Bài viết của Thư Tuệ, phóng viên Báo Minh Huệ ở Đan Mạch

[MINH HUỆ 11-06-2013] Từ ngày 04 đến 07 tháng 06 năm 2013, Du Chính Thanh, Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính Trị Nhân dân Trung Hoa, đã đến thăm Copenhagen, Đan Mạch. Nhân sự kiện này, các học viên Pháp Luân Công [tại Đan Mạch] đã phơi bày cuộc đàn áp dã man của chế độ Trung Quốc lên Pháp Luân Công và kêu gọi các quan chức Đan Mạch đưa các thủ phạm ra công lý.

Phái đoàn Trung Quốc do Du Chính Thanh dẫn đầu đã yêu cầu chính phủ Đan Mạch bằng mọi giá phải hạn chế và ngăn chặn sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Pháp Luân Công trong suốt chuyến viếng thăm của ông Du.

Để đạt được mục đích đó, phái đoàn đã gây áp lực cho các quan chức Đan Mạch rút giấy phép truyền thông của báo Đại Kỷ Nguyên và Đài truyền hình Tân Đường Nhân – hai hãng truyền thông Trung Quốc quốc tế độc lập được biết đến với các báo cáo tin tức khách quan.

Các hãng truyền thông quốc gia đã lên án việc ĐCSTQ vi phạm tự do ngôn luận ở Đan Mạch với sự bày tỏ bất bình của nhiều nghị sĩ.

Các học viên kháng nghị ôn hòa trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Đan Mạch

Biểu diễn các bài công pháp Pháp Luân Công trên Quảng trường New King ở Copenhagen

Người qua đường ký tên thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại

Phái đoàn Trung Quốc tìm cách cản trở kháng nghị ôn hòa của các học viên

Từ lúc Du Chính Thanh bước xuống máy bay, đi đâu ông ta cũng luôn bị bắt gặp cảnh kháng nghị trọng thể.

Vào ngày 05 tháng 06, các học viên đã đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Copenhagen để phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 14 năm của ĐCSTQ và kêu gọi chính phủ và người dân Đan Mạch giúp chấm dứt tội ác thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc.

Sau đó, các học viên đã giảng chân tướng cho khách đi bộ trên Quảng trường New King và giơ các biểu ngữ tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Những người chưa từng nghe nói về cuộc bức hại đã bị sốc và ký tên thỉnh nguyện để ủng hộ Pháp Luân Công.

Khi phái đoàn Trung Quốc nhìn thấy biểu ngữ phơi bày các tội ác của chế độ, họ đã yêu cầu các quan chức Đan Mạch ra lệnh cho cảnh sát ngăn chặn cuộc kháng nghị.

Phái đoàn Trung Quốc sững sờ khi thấy những chiếc áo phông của các học viên

Vào ngày 06 tháng 06, ba học viên mặc áo phông màu vàng đã bị đẩy vào một chiếc xe cảnh sát đang đứng chờ sẵn và bị đưa đi.

Cô Ngô, người không mặc áo phông màu vàng lúc đó, đã hỏi một cảnh sát đứng cạnh cô: “Tại sao cảnh sát lại bắt những người phụ nữ này lên xe và đưa họ đi? Họ chỉ mặc những chiếc áo phông màu vàng; họ thậm chí còn không cầm biểu ngữ!” Người cảnh sát trả lời: “Phái đoàn Trung Quốc nói rằng họ không muốn nhìn thấy bất kỳ chiếc áo phông màu vàng nào nữa trong những ngày còn lại của chuyến viếng thăm.”

Cô Ngô nói: “Nếu tôi là chính phủ Đan Mạch, tôi sẽ nói với các đại biểu Trung Quốc: ‘Đan Mạch là một quốc gia dân chủ, vì vậy, mọi người có thể mặc bất cứ thứ gì họ muốn; chúng tôi không có quyền can thiệp.” Người cảnh sát nói rằng ông ấy cũng nghĩ như vậy.

“Ông có biết tại sao ba người phụ nữ đó lại đến đây ngày hôm nay không?” Cô Ngô hỏi người cảnh sát. “Họ chỉ muốn nói cho mọi người về cuộc đàn áp đang diễn ra ở Trung Quốc và nhờ họ ngăn chặn chế độ Trung Quốc thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.

“Ở Trung Quốc, nếu ông viết thư cho người thân và nói rằng Pháp Luân Công tốt và cuộc bức hại là sai, ông sẽ bị tống giam ba năm.” Người cảnh sát đã hiểu ra vấn đề nhưng nói rằng, ông ấy không thể làm được gì về điều này.

Một phóng viên đến từ báo Ekstra Bladet Đan Mạch đã hỏi cô Lý, một học viên Pháp Luân Công về suy nghĩ của cô xung quanh tình hình này. “Ba người chúng tôi đang đứng yên lặng ở đó trong khi mặc những chiếc áo phông màu vàng” cô giải thích. “Là công dân Đan Mạch, chúng tôi có quyền kêu gọi các quan khách Trung Quốc lập tức chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Một vài quan chức nói rằng họ thông cảm với Pháp Luân Công nhưng họ phải thi hành mệnh lệnh được giao.”

Truyền thông lên án ĐCSTQ vi phạm tự do ngôn luận ở Đan Mạch

Các văn phòng truyền thông của Gia đình Hoàng Gia và Quốc hội Đan Mạch đã chính thức cấp phép cho báo Đại Kỷ Nguyên và Đài truyền hình Tân Đường Nhân, cho phép các phóng viên của họ tham dự hai buổi họp giữa phái đoàn Trung Quốc và các quan chức Đan Mạch. Tuy nhiên, sau đó các phóng viên này được thông báo rằng chính phủ Đan Mạch “chỉ cho phép cơ quan thông tấn quốc gia đưa tin” về hai buổi họp này.

Sau đó vào buổi chiều, những phóng viên này đã bị từ chối vào Cung điện Hoàng gia vì lý do “thay đổi kế hoạch”. Họ được báo rằng chỉ có các phóng viên của Hoàng gia Đan Mạch và những phóng viên do Trung Quốc lựa chọn mới được phép vào Cung điện.

Các hãng truyền thông lớn ở Đan Mạch đã phản ứng trước trò hề của ĐCSTQ và công khai lên án ĐCSTQ vì đã can thiệp vào tự do ngôn luận ở đất nước của họ.

Ngày 08 tháng 06, tờ Jyllands-Posten đã xuất bản một bài báo dài kín một trang giấy để khiển trách cách mà chính phủ Đan Mạch nhượng bộ ĐCSTQ. Chú thích của bức ảnh trong bài báo ghi rõ: “Nhân vật số 4 của Trung Quốc, Du Chính Thanh, gặp mặt các nghị sĩ Đan Mạch. Bức ảnh trên được cung cấp bởi các phóng viên chính thức của Trung Quốc, do các phóng viên Đan Mạch không được phép chụp ảnh, ngoại trừ bức ảnh ông Du bước lên bậc thềm Quốc hội.”

Bài báo cũng chú thích rằng theo kế hoạch chính thức ban đầu, Du Chính Thanh và phái đoàn của ông ta dự định sẽ gặp mặt Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch vào sáng ngày 06 tháng 06. Theo thông lệ thì tất cả các phóng viên báo chí được phép chụp hình một sự kiện như vậy. Do vậy, vào ngày 05 tháng 06, văn phòng truyền thông của Quốc hội Đan Mạch, cơ quan chịu trách nhiệm cấp giấy phép truyền thông, đã gửi một email tới các phóng viên Báo Đại Kỷ Nguyên để thông báo: “Đơn xin tham dự buổi họp giữ ông Du và Chủ tịch Quốc hội của các bạn đã được phê duyệt.”

Tuy nhiên, sau đó vào buổi chiều, văn phòng truyền thông của Quốc hội Đan Mạch đã thông báo với Đại Kỷ Nguyên rằng họ đã rút lại quyết định cho phép ban đầu: “Theo yêu cầu của phái đoàn Trung Quốc, chỉ có các phóng viên chính thức của Đan Mạch mới được phép tham dự sự kiện này. Quốc hội Đan Mạch đã quyết định chấp nhận lời yêu cầu này.”

Theo báo Jyllands-Posten, các quan chức Đan Mạch ban đầu đã miễn cưỡng chấp nhận lời yêu cầu của phái đoàn Trung Quốc. Phái đoàn Trung Quốc đã đáp lại: “Được rồi, vậy hãy không để bất kỳ hãng truyền thông nào có mặt tại sự kiện này nữa!” Lúc đó, Quốc hội Đan Mạch đã đồng ý cắt giảm số lượng phóng viên tại sự kiện và hủy quyết định cho phép các phóng viên của Báo Đại Kỷ Nguyên và Đài truyền hình Tân Đường Nhân tham dự.

Thông thường, chính phủ Đan Mạch luôn mời tất cả các hãng truyền thông đến Phòng Hội nghị của tòa nhà Quốc hội để đưa tin khi có các chuyến thăm của phái đoàn nước ngoài. Các quan chức Đan Mạch không thể giải thích rõ ràng về lý do mà họ thay đổi chính sách truyền thống này trước chỉ thị của một quan khách Trung Quốc.

Các nghị sĩ chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch

Khi một phóng viên báo Jyllands-Posten chất vấn Thứ trưởng của Ủy ban Đối ngoại ông Søren Espersen về sự kiện gây tranh cãi này, ông trả lời: “Đây là một điều không thể chấp nhận được và cần phải chấm dứt ngay lập tức! Điều này là chưa từng được nghe nói ở Đan Mạch.

“Nếu ĐCSTQ không thích nền dân chủ của chúng ta, vậy thì họ nên rời đi. Tôi sẽ đề nghị Bộ trưởng Villy Søvndal giải thích trước Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vì sao sự việc này được phép xảy ra, và tất nhiên, chúng tôi cũng sẽ thảo luận về lý do tại sao những điều tương tự như vậy cũng diễn ra trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm ngoái.”

Khi các phóng viên từ báo Ekstra Bladet phỏng vấn ông Simpson, một thành viên của Đảng Nhân dân, và ông Pernille Skipper, phát ngôn viên tư pháp của Đảng Liên minh Đỏ – Xanh, ông Skipper đã trả lời: “Những điều này đã liên tiếp xảy ra, với việc các hãng truyền thông lề trái bị cấm tham dự các sự kiện trọng thể của quốc gia.

“Hết lần này đến lần khác, cảnh sát đã buộc những người kháng nghị giải tán chỉ vì một biểu ngữ vô tội.” Skipper cho biết ông sẽ hỏi ông Bødskov rằng điều gì đã thực sự xảy ra; ai là người ra những chỉ thị này cho cảnh sát, tự do ngôn luận và tự do hội họp có ý nghĩa gì ở Đan Mạch, và tại sao các cảnh sát lại ngăn cản người dân bày tỏ ý kiến của họ?”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/6/11/中共政协主席访丹麦-惧怕法轮功抗议(图)-275234.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/6/19/140571.html

Đăng ngày 24-06-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share