Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 06-10-2014] Hàng ngày họ dậy từ 5 giờ 45 sáng để bắt đầu lao động vào lúc 6 giờ. Một số người trong đó thậm chí còn làm việc ngay khi rời khỏi giường để có thêm vài phút ngủ quý giá. Đến tận 7 giờ 30 mới có nước sinh hoạt, do đó các nhà vệ sinh luôn ngập trong mùi hôi thối.
Các nguyên liệu và sản phẩm bao bì đóng gói thực phẩm được làm trực tiếp tại các buồng giam, mỗi buồng giam khoảng hơn hai mươi người, “các công nhân” ăn, ngủ, lao động và đi vệ sinh đều trong chính buồng giam này. Ngày qua ngày, họ phải làm việc trong bụi bặm, môi trường bẩn thỉu và thở trong không khí độc hại, làm ra những sản phẩm cũng chứa bụi bẩn độc.
Rất khó có thể tưởng tượng ra các điều kiện lao động nguy hiểm này trong xã hội đương đại, nhưng tại Trại tạm giam Tần Hoàng Đảo, chúng hoàn toàn là thật đối với các tù nhân. Nằm ở tỉnh Hà Bắc, giáp với Bắc Kinh, trại tạm giam này sản xuất nhiều loại bao bì đóng gói thực phẩm khác nhau của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc.
Các bao gói thực phẩm sang trọng được sản xuất ở trại tạm giam Tần Hoàng Đảo. Ba nhãn hiệu nổi tiếng thể hiện trên đây lần lượt đến từ các công ty có trụ sở chính ở Thiên Tân, Thượng Hải và Bắc Kinh
Thời gian lao động dài và lao động cường độ lớn
Nằm ở khu hải cảng phía Tây Bắc của Tần Hoàng Đảo, trại tạm giam Tần Hoàng Đảo giam giữ hơn 1.000 người, bao gồm gần 20 học viên Pháp Luân Công. Tất cả họ bị cưỡng bức lao động mà không được trả tiền.
Từ tháng 10 năm 2013 đến tháng 02 năm 2014, tù nhân phải lao động từ 6 giờ sáng tới 7-8 giờ tối tất cả các ngày trong tuần. Khi bị giao việc nhiều hơn, họ phải làm việc tới 10 giờ tối hoặc muộn hơn. Những tù nhân tạm giam đôi khi bị ép đứng trong hai, ba giờ hoặc lâu hơn trước khi đi ngủ – một thủ tục được gọi là “đang làm nhiệm vụ”. Kết quả là, một số tù nhân tạm giam đi ngủ càng sớm càng tốt khi họ được cho phép mà không cần tắm rửa. Các ngày nghỉ lễ quốc gia vẫn bị coi là ngày làm việc, kể cả Đêm giao thừa đón năm mới.
Từ năm 2011 đến 2013, trại tạm giam này phải sản xuất chất liệu bao bì đóng gói đặc biệt cho một công ty ở phía Nam Trung Quốc. Để tạo ra chất liệu này, tù nhân phải đặt một tấm thiếc rất mỏng lên một tờ giấy màu nâu đều có khổ A4, căng thẳng chúng bằng tay và ép chúng bằng con lăn lăn đi lăn lại cho tới khi hai lớp [thiếc và giấy] được ép thành một tấm mà không bị rách hoặc nhăn.
Mỗi tù nhân tạm giam được giao 1.700 tờ mỗi ngày. Bất kỳ ai không hoàn thành số lượng của họ sẽ bị cấm ngủ và bị bắt đứng trong thời gian dài. Công việc lặp đi lặp lại này gây ra các cơn đau dữ dội ở phần thắt lưng, xương sống và hai cổ tay. Da của họ cũng bị ăn mòn và để lại các vệt bớt lớn trên các cánh tay do tiếp xúc quá lâu với các tấm thiếc.
Nhiệm vụ khác là cần phải làm ra các cốc giấy dùng cho sản phẩm bánh. Mỗi ngày, mỗi tù nhân tạm giam nam được giao ít nhất 3.000 cốc, trong khi tù nhân nữ nhận chỉ tiêu khác nhau, từ 1.000 đến 2.000 hoặc hơn – trong một phòng giam nữ, các lính canh thậm chí còn giao hơn 4.000 cốc giấy cho một người. Lao động cường độ lớn và thời gian dài này lại không có thời gian nghỉ ngơi đã khiến nhiều người kêu mệt mỏi. Đôi tay của họ thường sẽ run lẩy bẩy thậm chí trong cả lúc ngoài giờ làm.
Tương tự như các tấm thiếc nêu trên, keo dùng để làm ra các cốc giấy này cũng độc hại, nó làm bỏng da và để lại các vết thâm tím trên các ngón tay. Để đẩy nhanh quá trình làm khô, tất cả các cửa sổ được mở ra, kết quả là, nhiệt độ thấp vào những ngày đông thường gây ra cơn đau dữ dội ở cẳng chân và bàn chân. Trong suốt mùa hè, các buồng giam thường ẩm và nóng bởi vì không có điều hòa không khí hoặc quạt.
Bất chấp điều kiện làm việc thiếu thốn, các học viên bị ép làm việc mà không có ngoại lệ. Khi học viên Pháp Luân Công, bà Lý Lệ Lệ từ chối lao động cưỡng bức, các lính canh đã phun hỗn hợp nước hạt tiêu lên mặt bà. Họ cũng di chuyển học viên khác là bà Triệu Quốc Hoa đến một phòng giam với khối lượng công việc nặng nề hơn sau khi bà phản đối lao động cưỡng bức. Bà Trương Tiểu Kiệt, một học viên Pháp Luân Công khác đã thành thật trả lời bảng câu hỏi từ Văn phòng Viện kiểm sát Tần Hoàng Đảo, và phải chịu sự trả đũa tồi tệ. Nhân viên Hồ Vỹ đã còng tay, xích chân bà và bỏ bà ngoài hành lang trong hai tuần.
Tái hiện tra trấn: Tay bị còng và chân bị xích
Điều kiện lao động khủng khiếp
Thức ăn ở Trại lao động Tần Hoàng Đảo thật kinh khủng: bánh bao thối cho bữa sáng và tối, và hai cái bánh bao loại này cộng với một bát canh cải cho bữa trưa. Bánh bao vừa thô vừa khó nuốt. Canh thì gần như không có dầu ăn, không có bất kỳ gia vị gì. Tuy nhiên, thực đơn được dán trên phòng ăn – để thể hiện cho khách thăm quan hoặc thanh tra – là danh sách các đĩa thức ăn như trứng rán với cà chua và đậu hũ kho.
Sự thiếu hụt dinh dưỡng đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của tù nhân tạm giam, khiến họ yếu và gầy gò. Thực tế thì những món ăn đặc biệt có thể mua riêng, song chỉ vài tù nhân có thể đủ khả năng mua chúng: mỗi đĩa có giá 30 nhân dân tệ, và để có bữa ăn như vậy thường sẽ cần thêm khoảng 1.000 nhân dân tệ mỗi tháng – mức lương trung bình của công nhân ở một thành phố nhỏ.
Các phương diện sinh hoạt khác ở trại tạm giam cũng không khá hơn chút nào. Mặc dù nước máy không uống được, tù nhân không có lựa chọn nào khác là phải uống thứ nước này. Nước, thường bị mặn không rõ nguyên nhân, cũng được sử dụng để lau rửa, tắm và giặt quần áo.
Tuy nhiên, được dùng nước là một sự xa xỉ bởi vì nó chỉ có vào buổi sáng sớm và buổi tối. Giá xà phòng cũng đắt cắt cổ: 5 nhân dân tệ cho xà phòng giặt và 7 nhân dân tệ cho xà bông rửa tay. Mặc dù giá quá đắt nhưng chất lượng của chúng quá tệ – ít bọt và không thể giặt sạch các vết bẩn, điều này khiến nhiều người tin rằng chúng là hàng giả.
Thời gian nghỉ giải lao cũng bị cắt giảm để thu được lợi nhuận tối đa. Cục quản lý nhà tù tỉnh Hà Bắc yêu cầu các trại tạm giam cho tù nhân 2 lần nghỉ giải lao 30 phút mỗi ngày, nhưng chính sách này thường bị bỏ qua. Khi khối lượng công việc tăng lên, như quãng thời gian giữa tháng 10 năm 2013 và tháng 04 năm 2014, các tù nhân chỉ được phép nghỉ 20 phút mỗi ngày.
Thông tin này có ý nghĩa gì với người tiêu dùng
Các loại nguyên liệu bao bì đóng gói này, được làm từ lao động cưỡng bức trong môi trường mất vệ sinh, được dùng trực tiếp để gói bánh nướng, đồ tráng miệng hoặc các loại thực phẩm khác mà không được rửa lại. Ngoài ra, dư lượng hóa chất vốn gây độc hại cho tù nhân cũng bị ẩn giấu trong bao gói thực phẩm và người tiêu dùng sẽ chạm vào nó khi họ mở thức ăn ra.
Mặc dù nhiều người thích các mặt hàng thực phẩm ngon miệng có thương hiệu này, song rất ít người biết rằng đằng sau chúng là lao động cưỡng bức hoặc các điều kiện mất vệ sinh, và mối nguy hại chúng mang đến cho cả người làm cũng như người tiêu dùng.
Thông tin liên hệ của trại tạm giam Tần Hoàng Đảo: Khu hải cảng của thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
Giám đốc trại tạm giam: Lý Hoa Hưng, +86-335-7827597, +86-335-7827593, +86-15903396969
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/9/30/298306.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/10/6/146262.html
Đăng ngày 26-10-2014. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.