[MINH HUỆ 6-01-2017] Sư phụ giảng rằng cái khổ nhất trong tu luyện là sự cô đơn.

Sư phụ giảng:

Cái đáng sợ nhất là trong cô đơn trường kỳ. Con người sợ nhất cái gì? Cô đơn. Cô đơn có thể làm người ta phát điên, cô đơn có thể làm người ta quên đi hết thảy quá khứ, cô đơn thậm chí làm người ta quên đi ngôn ngữ. Cũng là một loại khổ đáng sợ nhất.” (Thế nào là đệ tử Đại Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2011)

“sự tịch mịch khó chịu đựng là điều nguy hiểm lớn nhất của con người, cũng là cái khó lớn nhất trong tu luyện” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998]).

“Nhưng tôi không thường xuyên giảng Pháp, thì vấn đề lo lắng nhất là, trong tu luyện ấy, mọi người đều biết chịu khổ là rất khó; trên thực tế chịu khổ vẫn không phải là [điều] khó khăn nhất. Khổ ấy, có thêm khổ nữa, [thì] qua rồi là minh bạch ra; nhưng tu âm thầm trong tịch mịch một cách vô vọng, không nhìn thấy hy vọng, đó là khó nhất.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009)

Trong những năm tu luyện vừa qua, tôi thường dành nhiều thời gian ở một mình. Tôi đã trải nghiệm cả niềm vui cũng như nỗi khổ của sự cô đơn tịch mịch. Niềm vui trong trạng thái cô đơn lớn dần cùng với sự buông bỏ các tâm chấp trước của con người. Tôi xin chia sẻ thể ngộ của bản thân từ Pháp về lý do tại sao chúng ta lại sợ cô đơn.

Sư phụ giảng:

“Thực ra Đạo giáo xuất hiện cũng là do chủng tâm chấp trước ấy của người thường tạo thành. Người ta rất muốn tạo những khối quyền lực, lập ra những nhóm người, người ta có cái loại tâm công lợi ấy;” (Chuyển Pháp Luân quyển II).

Do vậy, theo thể ngộ của tôi, “tâm công lợi” và “muốn tạo những khối quyền lực” là thứ khiến người ta sợ và do đó tìm cách né tránh sự cô đơn.

Hầu hết các học viên tôi biết đều thích giao lưu với những học viên khác trong các sự kiện, nhưng tôi thường thấy như vậy thật phiền phức. Tôi cảm thấy không thoải mái vì tôi cảm nhận được rằng các học viên một cách vô thức đang có tâm chấp trước tìm kiếm sự công nhận. Dường như trong khi tương tác họ mang theo rất nhiều cảm xúc và mong muốn được chú ý, được thừa nhận. Bởi vì tôi thấy được điều này và bị nó làm phiền nên tôi biết mình cũng phải hướng nội tìm các tâm chấp trước cũng như tâm tìm kiếm sự công nhận.

Sư phụ giảng rằng nguyên nhân gốc rễ của tất cả các tâm chấp trước chính là tình:

“Nhưng mà, trong Phật giáo cũng không hề nói tới căn bản của tâm chấp trước là gì, tại đây chúng tôi đã giảng ra cho mọi người, chính là vì có tình tồn tại. Đương nhiên nếu muốn tu luyện tới đắc chính quả, thì về cơ bản cái tình này phải bỏ.” (Trả lời câu hỏi tại buổi giảng Pháp tại Quảng Châu – Chuyển Pháp Luân Pháp Giải).

Hai thứ là cái tình và tâm tìm kiếm sự công nhận – chúng thường khiến các học viên gặp nhau, tiếp xúc và muốn dành nhiều thời gian cùng nhau mà không liên quan đến tu luyện.

Sư phụ giảng:

“Còn có người dẫn một nhóm người quậy rất hào hứng, đây là ‘câu lạc bộ’ sao? Chính là nhân tâm,” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới 2014 – Phần hỏi đáp)

Tất nhiên, các học viên đều đang tu luyện ở các tầng thứ khác nhau. Nhiều lần, khi cảm thấy cô đơn, tôi đã tự hỏi chính mình: “Có phải tôi đang khao khát được công nhận chăng?” Sâu thẳm bên trong, tôi luôn thấy tâm chấp trước này. Có một cái gì đó trong tôi muốn được chú ý và thừa nhận. Khi tôi nhận ra tâm chấp trước này, tôi đã cố gắng loại bỏ nó đi và sau đó sự không thoải mái cùng với nỗi sợ cô đơn đã giảm bớt đi.

Ngay cả khi cùng nhau phối hợp trong tu luyện, chúng ta cũng nên chú ý tới tâm chấp trước này. Tôi nghĩ, khi chia sẻ những trải nghiệm và thể ngộ về Pháp, điều quan trọng là chúng ta phải tự hỏi bản thân: “Mình chia sẻ điều này có phải vì mình thấy nó có thể giúp ích cho người khác hay không?” hay là vì mình đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các học viên, muốn cảm thấy mình là một phần của nhóm (muốn tạo khối quyền lực), khao khát được công nhận và chấp trước vào tình, gồm cả tình bạn cũng như những điều liên quan đến tình bạn?

Theo thể ngộ của tôi, ngay cả câu chào hỏi đơn giản như “Xin chào” hay “Bạn có khoẻ không?” cũng có thể ẩn giấu tâm chấp trước tìm kiếm sự công nhận. Tâm chấp trước này khiến con người muốn được là một ai đó, muốn được chú ý và thừa nhận, nhưng nó được che giấu rất khéo léo qua cách hỏi về người khác. Vì vậy, thay vì nói “Xin hãy chú ý đến tôi,” chúng ta lại nói: “Này bạn có khoẻ không? Mọi việc thế nào?” Đây là điều rất tinh tế khó nhận ra ở bản thân.

Tất nhiên, không có gì sai khi chúng ta chào hỏi hay hỏi thăm về nhau, nhưng là học viên, chúng ta nên hướng nội tìm xem có tâm chấp trước nào được ẩn giấu trong những câu nói đó hay không. Có thể là sự tò mò. Có thể là thích xen vào việc của người khác. Có thể là tìm kiếm sự công nhận hay tâm chấp trước vào tình. Muốn được nói về chính mình cũng là tâm chấp trước tìm kiếm sự công nhận. Những người thường hay phát biểu hoặc thích nói chuyện nhiều cũng nên hướng nội tìm xem có tâm chấp trước này không.

Lời khuyên mà tôi muốn gửi tới các học viên đang vượt quan về sự cô đơn là chúng ta không nên sợ và cũng đừng né tránh nó. Sự cô đơn cũng có thể giúp đạt những bước lớn trong đề cao nếu được xem xét và tiếp cận xử lý theo đúng cách. Khi cái tôi giảm bớt và chân ngã của chúng ta khởi tác dụng, chúng ta trở lên tĩnh lặng và thoải mái hơn.

Đây là thể ngộ tại tầng thứ của cá nhân. Xin chỉ ra những điểm nào không phù hợp với Pháp.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/1/6/161029.html
Đăng ngày 12-3-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share