Bài viết của một học viên trẻ từ Trung Quốc

[MINH HUỆ 8-3-2017] Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp mới. Trước khi bước vào tu luyện vào năm 2015, tôi là người nóng tính, kiêu ngạo và ích kỷ. Khi mới bắt đầu, tôi đã phạm nhiều sai lầm vì không minh bạch các Pháp lý. Đặc biệt trong mối quan hệ với chồng mình, tôi đã xử lý các mâu thuẫn rất kém.

Đôi lúc tôi có thể xác định được chính xác những chấp trước mà mình cần loại bỏ khi mâu thuẫn phát sinh, nhưng tôi lại không thể buông bỏ chúng. Tôi thường cúi đầu và khóc trong tuyệt vọng sau mỗi trận tranh cãi với chồng – dường như tôi không thể vượt qua được một số khảo nghiệm tâm tính. Tôi cầu xin Sư phụ giúp đỡ, nhưng tôi cũng tự đổ lỗi cho bản thân và cảm thấy mình có lỗi vì đã không làm tốt.

Thật may mắn, giống như Sư phụ đã giảng:

“Pháp có thể phá hết thảy chấp trước,” (Bài trừ can nhiễu, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Tôi đã có thể vượt qua nhiều trở ngại khi học Pháp bằng tâm tĩnh lặng và tỉnh táo. Nhờ sự bảo hộ của Sư phụ và chỉ đạo của Pháp, tôi đã từng bước một để đi được đoạn đường dài.

Tôi đi từ thiếu nhận thức tới biết cách tu luyện, từ dễ bị nhảy dựng lên bởi mọi chuyện nhỏ nhặt tới ít nhất không phản kháng lại, sau đó tới có thể tiếp nhận phê bình bằng tâm thái bình tĩnh; từ không sẵn lòng hướng nội, tới chủ động soi xét bản thân.

Tôi dần hiểu ra tu luyện thực sự là gì và ý nghĩa thực sự của đời người. Tôi cũng được trải nghiệm niềm hạnh phúc lớn lao của việc buông bỏ được những chấp trước từng khiến tôi tiêu trầm. Tôi có thể đối xử với chồng mình và mọi người xung quanh bằng sự kiên nhẫn và từ bi, vì giờ đây tôi biết rằng họ là những tấm gương thực sự phản ánh những thiếu sót của tôi và họ chỉ ở đây để giúp tôi đề cao.

Những mâu thuẫn trong hôn nhân

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào đúng khoảng thời gian vừa kết hôn, vì vậy có nhiều mâu thuẫn phát sinh giữ tôi và chồng. Tôi từng rất kiêu ngạo. Trong mắt người khác, tôi xuất sắc trong mọi khía cạnh cuộc sống và tự nhiên tôi trở thành kiêu căng và hống hách, cả ở nơi làm việc và ở nhà. Nhưng khi trở thành một người tu luyện, tôi biết mình cần thay đổi, cần chu đáo và tử tế.

Chồng tôi rất nhạy cảm và thậm chí còn nóng tính hơn cả tôi, anh đã khiến tôi đau đầu rất nhiều sau khi chúng tôi kết hôn. Mâu thuẫn dường như có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Đôi lúc đó thực sự là lỗi của anh, nhưng anh đổ lỗi cho tôi và bắt tôi phải nhận trách nhiệm.

Lúc đầu, tôi không thể chịu nổi – Tôi cũng bắt đầu tranh cãi với anh hoặc trốn vào chỗ nào đó và khóc. Tuy nhiên, tôi biết làm một học viên tôi phải nhẫn và có thể làm được “đả bất hoàn thủ mạ bất hoàn khẩu”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996]) Tôi hướng nội và xem lại bản thân sau mỗi mâu thuẫn để tìm nguyên nhân đã khiến tôi không giữ vững được tâm tính và tự hứa sẽ làm tốt hơn vào lần sau. Tôi dần dần đề cao và bắt đầu hiểu cách nhìn nhận những vấn đề này từ góc độ của một người tu luyện. Tôi không còn muốn tìm ra ai đúng ai sai nữa. Thay vào đó, tôi nhìn nhận những mâu thuẫn này như cơ hội cho mình đề cao. Tôi có thể giữ im lặng và không tranh cãi với chồng trong hầu hết những lần xung đột.

“Nhẫn mà uất hận, uỷ khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ,” (Thế nào là Nhẫn, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tuy nhiên, tôi vẫn chỉ ở tầng của người thường. Tôi có thể khống chế bản thân và không tranh đấu lại, nhưng tôi vẫn giận dữ và oán hận. Tâm tranh đấu của tôi thường nổi lên trong hầu hết những suy nghĩ riêng tư của mình: “Nếu tôi không phải là một học viên Đại Pháp, thì anh sẽ không có cơ hội cãi thắng đâu.”

Mối quan hệ xấu đi

Bằng việc cố gắng kiềm chế, xung đột giữa tôi và chồng xảy ra ít hơn, nhưng các chấp trước của tôi và gốc rễ của các mâu thuẫn đã tạo ra những vấn đề mới.

Tôi bắt đầu xem thường anh và nó biểu hiện ra trong giọng điệu và biểu đạt của tôi. Tôi biết việc đó không đúng, nhưng không biết phải làm gì. Mối quan hệ của chúng tôi trở nên căng thẳng, và một lần nữa, chúng tôi thường đánh nhau.

Chúng tôi không thích nhau. Chồng tôi ghét tôi quá cương quyết, không nữ tính ôn nhu, thiếu quan tâm và ích kỷ. Tôi oán trách anh ấy vì anh lười biếng, vô trách nhiệm, kén chọn và thích cãi lý. Anh phàn nàn rằng tôi không phải là một phụ nữ tốt, còn tôi xem thường anh vì anh không thể tiếp nhận phê bình.

Tôi biết rằng những vấn đề này không phải là ngẫu nhiên – chúng có lẽ đều là những khía cạnh mà tôi cần đề cao và khảo nghiệm mà tôi cần vượt qua. Nhưng dường như tôi không thể xử lý chúng được tốt khi đang ở trong mâu thuẫn. Tôi liên tục nhẩm lời của Sư phụ:

Đoạn (Nguyên khúc)

Tu bất nan

Tâm nan khứ

Kỷ đa chấp trước hà thời đoạn

Đô tri khổ hải tổng vô ngạn

Ý bất kiên

Quan tự sơn

Trách xuất phàm

Tạm diễn nghĩa:

Đoạn Dứt (thơ khúc thời nhà Nguyên)

Tu không hề khó

Tâm khó bỏ đi

Bao nhiêu chấp trước đến thời nào mới dứt

Đều biết bể khổ mãi không có bờ bến

Ý chí không kiên định

Thử thách lại như núi

Làm sao ra khỏi thế giới phàm tục

Tôi liên tục tự hỏi: “Sao mình lại xem thường anh ấy nhỉ?” Tôi nhận ra rằng, trong sâu thẳm, tôi cảm thấy mình tốt hơn anh ấy. Tôi không thích việc anh không có tham vọng và hài lòng với bản thân mình trong cuộc sống. Anh không nỗ lực để hoàn thiện bản thân, và đối với tôi điều đó là vô trách nhiệm.

Minh bạch vấn đề

Tôi quên rằng mình chỉ trở nên “tốt hơn” vì tu luyện trong Đại Pháp. Chồng tôi chỉ là một người thường, một người sống dưới ảnh hưởng của những chuẩn mực đạo đức đang xuống dốc ngày nay. Tôi có thể đo lường anh bằng những tiêu chuẩn của tôi sao? Hơn nữa, Sư phụ giảng rằng là những người tu luyện, chúng ta là đang tu cho bản thân, không phải tu cho người khác. Thay vì tập trung vào những vấn đề của anh, không phải tôi nên xem xét bản thân mình trước sao?

Không phải tôi cũng có những vấn đề tương tự những vấn đề mà tôi không thích ở anh ấy? Không phải việc lười biếng cũng cản trở tôi dậy sớm luyện công mỗi sáng sao? Không phải chính tâm đố kỵ đã khiến tôi nghĩ rằng thật không công bằng khi tôi đóng góp cho gia đình nhiều hơn chồng mình sao? Không phải tôi cũng vô trách nhiệm khi không làm ba việc tinh tấn trong giai đoạn Chính Pháp sao? Không phải tôi cũng là người chỉ thích nghe khen ngợi và không thích bị phê bình sao? Không phải chính tâm tranh đấu của tôi đã khiến tôi liên tục cố gắng chứng minh rằng mình đúng sao?

Thiện và Nhẫn

Khi hướng nội, tôi phát hiện ra mình chính xác là kiểu người mà tôi không thích. Chồng tôi giống như một chiếc gương, mà ở đó tôi thấy phản ánh trung thực những thiếu sót của mình. Tôi nhận ra rằng không phải ngẫu nhiên mà tôi thấy quá nhiều khuyết điểm của anh – Nó được an bài để tôi có thể nhận ra những chấp trước của bản thân mình và buông bỏ chúng.

Tôi thậm chí còn sốc hơn khi nhận ra rằng, trong khi tôi luôn xem mình tốt hơn người khác, nó cũng chỉ như so sánh mình với người thường trong giai đoạn mạt Pháp này. So với những tiêu chuẩn của Pháp, tôi vẫn còn cách quá xa. Nhưng Sư phụ rất từ bi và không bao giờ từ bỏ tôi. Ngài luôn bảo hộ và chỉ dẫn cho tôi. Đó là lòng từ bi của một giác giả chân chính.

Pháp yêu cầu chúng ta tu thiện và suy nghĩ cho người khác. Nguyên nhân gốc rễ của việc tôi không thể nhẫn và cảm thấy tốt hơn người khác là do thiếu từ bi. Cuối cùng, tôi đã hiểu tại sao chồng tôi không bao giờ đánh giá cao việc tôi nỗ lực giúp anh ấy tiến bộ – sự tử tế mà tôi biểu lộ cho anh ấy thấy là sự trộn lẫn cái tình của người thường và tâm ích kỷ.

Sư phụ giảng:

“Vô phi thị nhân tâm, hữu tâm bất thị bi”. (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 2004)

Miễn là tôi vẫn có những chấp trước, quan niệm sẽ bị trộn lẫn vào bất kỳ thứ gì tôi nói và làm. Và dù tôi che đậy giỏi thế nào thì người kia vẫn có thể cảm nhận được nó. Những người khác đều phản ánh những thiếu sót và quan niệm mà tôi vẫn có.

Khi tôi chăm chỉ buông bỏ những chấp trước của mình, tôi phát hiện rằng mình có thể giữ bình tĩnh và không bực bội khi mâu thuẫn nảy sinh. Đó là cái nhẫn của một người tu luyện chân chính. Không có gì phải thắc mắc khi Sư phụ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng nội và tu luyện bản thân, vì thực ra, tất cả những vấn đề mà chúng ta gặp phải là để giúp chúng ta tu luyện, để sinh mệnh của chúng ta có thể lên đến những tầng thứ cao hơn.

Do tầng thứ hữu hạn và suy nghĩ còn nông cạn, xin các đồng tu hãy chỉ ra bất kỳ điều gì không phù hợp. Hợp thập.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/3/8/343984.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/4/1/162690.html
Đăng ngày 29-4-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share