Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại hải ngoại
[MINH HUỆ 5-2-2017] Trung Quốc từng là cái nôi của nền văn hóa thần truyền, và là quốc gia nổi tiếng với truyền thống lễ nghi chi bang. Trong đó, tu dưỡng bản thân là một phần của nền văn hóa ấy. Lời nói, cử chỉ, và cách ăn mặc của một người cũng có thể thể hiện cảnh giới tu dưỡng của cá nhân đó.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phá hủy nền văn hóa truyền thống ấy. Người dân Trung Quốc ngày nay có hành vi rất thô tục ở những nơi công cộng như khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, lớn giọng ồn ào và sử dụng lời lẽ tục tĩu.
Các học viên Pháp Luân Đại Pháp với tư cách là những người tu luyện cần giải thể văn hóa đảng và hồng truyền những giá trị Chân – Thiện – Nhẫn qua lời nói, hành vi, và cử chỉ của chúng ta.
Sư phụ giảng:
“Nhưng trong quá khứ có rất nhiều người hễ luyện công rồi, thì cũng ăn mặc tùy tiện, lôi tha lôi thôi, bẩn nhếch nhác, nếu đệ tử Đại Pháp mà như vậy, thì tôi nói rằng chư vị đã bôi nhọ Đại Pháp. Mọi người biết rằng bất cứ trường hợp nào khi tôi giảng Pháp cho chư vị, thì tôi ăn mặc nói một cách tương đối tôi cảm thấy khá là chỉnh tề, trên thực tế là tôi đang để chư vị nhìn” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [1999])
Tôi muốn nhắc nhở một số đồng tu, đặc biệt là những đồng tu giảng chân tướng tại các điểm du lịch, chú ý đến hình thức bề ngoài của chúng ta. Dáng vẻ bề ngoài chỉnh tề cũng giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận khách du lịch, nâng cao hiệu quả giảng chân tướng, và đồng thời cũng là một phương diện chúng ta chứng thực Pháp.
Để lại ấn tượng đầu tiên tốt đẹp khi giảng chân tướng cho du khách là phi thường trọng yếu, mà chúng ta cũng chỉ có một cơ hội duy nhất để làm điều đó. Thông thường, ấn tượng có thể hình thành chỉ trong vòng 3 giây đồng hồ, trong đó 60% là thông qua hình dáng bề ngoài, và 40% là thông qua giọng nói, nội dung và thái độ nói chuyện. Từ hình dáng bên ngoài, người ta có thể đoán một người được giáo dục như thế nào và có đáng tin hay không. Ấn tượng ban đầu tốt đẹp kết hợp với thái độ chân thành và tâm thái từ bi sẽ giúp cho cuộc nói chuyện trở nên cởi mở, thư giãn và vui vẻ.
Lễ nghi trong xã hội hiện đại ngày nay bao gồm thể hiện sự tôn trọng đối với người khác, tôn trọng môi trường xung quanh, và tuân thủ quy tắc giao tiếp thông qua hình dáng bề ngoài, lời nói và cử chỉ. Dưới đây tôi xin chỉ ra một số điểm chú ý cơ bản:
I. Mỉm cười chào
Mỉm cười chân thành là lễ nghi chào hỏi quốc tế. Đó là sự biểu cảm đẹp nhất trên khuôn mặt và giúp rút ngắn khoảng cách giữa người với người.
II. Giọng nói
Sư phụ giảng:
“Ngoài ra âm thanh ấy, Thần là dùng nó để thanh lý khỏi thân thể người những thứ không tốt, hơn nữa có thể đánh vào tầng sâu, có thể khởi tác dụng chính diện rất to lớn” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc 2015)
Giọng nói của chúng ta rất quan trọng trong việc giảng chân tướng. Một giọng nói rõ ràng, điềm tĩnh, tốc độ nói vừa phải, và thái độ chân thành sẽ khiến người nghe có cảm giác thoải mái và tường hòa. Chúng ta không nên lên giọng nói to, trừ phi đang nói chuyện với một nhóm người.
III. Vệ sinh hơi thở
Chúng ta cần tránh ăn tỏi, hành, gừng, rau hẹ hay các loại thức ăn có mùi hăng trước khi đi giảng chân tướng. Đánh răng và nhai kẹo cao su có thể giúp cho hơi thở thơm tho; nhưng khi nhai kẹo cao su miệng cần khép kín, không nên phát ra âm thanh. Kẹo cao su đã nhai xong nên gói vào giấy ăn và bỏ vào thùng rác.
Tiện đây tôi cũng xin kể một câu chuyện xảy ra từ đời nhà Đường. Thi nhân nổi tiếng Tống Chi Vấn là một quan văn dưới thời nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên. Ông có ngoại hình chỉnh tề, lại có tài thơ văn, nhưng Võ Tắc Thiện luôn lảng tránh ông. Ông rất bối rối không hiểu tại sao, liền viết một bài thơ dâng tặng Võ Hoàng Đế để mong được trọng dụng. Không ngờ sau khi đọc bài thơ, Võ Tắc Thiên đã nói với các triều thần: “Tống khanh phương diện nào cũng không tệ, chỉ có mỗi một tật xấu là miệng khó ngửi.” Sau khi nghe nói vậy, Tống Chi Vấn vô cùng xấu hổ. Ông đã tìm đủ phương cách để giải trừ mùi khó ngửi đó.
IV. Tránh những cử chỉ bất nhã
Lúc nói chuyện, chúng ta không nên gãi đầu, gẩy mũi hay có những hành vi bất nhã khác. Không ngồi xoạc chân hay ngồi vắt hai chân, không ăn uống hay nhai kẹo cao su khi nói chuyện.
V. Cách xử xự trong khi nói chuyện
Khi nói chuyện cần giữ một khoảng cách vừa phải với đối phương, giữ ánh mắt ôn hòa, luôn biết lắng nghe và tích cực chủ động trong câu chuyện. Không ngáp, nhìn ngó xung quanh, hay khạc nhổ.
VI. Dáng vẻ bề ngoài
Nữ giới có thể trang điểm nhẹ nhàng. Kiểu tóc nên trang nhã đoan trang, chải vuốt chỉnh tề, tóc dài nên kẹp lại cho gọn gàng. Quần áo cần sạch sẽ, chỉnh tề và không có nếp nhăn, tốt nhất không nên mặc quần áo có quá ba gam màu. Không nên đeo quá nhiều đồ trang sức và luôn giữ cho móng tay được cắt ngắn và sạch sẽ.
Nam giới nên để tóc ngắn, gọn gàng, và kiểu tóc không nên quá thời trang. Nên cạo râu hàng ngày. Áo vét, sơ mi và cà vạt phải mặc đúng cách. Quần áo nên sạch sẽ và không có nếp nhăn.
Giữ ngoại hình chỉnh tề cũng bao gồm chú ý đến mùi cơ thể, gàu, và ráy tai
VII. Quần áo
Tại các điểm giảng chân tướng, chúng ta nên mặc trang phục trang trọng, hoặc trang phục thường ngày lịch sự. Mặc trang phục thường ngày sẽ giúp chúng ta cảm thấy thoái mái và dễ chịu hơn khi nói chuyện.
Chúng ta không nên mặc quần áo rách, váy ngắn, áo ngắn, quần bó sát người, quần bò, hay quần áo thể thao. Ngoài ra, trang phục quá hoa lệ lộng lẫy hoặc âu phục quá trang trọng sẽ khiến chúng ta không tự nhiên và thoải mái.
Giầy và dây lưng nên sạch sẽ, vừa vặn, và hợp với màu sắc của quần áo. Thông thường giầy và dây lưng nên cùng màu với nhau, còn tất thì nên đi màu tối.
VIII. Túi ni-lông
Trong khi giảng chân tướng hoặc những lúc ở nơi công cộng, chúng ta không nên mang túi ni-lông chứa nhiều đồ linh tinh, đặc biệt là khi chúng ta vào nhà hát xem biểu diễn Thần Vận.
Đệ tử Đại Pháp tu tâm hướng thiện và có một trường năng lượng từ bi tường hòa. Điều đó thể hiện ở dáng vẻ bề ngoài thiện lương và nhân từ của chúng ta. Tầng thứ tu luyện không ngừng nâng cao thì hình tượng cũng sẽ càng ngày càng tốt đẹp. Thiện đến từ chính nội tâm mà lộ ra tại tướng mạo, cái đó gọi là “tướng tùy tâm sinh”. Cái đẹp của lòng từ bi thuần khiết là cực kỳ có lực tương tác và có thể làm xúc động lòng người.
Sư phụ giảng:
“ôm chí lớn mà không quên tiểu tiết” (Thánh giả, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Tôi hy vọng chúng ta cùng cố gắng cải thiện phương diện lễ nghi để xây dựng một hình tượng đệ tử Pháp Luân Đại Pháp mỹ hảo hơn, và cứu được nhiều chúng sinh hơn nữa.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/2/5/342709.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/2/12/162158.html
Đăng ngày 9-5-2017; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.