Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-04-2017] Vì yêu cầu thông tin từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Trương Thụ Dũng, người Sơn Tây, đã bị bắt và giam hai tháng rưỡi. Ông bị đánh đập, tra tấn, và bị từ chối quyền thuê luật sư.

Ông Trương đã tuyệt thực để phản đối và phải nằm viện trong hai tuần. Ông bị bức thực trong khi bị còng tay và cùm chân vào giường. Khi ông được bảo lãnh tại ngoại vào ngày 3 tháng 4, ông trông rộc rạc, tứ chi tê bại, và yếu tới mức không tự đi lại được.

Trong một chương trình tin tức của đài CCTV phát sóng hôm 14 tháng 1 năm 2017 có chiếu một hình ảnh chụp từ một đoạn video về ông Chu Cường, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, khi ông này phát biểu tại một hội nghị quốc gia. Bức ảnh được gán phụ đề cho thấy ông Chu đang lăng mạ Pháp Luân Công. Sau đó, các kênh truyền thông khác ở Trung Quốc cũng trích dẫn bài phát biểu này.

Không ai tìm được video đầy đủ hay bất kỳ văn bản nào về bài phát biểu của ông Chu trên trang web chính thức của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Trương và 18 học viên Pháp Luân Công khác từ huyện Hoài Nhân đã viết thư cho Đài Truyền hình Trung ương, yêu cầu công khai thông tin liên quan đến bài phát biểu và những nhân vật chính tham gia làm đoạn phim này. Yêu cầu được gửi tới trụ sở Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh bằng đường bưu điện vào ngày 18 tháng 1.

Thay vì nhận được phản hồi của đài truyền hình nhà nước này, ông Trương lại bị cảnh sát của Phòng An ninh Nội địa bắt tại nhà vào ngày 16 tháng 2.

Sau đây là lời kể của ông Trương về những gì đã xảy ra khi ông bị bắt giữ và giam cầm.

Bắt giữ

Tôi bị bắt tại nhà vào chiều ngày 16 tháng 2 và bị đưa tới Phòng Cảnh sát Huyện Hoài Nhân. Năm cảnh sát mặc thường phục đã đột nhập vào nhà tôi mà không xuất trình thẻ nghiệp vụ hay bất cứ giấy tờ tùy thân nào khi tôi yêu cầu.

Sau đó, tôi phát hiện ra họ là người của Phòng An ninh Nội địa huyện, bao gồm chỉ huy Trương Hướng Đông, cảnh sát Giải Quân Vĩ và Lý Huy.

Một người trong bọn họ giơ ra một lệnh khám nhà rồi giật lại luôn khi tôi chưa kịp đọc xong văn bản đó. Tôi phát hiện lệnh khám nhà đó không có chữ ký ở cuối trang. Ngoài đó ra, tôi không được nhận hay xem bất kỳ giấy tờ hay văn bản pháp lý nào khác.

Tại sở cảnh sát, tôi lại yêu cầu xem chứng minh thư của họ nhưng họ lờ đi. Tôi hỏi họ lý do tôi bị bắt nhưng không nhận được câu trả lời nào.

Sau đó, tôi mới nhận ra rằng việc này liên quan đến yêu cầu của tôi đối với Đài truyền hình CCTV, bởi vì ông Trương, ông Giải, và ông Lý hỏi tôi mấy lần là gần đây, tôi có viết thư từ gì không. Viết thư yêu cầu một cơ quan truyền thông cung cấp thông tin về các chương trình của họ là quyền công dân của tôi, nên việc bắt giữ tôi là vi phạm luật pháp. Tôi chẳng buồn giải thích hay đưa ra thông tin gì nữa.

Ba cảnh sát này đã quay lại nhà tôi, đột nhập vào từ cửa trước, và lục soát nhà. Họ tịch thu nhiều đồ dùng cá nhân của tôi.

Bị từ chối quyền công dân

Khi bị thẩm vấn, tôi không được cho biết cụ thể là tôi có quyền và nghĩa vụ gì. Tôi phải hỏi mấy lần mới được đưa cho một tài liệu. Sau đó, tôi đề nghị thông báo cho luật sư của tôi nhưng họ bảo tôi là không có chuyện đó. Quyền thuê luật sư của tôi đã bị từ chối.

Khi tôi yêu cầu được cung cấp số điện thoại của Cục Công an và Sở Điều tra Nội vụ để đệ đơn khiếu nại thì không ai cung cấp cho tôi. Như vậy, quyền khởi kiện của tôi đã bị từ chối.

Tài liệu quy định quyền và nghĩa vụ của tôi bị giật lại trước khi tôi đọc xong. Cảnh sát đã xé nó vụn nó.

Vì họ liên tiếp vi phạm pháp luật, tôi kết luận rằng ba viên cảnh sát này thiếu năng lực hay trình độ xử lý vụ việc của tôi một cách công minh, vì vậy tôi đã yêu cầu họ rút ra khỏi cuộc điều tra. Nhưng họ lờ đi. Vì vậy, tôi tuyên bố rằng từ đó trở đi, bất kể ba cảnh sát này làm gì đều là phạm pháp.

Ngày 17, họ đọc cho tôi một tuyên bố như sau: “Theo lời thú tội của bị cáo,…” Tôi không hề làm cái gọi là thú tội bao giờ và cũng không hề đưa cho cảnh sát bất kỳ vật dụng nào – đó là họ tự ý tịch thu đồ đạc của tôi mà không có sự đồng thuận của tôi và gia đình tôi. Tôi chẳng có lý do nào để thú tội hay cung cấp bằng chứng như thế. Tuyên bố đó hoàn toàn sai trái.

Ông Giải đã vặn cổ tay tôi để ông Lý chụp ảnh tôi và lấy dấu vân tay. Họ khiến tôi rất đau. Chiều cùng ngày, tôi bị chuyển tới trại giam của huyện và bị giữ ở đó tới ngày 3 tháng 3.

Bị ngượcđãi tại trại giam huyện

Ngày 3 tháng 3, tôi bị chuyển tới trại giam huyện. Tôi bị bắt phải cởi quần áo để kiểm tra sức khỏe, nhưng tôi không làm theo. Một viên cảnh sát to béo độ 50 tuổi sai hai tù nhân đánh tôi đến khi tôi ngã, sau đó họ tiếp tục giẫm đạp tôi. Tôi bị choáng đến hộc máu miệng.

Hai tù nhân dí tôi xuống sàn nhà và lột quần áo tôi. Ba cảnh sát khác có mặt vào lúc đó chẳng làm gì để dẹp hành động bạo lực đó đi.

Sau khi bị khám, tôi bị tống vào Khu số 6. Mỗi tối, tôi chỉ được cho một ly nước và không được đi vệ sinh trong năm ngày liền. Tôi chỉ được mặc một chiếc áo lót dài tay và một đôi quần lót dài, còn lại đều bị quẳng đi. Tôi chẳng có gì để chống chọi với cái rét, hai hôm sau, tôi mới được cho một cái áo bông cũ.

Sáng ngày 4 tháng 3, tôi bị lột sạch quần áo, và một tù nhân đã dội hai chậu nước vào đầu tôi. Tôi gần như ngất xỉu vì lạnh.

Bị ngăn không cho gặp luật sư

Gia đình tôi đã thuê luật sư Trình Hải đại diện cho tôi. Sáng ngày 7 tháng 3, khi luật sư nộp yêu cầu gặp tôi, ông ấy được bảo rằng Giám đốc Lý Trường Xuân của Trại giam Huyện Hoài Nhân không duyệt yêu cầu để chúng tôi gặp mặt.

Luật sư Trình lập tức nộp đơn khiếu kiện với ông Trần là chỉ huy phân khu của Viện Kiểm sát của huyện. Vào buổi chiều, luật sư của tôi được báo là mọi cuộc gặp đều bị hủy vì có cuộc tập dượt chống khủng bố hai ngày.

Lúc đó, để ngăn không cho tôi gặp luật sư, họ định chuyển tôi sang Trại giam Quận Bình Lỗ ở thành phố Sóc Châu, cách đó 70 dặm. Ngày 9 tháng 3, tôi đã tuyệt thực để phản đối và Trại giam Bình Lỗ đã từ chối nhận tôi.

Sau đó, tôi bị chuyển tới Trại giam Huyện Sơn Âm nhưng cũng bị trả lại vì cán bộ ở đó nghe nói tôi đang tuyệt thực. Cuối cùng, giám đốc Lý Trường Xuân ép tôi phải chấp nhận Trại giam Huyện Ứng, tôi bị giam ở đây từ ngày 9 đến ngày 20 tháng 3.

Tôi tiếp tục tuyệt thực từ ngày 14 tới ngày 20. Cán bộ Trại giam Huyện Ứng thông báo với giám đốc Lý Trường Xuân nên tôi bị đưa tới Bệnh viện Y học Cổ truyền Hoài Nhân.

Bị bức thực tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Hoài Nhân

Chiều ngày 20 tháng 3, một lính canh tên Lưu từ Trại giam Huyện Hoài Nhân đã đưa tôi tới Bệnh viện Y học Cổ truyền Hoài Nhân. Tôi bị lấy mất quần áo và 45 tệ mà tôi được cấp khi vào trại.

Tôi bị cho vào phòng theo dõi của khoa cấp cứu ở tầng một. Trong phòng đó có sáu chiếc giường, một hàng ghế sắt dưới cửa sổ, và một cái điều hòa lắp trên tường phía Đông.

Tôi bị tống lên giường trong tư thế hai tay bị còng sau lưng và chân bị còng, bị năm viên cảnh sát ghìm giữ trong khi một y tá bức thực tôi bằng đường mũi qua cái ống xông, khiến tôi bị chảy máu. Vì không ăn uống gì cả bảy ngày trước đó, tôi đã nôn ra tất cả mọi thứ họ cho tôi ăn.

Vì sợ thức ăn vào khí quản, họ phải ngừng bức thực tôi bằng ống xông và chuyển sang truyền dịch. Tôi rút kim ra khỏi tay phải. Một nhân viên đã túm lấy tay phải của tôi, còn y tá thì cắm kim vào tay trái tôi. Tôi lại rút kim ra, nhưng một lúc sau đã bị thay bằng cái khác.

Vừa truyền dịch vào máu được một lúc, cả người tôi bắt đầu lên cơn co thắt, huyết áp tăng lên tới 170, toàn thân đẫm đìa mồ hôi và sốt cao. Tôi tự nhủ có phải mình đang chết không. Trong cơn nửa tỉnh nửa mơ, tôi nghe viên cảnh sát nói tôi đang chết. Một nam bác sỹ kiểm tra đồng tử của tôi và ra lệnh đeo mặt nạ ô-xi.

Mùi hôi bốc ra từ dạ dày tôi cực kỳ khó chịu, vì tôi đã không ăn nhiều ngày. Giám đốc Lý Trường Xuân có mặt ở đó trong cả quá trình, ông ấy là người phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho những gì mà tôi đã trải qua.

13 ngày trong Bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân 322

Tối ngày 20 tháng 3, Đội trưởng Trương Hướng Đông, Giải Quân Vĩ, và các cảnh sát khác của Phòng An ninh Nội địa Huyện đã áp giải tôi tới Bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân 322 ở thành phố Đại Đồng.

Tôi bị tống vào Khu số 0513 ở tầng 5 và bị lưu ở đây trong hai tuần còn lại. Đội trưởng Trương cho người cùm chân tôi bằng xích sắt nặng, gắn vào chân giường. Hai tay tôi bị còng sang hai bên thành giường. Tôi không trở mình được. Bác sỹ Quách Hồng Nhật và y tá Phan Lệ Hà đã bức thực tôi bằng một cái ống xông. Vì tôi không cử động hay trở mình được, người tôi bị cứng đờ và đau đớn tột độ.

b7ef84e100c25118b3e862933ad6be1b.jpg

Bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân 322

1c3ba7ee8a7ff1fdc34a523d158af764.jpg

Bên ngoài buồng giam của tôi

7945dedadbe0607d9e98f311306e8ee7.jpg

Bên trong phòng giam của tôi

Ngày 21 tháng 3 năm 2017: Mỗi đội trong năm đội của Phòng Cảnh sát Hoài Nhân luân phiên cử một nhóm sáu người tới giám sát tôi liên tục. Giám đốc Lý thay còng tay và cùm chân của tôi thành loại nhỏ hơn vì cổ tay và cổ chân của tôi nhỏ và ông ta không muốn mạo hiểm để tôi trốn thoát. Còng tay và cùm chân khít đến nỗi khiến cổ tay tôi rất đau. Các dấu vết do còng tay để lại không biến mất trong một thời gian dài, kể cả sau khi tôi được thả.

Tôi bị truyền dịch 24 giờ một ngày. Vì đến lúc đó, tôi đã không ăn tới hơn một tuần nên ven của tôi rất nhỏ, và cách họ lấy ven làm tôi đau khôn thấu.

Ngày 22 tháng 3 năm 2017. Tôi vẫn bị còng tay và bị cùm chân trên giường và không thể cử động. Cơn đau trở nên không thể chịu đựng nổi.

Tôi nghe lỏm được bác sỹ Quách bảo với cảnh sát rằng, nếu tôi không đi tiểu trong hai ngày tới, tôi sẽ bị suy thận. Cảnh sát nói rằng nếu thế thì họ sẽ mang tôi về đồn cảnh sát và cho tôi mấy loại thuốc. Đêm đó, tôi bị đau bụng và làm ướt cả giường.

Ngày 23 tới 27 tháng 3 năm 2017: Tôi vẫn bị còng tay và cùm chân vào giường. Bác sỹ Quách, bác sỹ Lý Học Quân, và y tá Phan tiếp tục truyền dịch cho tôi, lượng truyền đã tăng từ 5 đơn vị thành 7 đơn vị.

77930d28bcfb2765ed9e604994008f00.jpg

Y tá Phan Lệ Hà

Hai cánh tay tôi sưng vù và đau đớn. Tôi yêu cầu họ ngừng truyền dịch nhưng bị lờ đi. Tôi đã tháo kim ra khỏi tay trái bằng răng, nhưng y tá Phan nhanh chóng cắm một cây kím khác vào tay phải tôi. Khi tôi lại tháo kim ra bằng răng, cô ấy đã bảo bốn nhân viên xuống và cắm kim vào chân phải của tôi.

Cô ấy đã cắm kim không chuẩn nên dịch đã chảy vào các mô cơ của tôi. Chân phải của tôi sưng phù lên và đau buốt. Cảnh sát lại ấn tôi xuống để y tá Phan chuyển kim sang chân trái của tôi. Thật kinh khủng. Tôi mệt mỏi và mồ hôi vã ra như tắm. Tôi không rõ là bị truyền loại dịch gì cho đến khi y tá nói đó là thuốc kích thích mạch máu.

12a4ad2a3dfb427d94aa5827300d9e24.jpg

Bác sỹ Quách Hồng Nhật

3372a0752ab2d2c9099ce0706efc9aa7.jpg

Bác sỹ Lý Học Quân

45f74fb032465a9f3c04f915031a70f4.jpg

Một bác sỹ trẻ

Bác sỹ Quách Hồng Nhật, bác sỹ Lý Học Quân, và một bác sỹ trẻ cũng bức thực tôi bằng nước với sự giúp đỡ của đội trưởng Trương Hướng Đông. Giám đốc Lý Trường Xuân ghé qua gần như hàng ngày với hy vọng tôi sẽ đầu hàng. Ông ấy bảo y tá tăng tốc độ truyền dịch khiến tôi càng đau đớn hơn.

Tôi phải đi tiểu vào một cái cốc trên giường, và chưa bao giờ được tháo còng tay trong suốt thời gian ở bệnh viện 322. Vì thế mỗi lần đi tiểu, tôi phải loay hoay mãi, và cũng không đi đại tiện được trong suốt thời gian ở đó.

Ngày 28 tháng 3 năm 2017: Cảnh sát giám sát tôi thay ca tầm 9h sáng. Tôi được báo là một tiếng nữa sẽ phải đi khám. Vì tôi không ăn suốt 10 ngày liền nên họ lo tôi có thể bị chết. Họ đặt tôi lên cái cáng, vẫn trong tư thế bị còng tay và cùm chân, rồi đẩy tôi ra khỏi phòng giam.

Hôm trước đó có tuyết nên bên ngoài rét cóng. Thế mà trên người chỉ mặc quần áo lót mà không hề được đắp chăn. Lúc họ đưa tôi lên xuống cầu thang và đi qua sân sau, người tôi run cầm cập.

Cảnh sát đẩy tôi rất nhanh nên khá sóc, khiến tôi càng thêm đau đớn và khó chịu vì tôi bị còng tay và cùm chân trên cái cáng. Một viên cảnh sát ghi hình lại cả quá trình này.

Sau khi chờ đợi một hồi lâu, tôi bị làm ba xét nghiệm, trong đó có siêu âm màu và điện tâm đồ. Trong suốt thời gian đó, tôi vẫn bị còng và cùm chân. Sau khi trở về buồng giam, họ lại bắt đầu truyền dịch.

Ngày 29 tháng 3 năm 2017. Ông Hạ Trí Điền, một người bạn học cùng cấp III với tôi, giờ là chỉ huy Phân cục Pháp chế ở Phòng Cảnh sát Huyện Hoài Nhân, đã tới thăm tôi. Ông ấy cố thuyết phục tôi tuân thủ quy trình pháp lý và ra tòa. Tất cả sáu nhân viên giám sát tôi đều ở đó, và một trong số họ ghi âm cuộc trò chuyện của chúng tôi.

Ông Hạ nói, “Ra tòa không phải là việc xấu. Ông đã thuê một luật sư rồi và có thể tự bào chữa cho mình.”

Tôi bảo ông ấy: “Đây là sự trả đũa. Tất cả đều vì tôi đã viết một lá thư. Bất kỳ ai, kể cả người không có kiến thức về luật, đều biết viết thư là quyền cơ bản của một công dân. Tôi không hề vi phạm bất kỳ luật nào và không cần phải ra tòa vì bất kỳ lý do gì. Nếu tôi phải ra tòa, đó sẽ là sự sỉ nhục cho hệ thống luật pháp Trung Quốc, cho tòa án, và cho cả thẩm phán. Tôi không thừa nhận. Tôi chỉ có sinh mệnh của mình thôi, còn ai dám tham gia vào vụ này thì cứ việc.”

Thấy tôi không thay đổi ý định, ông ấy rời đi mà không nói gì thêm. Tôi bị truyền dịch liên tục suốt 24 giờ hôm đó.

Ngày 30 tháng 3 năm 2017: Bác sĩ Quách muốn cho ống xông thức ăn vào dạ dày tôi vì tôi không ăn đã quá lâu rồi và có nguy cơ bị hỏng hệ tiêu hóa. Khi tôi bảo ông ấy “đừng làm vậy” thì ông ta bảo sáu cảnh sát kia ấn tôi xuống, còn y tá Phan đứng bên cầm ống trong tay, chuẩn bị đút nó qua mũi tôi.

Tôi lấy hết sức bình sinh để chống cự và lắc đầu rất mạnh để họ không nhét được ống vào. Vì lo cái ống có thể lệch sang khí quản nên họ đành từ bỏ. Ông Quách sau đó bức thực tôi bằng nước, và liên tục truyền dịch. Hai tay và chân của tôi sưng lên, rất đau đớn.

Ngày 31 tháng 3 năm 2017: Ông Hạ Trì Điền và một người bạn phổ thông khác tới thăm và cố gắng thuyết phục tôi ăn gì đó. Tôi bảo: “Tôi đã quyết định và không thay đổi ý định. Chừng nào còn bị giam thì tôi còn không ăn uống.” Thấy tôi sụt cân nhiều, họ rất thương cảm. Tôi bị truyền dịch 24 giờ liên tục ngày hôm đó.

Ngày 1 tháng 4 năm 2017: Tôi nghe lỏm được bác sỹ Lý Học Quân nói với giám đốc Lý Trường Xuân của trại giam trên điện thoại, bảo tôi vẫn thế. Tôi nghĩ tôi còn nghe thấy bà ấy nói rằng bà ấy không thể làm gì khác được.

Họ vẫn tiếp tục truyền dịch. Khi dịch nhỏ vào ống thủy tinh, tôi vã mồ hôi như tắm và khó chịu kinh khủng. Tôi nghi là họ cố ý làm tôi đau hơn.

Khi đang đau đớn tột độ thì cậu bác sỹ trẻ xuất hiện và mỉa mai: “Cho ông xuất viện. Dũng cảm ghê.” Các bác sỹ đã thử mọi cách họ có thể cho tới lúc này, nhưng tôi vẫn không đầu hàng.

Ngày 2 tháng 4 năm 2017: Ông Hạ Trì Điền – bạn học của tôi, giám đốc Lý Trường Xuân, đội trưởng Trương Hướng Đông, và cảnh sát Giải Quân Vĩ của Phòng An ninh Nội địa huyện xuất hiện đêm đó và bảo tôi rằng họ sẽ thả tôi theo diện bảo lãnh.

Cả nửa tá nhân viên giám sát tôi đã cố dựng tôi ngồi dậy, nhưng tôi thậm chí không thể cử động. Tôi kiệt sức vì không ăn gì ba tuần liền, tứ chi thì tê dại đi do bị còng và bị cùm vào giường suốt hai tuần. Tôi cũng không đi đại tiện kể từ ngày 20 tháng 3 và có nguy cơ hỏng hệ tiêu hóa. Tôi bị đẩy ra xe cảnh sát trên một chiếc xe đẩy rồi được khiêng vào xe.

Một cảnh sát đã ghi hình quá trình tôi bị chuyển về huyện Hoài Nhân. Dạ dày và ruột của tôi đau quặn, toàn thân vô lực. Chúng tôi về tới phòng cảnh sát huyện khoảng 10h tối. Lúc vợ tôi hoàn thành các thủ tục giấy tờ thì tôi được thả, lúc đó là 1 giờ sáng ngày 3 tháng 4.

Bị bởi kiểm sát viên huyện thẩm vấn

Ông Cao, kiểm sát viên của Viện kiểm sát Hoài Nhân đã thẩm vấn tôi hai lần trong khi tôi bị giam. Lần đầu là khi tôi ở trại giam huyện Ứng. Tôi đã khiếu nại với ông Cao về đội trưởng Trương Hướng Đông, cảnh sát Giải Quân Vĩ, và Lý Huy thuộc Phòng An ninh Nội địa huyện vì vi phạm thủ tục pháp lý. Tôi đã yêu cầu ông Cao sử dụng quyền của ông ấy để ngăn không cho ba nhân viên kia điều tra vụ việc của tôi.

Lần thứ hai tôi gặp ông Cao là khi tôi nằm viện ở Bệnh viện 322. Tôi đã từ chối hợp tác hay trả lời bất cứ câu hỏi nào của ông ấy và kiên quyết ông ấy phải giải quyết vấn đề tôi đã nêu trong buổi gặp lần thứ nhất. Tôi yêu cầu ông ấy báo cho ba nhân viên từ phòng an ninh nội địa huyện biết là họ không còn liên quan tới vụ của tôi. Nhưng ông Cao không trả lời.

Tôi bảo ông ấy: “Bởi vì yêu cầu của tôi đã không được tôn trọng nên chúng ta không nên tiếp tục nữa.” Ông Cao đã ghi âm lại những gì tôi nói và hỏi tôi có muốn yêu cầu cả ông ấy cũng bị cho ra khỏi vụ án của tôi không. Tôi liền yêu cầu như vậy luôn, rồi ông ấy rời đi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/30/346414.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/6/2/164097.html

Đăng ngày 16-6-2017. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share