Bài viết của Lý Tĩnh Phi, phóng viên Minh Huệ

Chiều ngày 14 tháng 4, Ủy ban Điều hành Quốc hội về Vấn đề Trung Quốc (CECC) đã triệu tập một phiên điều trần về việc “Lạm dụng tra tấn ở Trung Quốc” tại Capital Hill. Buổi điều trần nhằm truy xét việc sử dụng một cách có hệ thống các hình thức tra tấn và ngược đãi trong hệ thống tư pháp của Trung Quốc. Một số nhân chứng đã cung cấp lời khai trong phiên điều trần này.

Cô Doãn Lệ Bình, một học viên Pháp Luân Công được cứu thoát khỏi Trung Quốc sang Hoa Kỳ, đã thuật lại trải nghiệm kinh hoàng của mình với tư cách là một nhân chứng tại phiên điều trần. Cô đã phải chịu đựng tra tấn và xâm hại tình dục tập thể tại trại lao động cưỡng bức khét tiếng Mã Tam Gia, tỉnh Liêu Ninh. Trong thời gian bị giam tại trại lao động cưỡng bức hay trại tạm giam, cô đã nhiều lần bị tra tấn đến gần chết chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.

ffd261cc79b8d6a542c2c5a1726fbb1b.jpg

Học viên Doãn Lệ Bình trình bày về bức ảnh trại lao động Mã Tam Gia tới các Nghị sỹ Quốc hội

Cô Doãn đã đưa ra các bức ảnh tại phiên điều trần. Nước mắt lăn dài trên mặt cô khi cô kể lại những gì mình đã trải qua. Cô còn chứng kiến những học viên Pháp Luân Công khác chết do bị tra tấn. Cô chia sẻ “Chúng tôi đã hứa với nhau rằng, bất kỳ ai trong chúng tôi miễn là sống sót thì sẽ phơi bày cuộc bức hại này ra cho thế giới. Hôm nay, tôi xin lên tiếng cho họ, những nạn nhân mãi mãi không thể lên tiếng được nữa.”

Cô đã trình CECC một danh sách những thủ phạm chính phải chịu trách nhiệm vì đã bức hại cô và CECC sẽ gửi một bản sao của danh sách này lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Danh sách này gồm 41 người, trong đó có Giang Trạch Dân, Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân, Văn Thế Chấn và cảnh sát tại Mã Tam Gia và những nơi khác.

Ủy ban CECC gồm 22 quan chức Hoa Kỳ, trong đó có 9 Thượng nghị sĩ, 8 Hạ nghị sỹ, và 5 quan chức hành chính.

Nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ tán thưởng sự can đảm của các học viên Pháp Luân Công khi đứng ra phơi bày cuộc bức hại

Các nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ tham gia phiên điều trần đã tán dương sự can đảm của các học viên Pháp Luân Công khi phơi bày cuộc bức hại vô nhân tính này. Họ cho biết thủ phạm Giang Trạch Dân và những kẻ đồng phạm với ông ta phải bị đưa ra công lý.

806ce83d85e62577bad9443777a60480.jpg

Nghị sỹ Chris Smith, Chủ tịch CECC

Nghị sỹ Chris Smith, Chủ tịch CECC, đã chỉ ra trong phiên điều trần rằng những thủ phạm là quan chức chính phủ Trung Quốc có hành vi bạo lực tình dục phải bị điều tra, không để chúng tiếp tục xâm hại các học viên Pháp Luân Công và những người khác.

3d9fd77f821c04682611a544156a9663.jpg

Nghị sỹ Trent Franks, Chủ tịch Tiểu ban Hiến pháp và Tư pháp Dân sự

Nghị sỹ Trent Franks, Chủ tịch Tiểu ban Hiến pháp và Tư pháp Dân sự nói: “Những nỗ lực của các bạn không hề lãng phí. Chỉ có Chúa mới biết những gì các bạn nói hôm nay sẽ mang tới điều gì. Các bạn quả là có trách nhiệm, mong rằng sự thiện lương và tận tâm vì nhân loại của các bạn sẽ làm chủ đạo trong buổi điều trần này.”

1e1b57dd00d76e84b1252175baef8f59.jpg

Nghị sỹ Tim Walz cảm ơn các nhân chứng đã kể lại những trải nghiệm đau thương của mình.

Nghị sỹ Tim Walz nói: “Cảm ơn các bạn đã chia sẻ những câu chuyện đau thương này. Điều quan trọng là cần phải cho mọi người biết về các sự tra tấn này. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng lại có lúc trong đời mình, tôi – với tư cách Nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ – lại phải bảo vệ lập trường của Hoa Kỳ rằng tra tấn dù dưới bất cứ hình thức nào trong bất cứ tình huống nào là không thể chấp nhận được.”

2f663af91baeb1cbb53bbb3a412855ca.jpg

Nghị sỹ Randy Hultgren đánh giá cao sự can đảm của cô Doãn.

Nghị sỹ Randy Hultgren hỏi cô Doãn trong phiên điều trần: ‘Có phải đến nay, trại giam Mã Tam Gia vẫn hoạt động? Có phải nó được dùng để giam cầm các học viên Pháp Luân Công? Cô có biết có học viên Pháp Luân Công nào hiện đang bị giam giữ tại đó và phải chịu sự tra tấn và bức hại giống như cô từng trải qua không?’

Học viên Doãn nói: “Có. Học viên Pháp Luân Công Lý Trung Uyên ở cùng quê tôi đã bị kết án bảy năm sáu tháng tù giam vì đệ đơn khởi kiện Giang Trạch Dân cách đây nửa tháng. Chị chồng tôi Lưu Khánh Hương bị Tòa án Quận Thanh Hà bị kết án ba năm tù vì giảng chân tướng về cuộc bức hại vào ngày 10 tháng 4 năm 2014. Tôi biết nhiều học viên phải chịu sự bức hại tại nhà tù Mã Tam Gia.”

Bị tra tấn tới gần chết

Học viên Doãn đã bị bắt giữ bảy lần thì sáu lần cô bị tra tấn tới gần chết, trong đó, ba lần là chính tại trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia này.

5e38323d80481f2163cd508a96c88bca.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: tiêm thuốc độc

Cô cho hay: “Ở Mã Tam Gia, tôi bị buộc vào một chiếc giường và bị tiêm loại thuốc không rõ đến hơn hai tháng. Vì thế mà tôi bị mất đi thị lực trong một thời gian. Tôi bị bức thực nhiều lần đến suýt chết.”

“Tôi bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Liêu Ninh trong chín tháng từ tháng 1 tới tháng 9 năm 2000. Sau ba ngày lao động cưỡng bức, tóc tôi đã bạc đi. Tôi bị mất kinh nguyệt trong vòng ba tháng từ khi bị giam giữ.”

“Đội bốn người chúng tôi phải tải tám tấn thép lên xe tải. Tôi còn phải rải đường sắt, làm việc với chất a-mi-ăng và túi xi-măng mà không có khẩu trang. Đến tối, chúng tôi không được nghỉ ngơi mà phải bó hoa tới hai giờ sáng. Tay tôi bị thương nặng đến nỗi mất cả vân tay. Toàn thân đau đớn khiến tôi thậm chí còn không leo nổi lên giường được nữa.”

Bị bạo lực tình dục tập thể

4aa8fc6856fab0f8e1b7f5cc0dc08d4c.jpg

Học viên Doãn Lệ Bình kể lại việc bị bạo lực tình dục tập thể tại “Nhà tù đen” tại Thẩm Dương

Học viên Doãn nói: “Ngày 19 tháng 4 năm 2001, tôi và tám học viên Pháp Luân Công khác bị áp giải từ Trại Lao động Mã Tam Gia tới một nhà tù đen. Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày hôm đó. Nhà tù đen là nhà tù dành riêng cho tù nhân nam. Chín phụ nữ chúng tôi bị giam vào chín phòng giam khác nhau. Tôi bị giam vào phòng đầu tiên. Trong đó có một chiếc giường to và một cái mắc áo chân đứng. Trong phòng có bốn gã đàn ông đang trực sẵn.”

“Bốn gã đàn ông này ném tôi lên giường và giữ chân tay tôi. Một gã khoảng 30 tuổi ngồi lên tôi và đánh mạnh vào đầu tôi. Tôi bị choáng và ngất đi. Khi tỉnh lại, tôi thấy ba người đàn ông nằm bên cạnh mình. Tôi nhận ra mình đã bị ghi hình khi bị những tên tù nhân xã hội đen này tấn công tình dục và làm nhục.”

Mười học viên mà chính cô Doãn biết đã chết do bị bức hại

Học viên Doãn Lệ Bình phát biểu trước phiên điều trần: “Trong số các học viên Pháp Luân Công mà tôi biết, 10 người đã bị bức hại đến chết. 30 người bị rối loạn tâm thần do bị tra tấn. Bà Vương Kiệt là một trong số họ. Bà ấy đã chết trên tay tôi vào ngày 21 tháng 4 năm 2012.”

Cô đưa ra bức ảnh của bà Vương Kiệt nói “Bà ấy bị bắt và buộc tội đã thu thập các bằng chứng về cuộc bức hại Pháp Luân Công, rồi bị kết án bảy năm tù giam vào ngày 5 tháng 3 năm 2003. Trường hợp của bà ấy đã được Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ghi nhận. Bà ấy bị ung thư bàng quang do bị tra tấn suốt bảy năm tù giam. Trước hôm bà qua đời là đúng vào ngày sinh nhật con gái bà. Chị bà liên tục gọi điện nói “Vương Kiệt, em đừng ra đi. Hôm nay là sinh nhật con gái em. Làm sao nó có thể sống nếu em ra đi hôm nay?” Tôi không biết đó là ý trời hay do ý chí của bà ấy, nhưng đến chín giờ sáng ngày hôm sau, bà ấy mới ra đi, ngay trên tay tôi.”

Khởi kiện Giang Trạch Dân và đồng bọn

Học viên Doãn nói: “Giang Trạch Dân tiến hành chính sách diệt chủng Pháp Luân Công. Với những người không từ bỏ đức tin, họ bị đánh đập tới chết và bị coi là tự sát. Giang đã lạm dụng quyền lực để phát động và duy trì cuộc bức hại tàn khốc này.”

Cô đã trình lên CECC một danh sách những thủ phạm tham gia bức hại mình. Cô nói: “Tất cả những thủ phạm có liên quan phải bị đưa ra công lý.” Cô đã đệ đơn kiện Giang lên Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao ở Bắc Kinh.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này. Luật pháp cũng cho phép người dân đệ đơn tố cáo mà không cần dùng tên thật. Nhiều học viên khuyến khích mọi người chung sức giúp tố cáo những tội ác của Giang và chấm dứt cuộc bức hại.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/16/326724.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/17/156319.html

Đăng ngày 24-4-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share