[MINH HUỆ 7-8-2016] Trong các bài giảng Pháp gần đây, Sư phụ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đối với người điều phối. Là một điều phối viên, tôi cần phải chú ý hơn đến những điều này và hiểu trách nhiệm này.

Thứ nhất, làm một điều phối viên đòi hỏi phải có một tâm kiên định, hy sinh thời gian của bản thân mình, và sẵn lòng vì mọi người mà phó xuất vô điều kiện.

Thứ hai, phải có lý giải rõ ràng về Pháp lý. Càng lý giải rõ ràng về hình thế Chính Pháp thì càng có thể nắm chắc phương hướng và bước đi cho chính trên con đường Chính Pháp, đồng thời thúc đẩy sự đề cao của môi trường chỉnh thể.

Thứ ba, phải kiên nhẫn và từ bi đối với các đồng tu, dùng chính niệm đối đãi với hết thảy mâu thuẫn.

Thứ tư, phải đặt ra tiêu chuẩn cao cho công việc, trách nhiệm và các kỹ năng điều phối.

Sư phụ giảng:

“Không phải chư vị làm trạm trưởng và vì công tác Đại Pháp, mà chư vị không cần đề cao tâm tính vẫn có thể viên mãn đâu. Các học viên đều có thể từ trong bất kỳ mâu thuẫn nào mà nhận thức ra đó là để đề cao tâm tính, các trạm trưởng vì sao không thể? Mâu thuẫn tới rồi, vì để chư vị đề cao lên, nên không đụng chạm đến tâm của chư vị thì cũng không được, công tác Đại Pháp cũng là cơ hội tốt cho đề cao tâm tính chư vị!

Vì sao tôi viết riêng một bài này cho chư vị, là vì nhất cử nhất động, từng lời nói hành vi của chư vị đều trực tiếp ảnh hưởng đến học viên. Chư vị tu được tốt, sẽ khiến ở địa phương ấy Pháp hồng dương được tốt, và các học viên sẽ tu được tốt hơn, nếu không sẽ là làm bại hoại Pháp. Vì chư vị là tinh anh của Đại Pháp trong một tầng người thường, tôi không thể chỉ để chư vị làm công tác mà không để chư vị viên mãn.” (Người phụ trách cũng là người tu luyện, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Đại Pháp yêu cầu chúng ta hành xử theo các tiêu chuẩn cao, đối với người phụ trách thì các tiêu chuẩn càng phải cao hơn nữa. Là người phụ trách cho cả hạng mục truyền thông và phụ trách khu vực Vancouver, tôi phải làm tốt hơn.

Tu luyện nghĩa là cứu độ chúng sinh chứ không chỉ là làm các việc

Hạng mục truyền thông có khối lượng công việc lớn, thời gian chặt chẽ, trách nhiệm lớn, yêu cầu cao nhưng lại thiếu nhân lực. Thông thường, chúng tôi bị cuốn vào công việc mà lơ là tu luyện và giảng chân tướng.

Khi giao dịch với khách hàng, tôi đã từng nghĩ rằng, vì các doanh nghiệp Trung Quốc bị đầu độc nặng nề bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và sẽ không lập tức ủng hộ chúng tôi, do đó chúng tôi nên tiếp cận các doanh nghiệp phương Tây trước. Vì người phương Tây không bị ảnh hưởng bởi ĐCSTQ, tôi đã nghĩ rằng chúng tôi không cần phải giảng chân tướng trực tiếp cho họ và các giao dịch kinh doanh của chúng tôi sẽ dễ dàng hơn nhiều. Chúng tôi có thể làm kinh doanh mà không giảng chân tướng.

Lúc đầu, mối quan hệ hợp tác dường như thông suốt. Tuy nhiên, sau một thời gian, các tình huống khác nhau liên tục phát sinh khiến tôi rất lo lắng về việc mất khách hàng. Sư phụ đã giảng (không nguyên văn) rằng mọi người đến thế gian này đều vì Pháp và đến để được cứu.

Các đồng tu đã đưa chủ đề này ra thảo luận khi giao lưu chia sẻ. Vì mục đích thương lượng thành công và ký được hợp đồng, chúng tôi đã thuận theo tâm lý của người thường mà giảm bớt các nỗ lực giảng chân tướng, giảm bớt giá trị của sứ mệnh truyền thông, tự cho mình một cái cớ để né tránh rắc rối tiềm ẩn.

Ngay khi tôi nhận ra rằng mục đích kinh doanh của chúng tôi cần phải tập trung vào các cơ hội giảng chân tướng và cứu độ chúng sinh, chứ không phải là việc ký được hợp đồng, thì các hợp đồng tự nhiên đều ký được thành công.

Sau khi tôi đã kiên định chính niệm, tôi liền chủ động tìm các cơ hội để giảng chân tướng cho khách hàng.

Chúng tôi thường trò chuyện trong khi quay phim. Đầu tiên, chúng tôi nói về làn sóng nhập cư của người Trung Quốc vào Vancouver, thảo luận về tác động của những người mua đến từ Trung Quốc đối với bất động sản, sau đó chuyển đề tài sang các thương vụ hiện nay của Trung Quốc và tầm ảnh hưởng toàn cầu của họ.

Cuối cùng, chúng tôi nói về những sự kiện ở Trung Quốc mà khách hàng có thể không biết, gồm cả các vấn đề nhân quyền. Các khách hàng thường quan tâm xem những điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ và gia đình họ như thế nào. Chúng tôi tiếp tục nói về tình hình nhân quyền của Trung Quốc và phơi bày tội ác lớn nhất của ĐCSTQ là giết hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng.

Chúng tôi cũng giải thích thêm về tình hình thế giới hiện nay đang ủng hộ Pháp Luân Công và lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng như thế nào, và phương tiện truyền thông của chúng tôi, không giống như các phương tiện truyền thông khác của Trung Quốc, đang mang lại sự thật cho thế giới ra sao. Khách hàng đều thể hiện sự ủng hộ của họ.

Khi chia sẻ với các đồng tu, chúng tôi đều đồng ý rằng giảng chân tướng cho những người phương Tây thì khác với người Trung Quốc. Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi đều tìm được cơ hội thích hợp để giảng chân tướng. Thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng nếu đặt tâm vào cứu độ chúng sinh, Sư phụ sẽ an bài những người có tiền duyên đến để biết chân tướng.

Là một điều phối viên, tôi có trách nhiệm điều phối rất nhiều công việc. Bình thường có thể dễ rơi vào hình thức quản lý hành chính của người thường, đó là luôn dùng tâm soi xét, kiểm tra để nhìn nhận vấn đề. Tuy nhiên lý của người thường làm sao có thể giải quyết được các vấn đề trong tu luyện.

Ví dụ, trong khi học Pháp nhóm hàng tuần, mọi người thường dè dặt và không muốn chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của mình. Sau một số thông báo và cập nhật, mọi người về nhà. Chúng tôi biết điều này là không tốt. Sau khi suy nghĩ, chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân tại sao các học viên không muốn chia sẻ.

Đầu tiên, không có nhiều thứ để chia sẻ vì mọi người quá tập trung vào những gì họ cần làm và hạng mục họ cần hoàn thiện hơn là tập trung vào tu luyện. Nếu họ có chia sẻ, thì cũng chỉ là về công việc của họ.

Thứ hai, mặc dù họ thực sự có các kinh nghiệm để chia sẻ, họ vẫn muốn “giữ thể diện“, sợ các đồng tu có thể phê phán thể ngộ thấp của họ về Pháp. Khi đối mặt với những điều này trong quá khứ, tôi có xu hướng duy trì tư duy hành chính và cách quản lý của người thường để giải quyết vấn đề, tôi sẽ nói chuyện với từng người và chỉ ra sai sót của họ.

Đôi khi tôi có thành kiến rằng thể ngộ của những học viên mới khá hạn chế, rằng họ thích phàn nàn, hoặc mang theo nhiều suy nghĩ tiêu cực. Luôn luôn là họ, họ, họ… Tôi đã đổ lỗi cho người khác.

Từ góc độ của người thường, tất cả các lỗi lầm đều là của người khác. Sư phụ đã giảng:

“Chư vị đi trên con đường [thành] Thần, thì thay đổi duy nhất chính là giữa chư vị và người thường là khác nhau về phương thức suy xét các vấn đề.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Đây là sự khác biệt giữa những người thường và những người tu luyện. Khi đối mặt với vấn đề, người tu luyện hướng nội, trong khi người thường thì không.

Là một người điều phối, những nguyên tắc này rất dễ hiểu nhưng khó để làm theo. Khi hướng nội, tôi tự hỏi liệu tôi đã tạo một môi trường tốt để mọi người chia sẻ kinh nghiệm tu luyện một cách cởi mở hay chưa? Liệu tôi đã đủ từ bi? Hay thái độ của tôi quá nghiêm khắc? Liệu tôi luôn đổ lỗi người khác? Tôi chỉ yêu cầu người khác hướng nội mà bản thân mình thì không làm vậy? Tôi có dùng cái tình hoặc đối xử với các đồng tu theo cách điều hành của người thường hay không?

Ngay khi tôi có thể loại bỏ chấp trước và hướng nội, trường năng lượng xung quanh tôi phát sinh đại biến hoá. Dần dần, các học viên tiếp cận và chia sẻ cởi mở với tôi. Và tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình với họ, cả về các quá trình điều phối.

Từng chút một, những rào cản vô hình bị phá vỡ, và tôi thấy rằng các học viên đều có tiền duyên với nhau. Trên thực tế, những rào cản đã luôn luôn là khổ nạn của riêng tôi và thiếu sót trong tu luyện của tôi.

Đó là quan niệm người thường của tôi dã cản trở, không phải lỗi của các học viên khác. Ngay khi tôi đề cao trong tu luyện, toàn bộ trường năng lượng của tôi đã thay đổi.

Giờ tôi hiểu rằng những điều này là quá trình tu luyện liên tục của chúng ta, không chỉ là về điều phối. Một học viên có lần đã từng nói rằng những người tu luyện chúng ta còn có nhiều mâu thuẫn hơn người bình thường.

Thực tế, bất kể chúng ta ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều đang tu luyện bản thân và đề cao tâm tính của mình.

Sư phụ giảng:

“Trong quá trình thực thi cái được nhìn là nhân tâm chư vị, chứ không nhìn bản thân sự thành công của chư vị. Trong quá trình chư vị thực hiện thì hãy cứu người ta! Trong quá trình chư vị thực hiện thì là quá trình chư vị tu luyện đề cao, đồng thời khởi tác dụng cứu độ chúng sinh! Không hề nói rằng chư vị thực thi việc đó thành công thì chư vị mới có thể khởi tác dụng cứu độ chúng sinh.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Buông bỏ nhân tâm, từ chỗ đòi hỏi người khác phối hợp đến nỗ lực hạ mình phối hợp với người khác

Tôi luôn luôn nghĩ rằng, bởi vì mình là người điều phối, một cách tự nhiên tôi có nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm ví dụ như đặt ra các mục tiêu. Tôi nghĩ rằng những người khác phải làm theo những điều tôi nói khi làm việc trong hạng mục. Đây là cách làm việc. Tuy nhiên thực tế không phải vậy.

Khi chúng tôi bắt đầu quay phim và sản xuất, chúng tôi cần rất nhiều học viên đảm nhận vị trí diễn viên. Tôi đã phải gọi hàng trăm cú điện thoại một ngày, từ chọn diễn viên đến hoàn thiện các chi tiết quay phim. Hai chiếc điện thoại di động của tôi đã hoàn toàn cạn pin.

Khi tôi mới nhận vị trí này, tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm và các học viên khác cũng vậy. Một số học viên thì không muốn tham gia vào hạng mục. Một số thì không hiểu chúng tôi đang làm gì, một số thì sợ hãi và một số không muốn xuất hiện trước máy quay.

Điều này không đơn giản như tôi tưởng tượng. Đôi khi tôi cảm nhận được rằng các học viên không muốn tham gia, nhưng có thể họ đã cảm thấy rằng họ không thể từ chối. Tôi không thể chấp nhận những lý do họ đưa ra. Tôi không thể hiểu tại sao có học viên lại không hiểu và ủng hộ một dự án giảng chân tướng tuyệt vời như vậy.

Tôi đã luôn đổ lỗi cho người khác. Khi nói chuyện với các học viên khác, tôi đổ lỗi và phê phán họ. Tôi đòi hỏi và tạo áp lực để họ hợp tác. Tôi dành quá nhiều thời gian và công sức để thuyết phục những người khác nhưng vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Vào một ngày trước hôm ghi hình, tôi vẫn chưa nhận được xác nhận của một số vị trí diễn viên nam và nữ. Đêm hôm đó, tôi đã khóc và quỳ trước ảnh Sư phụ và xin Sư phụ và các Thần giúp đỡ. Bởi vì tôi đã không tu luyện tốt, tôi không thể hoàn thành trách nhiệm của mình.

Việc ghi hình không thể bị trì hoãn. Tôi bình tĩnh lại và học Pháp. Tâm thái bồn chồn của tôi trở nên tĩnh lặng, và Đại Pháp đã cho tôi trí huệ. Tôi nhận ra rằng tôi chỉ quan tâm đến việc thực hiện nhiệm vụ của bản thân.

Tôi đã không thể chia sẻ sự tu luyện của mình và ý nghĩa của hạng mục này với các học viên khác. Tôi cũng đã không xét đến các học viên khác từ quan điểm của họ và những gian truân họ đã phải đối mặt, tôi cũng không muốn giúp đỡ họ.

Tôi chỉ muốn họ làm theo ý mình. Tôi sớm nhận ra rằng tình trạng tu luyện của mỗi học viên là khác nhau, và suy nghĩ của mỗi người là khác nhau. Tôi nên kiên nhẫn giải thích hơn là ra lệnh.

Khi hiểu ra điều này, tôi đã gọi cho các học viên và xin lỗi họ. Khi tôi buông bỏ suy nghĩ rằng họ phải phối hợp, từng người một, họ bắt đầu trả lời điện thoại của tôi. Ngay cả những người chưa trả lời cũng xác nhận họ sẽ tham gia. Từ đó trở đi, tôi minh bạch rằng, không quan trọng người nào chúng ta gặp, là người tu luyện hay người thường, chúng ta liên tục được khảo nghiệm và được trao cơ hội để đề cao tâm tính.

Cách duy nhất để làm đúng là phải có chính niệm và có xuất phát điểm là giảng chân tướng. Điều này không chỉ là để làm tốt các việc mà là cho chính sự tu luyện của chúng ta và cứu độ chúng sinh.

Tôi nhớ lại rằng mình đã gặp phải nhiều mâu thuẫn với nhiều đồng tu trong suốt những năm tu luyện của mình. Chúng tôi bất đồng về thể ngộ Pháp. Một số không tham gia vào hạng mục của chúng tôi. Tôi soi xét những người khác, không nhìn từ quan điểm của họ và dùng mánh khóe vì lợi ích cá nhân. Chúng tôi đã làm rất nhiều việc mà đáng lẽ ra không nên xảy ra trong quá trình tu luyện.

Sư phụ giảng:

“… tuy động cơ chư vị là vì để giảng chân tướng, làm hạng mục Đại Pháp, là việc tốt, nhưng xuất phát điểm của chư vị là không đúng, thế có được không? Đó chính là ngay từ đầu con đường đã bước đi không chính.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Khi tôi phát hiện ra các chấp trước của mình, tôi quyết tâm loại bỏ chúng và quy chính lại. Đã có những lúc các học viên khác nhìn tôi với con mắt lạ lẫm. Khi điều đó xảy ra, tôi đã hướng ngoại và chỉ trích.

Khi tôi hướng nội, tôi đã nhận ra rằng mình thực sự có nhiều chấp trước. Khi tôi loại bỏ chấp trước và đi trên con đường chính, các học viên dường như không còn nhìn tôi theo cách đó. Thực tế, các học viên chính là tấm gương phản chiếu bản thân tôi. Thay vì cố gắng tu luyện cho họ, tôi phải tu luyện bản thân.

Trong môi trường tu luyện ở Vancouver, chúng tôi đã trải qua sự thăng trầm với các mâu thuẫn tưởng như không bao giờ kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục có các khổ nạn. Chúng có thể đến từ nghiệp lực của bản thân hoặc cựu thế lực muốn phá hoại tu luyện của nhóm chúng tôi.

Tôi học được rằng chúng ta phải đối mặt với điều này như một chỉnh thể bằng cách phối hợp với nhau và cùng nhau đề cao tâm tính. Là một người điều phối, tôi đòi hỏi bản thân mình trước khi tôi mong muốn điều tương tự từ những người khác.

Tôi sẽ loại bỏ chấp trước và các quan niệm người thường, thực sự đề cao tâm tính, từ bi với các học viên khác, và vượt qua các khổ nạn với chính niệm.

Dùng chính niệm đối đãi với mâu thuẫn, dùng từ bi giải quyết vấn đề

Những người điều phối phải thường xuyên giải quyết các bất đồng ý kiến và sự không phối hợp. Đã có thời gian tôi có xung đột với một học viên khác. Tôi không thể giữ bình tĩnh với anh ấy. Giờ nghĩ lại, tôi không thể nhớ rằng chúng tôi đã tranh luận về điều gì. Tôi chỉ có thể nhớ rằng tôi đã thực sự tức giận, đó là lỗi của anh ấy và rằng anh ấy đã tranh cãi.

Tôi đã trở nên rất tức giận đến nỗi tôi run lên và không thể bình tĩnh. Các từ ngữ hằn học đầy trong đầu tôi. Sau đó tôi đã lùi lại một bước. Dù ai là người chịu trách nhiệm thì vẫn là lỗi của tôi. Ngay từ đầu lẽ ra tôi không nên mất bình tĩnh.

Sư phụ giảng:

“Tu luyện nhân
Tự trảo quá
Các chủng nhân tâm khứ đích đa
Đại quan tiểu quan biệt tưởng lạc
Đối đích thị tha
Thác đích thị ngã
Tranh thậm ma
(Thuỳ thị thuỳ phiHồng Ngâm III)

Tạm dịch:

Người tu luyện
Tự tìm lỗi
Các loại nhân tâm phải bỏ nhiều
Quan ải lớn nhỏ chớ rớt lại
Cái đúng là họ
Cái sai là mình
Còn tranh gì nữa
(Ai thị ai phi (ai đúng ai sai), Hồng Ngâm III)

Mặc dù tôi hiểu những lời dạy trong Pháp, tôi bị khảo nghiệm khi tôi phải loại bỏ các chấp trước và phải bình tâm lại. Ngay cả khi tôi phát chính niệm, quan niệm người thường vẫn nổi lên: làm sao mà anh ấy có thể vô lý như thế, anh ấy… anh ấy… anh ấy… Nó vẫn là về anh ấy.

Mỗi khi niệm không tốt nổi lên, tôi lại loại bỏ chúng từng cái một, liên tục loại bỏ chúng. Dần dần tôi bình tĩnh lại. Học viên kia dường như cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cơn nóng giận của tôi, vậy nên tôi đã gửi tin nhắn cho anh ấy vào tối hôm đó và xin lỗi, hy vọng rằng sự việc này không ảnh hưởng đến chính niệm của anh ấy.

Tôi nghĩ rằng mình đã xả bỏ được mọi thứ, nhưng khi tôi nói lại sự việc với những người phụ trách, chấp trước của tôi lại nổi lên một lần nữa. Tôi muốn công lý từ người phụ trách.

Người điều phối đó đã kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của tôi và từ bi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của anh ấy với tôi. Anh kể rằng anh đã bị hiểu lầm, và như vậy, sau nhiều năm, nhiều học viên khác vẫn ôm giữ những suy nghĩ như vậy với anh ấy. Anh kể rằng Sư phụ đã điểm hóa cho anh thông qua người học viên khác. Học viên đó nói với anh: “Không quan trọng mâu thuẫn là gì, không quan trọng ai đúng ai sai, chẳng phải đây là cơ hội để loại bỏ các chấp trước của chúng ta? Hãy biết ơn, Anh có thể đi đâu để có được cơ hội tuyệt vời như thế để đề cao tâm tính?”

Quả thực là như vậy, Sư phụ một lần nữa đã điểm hóa tôi thông qua lời của học viên này.

Sư phụ giảng:

“Đặc biệt là người tu luyện, trong quá trình tu luyện, tại các tầng khác nhau [đã] thiết lập cho chư vị một chút nạn; đó đều là nghiệp lực của bản thân chư vị, là nạn của bản thân chư vị; giúp chư vị bày xếp tại các tầng khác nhau để chư vị đề cao. Chư vị chỉ cần đề cao tâm tính, thì có thể vượt qua được.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Ngay khi tôi bắt đầu suy nghĩ theo cách này, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Trước đây tôi chưa từng có cảm giác này, từ đầu đến chân, trong toàn bộ cơ thể, tôi cảm thấy tôi đã đổ đi một lớp vỏ và lên một tầng cao hơn. Một điều phối viên khác lại chia sẻ với tôi những lời này: là một điều phối viên cần phải có chính niệm để giải quyết xung đột và từ bi để giải quyết vấn đề.

Các chất đen trong cơ thể của tôi đã biến mất, và thái độ của tôi đối với các học viên khác cũng đã thay đổi. Căng thẳng trong mối quan hệ của chúng tôi dịu đi, và chúng tôi đã phối hợp tốt với nhau.

Tôi hy vọng được chia sẻ những kinh nghiệm này đặc biệt là với các điều phối viên khác.

Sư phụ giảng:

“Tôi bảo chư vị này, giữa chư vị và ai đó phối hợp không tốt, làm người phụ trách, người phụ trách hạng mục, thì chư vị đều là hữu lậu trong tu luyện, chư vị đều cần sửa đi. Chư vị sửa không được thì là hữu lậu, trong viên mãn của chư vị chính là có vấn đề.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Tôi nhận ra rằng, như chúng ta vẫn thường nói, rằng hướng nội là pháp bảo trong tu luyện. Chúng ta phải nhảy ra khỏi quan niệm của người bình thường, đề cao tâm tính và đề cao trong tu luyện Đại Pháp.

Môi trường xung quanh chúng ta cũng theo đó mà thay đổi và công việc sẽ có sự đột phá. Phối hợp giữa các học viên không chỉ cần có sự hợp tác với người khác, mà còn cần có cách để chúng ta có thể hỗ trợ tốt nhất cho nhau cùng làm tốt hơn nữa việc giảng rõ chân tướng.

Đại Pháp ban cho chúng ta nền tảng mà chúng ta cần để thực tu. Tôi hy vọng chúng ta có thể làm tốt hơn trong công việc điều phối của mình.

Tạ ơn Sư phụ vì sự từ bi của Ngài và cảm ơn các bạn đồng tu vì chính niệm và sự khích lệ của họ đã giúp tôi vượt qua khổ nạn.

Loại bỏ văn hóa đảng và tu luyện một trái tim từ bi

Thỉnh thoảng, khi chúng ta bàn luận về các vấn đề nào đó, chúng ta thường có xu hướng bị ảnh hưởng bởi ấn tượng ban đầu về một ai đó. Chúng ta bị che mờ bởi những quan niệm người thường. Điều này có thể tạo ra các rào cản giữa chúng ta. Thay vào đó, chúng ta nên dựa trên thể ngộ về Pháp và chính niệm khi đối đãi với các học viên khác.

Một học viên làm việc trong hạng mục truyền thông có vấn đề trong tu luyện, nhân tâm của tôi liền nổi lên. Tôi không thích sự kiêu ngạo và sự thiếu hiểu biết của cô ấy. Cô buộc tội tôi đối xử không công bằng. Thậm chí tệ hơn, cô ấy nói tôi có văn hóa đảng rất mạnh.

Mỗi lời cô ấy nói nhắm thẳng vào cảm xúc mạnh mẽ của tôi. Các học viên khác đứng về phía cô ấy và gọi cho tôi mỗi ngày để nhắc tôi về những lời buộc tội mà không biết tình huống thực tế như thế nào. Tôi cảm thấy thật bất công.

Tôi đã nhờ người điều phối hạng mục xử lý tình huống. Thật bất ngờ, họ nói rằng tôi nên tự giải quyết.

Người học viên nói rằng cô ấy hối tiếc về những lời buộc tội, một số học viên đưa ra một số lời xoa dịu, và những người khác đều e ngại tham gia vào câu chuyện này. Tôi không biết phải làm gì. Rõ ràng học viên đó đã có lỗi, vậy tại sao đã tất cả các mũi tên đều chỉ về phía tôi?

Tôi bình tĩnh lại, học Pháp, phát chính niệm và hướng nội. Sau đó tôi nhận ra mâu thuẫn bất ngờ này đã phơi bày rất nhiều chấp trước mà tôi phải loại bỏ.

Hướng nội sâu hơn, tôi nhận ra tất cả những suy nghĩ và hành động của tôi phản ánh văn hóa đảng, chỉ nghĩ cho bản thân chứ không nghĩ cho người khác, phản bác khi bị xúc phạm và ghen tỵ khi những người khác nói tôi lạm dụng quyền hạn của mình.

Tôi đã đóng mình với các học viên khác. Tôi thiếu lòng từ bi khi những người khác thể hiện sự hối tiếc về những hành động của họ. Tôi đã có nhiều tính toán trong khi muốn lảng tránh vấn đề.

Sư phụ giảng:

“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công. Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. Bậc Giác Giả không có tâm chấp trước, tĩnh nhìn thế nhân đang lấy điều huyễn hoặc làm cõi mê.” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Để đối mặt với điều này, tôi phải từ bỏ chấp trước của mình, loại bỏ quan niệm người thường, và hướng nội. Điều này rất khó khăn. Làm thế nào tôi có thể vượt qua những thành kiến của cô ấy đối với tôi và chia sẻ thành thật với người học viên này? Làm thế nào tôi có thể phá vỡ các rào cản giữa chúng tôi và chân thành nói chuyện với cô ấy?

Tôi đã từ từ học cách làm thế nào để biết nghĩ cho người khác. Tu luyện là nghiêm túc. Tôi nghĩ đến việc cựu thế lực đang hủy hoại cô ấy. Tôi nghĩ về bao nhiêu khó khăn mà Sư phụ phải chịu đựng để cứu độ chúng sinh. Khi tôi nhìn thấy tất cả điều này, nghĩ về những điều cô ấy cần, và buông bỏ nhân tâm, chính niệm của tôi đã khởi lên.

Ngay khi thái độ của tôi thay đổi, cô ấy cũng thay đổi rõ rệt. Sau đó chúng tôi có một buổi chia sẻ, gián cách và những cảm giác khó chịu giữa chúng tôi đã biến mất. Cô đã có thể thực sự thể hiện cảm xúc của mình, và tôi có thể thấy rằng cô đã có sự quyết tâm và can đảm để làm đúng lần này.

Tôi đã thực sự hạnh phúc cho cô ấy. Tôi thực sự thấy sự thay đổi trong của cô. Cả hai chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm của chúng tôi theo tiêu chuẩn của Pháp. Dường như cô đã vượt qua cái nạn của mình, nhưng thực tế, tôi mới là người đã học được rất nhiều.

Tạ ơn Sư phụ đã chỉ dẫn. Cảm ơn các bạn đồng tu, đã chỉ ra sai sót của tôi để học viên này và tôi có thể cùng nhau vượt qua khổ nạn.

Nhanh chóng cứu người

Yêu cầu của Sư phụ đối với hạng mục truyền thông là phải tinh tấn và cứu độ chúng sinh. Khi tôi trở về từ Pháp hội New York, tôi cảm thấy sự cấp bách phải cứu độ chúng sinh. Ngày kết thúc không còn xa nữa và Sư phụ rất lo lắng.

Trong cuộc họp nhóm hạng mục truyền thông, một số học viên trong FGMTV (Truyền hình Phóng Quang Minh) tham dự. Họ nói đùa rằng họ đã làm việc trong môi trường truyền thông quá lâu đến nỗi bây giờ tóc của họ bạc trắng.

Mọi người đưa ra câu hỏi tại sao họ vẫn gắn bó với hạng mục. Họ nói rằng họ chưa hoàn thành ước nguyện ban đầu của họ là sử dụng truyền thông để cứu độ chúng sinh. Bất chấp khó khăn và mệt mỏi như thế nào họ không thể và sẽ không thể bỏ cuộc.

Đây cũng là ước nguyện ban đầu của tôi. Mặc dù chúng tôi thiếu nhân lực và hạng mục truyền thông có trách nhiệm to lớn, tôi thấy mình kiên định hơn bao giờ hết.

Khi tôi xem video quảng bá cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên ở Hồng Kông, tôi nhớ lại lời giảng của Sư phụ:

“Chư vị là hy vọng của nhân loại. Chư vị ắt phải làm thật tốt. Chư vị ắt phải gánh trách nhiệm của chư vị. Chư vị ắt phải đi cứu độ chúng sinh, thì mới có thể viên mãn bản thân chư vị, mới có thể khiến việc này không hoài phí!” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Mong muốn của Sư phụ và hy vọng của tất cả chúng sinh đều nằm trên vai của chúng ta. Tâm trạng chán nản trước đây của tôi đã biến mất, nghi ngờ của tôi đã biến mất, toàn bộ cơ thể của tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng trở lại. Chúng ta đang tiến đến bước cuối cùng. Sư phụ ở đây là để khích lệ chúng ta và nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm để giảng chân tướng và cứu độ chúng sinh.

Sư phụ giảng:

“Không thực tu một cách chân chính, thì rất khó vượt qua được. Hiện nay mọi người đã hiểu rõ vì sao tôi thường xuyên nhắc chư vị đọc sách cho nhiều! Pháp có thể phá hết thảy chấp trước, Pháp có thể phá hết thảy tà ác, Pháp có thể phá trừ hết thảy lời dối trá, Pháp có thể kiên định chính niệm.” (Bài trừ can nhiễu, Tinh Tấn Yếu Chỉ 2)

Vì chúng ta đang tiến đến bước cuối cùng, chúng ta phải tu luyện tinh tấn hơn. Mặc dù thời gian rất gấp, chúng ta phải làm tốt ba việc. Trên đây là thể hội tu luyện của tôi.

Cảm tạ Sư phụ tôn kính vì sự từ bi của Người! Cảm ơn các bạn đồng tu vì sự khích lệ của mọi người trong tu luyện.

(Bài chia sẻ được đọc tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp Canada năm 2016)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/8/7/332527.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/8/9/158181.html

Đăng ngày 25-11-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share