Bài của một học viên ở Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-07-2013] Một học viên lớn tuổi tham dự nhóm học Pháp của chúng tôi. Một chân của bà ấy bị đau trong một thời gian dài. Khi bà ấy cùng chúng tôi phát chính niệm, bà ấy không thể ngồi song bàn và cảm thấy khá thất vọng về việc này. Trong khi học Pháp, bà ấy thường phải xoa bóp chân của mình cho đỡ đau. Một số đồng tu đã cố gắng giúp bà ấy bằng cách nói với bà rằng bà phải hướng nội để tìm ra nguyên nhân, nhưng vấn đề của bà ấy vẫn tiếp diễn. Một số học viên cảm thấy họ có trách nhiệm phải khuyên nhủ bà ấy hướng nội và tiếp tục nói với bà ấy những gì bà ấy nên làm. Cuối cùng, bà ấy trả lời: “Nếu anh/chị không muốn giúp tôi bằng cách phát chính niệm, việc đó cũng không sao cả. Nhưng tại sao anh/chị liên tục ra lệnh cho tôi?”

Tất cả chúng tôi cảm thấy rằng bà ấy có ngộ tính kém. Chân bà ấy vẫn đau, và mối quan hệ của chúng tôi với bà ấy trở nên xấu đi.

Có một lần, bà ấy ra về ngay sau khi chúng tôi học Pháp xong, trước lúc thảo luận. Những người còn lại trong nhóm ở lại để chia sẻ nhận thức của chúng tôi về vấn đề này. Một đồng tu và tôi tin rằng có thể thiếu sót nào đó trong nhóm học Pháp của chúng tôi đã gây ra sự việc này. Chúng tôi cho rằng tất cả chúng tôi nên hướng nội để tìm nguyên nhân.

Tôi chia sẻ: “Là học viên, không nên có sự phân biệt địa vị, tuổi tác, giàu nghèo, hoặc các nhân tố khác.Tuy nhiên, tôi không muốn học Pháp với những người lớn tuổi, bởi vì tôi tin rằng họ khá chậm và ngộ tính không cao. Đây là một ý niệm người thường đã gây ra vấn đề. Một ý niệm người thường phổ biến khác là thái độ “cao quý hơn người” của chúng ta. Hầu hết mọi người khó có thể chấp nhận một thái độ như vậy. Trên bề mặt, chúng ta đang cố gắng giúp đỡ người khác. Tuy nhiên sâu bên trong, chúng ta đang cố gắng chứng thực bản thân.”

Về mặt lý thuyết, là học viên, chúng ta nên chấp nhận vô điều kiện bất kỳ lời khuyên nào có thể giúp chúng ta đề cao tâm tính. Tuy nhiên, khi một học viên đang trải qua khổ nạn, tâm trí của người đó không như lúc bình thường. Như vậy, mặc dù những lời chúng tôi nói có thể là đúng, nếu đằng sau lời chúng tôi nói là các ý niệm người thường như “Tôi nhận thức tốt hơn” hoặc “Bạn nên nghe tôi,” người nghe sẽ rất khó tiếp thu những lời khuyên.

Sau đó, tất cả chúng tôi tìm thấy những thiếu sót của mình. Sau khi chia sẻ thêm, chúng tôi ngộ ra rằng vấn đề trong nhóm học Pháp của chúng tôi thực sự là để tất cả chúng tôi đề cao tâm tính của mình. Khổ nạn không chỉ dành riêng cho học viên lớn tuổi; mà còn cho phép tất cả chúng tôi xem xét lại chính mình. Ví dụ, khi chúng tôi nói chuyện về Đại Pháp hay Sư phụ, chúng tôi đã có tâm thái nào? Liệu chúng tôi đã có thái độ nghiêm túc, kính trọng và biết ơn chưa? Liệu chúng tôi đã hoàn toàn tín Sư chưa? Chúng tôi có đối đãi từ bi với các bạn đồng tu không? Tại sao những lời của chúng tôi không thể khiến người khác cảm động? Tôi nhớ một học viên lớn tuổi khác đã nói với chúng tôi rằng chúng tôi không từ bi. Chúng tôi cần phải tự vấn bản thân xem liệu nó có đúng trong trường hợp này hay không.

Một vấn đề quan trọng khác là phải chăng chúng tôi đang tu luyện Đại Pháp để cải thiện cuộc sống của mình tại nhân gian. Mặc dù vấn đề này đã được chỉ ra trong bài viết của Sư Phụ “Tiến đến viên mãn” – (Tinh tấn yếu chỉ II) hơn mười năm trước, chúng tôi đã không loại bỏ chấp trước căn bản này. Chúng tôi có thể không viên mãn được vì chấp trước này. Sau đó, các đồng tu nhận ra rằng nếu chúng ta thực sự từ bi, chúng ta sẽ tiếp tục muốn những điều tốt cho người khác dù họ có chấp nhận lời đề nghị của chúng ta hay không. Trách cứ và không quan tâm đến người khác vì họ không chấp nhận lời khuyên của chúng ta không phải là từ ​​bi.

Sau khi chúng tôi phát hiện ra những thiếu sót của mình, chúng tôi muốn giải thích với người học viên lớn tuổi về những gì chúng tôi đã nhận ra bằng cách hướng nội. Thật bất ngờ, khi bà ấy đến học Pháp, trước khi chúng tôi có cơ hội nói bất cứ điều gì, bà ấy nói: “Anh/chị không cần phải nói với tôi bất cứ điều gì. Như tôi đã nói trước đây, ngay sau khi anh/chị đề cao tâm tính của mình, mọi việc sẽ tốt đẹp.” Các đồng tu hỏi thăm cái chân đau của bà ấy. Bà mỉm cười và nói rằng chân của bà đã đỡ hơn nhiều. Tại thời điểm này, tôi chợt nhớ tới lời giảng của Sư phụ trong cuốn Chuyển Pháp Luân:

“Chỉ có trường năng lượng của tu luyện chính Pháp mới có tác dụng như vậy. Do đó trong Phật giáo quá khứ có câu rằng: “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh”, chính là ý nghĩa này.”

Miễn là trường của chúng ta chính, nó có thể hóa giải mọi vấn đề.

Tôi sẽ chia sẻ vắn tắt hai ví dụ khác:

Một điều phối viên lo ngại về một cuộc xung đột đã tồn tại giữa cô và một học viên khác. Cô đã gửi một tin nhắn ngắn tới người học viên kia, nói về những khó khăn cô phải đối mặt với vai trò là một điều phối viên. Người học viên kia muốn an ủi cô và đã từ bi hồi âm lại. Lần sau khi họ gặp nhau, người học viên này nói với cô ấy: “Lúc trước tôi có rất nhiều điều cần nói với chị, nhưng sau khi tôi nhận được tin nhắn của chị, tôi không thể nhớ tôi muốn nói gì.”

Học viên A đã gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua khổ nạn. Trong một buổi chia sẻ ở địa phương, cô kể với các học viên về những khó khăn của mình và bày tỏ sự bất bình. Điều phối viên đã ngăn cô ấy lại vì cho rằng những gì cô ấy nói sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc gặp mặt. Sau đó, khi học viên B chỉ ra những gì học viên A đã làm sai, học viên C nói với B: “Đừng nhận xét sau lưng của người khác. Một đồng tu đang gặp khó khăn để vượt qua khổ nạn. Tại sao chúng ta lại khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn cho cô ấy? ” Học viên B nhận ra rằng những nhận xét ​​tiêu cực của mình không phù hợp và đã soạn một tin nhắn ngắn gửi cho A. Ngày hôm sau, họ gặp nhau và đã có một buổi chia sẻ hữu ích. Điều tuyệt vời là học viên B không phải nói học viên A nên làm gì. Sau khi học viên A kể lại vấn đề của mình, cô nhận ra rằng nguyên nhân gây ra vấn đề của mình chính là tâm hư vinh.

Rất nhiều ví dụ khác như vậy sẵn có trong nhóm học Pháp của chúng tôi, nhưng tôi sẽ không viết nhiều hơn. Dựa trên các ví dụ trước, tôi nghĩ rằng miễn là chúng ta dĩ Pháp vi Sư và hướng nội bất cứ khi nào chúng ta gặp phải vấn đề, một biến đổi tích cực sẽ xảy ra. Là học viên, tốt nhất là chúng ta nên hướng nội  đề cao tâm tính để có có thể thực hiện hiệu quả hơn tất cả những việc chúng ta cần phải làm.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/2/25/向内找-我们都提高了-268197.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/7/22/141168.html

Đăng ngày 12-08-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share