[MINH HUỆ 09-09-2012] Tô Tiên Lĩnh tọa lạc tại lưu vực sông Sâm Giang ở Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam. Trong khung cảnh núi đá sông nước xanh trong mỹ lệ tại Tô Tiên Lĩnh, vẫn còn lưu lại câu chuyện mang dấu ấn thần tích 2000 năm trước: Tô Tiên bay về trời.

Vào năm thứ 4 của triều Tây Hán Huệ Đế (năm 191 trước CN), một cô nương họ Phan từ thôn Đông Áp Tử Đường, Sâm Châu đang giặt quần áo trên một tảng đá lớn ven bờ sông Sâm Giang; tức thì, có một đám bèo tiên nổi lên trên mặt nước, trông đẹp phi thường, vây quanh quấn quýt tảng đá lớn mà xoay chuyển mấy vòng. Phan cô nương vui mừng thưởng thức cảnh bèo tiên, bất giác nảy sinh cảm giác khác lạ, về nhà không lâu thì phát hiện mình đã thụ thai. Mẹ cô thấy vậy mới đem chuyện ra hỏi, Phan cô nương sau đó kể lại sự tình, nhưng mẫu thân không tin sự thành thực của cô. Phan cô nương sau 10 tháng mang thai thì sinh hạ một bé trai, người nhà cảm thấy rằng việc cô sinh con khi chưa xuất giá là rất không ngay chính. Để tránh miệng lưỡi thị phi của thế gian, mẫu thân của Phan cô nương mang đứa trẻ đến bỏ lại trong động Đào Hoa dưới chân núi Ngưu Tì. Trên đường ra khỏi động, bà hướng lên trời phát thệ rằng: “Nếu nên người, đứa trẻ này sẽ vẫn sống sau 07 ngày, còn nếu không thành người, đứa trẻ sẽ sớm chết chỉ trong vòng 07 ngày”. Đến 07 ngày sau, nỗi nhớ con da diết khiến Phan cô nương vội vàng chạy đến động Đào Hoa, đến nơi thì kinh ngạc khi thấy một chú hạc trắng đang giang đôi cánh trắng muốt ấp ủ che chở cho đứa trẻ khỏi bị lạnh, và một con hươu cái đầu đàn mạnh mẽ đang cho đứa trẻ uống sữa. Phan cô nương rất xúc động trước cảnh tượng này, liền ôm đứa trẻ vào lòng, lén mang về bí mật nuôi dưỡng, quyết không xuất giá với người nào nữa.

Đứa trẻ lớn lên trong một căn phòng bí mật trong 07 năm. Cậu không biết bất kỳ ai ngoài mẹ của mình và thậm chí không có cả một cái tên. Một ngày nọ, đứa trẻ đột nhiên nói với mẹ: “Con nay đã lớn rồi, do vậy mẫu thân đừng giấu con thêm nữa.” Từ đó về sau, cậu bé mỗi ngày đều lên núi Ngưu Tì ở sau thôn để đốn củi cho gia đình. Núi Ngưu Tì non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình, là nơi các vị dị nhân thần tiên thường đến thoắt ẩn thoắt hiện. Một ngày nọ, cậu bé đi lên núi đốn củi và gặp một tiên ông. Tiên ông biết được rằng cậu bé này không có danh tính, mới hỏi xem cậu đã nhìn thấy những thứ gì khi ra khỏi cửa sớm hôm đó. Cậu nói rằng khi ngủ dưới một gốc cây, cậu đã thấy một người dùng thân cỏ xâu cá treo lên cành cây. Tiên ông nói:“Dùng thân cỏ treo cá là chữ ‘Tô’, dựa vào cây mà nằm ngủ là chữ ‘Đam’”, từ đó mới đặt tên cho cậu là Tô Đam. Tô Đam nhân đó đã theo tiên ông học Đạo thuật.

Chẳng bao lâu, Tô Đam tiến bộ rất nhanh trong việc học Đạo. Một ngày nọ, trong khi đang ăn cơm, Tô Mẫu vô tình buột miệng nói rằng muốn ăn món đặc sản cá ướp của huyện Tiện (nay là huyện Vĩnh Hưng). Sau khi nghe thấy vậy, Tô Đam đặt bát đũa xuống tức khắc đi ra khỏi cửa, chỉ trong chớp mắt, đã mang một đôi cá ướp trở về. Tô Mẫu thấy lạ liền hỏi: “ Sâm Châu cũng có bán cá ướp ư?” Tô Đam đáp lời Tô mẫu rằng: “Hài nhi đã đến huyện Tiện để mua cá về”. Một lần khác, Tô Mẫu lâm bệnh không thiết ăn uống gì, Tô Đam hỏi mẹ xem có muốn ăn gì không, Tô Mẫu nói muốn ăn đậu nhũ lên men sữa ở Tương Đàm, cách Sâm Châu đến 700 dặm. Không lâu sau, Tô Đam đã đến Tương Đàm mua đậu nhũ về cho mẹ mình. Tô Mẫu mặc dù rất vui mừng nhưng không tin rằng Tô Đam đã thực sự đến Tương Đàm để mua đậu nhũ. Hai tháng sau, cậu của Tô Đam đến vấn an Tô Mẫu và nói rằng đã từng có lần nhìn thấy cháu ngoại Tô Đam ở Tương Đàm. Tô Mẫu lúc đó mới tin rằng Tô Đam quả thực đã đến Tương Đàm, và quá đỗi kinh ngạc khi Tô Đam đi nhanh đến vậy.

Ngày 15 tháng 05, năm thứ 3 triều Hán Văn Đế (tức năm 177 trước CN), Tô Đam đạt viên mãn đắc Đạo. Buổi sớm hôm đó, khi Tô Đam đang phụng dưỡng mẫu thân, trên thiên không vang vọng thanh âm thiên nhạc uyển chuyển. Mười con hạc tiên tiếp nối nhau hòa vào làn sương khói mờ tím từ trên không trung giáng hạ xuống. Tô Đam đưa cho mẹ một chiếc hộp đá, nói rằng: “Những gì cần ắt sẽ có, nhưng cần phải cẩn trọng”, đồng thời cũng nói rằng khi dịch bệnh đến, lấy nước giếng trước sân và lá cây quýt có thể cứu người. Nói đoạn, Tô Đam cưỡi thiên hạc bay thẳng về trời. Từ đó về sau, núi Ngưu Tì đổi tên thành Tô Tiên Lĩnh.

Năm thứ 2 sau khi Tô Đam về trời, Sâm Châu quả nhiên bùng phát ôn dịch. Dịch bệnh tấn công mạnh mẽ, nhanh chóng lan ra khắp nơi, người chết không biết bao nhiêu chỉ trong một thời gian ngắn. Tô Mẫu làm theo lời dặn dò của Tô Đam, dùng nước giếng trước sân hòa với lá cây quýt đã cứu được rất nhiều người. Bệnh dịch ở Sâm Châu cuối cùng cũng kết thúc. Từ đó về sau, câu chuyện ngày càng lan truyền khắp xa gần.

Nói về hộp đá nhỏ mà mà Tô Đam để lại cho mẫu thân, mỗi khi Tô Mẫu cần điều gì đó, bà chỉ cần gõ vào hộp và thứ bà cần sẽ xuất hiện. Với chiếc hộp thần kỳ này, Tô Mẫu thọ đến 100 tuổi, không mắc trọng bệnh mà ly thế.

Nền văn hóa Trung Hoa là văn minh Thần truyền, số người tu thành đắc Đạo trong lịch sử là không kể xiết, không thể tính đếm, Tô Tiên chỉ là một trong số những người như vậy. Truyện cổ về Tô Tiên được ghi chép trong “Thần tiên truyện, Tô Tiên công” của Cát Hồng triều Tấn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/9/9/【神传文化】苏仙的故事-262601.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/9/20/135511.html

Đăng ngày 07-11-2012. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share