Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-3-2016] Theo các báo cáo được tổng hợp trên trang Minh Huệ, từ tháng 5 năm 2015 đến tháng 2 năm 2016 có tổng cộng 1.705 học viên Pháp Luân Công ở Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã đệ đơn tố cáo Giang Trạch Dân.
Các học viên cáo buộc cựu lãnh đạo độc tài Trung Quốc này vì tội phát động cuộc đàn áp tàn bạo lên Pháp Luân Công và yêu cầu ông ta phải chịu trách nhiệm cho những thống khổ mà họ đã phải gánh chịu trong chiến dịch đàn áp của ông ta. Những đơn tố cáo này đã được gửi tới Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Nhiều học viên đã thuật lại việc Pháp Luân Công đã giúp họ phục hồi sức khỏe và mang đến cho họ nhân sinh quan mới. Tuy nhiên, ước muốn sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn của họ đã tan vỡ khi Giang Trạch Dân phát động chiến dịch tiêu diệt môn tu luyện vào năm 1999.
Chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình mà họ đã bị bắt, bị giam giữ, tra tấn, bị lục soát nhà, và tịch thu đồ đạc cá nhân. Nhiều người cũng đã phải chứng kiến cảnh gia đình bị liên lụy vì đức tin của họ, một số khác bị ép phải trả những khoản tiền phạt khổng lồ.
Sự trả thù của cảnh sát
Đáp lại những đơn tố cáo Giang của các học viên, cảnh sát địa phương đã trả đũa bằng cách tăng cường bắt giữ và sách nhiễu họ. Trong số 1.705 học viên, chính quyền đã sách nhiễu ít nhất 141 người bằng nhiều hình thức, và giam giữ 41 người với các thời hạn khác nhau.
Một trong những nguyên đơn, bà Kim Lệ Hoa, bị bắt giữ tại nhà vào ngày 30 tháng 7 năm 2015. Sau khi đưa bà đến đồn cảnh sát, cảnh sát đã quay lại và lục soát nhà bà trong hai giờ đồng hồ rồi tịch thu máy tính, máy in, tài liệu về Pháp Luân Công và nhiều đồ đạc cá nhân khác của bà, chất đầy hai xe cảnh sát.
Cảnh sát nhốt bà ở trong một cái lồng sắt, và mấy người khác thay nhau thẩm vấn bà. Cảnh sát đã giam bà tổng cộng là 15 ngày, bất chấp tình trạng sức khỏe kém của bà do bị tăng huyết áp.
Mô phỏng hình thức tra tấn: Nhốt trong lồng sắt
Các đơn tố cáo làm lộ rõ sự tàn bạo của cuộc bức hại
Những học viên đã đệ đơn tố cáo ở Giai Mộc Tư thuộc mọi các tầng lớp xã hội, gồm cả cựu lính canh trại lao động, chuyên viên ngân hàng, quan chức chính phủ, quân nhân về hưu, và kế toán viên.
Đặc biệt, bà Thôi Hội Phương từng là một lính canh của một trại lao động cưỡng bức, vì theo lệnh của cấp trên mà đã tra tấn các học viên nhằm ép họ tuyên bố từ bỏ đức tin. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công khi bà nhận ra sự bất công của cuộc đàn áp và thấy mọi người đã được hưởng lợi ích như thế nào từ môn tu luyện này. Hiện bà đang phải bị cầm tù bất hợp pháp vì đã lên tiếng cho các học viên.
Ông Lữ Trung Thành từng là một cán bộ huyện. Ông nói: “Các nguyên lý của Pháp Luân Công thực sự giúp tôi làm việc tốt hơn và chu đáo hơn với những người khác.” Vì cuộc bức hại mà cả vợ và chị gái ông đều đã qua đời sau những năm phải sống trong sự sợ hãi và nỗi căng thẳng tột cùng.
Ông Hoàng Mẫn, 72 tuổi, một giáo sư kỹ thuật đã nghỉ hưu của trường Đại học Giai Mộc Tư, bị kết án 20 năm tù vì giúp các học viên ở Sơn Đông chèn sóng vào kênh truyền hình nhà nước để phát sóng các chương trình phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Cộng. Hiện ông vẫn bị giam giữ tại nhà tù Sơn Đông và hàng ngày phải chịu sự ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần. Vợ ông đã thay mặt ông đệ đơn tố cáo Giang.
Ông Hoàng Mẫn
Bà Ngô Húc Xu từng là phó giám đốc kiêm kế toán viên tại một công ty xây dựng. Vì không chịu từ bỏ đức tin mà bà đã bị sa thải. Trong suốt 17 năm của cuộc bức hại, bà đã nhiều lần bị đưa đến bệnh viện tâm thần và trại lao động, nơi mà bà phải chịu rất nhiều hình thức tra tấn, khiến nhiều cơ quan nội tạng của bà bị mất chức năng.
Ông Hoắc Kim Bình, một quân nhân hưu trí, cũng đã nhiều lần bị đưa đến trại lao động và trung tâm tẩy não. Ông bị đánh đập dã man và bị bức thực trong suốt thời gian giam cầm tại Trung tâm Tẩy não Kiến Tam Giang. Ông còn bị gãy mấy cái xương sườn.
Ông Hoắc Kim Bình bị đưa đến bệnh viện sau khi bị tra tấn tại trung tâm tẩy não.
Ông Hầu Chí Cường đã bị cưỡng bức lao động hai lần trong tổng cộng 4,5 năm. Ông bị đánh đập một cách tàn bạo, nhốt trong phòng biệt giam, ép ngồi trên ghế nhỏ hồi lâu, bị bức thực, và bị tra tấn bằng nhiều hình thức khác.
Vợ ông, bà Môn Hiểu Hoa, cũng bị đưa đến trại lao động và một bệnh viện tâm thần, ở đó bà bị tiêm thuốc phá hủy thần kinh. Bà qua đời vào mùa hè năm 2003.
Cha ông Hầu bị cảnh sát sách nhiễu và bắt giữ nhiều lần. Ngoài ra, do căng thẳng vì lo lắng cho con trai và con dâu nên ông đã qua đời vào ngày 30 tháng 9 năm 2006.
Con của ông Hầu, cháu Hầu Kiệt, mới 11 tuổi tại thời điểm cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999. Cháu đã phải trải qua tuổi thơ đầy sự sợ hãi.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Các báo cáo liên quan (chưa có bản dịch):
Hơn 130 cư dân Giai Mộc Tư bị đe dọa vì tố cáo Giang Trạch Dân; 10 người vẫn bị chính quyền giam giữ
Ông Hoàng Mẫn, giáo sư trường Đại học Giai Mộc Tư, bị kết án 20 năm tù
Học viên Hầu Chấn An ở Giai Mộc Tư qua đời sau khi toàn bộ gia đình của ông bị bức hại
Ông Hầu Chí Cường bị tra tấn tàn bạo, và vợ ông qua đời do cuộc bức hại
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/3/19/325365.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/3/20/155981.html
Đăng ngày 24-3-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.