt đầu thực hiện công việc, cuối cùng đã tổng kết tài liệu kinh nghiệm giảng dạy và các tình huống thực tế dài 80 nghìn từ, sau đó tôi đã thuyết trình với nhà trường mà không hề e ngại.
Hiệu trưởng thay mặt nhà trường cảm ơn tôi rất nhiều. Lời “cảm ơn” của ông kỳ thực chính là sự công nhận rằng “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”
Trong suốt hơn 20 năm, tôi đã làm việc với sáu vị hiệu trưởng, đã trải qua những ngọt bùi cay đắng, vật lộn trong sự ích kỷ và danh, lợi, tình trước khi tu luyện, cũng trải qua niềm hạnh phúc của sự vô tư vô ngã sau khi bước vào tu luyện, làm việc gì cũng nghĩ đến người khác trước.
Tôi đã đắm chìm trong hồng ân hạo đãng của Sư tôn, trải nghiệm quá trình đồng hoá với Chân Thiện Nhẫn, đồng thời chứng kiến được sự mỹ hảo của Chân – Thiện – Nhẫn.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/5/8/346779.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/5/11/163362.html
Đăng ngày 1-7-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.