Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-2-2016] Bà Từ Phượng Quỳnh, cựu nhân viên của Xưởng In Quân đội Tây Tạng đã đệ đơn tố cáo cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào ngày 12 tháng 8 năm 2015. Bà yêu cầu Giang phải chịu trách nhiệm trước những tổn thất về tinh thần và tài chính mà bản thân bà và gia đình bà phải gánh chịu trong chiến dịch bức hại Pháp Luân Công bằng bạo lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bà Từ bị bắt và giam giữ nhiều lần vì từ chối từ bỏ đức tin Pháp Luân Công của bà. Sau khi được trả tự do, bà không thể tìm được một công việc cũng như không thuê được căn hộ để ở bởi chính quyền không cấp lại chứng minh nhân dân cho bà.

Bà Từ bị liệt bà vào diện “đối tượng tiêu điểm” trong hệ thống chứng minh nhân dân điện tử của Cục Công an, nên cảnh sát thường xuyên theo dõi và sách nhiễu bà. Bà bị bắt giữ lần nữa vào năm 2005. Kể từ đó, bà luôn sống trong sợ hãi vì lo sợ có thể bị vô cớ bắt giữ bất cứ lúc nào.

Trước lần bắt giữ đầu tiên, bà Từ bị đuổi khỏi khu tập thể sau khi chồng bà bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà phải gửi con gái 6 tuổi của mình cho bố mẹ chồng nuôi. Cha mẹ đẻ của bà cũng thường xuyên bị đe dọa và giám sát.

Sau đây, chúng tôi trích dẫn một phần đơn kiện thuật lại những gì bà Từ cùng gia đình bà phải chịu đựng.

Bị quản thúc phi pháp tại nơi làm việc

Tôi bị giám sát, theo dõi, và sách nhiễu triền miên kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Vào những ngày mà ĐCSTQ liệt vào diện “ngày nhạy cảm”, tình hình càng tồi tệ hơn. Năm 2001, nhân viên Phòng 610 đã lục soát nhà tôi. Sự hung ác của họ khiến gia đình tôi vô cùng kinh hãi.

Sáng ngày 20 tháng 5 năm 2002, tôi nhận được thông báo đến phòng họp, có hơn 30 người đang có mặt ở đó, trong đó có công an của Đồn Công an Kim Châu Trung Lộ và hai quan chức quân đội Trung Quốc. Họ dồn dập tra hỏi và buộc tội tôi bằng nhiều tội danh một cách vô căn cứ. Sau đó họ quản chế tôi trong phòng của một khu tập thể.

Tôi không được báo với cơ quan cũng như trở về nhà. Họ không cho tôi sử dụng điện thoại hay gặp bất kỳ ai. Họ phân công bốn người canh chừng tôi 24/24. Họ đánh đập và tìm mọi cách hòng ép tôi “nhận tội”. Ngày nào họ cũng thúc bách tôi phải ký tên vào biên bản nhận lỗi vì tu luyện Pháp Luân Công và hứa sẽ từ bỏ đức tin của mình.

Ngày 29 tháng 5, tôi trốn thoát được khỏi khu tập thể đó và bỏ chạy khỏi thành phố Lạp Tát. Nhờ được giúp đỡ, tôi đã đi đến Bắc Kinh và lên tiếng cho Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn. Thủ trưởng cơ quan tôi đã quy cho tôi tội “vắng mặt không có lý do chính đáng”.

Bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức

Ngày 4 tháng 6, tôi gọi điện cho thủ trưởng đơn vị để làm rõ lý do tôi vắng mặt, nhưng tôi lại bị bắt và đưa trở lại Lạp Tát và bị giam vào Trại tạm giam của Cục Công an ở Khu tự trị.

Khi ở trong trại tạm giam, lính canh lăng mạ, chửi rủa tôi vì tôi từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Họ không cho tôi tắm rửa cũng như nói chuyện với bất kỳ ai. Khi người nhà đến thăm tôi, lính canh cố ý viện lý do này nọ để lục soát tôi trước mặt họ. Lính canh còn bố trí cho tội phạm hình sự sống cùng khu tôi và kích động những người khác gây xung đột với tôi. Do đó, tôi đã tuyệt thực trong năm ngày để phản đối ngược đãi.

Ngày 16 tháng 7 năm 2002, Ban Chấp hành Lao động Cải tạo Thành phố Lạp Tát đã bắt tôi phải chịu án lao động cưỡng bức trong ba năm. Sức khỏe của tôi ngày càng sa sút, và bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan.

Khi tôi bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Thành phố Lạp Tát vào tháng 3 năm 2003, trại lao động này đã từ chối tiếp nhận vì lý do sức khỏe kém. Do vậy, trại tạm giam tiếp tục giam giữ tôi cho đến khi bệnh tình của tôi ngày càng trầm trọng, họ mới tạm tha để tôi điều trị y tế.

Khó khăn về tài chính

Chúng tôi từng sống trong một khu tập thể của Ủy ban Kinh tế Thương mại của Khu Tự trị, nơi chồng tôi công tác trước kia. Khi chồng tôi bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, Phòng 610 và đồn công an địa phương đã gây áp lực ép Ủy ban Kinh tế Thương mại nói trên phải đuổi tôi ra khỏi khu tập thể. Không biết đi về đâu, tôi phải gửi đứa con gái nhỏ mới lên 6 tuổi của mình đến ở với ông bà nó ở tỉnh Tứ Xuyên.

Tôi bị cơ quan sa thải vào ngày 29 tháng 7, hai tuần sau khi tôi bị chuyển đến một trại lao động cưỡng bức. Khi tôi được trả tự do, thủ trưởng cơ quan cũ của tôi cùng đồn công an địa phương từ chối cấp lại chứng minh nhân dân cho tôi. Không có chứng minh thư, tôi không sao xin nổi việc cũng như thuê nhà được. Điều đó khiến tôi lao đao về tài chính.

Bị theo dõi và sách nhiễu

May mắn thay, một người bạn tốt đã giúp tôi có được một nơi tá túc, và một chủ cửa hàng quảng cáo đã thuê tôi. Đêm hôm khuya khoắt, nhân viên của Phòng 610 cùng Đồn Công an Đoàn Kết Tân Thôn đã do thám xung quanh ngôi nhà và [cố tình] gây ồn ào khiến tôi tỉnh giấc. Họ thậm chí còn tìm đến nơi làm việc mới của tôi để sách nhiễu tôi, và gây áp lực ép chủ cửa hàng phải đuổi việc tôi.

Để tránh bị sách nhiễu, người bạn của tôi đã phải mời họ ăn tối, tặng quà họ, và miễn phí tiền phòng khách sạn cho họ cùng người nhà của họ. Chủ cửa hàng quảng cáo cũng in tài liệu miễn phí cho họ.

Tội lại bị bắt giữ và bị chuyển đến Phòng 610 vào năm 2005. Khi tôi từ chối ký vào những biên bản mà họ đã chuẩn bị sẵn, công an đẩy tôi ngã xuống sàn nhà. Từ lúc đó, công an của Đồn Công an Đoàn Kết Tân Thôn theo dõi sát sao, giám sát, và sách nhiễu tôi. Tôi phải sống trong sợ hãi suốt một thời gian dài và thường bị thức giấc lúc nửa đêm vì lo lắng sẽ lại bị bắt giữ.

Khi tôi trốn đến Bắc Kinh năm 2002, cha mẹ già ốm yếu của tôi đang sinh sống ở tỉnh Tứ Xuyên, đã bị đe dọa, uy hiếp và giám sát. Thậm chí cho đến hôm nay mẹ tôi vẫn còn run lên vì sợ hãi mỗi khi nhìn thấy công an cũng như xe công an.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này. Luật pháp cũng cho phép người dân đệ đơn tố cáo mà không cần dùng tên thật. Nhiều học viên khuyến khích mọi người chung sức giúp tố cáo những tội ác của Giang và chấm dứt cuộc bức hại.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2016/2/28/324677.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/3/7/155823.html

Đăng ngày 18-3-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share