Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 22-2-2016] Đôi khi cuộc sống trở nên rất khó khăn và tồi tệ hơn những gì bạn có thể tưởng tượng. Đối với Cao Quốc ba, một tuổi thơ khốn khổ mới chỉ là sự khởi đầu cho những tháng ngày dài đằng đẵng đầy khó khăn sau đó. Nhưng cuối cùng cô đã tìm thấy một con đường chân chính khiến cuộc sống của cô trở nên tốt đẹp hơn.
Hôn nhân bất hạnh
Cô Cao Quốc Ba sinh ra ở tỉnh Hắc Long Giang, thuộc đông bắc Trung Quốc. Cái chết của cha cô đã khiến cô vô cùng đau khổ. Mặc dù cô Cao là một cô bé thông minh, luôn đạt thành tích tốt ở trường, nhưng cô buộc phải thôi học sau khi học hết lớp 2 để giúp mẹ kiếm sống.
Cô kết hôn ở tuổi 18, nhưng đã ly dị hai năm sau đó. Cô tái hôn, và người chồng thứ hai đã chết sau đó sáu tháng. Không có nhà ở, cô và mẹ cô không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đến một vùng nông thôn hẻo lánh trên dãy núi Đại Hưng An. Ở đó, mẹ của cô Cao đã đề nghị cô kết hôn với một người đàn ông lớn hơn cô đến 10 tuổi, chỉ để đổi lấy một túi bột lớn.
Hai vợ chồng cô sống trong một căn nhà tạm hoang vắng vốn được sử dụng cho xây dựng. Ngôi làng gần nhất cũng cách đó hàng cây số, họ thường không nhìn thấy bất cứ ai trong nhiều ngày liền, tuy nhiên sói lại hay đến vào ban đêm. Phải sống trong nghèo đói ở một nơi cô lập như vậy vẫn chưa đủ, chồng cô còn đưa con gái của một người hàng xóm từ quê lên và nói rằng sẽ tìm cho cô ấy một người chồng lý tưởng. Khi cô Cao phát hiện chồng mình có quan hệ bất chính với cô gái kia, cô đã rất tức giận và đuổi cô gái về nhà.
Sự việc này đã dẫn đến một cuộc tranh cãi nảy lửa, trong lúc tranh cãi, cô đã đánh chồng mình bằng một cái búa kim loại khiến anh ta bị tử vong.
Sau khi ra đầu thú, cô Cao đã phải chịu một bản án tử hình được hoãn lại đến khi 30 tuổi.
Đấu tranh và nỗ lực ở trong tù
Cô Cao được gửi đến nhà tù nữ tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 3 năm 1992. Ở đây lính canh thường đối xử rất tệ với tù nhân, họ thường xuyên chửi rủa hoặc đánh đập tù nhân. Cũng giống như các tù nhân khác, cô chỉ được nhận thực phẩm kém chất lượng cho dù phải làm việc rất vất vả. Cô nghiện hút thuốc, nhưng không có tiền để mua thuốc lá. Vì thế cô thường lấy tàn thuốc còn sót lại của những người khác để hít vài hơi. Thậm chí có lần cô còn đổi khăn quàng của mình để lấy một điếu thuốc.
Cô Cao là một người thông minh, vì vậy với một cuốn từ điển trong tay cô đã học được nhiều từ mới. Vì không có nhiều sách để đọc nên cô đã đọc sách của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, càng đọc chúng và hấp thu lý thuyết đấu tranh, cô càng trở nên tồi tệ. Trong tù, mọi người đều biết cô thường xuyên chửi rủa người khác. Cô Cao có thể chửi một người trong nhiều giờ liên tục cho đến khi người đó nản lòng.
Năm 1998, mới 37 tuổi mà cô Cao đã mắc bệnh tim, bệnh tâm thần, đau dạ dày, và bệnh ngoài da, nhưng cô không có tiền để điều trị y tế. Mặc dù bản án tử hình của cô đã chuyển sang tù chung thân, và sau đó giảm xuống còn 19 năm, nhưng cô không chắc liệu mình có thể sống lâu đến vậy không.
Các nhân viên cảnh sát ủng hộ tu luyện Pháp Luân Công
Một số tù nhân bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, bao gồm hai người bạn của cô Cao là Trịnh Quế Cầm và Lưu Văn Anh. Cô Cao học các bài công pháp từ họ và các loại bệnh của cô đã nhanh chóng biến mất. Các nốt phát ban trên da do bị viêm da cũng đã biến mất.
Các lính canh đã ủng hộ các tù nhân tập luyện. Một trong những người quen của cô Cao không biết chữ nên đã đề nghị lính canh cho mình chuyển đến phòng giam của cô Cao để có thể học Pháp Luân Công cùng với cô Cao. Người cai ngục đã đồng ý và cô Cao đã giúp một số tù nhân mù chữ học Pháp Luân Công.
Các tù nhân bị ép phải may quần áo, thường từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm hoặc nửa đêm. Tuy nhiên, hàng ngày sau giờ làm việc, các học viên đều dành một giờ đồng hồ để học Pháp, sau đó họ luyện công. Họ chỉ có một cuốn Chuyển Pháp Luân nên cô Cao đã dành hai giờ mỗi ngày để chép lại bằng tay. Cô đã dành khoảng hai tháng để hoàn thành việc chép tay cả cuốn sách đó. Mặc dù công việc khó khăn, nhưng cô đã rất chịu khó và siêng năng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vào năm 1999, án tù của cô được giảm xuống còn 20 tháng.
Thông qua các bài giảng của Pháp Luân Công, cô Cao đã có nhận thức sâu sắc hơn về cuộc sống. Trong quá khứ, cô đã muốn trở thành một người tốt; nhưng cô không biết làm thế nào để đạt được điều đó. Thông qua các bài giảng của Pháp Luân Công, giờ đây cô đã biết làm thế nào để trở thành một người tốt, một người tốt hơn nữa, và để tu luyện, có như vậy cô mới được đắc cứu.
Những người khác đều nhận thấy sự thay đổi của cô. Cô Cao đã ngừng hút thuốc và uống rượu, và cô không còn chửi rủa người khác nữa. Cô Cao cũng hiểu rằng nếu cô tu luyện Pháp Luân Công sớm hơn thì cô chắc chắn đã không bao giờ giết chồng.
Đối với những tù nhân cứng đầu, các lính canh thường nói họ nên tu luyện Pháp Luân Công. Tại thời điểm đó, khoảng 100 người trong nhà tù đang tu luyện Pháp Luân Công. Sĩ quan cảnh sát Lưu Lê Minh, và giám đốc sở cảnh sát cấp tỉnh Lý Đức Chung cũng là các học viên Pháp Luân Công. Có lần họ nghe nói trong tù chỉ có một vài cuốn Chuyển Pháp Luân, nên ông Lý đã mang vài cuốn đến và đưa cho mỗi học viên một cuốn.
Cô Cao và các học viên khác đã rất vui mừng khi nhận được sách. Một số người không biết chữ đã sớm đọc được cuốn Chuyển Pháp Luân chỉ trong thời gian ngắn.
Đàn áp và kiên định
Các cuộc khảo nghiệm thực sự đã diễn ra sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Tuy nhiên, Cô Cao và các học viên khác đã giữ vững đức tin của mình.
Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, các nhân viên cai ngục đã yêu cầu họ từ bỏ tu luyện. “Pháp Luân Công đã thay đổi tôi từ một người xấu thành một người tốt. Tôi sẽ không dừng tu luyện!” Cô Cao trả lời. “Cô thật đáng xấu hổ!”, một sĩ quan hét vào mặt cô và tát cô.
Lính canh thường xuyên đánh đập các học viên và giam họ trong phòng biệt giam, ép buộc họ phải từ bỏ niềm tin của mình. Họ cũng ra lệnh cho hàng chục tù nhân khác theo dõi sát sao các học viên. Khi một số học viên trong phòng biệt giam tuyệt thực vào tháng 2 năm 2000 để phản đối sự ngược đãi này, cai ngục đã cạy miệng họ ra bằng một chiếc kìm nặng để bức thực. Một số học viên bị đánh gãy răng. Miệng của cô Cao cũng bị thương và chảy máu.
Sau vụ dàn dựng tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 1 năm 2001, các học viên đã từ chối xem đoạn video phỉ báng đó. Cô Cao, cô Trịnh và bốn học viên khác đã bị biệt giam trong hai tháng rưỡi.
Ngoài bị bỏ đói và bị cưỡng bức lao động, cai ngục còn xích họ trên sàn nhà trong khi bị còng tay. Mặc dù thời tiết rất lạnh ở đông bắc Trung Quốc, lính canh vẫn tháo bỏ giày và tất của các học viên khiến cho chân của họ bị đóng băng. Cô Trịnh đã bị tra tấn đến mức bất tỉnh.
Một số học viên bị biệt giam đến một năm và không được chuyển trở lại phòng giam thông thường cho đến năm 2002. Vào năm đó, hơn 400 học viên đã bị chuyển vào cùng nhà tù này.
Nhân viên cai ngục Lưu Lê Minh đã bị sa thải vì tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, nhiều tù nhân đã biết sự thật về Pháp Luân Công từ ông ấy và đã bắt đầu tu luyện. Ít nhất 7 tù nhân trong phòng giam của cô Cao đã trở thành học viên.
Khi lính canh buộc cô Cao ngừng tu luyện Pháp Luân Công, cô đã luôn từ chối: “Pháp Luân Công dạy tôi làm người tốt bằng cách tuân theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Pháp Luân Công không có gì sai. Từ bỏ tu luyện ư? Không bao giờ!”
Mặc dù theo kế hoạch, cô Cao sẽ được phóng thích vào năm 2008, nhưng án tù của cô đã bị kéo dài thêm 6 năm do cô từ chối từ bỏ tu luyện.
Khi cô ra khỏi nhà tù vào ngày 27 tháng 6 năm 2014, cô Cao đã không hề hối tiếc về quyết định của mình. So với 22 năm trước, khi bị đưa vào tù, hiện giờ cô đã trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Và điều quan trọng hơn cả là cô đã tìm thấy một con đường đem lại hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/2/22/324365.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/6/156171.html
Đăng ngày 13-5-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.