Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-05-2013] Tôi đã bị chấn động sau khi đọc một bài của Ban biên tập Minh Huệ có bình chú của Sư phụ về tâm hiển thị. Tôi đã đọc đi đọc lại nó nhiều lần. Trên bề mặt, bài viết dường như rất ít liên quan đến tôi, nhưng khi tôi tĩnh tâm và hướng nội, tôi kinh ngạc nhận ra rằng mình cũng đã nói và làm những việc phá hoại Pháp. Những việc đó bắt nguồn từ những chấp trước chưa hoàn toàn được loại bỏ của tôi vào danh tiếng và hiển thị. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ về việc này và không bao giờ muốn suy xét những việc như vậy. Nhưng tôi phải đối mặt với những sai lầm của mình, phơi bày chúng, và chính lại bản thân.

Nhìn lại quá trình tu luyện của mình, tôi thấy rằng tâm lý hiển thị là chấp trước căn bản của tôi. Tôi lớn lên trong một môi trường nơi mà tất cả những người khác đều phải ghen tỵ với tôi. Trong công việc, những dịch vụ của tôi là cần thiết, và mọi người xung quanh đều khen ngợi, tán dương, và nói những điều dễ nghe với tôi. Dần dần, tôi đã quen với việc đó và trở nên kiêu ngạo, kẻ cả. Vì tôi dễ tính và có những mối quan hệ tốt, những chấp trước này đã không lộ ra một cách rõ ràng.

Sau khi bắt đầu tu luyện, tôi biết rằng đây không phải là những đặc điểm tốt, và để tu bỏ chúng đi, tôi đã phải chịu khổ rất nhiều. Tôi là một điều phối viên trong suốt gần chục năm của cuộc bức hại. Tôi đã chú ý rất nhiều đến việc học Pháp và thuộc lòng Pháp, và tôi thường có thể hướng nội mỗi khi tôi gặp phải vấn đề, cũng như tôi có thể chú ý đến lời nói và việc làm của mình. Tôi cố gắng hết sức để làm việc chiểu theo Pháp, và cố không mắc sai lầm hay gây thiệt hại. Nhiều đồng tu công nhận tôi, khen ngợi tôi, và tán dương tôi. Tôi không biết về thiệt hại mà sự tán dương này có thể gây ra, và nghĩ rằng tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi những lời tán dương đó, nhưng tôi lại thích nghe chúng.

Các đồng tu coi trọng và đánh giá cao những khả năng của tôi. So với những người khác, tôi học Pháp rất nhiều, và nhiều học viên cảm thấy rằng tôi hiểu Pháp tốt, và họ thích thảo luận với tôi. Tất cả họ đều thích chia sẻ của tôi khi chúng tôi học Pháp nhóm. Dần dần, tôi trở nên khá nổi tiếng trong khu vực của mình. Mỗi khi tôi đi đến các tỉnh hay thành phố khác, nhiều người đã đến buổi chia sẻ và lắng nghe, thỉnh thoảng còn có vài nhóm đến nghe. Tôi không thích như vậy, và cảm thấy việc này không đúng với Pháp, nhưng tôi không thể từ chối khi ban tổ chức nói rằng những người khác cũng chia sẻ chứ không chỉ riêng tôi. Nhưng tôi để ý rằng tôi là người nói nhiều nhất. Trên đường về nhà, những lời nói và việc làm của tôi lại hiện lên như một thước phim và khiến tôi cảm thấy khó chịu.

Tôi thường nhớ Sư phụ đã giảng:

“Cuối cùng người ta tín phụng họ, cho rằng họ giảng có đạo lý; sau đó ngày càng tin tưởng họ; kết quả một số người sùng bái họ, không sùng bái tôn giáo. Tâm danh lợi của họ xuất hiện, [họ] bảo đại chúng phong [cho họ] làm [vị] nào đó; từ đó trở đi họ lập ra một tôn giáo mới. Tôi nói với mọi người rằng chúng đều thuộc về tà giáo; dẫu chúng chẳng hại người, chúng vẫn là tà giáo. Bởi vì chúng can nhiễu đến [việc] con người tin vào chính giáo; chính giáo là độ nhân, còn chúng thì không thể.” (Chuyển Pháp Luân)

Để không mắc vào việc như vậy, tôi không bao giờ chủ động tham gia những buổi giao lưu chia sẻ, và nhiều lần tôi chỉ đi một cách miễn cưỡng. Vì tôi là điều phối viên, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là trong những năm đầu của cuộc bức hại. Nhằm động viên thêm nhiều học viên bước ra, đã có thêm nhiều buổi giao lưu chia sẻ, và tôi không thể tránh chúng. Từ những lời ca ngợi và tán dương của họ, tôi thấy rằng người ta đang ngưỡng mộ tôi, và tâm hiển thị của tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi vẫn có thể hướng nội những lúc đó, nhưng tôi thấy mình giống như một tên hề đang biểu diễn, tôi thấy thật tệ mỗi khi tôi nhận ra những lời nói và hành động của mình không chiểu theo Pháp, và tôi quyết định không đi đến các buổi giao lưu chia sẻ nữa. Khi tôi đi đến đâu, tôi cũng không thông báo cho ai. Tôi chỉ đi và giải quyết vấn đề, trông coi công việc, rồi trở về nhà. Nhưng những điều phối viên địa phương vẫn thường tụ tập các học viên để chia sẻ. Tôi chú ý rằng mình vẫn còn có tâm hiển thị mạnh mẽ. Càng nhiều người đến thì tôi càng vui. Tôi vẫn chưa thể điều khiển bản thân tốt.

Nhờ học thuộc lòng Pháp, tôi nhận ra rằng chấp trước hiển thị của mình vẫn chưa được loại bỏ. Nhằm loại bỏ chấp trước này, tôi từ chối tham dự những buổi giao lưu chia sẻ, và trở lại là một học viên bình thường thay vì làm một điều phối viên. Nhưng các đồng tu cố thuyết phục tôi rằng tôi nên tiếp tục vì đó là trách nhiệm của tôi. Khi tôi ngừng làm điều phối viên, tôi đã bị bức hại hai lần.

Trong từ hai đến ba năm, tôi đã không nhận trách nhiệm làm điều phối viên, mà chỉ tập trung vào các hạng mục. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều, và thấy rằng mình không còn có xu hướng hiển thị không tốt nữa. Nhưng gần đây, tôi lại được đề nghị điều phối công việc, và tôi phát hiện ra rằng những chấp trước của mình vẫn chưa được loại bỏ mà vẫn còn ở đó. Tôi biết rằng bây giờ mình phải tu luyện vững vàng và không thể tránh làm điều phối viên nữa. Tôi lại được đẩy lên tuyến đầu. Dường như tôi khá nổi bật, và mọi người tin cậy và chú ý đến tôi. Tôi giỏi xử lý công việc, biết phải làm gì, giỏi bày tỏ ý kiến cũng như thể hiện quan điểm của mình, và có khả năng chỉ huy những người xung quanh. Tuy nhiên, tôi phát hiện rằng mỗi khi mở miệng nói là tôi đang chứng thực bản thân; nó đã trở thành tự nhiên. Tôi để ý rằng những lời nói của mình không thuần tịnh, mà chứa đựng trong đó những thứ không phù hợp. Tôi đã cảm thấy rất khổ sở.

Sư phụ giảng:

“Có danh [tiếng] không nhất định là minh bạch.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng chính vì tôi không hiểu rõ điều gì đó, tôi mới trở thành một người “nổi tiếng” ở địa phương. Vì tôi đã không hiểu Pháp trên cơ sở của Pháp, tôi chỉ đang đè nén việc hiển thị trên bề mặt, và thụ động tránh những tình huống mà chúng có thể xảy ra. Thật khó để loại bỏ xu hướng to lớn mà tôi đã tích tụ qua thời gian này.

Tôi đã kiên trì học thuộc lòng Pháp từ năm 2005. Tôi đã xem đi xem lại bài giảng của Sư phụ cho các học viên ở châu Úc. Tôi ngộ ra rằng đằng sau tâm hiển thị là sự ngoan cố, kẻ cả, thấy rằng mình tốt hơn những người khác và một ý thức chứng thực bản thân mạnh mẽ. Đây là những trở ngại chủ yếu trên con đường tu luyện của tôi. Vì chấp trước hiển thị, tôi đã hình thành một cảm giác chứng thực bản thân mạnh mẽ.

Sau khi ngộ ra, tôi đã loại bỏ được phần nhiều tâm lý hiển thị thông qua việc tu luyện kiên định. Nhưng tôi nhận thấy rằng tâm lý của tôi vẫn chưa ngay chính lắm sau khi tôi hoàn thành tốt một việc gì đó. Sư phụ giảng:

“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ.” (Chuyển Pháp Luân)

Nhưng tôi vẫn phát sinh những cảm xúc người thường khi người khác tặng lời khen, và vẫn nghĩ rằng việc đó cho thấy rằng mình có giá trị.

Sau khi học các bài kinh văn được đăng sau năm 2009, tôi nhận ra rằng tôi đã không kiểm soát tốt bản thân là vì tôi vẫn chưa tìm được chân ngã của mình. Dù trên cơ sở của Pháp tôi nhận ra rằng đó không phải là tôi, tôi vẫn cảm thấy rằng đó là tôi, và những sinh mệnh trong các không gian khác đã làm tăng cường cảm giác này. Nhưng khi tôi có thể tìm được chân ngã của mình, tâm hiển thị đó không còn khó để loại bỏ nữa, và giờ tôi đang kiểm soát bản thân mình càng ngày càng tốt hơn.

Gần đây tôi đã đọc những bài viết của Ban biên tập Minh Huệ và học đi học lại bình chú của Sư phụ, cũng như đọc lại Tinh Tấn Yếu Chỉ và Chuyển Pháp Luân. Giờ tôi đã hiểu nhiều thứ rõ hơn. Tôi thật sự cảm nhận được Đại Pháp đã thay đổi tôi về căn bản.

Nhờ những thay đổi này, cuối cùng tôi đã nhận ra rằng vì những tình cảm con người mà tôi đã chứng thực bản thân, bất kính với Sư phụ và phá hoại Pháp. Khi chia sẻ với các đồng tu, khi hiển thị bản thân, tôi đã không chứng thực Đại Pháp và Sư phụ. Thay vào đó, tôi đang giải thích tôi đã làm như thế nào và tôi hiểu như thế nào. Tôi đã áp đặt ý kiến của mình lên những người khác, và vô ý để các đồng tu ngưỡng mộ mình. Những lời nói và việc làm của tôi không đặt trên cơ sở của Pháp. Khi tôi trích dẫn Pháp của Sư phụ, tôi đã không nói rõ đó là điều Sư phụ nói, vì tôi thấy rằng mọi người đã biết điều đó rồi, vì vậy tôi nghĩ rằng không cần phải giải thích. Thậm chí khi tôi giải thích rằng đó là điều Sư phụ nói mà vẫn tiếp tục nói không ngừng, đó chẳng phải vẫn là phá hoại Pháp sao?

Sư phụ giảng cho chúng ta:

“Trong Pháp tôi đã giảng nhiều lần về sự xuất hiện của kinh sách Thích giáo và mạt Pháp, chủ yếu là do những người dùng lời của chính mình và nhận thức của bản thân cho lẫn vào Phật Pháp mà thành, đó là bài học giáo huấn lớn nhất trong lịch sử, tuy nhiên có một số đệ tử mà tâm người thường chưa bỏ, bị lợi dụng bởi ma tính của chấp trước vào tâm hiển thị khẩu tài, văn tài, từ đó phá hoại Phật Pháp một cách không tự giác.” (Phật tính vô lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Từ lâu Sư phụ đã cảnh tỉnh chúng ta:

“Loạn Pháp có nhiều loại hình thức, trong đó phá hoại một cách vô ý từ nội bộ học viên là khó nhận ra nhất, mạt Pháp của Thích giáo chính là bắt đầu như thế, bài học giáo huấn này rất sâu sắc.” (Cảnh tỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Bây giờ tôi đã thật sự nhận ra được sự nghiêm túc của tu luyện. Theo bài “Một Đòn Nặng” của Sư phụ, chúng ta nên học Tinh Tấn Yếu Chỉ [ít nhất] mười lần. Nếu chúng ta thật sự tin vào Sư phụ thì dù chúng ta đã hiểu nhiều đến đâu, chúng ta vẫn nên đọc cuốn sách mười lần. Như vậy thì sẽ khó phạm phải những sai lầm mà tôi đã phạm. Sư phụ đang trực tiếp cứu chúng ta, và trong toàn vũ trụ, các vị Thần đang ghen tỵ với chúng ta. Nếu chúng ta không học Pháp tốt thì chúng ta còn truy cầu điều gì nữa?


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/5/27/显示心不去就是乱法的因素-274527.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/6/21/140608.html

Đăng ngày 17-07-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share