[MINH HUỆ 18-4-2015]

(Tiếp theo Phần 1 và Phần 2)

VIII. Hòa thượng Hồng Uẩn trong Tống sử

Theo Tống sử, hòa thượng Hồng Uẩn là người vùng Trường Sa. Mẹ ông không thể thụ thai trong một thời gian dài. Cha mẹ ông tụng Kinh niệm Phật đều đặn, và sau này đã có thai, hạ sinh Hồng Uẩn. Năm 13 tuổi, ông đến thăm hòa thượng Trí Ba của chùa Khai Phúc để thỉnh cầu xuất gia và học nghề thuốc. Sau đó ông đã đến kinh đô và trở thành một thầy thuốc trứ danh.

Tống Thái Tổ đã mời Hồng Uẩn vào cung và phong cho ông là Quảng Lợi Đại sư. Theo yêu cầu của Tống Thái Tổ, Hồng Uẩn đã ghi chép lại hàng chục đơn thuốc y học cổ truyền. Ông cũng đến thăm Tống Chân Tông và ghi chép lại những đơn thuốc cho các loại bệnh khác nhau.

Hồng Uẩn có kỹ năng đặc biệt về bắt mạch cho bệnh nhân. Ông cũng có thể dự đoán chính xác tuổi thọ của một người. Người trong hoàng cung và các đại thần thường xuyên mời ông đến chữa trị bởi y thuật cao minh của ông. Đến năm Cảnh Đức thứ nhất, ông ly thế khi 68 tuổi.

IX. Những ghi chép của Nguyên sử về khả năng trị bệnh về mắt của Lý Cảo

Theo Nguyên sử, Lý Cảo xuất thân trong gia đình phú hộ ở Chân Định và yêu thích y thuật từ khi còn nhỏ. Ông đã trả 1.000 lạng vàng theo học y thuật của danh y Trương Nguyên Tố suốt mấy năm.

Lý Cảo rất giỏi trong việc chữa trị sốt thương hàn và ung nhọt, và ông có khả năng đặc biệt trong việc chữa bệnh về mắt. Vì gia đình giàu có và ông không cần hành nghề y để kiếm sống, ông chữa bệnh chỉ vì đó là sở thích của ông. Bản tính ông thanh cao chính trực, không chịu luồn cúi bao giờ, vậy nên nếu như không phải trường hợp cấp bách thì không ai dám nhờ ông chữa trị.

Vương Thiện Phủ, một quan viên ở Bắc Kinh phụ trách việc buôn bán rượu, là một trường hợp khẩn cấp như thế. Vương Thiện Phủ mắc bệnh có nhiều triệu chứng như khó đi tiểu, mắt lồi, bụng trướng sưng to và đầu gối bị cứng, ăn uống không được, không có thuốc xổ hay đơn thuốc nào có hiệu quả. Lý Cảo cuối cùng đã gặp Vương Thiện Phủ và nói với các y sinh khác: “Bệnh của ông ấy đã nghiêm trọng rồi. Hoàng Đế Nội Kinh viết rằng ruột là nơi chứa chất lỏng. Cách duy nhất để chất lỏng trôi đi là làm tan Khí. Thuốc xổ khiến bệnh tình nặng hơn vì nó khiến cho Khí khó tan đi. Khải Huyền Tử nói: ‘Âm không thể được sinh ra cùng với dương. Dương không thể hòa tan với âm.’ Thuốc xổ làm tăng dương. Vì thế dương của ông ấy tăng lên nhiều, nhưng âm bị mất đi. Làm sao Khí có thể tan được chứ.” Lý Cảo đã kê một đơn thuốc gồm các thảo dược thiên nhiên mang tính âm. Bệnh nhân đã được chữa lành sau khi dùng một đơn thuốc này.

Nhiều cách điều trị của Lý Cảo cũng có hiệu quả tương tự. Người đương thời xem ông là một thần y. Nhiều sách y thuật của ông đã lưu truyền hậu thế.

X. Ghi chép của Minh sử về khả năng chữa bệnh kỳ diệu của Cát Kiền Tôn

Theo Minh sử, Cát Kiền Tôn là người vùng Trường Châu. Cha ông, Cát Ứng Lôi, là người nổi tiếng là có y thuật cao minh. Cát Kiền Tôn thân thể cao lớn. Ông thích săn bắt và trận pháp, nhưng sau đó ông lại thích đọc sách, tinh thông quy luật âm dương, quy luật tự nhiên và thiên văn.

Sau khi thất bại trong nhiều lần khoa cử, ông đã theo nghề của cha. Ông không thường xuyên chữa trị, nhưng khi chữa thì các phương pháp của ông hiệu quả một cách thần kỳ. Danh tiếng của ông sánh ngang với Kim Hoa và Chu Đan Khê, hai danh y cùng thời với ông.

Cát Kiền Tôn từng được mời chữa bệnh cho một tiểu thư trong một gia đình phú hộ. Cô không thể cử động tứ chi, nói chuyện hay ăn, dù cô có thể mở mắt. Nhiều thầy thuốc không thể chữa trị căn bệnh kỳ lạ này của cô. Cát Kiền Tôn đã bảo người nhà đem mọi thứ có mùi thơm ra khỏi phòng cô. Ông đã đào một cái hầm và đưa cô vào đó. Sau một lúc, cô gái bắt đầu cử động và nói chuyện. Cát Kiền Tôn đưa cho cô một viên thuốc. Cô gái đã có thể ra khỏi hầm vào hôm sau. Chẩn đoán của Cát là lá lách của cô đã bị tổn hại do mùi thơm trong phòng cô.

XI. Thuật châm cứu của Chu Hán Khanh trị sâu độc

Theo Minh sử, Chu Hán Khanh là thầy thuốc và là nhà phẫu thuật ở vùng Tùng Dương, vốn có tài châm cứu siêu việt. Một lần, một phụ nữ họ Mã đã mang thai 14 tháng nhưng không thể sinh nở. Nhìn cô ốm yếu và đen đúa. Chu Hán Khanh nói: “Cô không hề có thai. Có sâu độc ở trong ruột cô.” Ông đã chữa trị cho cô bằng châm cứu. Những con sâu trông giống cá vàng được tìm thấy trong phân của cô và cô đã được chữa lành.

Một lão bà tên Từ bị động kinh nặng. Tay chân bà run lẩy bẩy. Bà trần truồng đi ra ngoài, cười và hát. Chu Hán Khanh đã châm vào mỗi ngón tay của bà một mũi kim và lấy ra ít máu. Triệu chứng của bà đã biến mất.

Một phụ nữa khác họ Trần có một khối u cứng trong bụng. Chu Hán Khanh nói rằng bà bị tắc nghẽn ruột. Ông hơ nóng một mũi kim và châm vào khối u. Mủ chảy ra ngoài theo cây kim và bà đã được chữa lành.

Một người trẻ tuổi họ Hoàng không thể duỗi thẳng lưng và phải dùng một cây gậy để đi lại. Các thầy thuốc khác chữa trị cho anh theo triệu chứng đột quỵ. Nhưng Chu Hán Khanh nói: “Đây là do bị ứ máu.” Ông đã châm một kim vào huyệt Côn Luân trên chân của bệnh nhân. Ngay lập tức người này có thể đi lại mà không cần gậy.

Trung y truyền thống bác đại tinh thâm và nó là một phần của văn hóa Thần truyền. Nó rất gần gũi với tu luyện. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy y học cổ truyền thông qua những chiến dịch tiêu diệt lối tư duy và nền văn hóa truyền thống, thay thế bằng học thuyết và chủ nghĩa cộng sản. Nhưng trong tương lai, khi tình hình chính trị ở Trung Quốc được quy chính trở lại và đạo đức được khôi phục, nền văn hóa và tư duy truyền thống sẽ trở về lại với Trung Quốc.

(Hết)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/4/18/307507.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/5/22/150687.html

Đăng ngày 29-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share