[MINH HUỆ 23-1-2016] “Cai trại của trại lao động kéo tôi vào trong một căn phòng, rồi sáu tù nhân bước vào. Họ đánh đập tôi, đá tôi và giẫm đạp lên tôi. Tôi lăn lóc trên sàn trong đau đớn. Cai trại đi vòng quanh như thể họ không thấy gì. Một bên tai của tôi bị biến dạng và tôi hầu như mất toàn bộ thính lực kể từ đó.”

“Cai ngục đã dụ dỗ các tù nhân bằng việc giảm án phạt để họ tra tấn chúng tôi.”

Trên đây là một đoạn trích từ đơn kiện gửi tới Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào tháng 8 năm 2015 của bà Cảnh Lệ Quyên, 61 tuổi, một cư dân thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Bà Cảnh đã kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi đã bức hại bà vì bà không chịu từ bỏ đức tin tâm linh của mình, Pháp Luân Công.

Vì lên tiếng phản đối cuộc đàn áp, bà Cảnh bị đưa tới trại lao động cưỡng bức vào năm 2000 trong 2 năm. Bởi không chịu tuyên bố từ bỏ môn tập, thời hạn giam giữ của bà trong trại lao động bị kéo dài thêm 11 tháng. Nhưng thậm chí khi án phạt thêm này mãn hạn, cảnh sát vẫn không chịu thả bà, mà thay vào đó họ đã chuyển bà tới một trung tâm tẩy não.

Sau bốn tháng bị tra tấn và tẩy não trong trung tâm tẩy não, Phòng 610 Nam Thông, một cơ quan nằm ngoài vòng pháp luật được lập nên chuyên để bức hại Pháp Luân Công, đã kết án bà thêm hai năm giam cầm trong trại lao động. Tại đó, bà thậm chí phải chịu đựng tra tấn nhiều hơn.

Bà Cảnh viết: “Trong năm năm, tôi bị chuyển qua lại giữa trại lao động và trung tâm tẩy não. Các nhân viên của Phòng 610 đã tuân thủ nghiêm ngặt chính sách bức hại của Giang. Tôi cảm thấy bất lực. Tôi chỉ muốn làm một người tốt với môn tu luyện tinh thần này, nhưng chính phủ đã gắng hết sức bức hại tôi. Điều gì xảy ra trong xã hội chúng ta vậy? Tại sao họ lại sợ những người tốt?”

Trở thành một người tốt hơn nhờ Pháp Luân Công

Bà Cảnh hồi tưởng lại việc bà hạnh phúc như thế nào sau khi bà bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công và tháng 5 năm 1997. Bà cho biết: “Tôi đã có một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về cuộc sống.”

“Trước đó, cuộc sống của tôi đầy sóng gió. Chồng tôi đã ly dị tôi khi con trai chúng tôi còn rất nhỏ. Việc đó khiến tôi suy sụp. Pháp Luân Công đã cho tôi bản lĩnh để đương đầu với những thử thách trong cuộc sống. Tôi đã tha thứ cho chồng đồng thời còn nhận trách nhiệm chăm sóc bố mẹ và em gái chồng, những người bị liệt và phải nằm liệt giường.”

Gia tăng án phạt và tra tấn

Bà Cảnh cho biết: “Khi Giang bắt đầu cuộc bức hại năm 1999, tim tôi tan vỡ. Tôi không thể hiểu nổi tại sao ông ta lại muốn bức hại một môn tập tốt như vậy.”

Bà đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào cuối năm 1999. Sau khi trở về, cảnh sát đã lục soát nhà bà và bố trí người theo dõi bà tại nơi làm việc. Bà cho biết: “Bỗng nhiên tôi trở thành ‘kẻ thù giai cấp’.”

Bà đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện lần thứ hai vào tháng 7 năm 2000 và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Cảnh sát đã đánh đập bà tại đồn cảnh sát. Sau khi bị đưa về nhà, cảnh sát địa phương đã lục soát nhà bà hai lần trong vòng ba tháng và giam bà tại trại tạm giam trong vòng hai tháng.

Cảnh sát đột nhập vào nhà bà vào một buổi tối tháng 12 năm 2000. Bà bị đưa tới một nơi bí mật, tại đây bà không được phép ngủ và bị thẩm vấn suốt ngày đêm. Bởi bà từ chối tuyên bố từ bỏ tu luyện, bà đã bị kết án hai năm lao động cưỡng bức.

Bà bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức nữ Câu Đông vào tháng 1 năm 2001. Bà đã viết trong đơn kiện: “Đó đúng là địa ngục. Theo lệnh của cai trại, các tù nhân đánh đập tất cả các học viên Pháp Luân Công. Chúng tôi không được phép nói chuyện và đôi khi họ còn không cho phép chúng tôi ngủ.”

“Có một lần cai ngục đã ra lệnh cho sáu tù nhân bức thực tôi với các loại thuốc không rõ nguồn gốc trong một tháng, khiến tôi trở nên rất yếu. Nhưng ngay cả như vậy, hàng ngày các tù nhân khác vẫn ép tôi phải đứng trong thời gian dài và liên tục đánh đập tôi.”

Bởi bà từ chối từ bỏ đức tin của mình bất chấp những tra tấn, trại lao động đã gia tăng thời hạn giam cầm của bà thêm 11 tháng. Khi mãn hạn bản án vào tháng 9 năm 2003, thay vì trả tự do cho bà, các quan chức của Phòng 610 địa phương lại đưa bà tới Trung tâm Tẩy não Lang Sơn.

Bà cảnh thuật lại những tra tấn mà bà đã phải chịu đựng tại trung tâm tẩy não: “Cai trại đánh đập, bóp cổ và lấy ghế đập tôi. Để làm nhục tôi, họ đổ nước lên mặt tôi. Trong vòng bốn tháng, tôi bị bắt phải đứng trong thời gian dài và phải chịu tẩy não cường độ cao mỗi ngày.”

Bà cho biết: “Bất kể họ đánh đập và làm nhục tôi nặng nề đến đâu, trong tâm tôi ý thức rất rõ rằng môn tu luyện không có gì sai và Sư phụ của tôi yêu cầu tôi trở thành một người tốt. Tôi không thể làm những điều trái với lương tâm mình.”

Bà Cảnh bị đưa trở lại Trại Lao động Cưỡng bức nữ Câu Đông vào tháng 2 năm 2004 và bị giam cầm hai năm ở đó. Ở đó bà còn bị bức hại và tra tấn nặng nề hơn.

Bà nói: “Tôi bị cấm ngủ và không được phép sử dụng nhà vệ sinh. Thi thoảng họ chiếu ánh sáng rất mạnh vào mắt tôi, khiến tôi đau đớn tột cùng. Để làm nhục tôi, họ lột trần và bắt tôi phải đứng trong nhiều giờ đồng hồ. Đôi khi họ còn bắt tôi đứng trên một cái ghế cao, hẹp, nó rất khó để tôi có thể đứng vững.”

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/1/23/322585.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/2/7/155185.html

Đăng ngày 04-03-2016;Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share