Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-03-2025] Một tháng trước, mẹ chồng tôi qua đời, hưởng thọ 90 tuổi. Mối ân oán dai dẳng giữa tôi và bà từ đó đã kết thúc. Trong hơn 20 năm qua, bà vẫn luôn mang đến cho tôi cơ hội đề cao tâm tính, mà mỗi lần đề cao đều gắn liền với sự chỉ đạo của Pháp lý Đại Pháp và sự điểm ngộ từ bi của Sư phụ. Có khổ não khi không vượt được quan, cũng có niềm vui và thần thánh khi tâm tính thăng hoa.

Nhìn lại con đường tu luyện của mình trong những năm qua, với tôi mà nói, mỗi quan mỗi nạn đều là khắc cốt ghi tâm, khó mà quên được. Chính Sư phụ vĩ đại đã kéo tôi lên khỏi vực sâu tăm tối và tẩy tịnh tôi. Ngài đã an bài cho tôi cơ hội tu luyện hết lần này đến lần khác.

1. Tích oán

Vì nỗi oán hận với mẹ chồng rất sâu sắc, nên khi mới đắc Pháp tôi đã nghĩ rằng không biết đến khi nào tôi có thể tâm bình khí hòa mà nói chuyện với mẹ chồng. Lúc có thể làm như thế, thì có lẽ tâm tính của tôi đã không thấp nữa. Bởi vì khi ấy tôi đang chuẩn bị bỏ nhà ra đi, tìm một ngôi chùa nơi núi sâu, tránh xa đám đông. Tôi không muốn bước chân vào cửa nhà họ dù chỉ nửa bước, mỗi khi nghe tiếng nói của họ, tim tôi lại đập nhanh. Vậy nên, tôi đã thầm hạ quyết tâm rằng đời này nhất định phải đi tìm con đường giải thoát! Đúng vào lúc này, tôi may mắn đắc Đại Pháp. Từ đó, tôi bước vào con đường tu luyện đầy gian nan của cuộc đời.

Năm 1997, tôi bắt đầu tu luyện. Khi ấy tôi rất ngây thơ cho rằng chỉ cần tôi nhẫn nhịn và chịu đựng thì có thể nhận được sự khoan dung và thông cảm của mẹ chồng. Nhưng sau này tôi phát hiện rằng, tu luyện không chỉ đơn giản như vậy. Một hôm, có người nói với mẹ chồng tôi: “Bà xem, con bé sau khi học Pháp Luân Công đã biết nhẫn rồi”. Mẹ chồng tôi bèn đáp: “Nó như vậy vì đuối lý chứ sao”. Khi có người nói: “Chuyện này là nó nhường bà đó!”, thì mẹ chồng tôi lại đáp: “Vì nó sợ tôi thôi”. Người mẹ chồng độc đoán áp đặt của tôi xưa nay chưa chịu thua ai bao giờ.

Về lợi ích cá nhân, tôi không so đo tính toán với người khác, tôi nhẫn nhịn không tranh cãi với người khác thì mẹ chồng tôi lại nói tôi là đồ ngốc, còn thường xuyên nói với mọi người rằng: “Con dâu nhà tôi là một con ngốc thế này thế kia”. Tôi nghĩ tôi là một người tu luyện nên cần phải tu bản thân, nhất định phải học cách khắc chế bản thân, vứt bỏ tâm oán hận, tâm tật đố và tâm tranh đấu. Nói thì dễ đấy, nhưng làm thì quả thật rất khó. Trong lòng tức giận nhưng không thể phát tác, lại còn phải nhẫn nhịn. Đoạn thời gian đó, tôi cảm thấy thật là quá khổ tâm. Tôi nghĩ nếu đã nợ người ta, vậy thì phải vô điều kiện mà hoàn trả vậy.

Năm 2001, tôi cùng hơn hai mươi đồng tu trong thôn lên Bắc Kinh thỉnh nguyện. Tôi bị bắt giam trong Trại tạm giam Bắc Kinh và bố chồng tôi đã tìm đến nhà của một đồng tu không đi Bắc Kinh, quát tháo om sòm: “Nó (ý chỉ tôi) mà về lần này, tôi sẽ đánh gãy chân nó” và còn nói những lời bất kính với Sư phụ Đại Pháp. Không lâu sau, ông phát hiện mình đã mắc bệnh ung thư phổi.

Sau khi được trả tự do khỏi Trại tạm giam Bắc Kinh tôi trở về nhà. Bố chồng tôi biết chuyện đã chủ động nói: “Gọi nó về đi, tôi đã như thế này rồi”. Có lẽ ông biết rằng thời gian của mình không còn nhiều nữa.

Về đến nhà, tôi nhìn thấy ông đang bệnh rất nặng, thở không ra hơi. Tôi thấy rất thương tâm và nói: “Bố hãy niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ đi”. Ông nói: “Muộn rồi”. Tôi bèn nói: “Vậy để con đọc sách cho bố nghe nhé?” Ông nói: “Đọc đi”. Nhưng mới đọc vài câu, ông đã thều thào nói: “Thôi đừng đọc nữa, cái con đọc làm bố phải suy nghĩ, nhưng đến cả suy nghĩ bố cũng thấy không còn sức nữa rồi. Ít hôm sau, ông đành vậy mà khỏi nhân gian. Ông là một sinh mệnh bị lừa dối bởi những lời dối trá của Trung Cộng, khi đối diện với thiện và ác đã đưa ra lựa chọn sai lầm mà huỷ đi sinh mệnh quý báu của mình.

Sau khi bố chồng tôi qua đời không lâu, tôi đã có một giấc mơ rất rõ ràng. Trong mơ, tôi nhìn thấy bóng lưng của bố chồng, khi ông quay người lại, đầu ông cúi xuống rất thấp. Lúc đó trong đầu tôi chợt lóe lên một niệm, ông biết bộ dạng của mình rất khó coi, ông sợ làm tôi và hai con sợ hãi. Ông cúi đầu cố gắng để quay hướng khác cho dễ coi hơn. Ông nhìn tôi bằng ánh mắt đờ đẫn u buồn và vô cùng thống khổ, rồi nói một câu: “Oan cho con rồi!” Trong tâm tôi chấn động, lập tức hiểu ra rằng ông đang muốn nói rằng ông đã hiểu lầm tôi trong sự việc trọng đại liên quan đến Pháp Luân Công. Ông đang dùng sự ăn năn hối hận để xin lỗi tôi và Đại Pháp, nhưng đã quá muộn.

2. Nuốt nước mắt mà nhẫn

Sau khi bố chồng tôi qua đời, mẹ chồng tôi trút hết mọi oán hận lên người tôi, thật là gây khó dễ trăm bề. Hôm nay thì bảo tôi đưa dầu ăn cho con gái bà, mấy hôm sau lại là bột mỳ, rồi vải, rồi đất… Tôi coi bản thân là một người tu luyện, vứt bỏ tâm chấp trước vào lợi ích, mặc dù trong tâm thấy bất mãn, nhưng tôi vẫn là cố nhẫn nhịn, không kêu ca nửa lời và cứ thế làm theo.

Hơn 10 năm qua, mỗi khi gặp mâu thuẫn trong gia đình tôi đều cố gắng hết sức chiểu theo những lời dạy của Sư phụ, hướng nội tìm vô điều kiện. Trong mâu thuẫn tu bỏ tâm oán hận, tâm tật đố và cái tâm tranh đấu ngoan cố kia. Trong hơn 10 năm, tôi cơm nước cho bà, còn đổ phân đổ nước tiểu cho bà. Người khác nhìn vào thì thấy tôi thật vất vả, nhưng tôi cảm thấy điều này rất bình thường, bởi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái, huống hồ tôi là một người tu luyện!

Thế nhưng dù cho tôi có cố gắng làm tốt thế nào thì đổi lại vẫn chỉ là hết lần này lần khác bị tổn thương, oan uổng và chửi mắng. Có những lúc không nhẫn chịu nổi, tôi cũng đã nghĩ đến việc bỏ đi. Nhưng cảm giác trách nhiệm lại bảo tôi phải tu tốt bản thân để chứng thực Đại Pháp. Dù cho mẹ chồng có đối xử thế nào với tôi, thì tôi đều tự nhủ bản thân không thể oán hận, nhất định phải nhẫn, phải khoan dung, phải thiện.

Rất nhiều người biết về hoàn cảnh gia đình tôi đều bất bình thay cho tôi, có người nói: “Bà ấy thấy cô yếu đuối nên bắt nạt”. Cũng có người nói: “Mẹ chồng cô không chết đâu, tôi thấy cả đời này cô cũng không thoát khỏi bà ấy đâu”. Có người nói: “Đổi lại là chị gái của cô, liệu bà ấy có dám đối xử như thế không?”

Một đồng tu bảo tôi: “Không biết kiếp trước chị nợ bà ấy bao nhiêu mà nhiều năm như thế rồi mà vẫn chưa trả hết!” Nhưng tôi lại nghĩ rằng đó là do tôi vẫn chưa hoàn toàn đạt được những yêu cầu khác nhau ở các tầng thứ khác nhau mà Sư phụ đặt ra cho tôi!

Tôi hiểu rằng nếu tôi không tu luyện, chắc chắn sẽ không gặp nhiều chuyện rắc rối như vậy và cái gia đình này đã sớm tan từ lâu rồi. Tôi nhớ lại trong “Chuyển Pháp Luân” có điển cố về Hàn Tín chịu nhục chui háng, thì so ra những gì tôi đang chịu đứng có đáng kể gì?

3. Buông bỏ oán hận, mây tan trời sáng

Một tháng trước khi mẹ chồng tôi qua đời, bà như bị quỷ ám vậy, bất kể là ngày hay đêm bà cũng luôn miệng la hét chửi bới. Điều đó khiến tôi kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần, sức chịu đựng của tôi đã đến mức cực hạn. Liên tiếp mấy ngày liền, tôi bị tiếng la mắng của bà đánh thức giữa đêm, nhìn đồng hồ thấy chưa đến một giờ sáng. Vì tiếng la hét quá lớn, tôi không sao ngủ tiếp được, chỉ đành ngồi dậy luyện công, tôi thầm nghĩ: “Hai lần trước mấy cô con gái của bà đều chăm bà được dăm ba bữa lại bỏ mặc. Mấy năm nay mẹ chồng tôi cứ lúc tỉnh lúc mê: lúc thì nói tôi trộm quần áo của bà cho người khác; lúc thì nói đưa cho tôi bao nhiêu tiền tôi đều mang cho người khác; ăn rồi lại nói là chưa ăn; đi tiểu rồi lại nói là chưa đi, còn muốn đi tiếp, cứ giày vò tôi lên xuống bốn, năm lần mới chịu thôi. Nếu không vừa ý, thì bà càng la hét lớn hơn. Mấy người con gái của bà cũng bị ăn mắng, nên họ cứ đùn đẩy thoái thác không muốn đến chăm bà nữa.

Tôi nghĩ: “Lần này họ nhất định phải tới chăm sóc bà. Vì tôi chịu đựng hết nổi rồi. Họ không chăm thì phải đưa tiền để tôi thuê người tới chăm bà, còn nếu họ không chi tiền cũng không chăm sóc, vậy thì phải kiện họ thôi”. Nhưng nghĩ lại: “Sư phụ ngày nào cũng dạy chúng ta phải cứu độ chúng sinh, thiện đãi người khác, ở đâu cũng phải nghĩ cho người khác. Nếu đòi tiền họ (họ vốn coi trọng tiền như hơi thở) chẳng phải họ sẽ hận mình đến chết sao? Họ mà oán hận mình rồi thì làm sao mình cứu độ họ được nữa? Chẳng phải là mình đang đẩy họ xuống vực sâu sao? Không được, tuyệt đối không được! Thôi bỏ đi, tiền cũng không cần nữa, cũng không cần họ chăm sóc nữa, chẳng qua chỉ là chịu khổ một chút thôi mà!”

Sư phụ giảng: Lấy chịu khổ làm vui” (Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm). Mười mấy năm gian khó cũng đã qua rồi (mẹ chồng tôi giờ đã 90 tuổi), dù mẹ chồng tôi còn sống bao lâu nữa, tôi cũng sẽ chăm sóc bà đến cùng mà không hề oán hận hay hối tiếc!

Nghĩ đến đây, thân tâm tôi cảm thấy có một một sự nhẹ nhõm, vui vẻ và giải thoát chưa từng có. Từ đó, tôi hoàn toàn buông bỏ tất cả tâm oán hận, tâm tranh đấu, tâm lợi ích đối với họ. Trong suốt bao nhiêu năm tu luyện, tôi đã hết lần này đến lần khác cảm nhận được sự mỹ diệu và thần thánh của việc buông bỏ chấp trước và tu xuất tâm vị tha.

Khi tôi xuất ra được một niệm chân tâm vì bà, thì ngay ngày hôm sau, mẹ chồng tôi bắt đầu ngủ li bì, đến bữa tôi đều phải đánh thức bà dậy ăn. Nhớ lại, những ma nạn mà tôi đã trải qua, đều là do nợ nghiệp mà bản thân đã nợ từ đời đời kiếp kiếp gây ra, Sư phụ đã khéo léo lợi dụng những điều đó để ma luyện đệ tử, khảo nghiệm đệ tử và thành tựu đệ tử! Không biết Sư phụ đã phải phó xuất bao nhiêu tâm huyết để làm những điều này cho người đệ tử kém cỏi như tôi. Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi khổ độ!

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/24/490469.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/5/17/227833.html