Bài viết của học viên Cừu Hiểu Vân

[MINH HUỆ 10-08-2014] Đánh đập và bức thực chỉ là một vài trong số những ác mộng mà học viên Pháp Luân Công Cừu Hiểu Vân đã chứng kiến trong thời gian bị giam ở nhà tù nữ Nam Thông vì đức tin của mình. Ngoài việc áp đặt kiểm soát tư tưởng nghiêm ngặt, lính canh còn xúi giục các tù nhân tấn công học viên bị giam như một phần của việc tẩy não có hệ thống được thực hiện trong các nhà tù và trại tạm giam trên khắp Trung Quốc.

Nhà tù nữ Nam Thông được chia thành sáu khu, mỗi khu đều có một “đội chuyển hóa” do chính trị viên của khu đứng đầu. Trong cuộc đàn áp môn tu luyện tinh thần này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tập trung vào việc “chuyển hoá” các học viên Pháp Luân Công, tức là cưỡng ép họ từ bỏ đức tin, hầu hết thông qua việc tác động tinh thần và tra tấn thể xác.

Tuy nhiên, không chỉ các học viên mà một số lính canh và các tù nhân cũng bắt đầu phản đối chính sách này. Dưới đây, cô Cừu kể lại tội ác và những tia sáng hy vọng cô nhìn thấy trong nhà tù nơi cô bị giam giữ trong gần ba năm.

Bị cô lập và nhồi nhét những lời dối trá

Nhà tù đã phát triển một phương pháp tiếp cận có hệ thống để tiến hành tẩy não các học viên và ép buộc chúng tôi từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Trong mỗi khu, các học viên bị giam trong các phòng riêng biệt và không được phép nhìn thấy nhau. Chúng tôi bị cô lập và hàng ngày bị nhồi nhét những lời phỉ báng Pháp Luân Công.

Trong khu đầu tiên nơi tôi bị giam giữ, lính canh Trần Thuý Bình, phó chính trị viên Lưu Đình Đình và Vương Ngạn hoạt động tích cực nhất trong việc tẩy não và tra tấn các học viên.

Trần Thúy Bình ép buộc chúng tôi phải đọc những tuyên truyền dối trá của ĐCSTQ và xem những đoạn phim vu khống Pháp Luân Công, các hành động xúc phạm Pháp Luân Công, nhà sáng lập môn tu luyện này, và viết “báo cáo tư tưởng” từ bỏ niềm tin của chúng tôi.

Bị nhồi nhét dối trá vẫn chưa đủ: mỗi học viên phải thường xuyên vượt qua “bài kiểm tra” chứng minh đã từ bỏ Pháp Luân Công. Những ai bị rớt bài kiểm tra sẽ bị cưỡng chế tẩy não, tra tấn tinh thần và/hoặc thể xác nhiều hơn.

Ngoài ra, chúng tôi buộc phải tham dự các cuộc họp hàng quý giữa các khu với nhau để báo cáo những suy nghĩ của chúng tôi về Pháp Luân Công. Các lãnh đạo nhà tù sử dụng các cuộc họp và kiểm tra, đánh giá kết quả “chuyển hóa” của các học viên.

Trong một cuộc họp, một học viên hơn 60 tuổi thuộc khu 6 đứng dậy và dũng cảm nói về những trải nghiệm của bà và chồng bà nhờ tập Pháp Luân Công, những thay đổi tích cực mà họ đạt được, và những nỗ lực của họ trong việc nói với người dân về cuộc đàn áp.

Ân Hồng Vân, người đứng đầu Bộ phận chuyển hoá và cải tạo chuyên tổ chức các cuộc họp hàng quý nổi giận và cấm học viên này tham dự các cuộc họp trong tương lai.

Để tăng tỷ lệ chuyển hoá, lãnh đạo nhà tù buộc các học viên đã “chuyến hoá” tham gia tẩy não các học viên kiên định hơn.

Gia đình các học viên bị bắt giữ cũng bị rơi vào tầm ngắm. Trước khi được phép thăm viếng, họ được yêu cầu có giấy chứng nhận từ ủy ban khu phố hay phòng cảnh sát địa phương chứng nhận không phải là học viên. Hơn nữa, các thành viên gia đình đôi khi bị ép buộc phải gây thêm áp lực lên những người thân của họ từ bỏ tập Pháp Luân Công.

Tra tấn thể xác và tinh thần

Khi bị đưa đến nhà tù vào tháng 03 năm 2010, có bảy học viên khác bị giam cùng với tôi trong khu 1, bao gồm:

• Hứa Cầm (bị kết án đến 10 năm)
• Tốn Mỹ Hoa (5,5 năm)
• Trình Mai (5 năm)
• Lộc Thủ Hoá (7 năm)
• Doãn Duy Bình (4 năm)
• Triệu Ngọc Cầm (5 năm)
• Vương Thần Lâm (3 năm)

Học viên Trình Mai bị hủy hoại tâm lý nghiêm trọng sau khi liên tục phải tham gia các lớp tẩy não. Năm 2009, cô đã bị đưa đến nhà tù Phổ Khẩu dành cho bệnh nhân tâm thần ở Nam Kinh. Sau khi được chuyển trở lại nhà tù nữ Nam Thông vào tháng 05 năm 2010, cô mắc đủ các loại bệnh vượt quá khả năng điều trị của các bệnh viện nhà tù. Lãnh đạo nhà tù cuối cùng phải thả cô ra để đi chữa trị.

Học viên Hứa Cầm phản đối việc bị tẩy não. Lính canh cùng với tù nhân Triệu Xuân đã buộc cô phải chạy dưới ánh nắng mặt trời như thiêu đốt trong những ngày hè nóng và viết báo cáo tư tưởng vào ban đêm. Đôi khi, cô bị bắt phải đứng suốt đêm.

Lính canh Trần Thuý Bình cũng xúi giục các tù nhân chửi mắng và đánh đập Hứa Cầm. Triệu Xuân là một trong những tù nhân đã đánh đập Hứa Cầm nhiều lần. Triệu Xuân là một thành viên của ĐCSTQ và từng là phó chủ tịch của một công ty ở thành phố Duyện Châu, trước khi bị kết án tám năm tù vì tội tham nhũng và biển thủ. Với sự cho phép và xúi giục của các viên chức, bà đã đánh đập các học viên một cách không thương tiếc.

Các viên chức yêu cầu cha mẹ Hứa Cầm đến nhà tù, nơi họ được lệnh phải quỳ trước mặt con gái của mình để cầu xin cô bỏ tập luyện Pháp Luân Công. Lính canh còn tập hợp các tù nhân khác để xem cảnh tượng đó và phát tán tin đồn rằng các học viên Pháp Luân Công không yêu thương gia đình của họ và không có sự tôn trọng đối với cha mẹ của họ.

Không còn cách nào để phản đối sự bức hại, Hứa Cầm đã tuyệt thực. Các lính canh bắt đầu bức thực cô thông qua lỗ mũi và tiếp tục tẩy não cô cả ngày lẫn đêm. Bởi vì cô Hứa từ chối không tiếp nhận, cô đã bị đưa đến nhà tù Phổ Khẩu vào tháng 04 năm 2011, nơi cô bị tra tấn nhiều hơn và bị tiêm thuốc tâm thần.

Ba tháng sau, cô Hứa bị chuyển trở lại nhà tù nữ Nam Thông. Cô chỉ còn da bọc xương, đầu bị cạo trọc, mắt nhìn chằm chằm vào khoảng không, và khuôn mặt không cảm xúc. Mặc dù đang trong hoàn cảnh bệnh tật nguy hiểm, lãnh đạo nhà tù vẫn chọn những tù nhân tệ hại nhất canh giữ cô hàng giờ. Những tù nhân này đã nguyền rủa và đánh đập cô Hứa thường xuyên để làm hài lòng các lính canh.

Học viên Vương Thần Lâm, khoảng 55 đến 60 tuổi, đã bị chuyển đến khu 1 vào tháng 10 năm 2012. Bà đã bị các tù nhân theo dõi hầu như cả ngày trong khi bốn lính canh tù thay phiên nhau để tẩy não bà. Do các học viên bị cô lập và thông tin hạn chế, tôi chỉ biết rằng bà là một cư dân thành phố Hoài An, đã có bằng cử nhân, và sức khỏe bị suy sụp.

Sau một thời gian tôi được thả ra vào tháng 01 năm 2013, Hứa Cầm và Vương Thần Lâm vẫn bị giam giữ ở khu 1 của nhà tù.

Lính canh và phạm nhân bắt đầu hiểu rõ hơn về cuộc đàn áp

Không chỉ các học viên bị tẩy não, lãnh đạo nhà tù còn tìm cách đầu độc những lính canh trẻ và những phạm nhân không phải học viên. Thông thường, các lính canh và phạm nhân từng gặp các học viên đều hỏi: ”Các học viên Pháp Luân Công đã phạm tội gì?” Vương Ngạn, phó chính trị viên trả lời một cách hằn hoc: ”Họ đã phạm tội ác chống lại xã hội.” Một vài người đã tin lời nói đó.

Một trong những cảnh sát trẻ là Khiếu Trần. Cô đã không thể kìm nén sự im lặng sau khi thấy cách những phạm nhân đối xử với học viên Hứa Cầm. Cô nói với phạm nhân đó: ”Đừng đối xử tệ với cô ấy nữa. Cô ấy không phải hạng người như anh. Cô ấy không phạm bất kỳ tội ác nào ngoài việc có đức tin của mình.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/8/10/江苏南通女子监狱一监区的暴行-295819.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/9/27/3463.html
Đăng ngày 01-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share