Bài viết của phóng viên Minh Huệ Net tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-12-2014]
Ngày 28 tháng 11 năm 2014, tòa án quận Ngũ Hoa, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã xét xử phi pháp bà Mã Linh, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Vân Nam cùng con gái là Trương Tắc (giáo viên). Ba luật sư Quách Liên Huy, Hồ Quý Vân, Vương Toàn Chương với những lý lẽ thuyết phục đã biện hộ vô tội cho hai mẹ con, các nhân viên tại phiên tòa rất xúc động.
Hai mẹ con Mã Linh và Trương Tắc lần lượt trả lời các câu hỏi của tòa, họ cũng nói lên bản thân mình vì sao tu luyện Pháp Luân Công, cuộc sống của họ đã trở nên tốt đẹp như thế nào kể từ khi họ thực hành theo các nguyên lý ‘Chân Thiện Nhẫn’ và trở thành người tốt. Họ cho rằng tu luyện Pháp Luân Công không có tội. Đài truyền hình Tân Đường Nhân không vi phạm pháp luật, họ yêu cầu tòa án bật công khai những chiếc đĩa hình đã bị tịch thu, để tòa án phán xét xem tu luyện Pháp Luân Công có tội hay không? Họ cũng nói với luật sư rằng chưa có ai chỉ ra cho họ đúng chỗ nào, sai chỗ nào, họ đã vi phạm quy định pháp luật nào. Họ cho rằng đơn khởi tố đã nêu không đúng thực tế, nội dung đơn dẫn chiếu đến Điều 300 Luật hình sự là sự ngụy tạo tội danh. Họ thuật lại sự việc vào ngày 19 tháng 04, hai mẹ con họ đến thăm nhà bạn, khi đang ăn cơm thì công an xông vào, dùng vũ lực bắt giữ năm người trong nhà. Khi công an về nhà bà Mã Linh để lục soát, bà không có mặt tại nhà, họ cũng không cung cấp danh sách những tài sản đã lấy đi. Bà khẳng định rằng những tài sản bị lấy đi đều là tài sản cá nhân của bà chứ không phải là chứng cứ phạm tội. Hiện tại bà chỉ biết một trong những cảnh sát lục soát nhà bà là Mã Vân Huy.
Luật sư đã mạnh mẽ phản biện lời buộc tội của công tố viên. Công tố viên buộc tội bà Mã Linh và cô Trương Tắc tội “ngoan cố”, “lưu giữ phi pháp tài liệu Pháp Luân Công”, “tụ tập phi pháp”, tiến hành “các hoạt động của Pháp Luân Công”, lấy những tài liệu giảng rõ sự thật về Pháp Luân Công tịch thu được từ nhà của họ làm “chứng cứ buộc tội”, tội “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”. Luật sư cho rằng, trong quá trình lập hồ sơ vụ án đến nay chưa hề phát hiện đương sự có hành vi nào vi phạm pháp luật, ngược lại họ phát hiện ra một loạt những hành vi vi phạm pháp luật và phá hoại việc thực thi pháp luật của các nhân viên công an, viện kiểm sát và tòa án quận Ngũ Hoa:
1. Công an lập hồ sơ vụ án, tiến hành điều tra, bắt bớ một cách phi pháp; bắt người trước, thu thập chứng cứ sau, vi phạm Luật tố tụng hình sự.
2. Hai lần không cho luật sư được tiếp xúc với đương sự theo quy định của pháp luật: hành động này đã tước đoạt quyền thực thi công việc và quyền biện hộ của luật sư; Tước đoạt quyền của đương sự được gặp gỡ người thân và mời luật sư biện hộ; Tước đoạt quyền giám sát của cơ quan kiểm sát và tòa án nhân dân. Can thiệp nghiêm trọng đến trình tự tư pháp, phá hoại việc thực thi pháp luật. Họ còn nói: “Đây là nơi bí mật”, bí mật gì vậy? Đề nghị tòa án phải làm rõ sự thật, làm rõ việc công an quận Ngũ Hoa trắng trợn tước đoạt quyền gặp luật sư của đương sự.
3. Trong đơn khởi tố có các nội dung vi phạm quy định pháp luật như ngụy tạo tội danh, không sử dụng ngôn ngữ pháp luật, đưa ra các khái niệm mơ hồ không rõ ràng, thêu dệt tội danh, … Ví dụ như: cả gia đình và bạn bè đang ngồi ăn cơm, công an xông vào, dùng bạo lực bắt người, nói thành “tụ tập phi pháp”, trong luật pháp Trung Quốc chỉ có “tụ họp phi pháp” chứ không có “tụ tập phi pháp”, đây là hình thức ngụy tạo tội danh; Tương tự như vậy, luật pháp Trung Quốc chỉ có “tội mang ma túy trái phép”, “tội mang vũ khí trái phép”, chứ không có “tội mang tài liệu Pháp Luân Công trái phép”, đây cũng là sự ngụy tạo tội danh, phá hoại pháp luật.
“Ngoan cố” không phải là từ dùng trong luật pháp, hay trong phán quyết của tòa. Cơ quan công tố còn biến từ “vật phẩm tuyên truyền tà giáo” thành “vật phẩm tuyên truyền Pháp Luân Công” để đổi trắng thay đen, thêu dệt tội danh. Cái gì là tà giáo? Ai là tà giáo? Luật tư pháp có quy định không, hay là có bộ ngành nào quy định? Mà đương sự liệu có khả năng đó không? Họ đã phá hoại quy định pháp luật nào? Nếu nói là phá hoại Điều 300 Luật hình sự, thì sẽ phạm tội vào Điều 300 Luật hình sự chăng? Đây gọi là định tội vòng vo. Hiện nay trong số 40 tà giáo mà Trung Quốc nhận định thì không có Pháp Luân Công. Tà giáo coi thường sinh mệnh, còn Pháp Luân Công thì trân quý sinh mệnh.
Luật sư chỉ ra rằng, bất cứ hành vi phạm pháp nào đều mang tính nguy hại cho xã hội, nhưng nhìn từ góc độ chủ quan hay khách quan thì đương sự đều không gây tổn hại gì cho xã hội. Sau khi tu luyện, hai mẹ con bà Mã Linh đều không chỉ có sức khỏe tốt, mà còn luôn được người nhà ca ngợi về nhân cách tốt đẹp, người nhà hy vọng rằng họ có thể biện hộ tốt tại tòa và sẽ trở về nhà.
Nói tóm lại, đương sự không vi phạm luật pháp quốc gia, họ không hề phá hoại luật pháp quốc gia hay bất cứ quy định hành chính nào, công tố viên cũng không có chứng cứ chứng minh. Tín ngưỡng vào ‘Chân Thiện Nhẫn’ thuộc về tư tưởng của họ, pháp luật chỉ trừng phạt hành vi chứ không trừng phạt tư tưởng. Tự do tư tưởng, không những chỉ hoạt động trí óc của con người, mà còn bao gồm cả sự tự do biểu đạt tư tưởng. Pháp luật bảo hộ quyền tín ngưỡng của con người, người tu luyện Pháp Luân Công chỉ vì mục đích rèn luyện thân thể, tu tâm dưỡng tính, quyết tâm trở thành người lương thiện sẽ được phúc báo, không can dự vào thể chế quốc gia. Người thi hành pháp luật nên bảo hộ quyền lợi hợp pháp của công dân, xét xử sai thì phải chịu trách nhiệm. Điều 54, Chương 9, Luật công chức đã quy định rõ. Luật sư không chỉ có trách nhiệm với đương sự, mà cũng phải chịu trách nhiệm với tất cả những người thụ lý vụ án. Mong rằng tòa án sẽ đưa ra phán quyết công bằng, tuyên bố đương sự vô tội.
Bà Mã Linh là viên chức đã về hưu tại thư viện trường và là nghiên cứu sinh tại trường Đại học Vân Nam, trong suốt hơn 10 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại Pháp Luân Công, bà nhiều lần bị bắt giữ phi pháp, bị tịch thu tài sản, bị tạm giam, hai lần bị cưỡng bức lao động phi pháp, tổng cộng bị giam giữ phi pháp 5 năm 7 tháng. Trong thời gian bà bị giam giữ phi pháp tại trại lao động, trường học đã ngừng trả lương cho bà, lại còn hủy quỹ tích lũy nhà ở, tiền bảo hiểm khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội của bà, khi đánh giá hoàn thành công việc cuối năm còn xét bà vào loại “không đạt”. Sau khi bà Mã Linh quay trở về trường, bà đã phản ánh lên các bộ ngành nhưng vẫn chưa có phản hồi.
Tối hôm 19 tháng 04 năm 2014, mẹ con bà Mã Linh đến Thạch Lâm, Côn Minh để thăm một học viên Pháp Luân Công bị đau chân đã lâu, khi đang ăn tối thì có 20 người đột ngột xông vào, tự nhận là người của trại giam thôn Bắc Đại, không có bất cứ văn bản cho phép nào, không cho giải thích, yêu cầu các học viên Pháp Luân Công phải “lần lượt đi ra”. Mẹ con bà Mã Linh cùng các học viên khác bị trói đưa đi; xe ô tô của bà Mã Linh bị tịch thu. Cảnh sát còn nói: “Có người tố cáo các vị tụ họp bất hợp pháp”, “Trang phục của chúng tôi chính là chứng cứ”.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/12/13/云南大学副研究员和女儿被非法开庭-301435.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/1/1/147602.html
Đăng ngày 03-08-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.