Bài viết của Thanh Tân, một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-03-2025] Từ khi bắt đầu có ký ức, tôi vẫn luôn băn khoăn tại sao con người phải chịu khổ đau trên thế gian này. Thời gian trôi qua, câu hỏi này vẫn cứ đeo bám tôi. Mục đích của sinh mệnh là gì? Con người từ đâu đến? Và sẽ đi về đâu?

Tôi đã không thể tìm được câu trả lời thỏa đáng. Trong khi đó, áp lực công việc, cùng với những dục vọng của con người và nỗi bất hạnh kéo dài đã khiến tôi thường xuyên bị đau ngực, khó thở, chóng mặt và suy nhược cơ thể. Mỗi ngày sau giờ làm, tôi đều phải nằm xuống nghỉ ngơi, sau đó mới có thể làm việc nhà. Không xác định được động lực sống, cùng với nỗi chán chường khi phải sống một cuộc sống tầm thường, đã khiến tôi bị khủng hoảng tinh thần.

Vào tháng 8 năm 1995, cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn sau khi đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Đại Pháp đã khai mở những ký ức xa xưa của tôi và cho tôi thấy lý do đằng sau sự tồn tại của mình—tôi vẫn luôn chờ đợi Đại Pháp cứu độ! Tôi cũng hiểu ra rằng con người trên thế gian này chịu khổ là để hoàn trả nghiệp lực. Trong cuốn Chuyển Pháp Luân, tôi đã tìm thấy đáp án cho những câu hỏi về nhân sinh.

Tôi giống như một đứa trẻ lạc tìm thấy đường về nhà, ánh sáng của Đại Pháp đã dẫn lối cho tôi vượt qua bóng tối và thay đổi thế giới quan của tôi. Sau khi khám phá ra ý nghĩa của sinh mệnh, tâm tôi tràn ngập niềm hạnh phúc mới mẻ, khiến tôi cảm thấy mình là người may mắn nhất trên thế gian.

Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, tôi đều đến điểm luyện công để luyện các bài công pháp. Chỉ sau vài ngày, tôi đã thấy sức khỏe của mình được cải thiện rõ rệt. Tôi đi lại nhẹ nhàng, tràn đầy năng lượng và sức sống. Các triệu chứng chóng mặt, tức ngực và khó thở trước đây của tôi đều biến mất, tôi biết Sư phụ Đại Pháp đã tịnh hóa thân thể cho tôi.

Các học viên khác tại cùng điểm luyện công cũng nhận thấy bệnh tật của họ đều không cánh mà bay. Tôi cảm thấy thân thể nhẹ nhàng vô bệnh, ngay cả dịch cúm cũng không thể ảnh hưởng đến tôi. Sự cải thiện về cả thân và tâm của tôi đã được những người xung quanh chú ý, họ đều ghen tị với sự may mắn của tôi.

Chuyển biến quan niệm, xem nhẹ danh lợi

Tôi là một nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện. Trong xã hội ngày nay, việc đấu đá, gian dối và mưu hại lẫn nhau là điều bình thường. Vì bản tính hướng nội và chất phác, tôi không gây chuyện hay tranh đấu với bất kỳ ai. Dù các cấp trên và đồng nghiệp khen tôi là người tốt, nhưng chiểu theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn, tôi biết mình còn phải cố gắng nhiều để trở thành một người tốt thực sự. Sau khi đối chiếu bản thân với Pháp, tôi đã phát hiện ra nhiều tâm bất hảo của mình. Bề ngoài tôi có vẻ ôn hòa, nhưng đó là vì tôi biết mình không thể thắng trong các cuộc tranh cãi và muốn giữ thể diện cho bản thân. Trong lòng tôi ghen tị với những bất công và âm thầm phản kháng bằng ánh mắt lạnh lùng dù miệng không nói ra.

Khi khoa cũ của tôi cần tìm người cho vị trí phó khoa, một đồng nghiệp lớn tuổi hơn đã bắt đầu cạnh tranh quyết liệt. Về tuổi đời và học vấn, tôi là người phù hợp hơn. Nhưng bà ấy âm thầm gây khó dễ và nói xấu tôi với cấp trên để giành lợi thế.

Khi bạn học của tôi biết chuyện, cô ấy đã khuyên tôi nên biếu quà cho sếp. Nhưng tôi không thể lợi dụng mối quan hệ hay “đi cửa sau” để thăng tiến. Tôi chỉ có thể làm việc chăm chỉ, cố gắng hết sức, nhưng trong lòng tôi vẫn vướng mắc vì chưa buông bỏ được tâm danh lợi. Trải qua nhiều năm tranh đấu, sức khỏe của tôi ngày càng giảm sút.

Sau khi đắc Pháp, tôi nhận ra mục đích của cuộc đời chính là phản bổn quy chân. Sau một thời gian dài học Pháp và áp dụng các Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp, tôi đã dần dần quy chính lại cách nhìn nhận và đối đãi với người khác trong cuộc sống, buông bỏ tâm danh lợi nơi thế gian này. Dưới sự chỉ dẫn của Đại Pháp, tôi không còn oán hận người đồng nghiệp đã từng tranh đấu và gây khó khăn cho mình. Sau khi từ bỏ cuộc đấu tranh vô nghĩa vì danh lợi này, tôi đã trải nghiệm một cảm giác giải thoát và nhẹ nhõm vô cùng, như thể một gánh nặng đã được trút khỏi cơ thể. Vài tháng sau, tôi được chuyển đến một khoa mới thành lập trong bệnh viện của chúng tôi.

Thực hành Chân-Thiện-Nhẫn tại nơi làm việc và truyền rộng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp

Là nhân viên y tế, trách nhiệm của tôi là cứu chữa bệnh nhân. Là một học viên Đại Pháp, tôi còn có nghĩa vụ giảng rõ chân tướng về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Khoa mới này chuyên cung cấp các phương pháp điều trị đặc thù cho bệnh nhân thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau như công an, nhân viên tư pháp, doanh nhân, giáo viên, nhà báo. Thời gian tiếp xúc lâu dài với bệnh nhân và gia đình họ đã giúp tôi có điều kiện thuận lợi để giảng chân tướng.

Tôi chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động chính của khoa này. Nhờ chuyên môn và thái độ phục vụ tốt, nhiều bệnh nhân đều muốn chọn tôi điều trị cho họ. Ngay cả những bệnh nhân đã được điều trị ở các bệnh viện khác cũng tìm đến sau khi nghe về danh tiếng của tôi. Thực ra, tôi nghĩ rằng họ đến là để được nghe chân tướng về Đại Pháp. Tôi tận dụng cơ hội đưa cho họ tài liệu và đĩa CD giảng chân tướng, nhiều người đã đồng ý rằng Pháp Luân Đại Pháp hảo, đồng thời thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó.

Một ngày nọ, một người đàn ông bị bệnh nặng được đưa vào bệnh viện của chúng tôi. Trước đó, anh ấy đã đến một bệnh viện lớn ở Bắc Kinh, nhưng sau khi thăm khám, các bác sĩ tại đó cho rằng việc điều trị tiếp là vô ích nên đã cho anh ấy về. Trên đường trở về nhà, tình trạng của anh ấy xấu đi nghiêm trọng đến mức tưởng chừng như sắp qua đời. Gia đình vô cùng lo lắng, liền rẽ vào bệnh viện của chúng tôi, với hy vọng anh ấy có thể hồi phục phần nào trước khi về nhà. Người đàn ông ấy, khoảng ngoài 40 tuổi, đang trong trạng thái nửa hôn mê. Tôi liền cúi xuống, ghé sát tai anh ấy và hỏi: “Anh có nghe thấy tôi nói không?” Khi thấy anh ấy khẽ gật đầu, tôi liền bảo anh ấy hãy thầm niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, bởi điều này có thể cứu mạng anh. Sau đó tôi hỏi anh ấy: “Khi còn đi học anh có gia nhập đội hay đoàn không?” Khi anh trả lời rằng anh đã từng vào Đội Thiếu niên Tiền phong, tôi nói với anh ấy: “Nếu anh thoái xuất khỏi tổ chức này, sức khỏe của anh sẽ cải thiện. Anh có đồng ý thoái không?” Anh ấy đã đồng ý.

Vì tình trạng của anh ấy rất nghiêm trọng, phải mất một giờ đồng hồ mới ổn định được. Sau khi giải thích tình trạng bệnh của anh ấy cho vợ và em gái của anh, tôi khuyên họ hãy niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Ngày hôm sau, em gái anh ấy chào tôi ở hành lang và nói rằng hai câu chân ngôn cát tường này hiệu nghiệm đến mức anh trai cô ấy đã cải thiện một cách đáng kể. Tôi nói với cô ấy rằng “Pháp Luân Đại Pháp là đến để cứu người. Đừng tin những lời dối trá mà cô thấy trên TV. Vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn là do chính quyền dàn dựng để vu khống Pháp Luân Công. Những người ‘tự thiêu’ đó không phải là học viên Pháp Luân Công.” Bệnh nhân và các thành viên trong gia đình anh đã chấp nhận chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp, anh ấy cũng đã hồi phục nhanh chóng. Sức khỏe của anh cải thiện đến mức anh có thể tự mình đến bệnh viện của chúng tôi để tái khám.

Có một người phụ nữ khác đang điều trị tại khoa của chúng tôi, bà ấy làm kế toán trong một cơ quan chính phủ. Chồng và con trai bà thường đi cùng bà, tôi phát hiện ra rằng chồng bà làm việc tại Viện kiểm sát. Tôi đã nắm bắt cơ hội để giảng chân tướng cho họ. Lúc đầu, chồng của bà ấy phản đối những nỗ lực của tôi và dùng các tuyên truyền của ĐCSTQ để tranh luận. Nhưng sau một thời gian tiếp xúc lâu dài, ông ấy đã dần dần thay đổi. Một ngày nọ, con trai của bà ấy nói với tôi: “Cháu thấy những điều cô nói về Pháp Luân Công rất có lý. Cô hãy đưa sách và tài liệu cho mẹ cháu đọc.” Tôi nhận thấy họ thật sự mong muốn tìm hiểu thêm về Đại Pháp, nên đã đưa cho họ một đĩa CD ghi âm các bài giảng của Sư phụ tại Quảng Châu. Từ đó trở đi, mỗi khi tôi hỏi chồng của bệnh nhân về thông tin liên quan đến các cán bộ viện kiểm sát tham gia bức hại, ông ấy đều sẵn lòng nói cho tôi biết.

Tôi cũng gặp một nữ cảnh sát đến từ một trại lao động cưỡng bức, con trai cô ấy khi đó đang được điều trị tại khoa của chúng tôi. Thời điểm đó, cuộc bức hại đang diễn ra khốc liệt nhất, tôi vẫn kiên trì giảng chân tướng cho cô ấy, tôi khuyên cô ấy rằng hãy đối xử tốt với các học viên Đại Pháp sẽ được phúc báo, tin vào sự tốt đẹp của Đại Pháp có thể thay đổi vận mệnh con người. Ngược lại, tôi cũng biết được những khó khăn mà cô ấy đang phải đối mặt, chồng cô đã qua đời, cô phải một mình gánh vác chi phí điều trị cho người con trai bị bệnh nặng. Vì lương không đủ, cô buộc phải vay một khoản tiền lớn. Qua những lần trò chuyện, tôi nhận thấy mặt thiện lương của cô ấy vẫn còn. Đôi khi tôi nhờ cô giúp đỡ các học viên bị giam giữ phi pháp, cô ấy đã cố gắng hết sức trong phạm vi quyền hạn của mình. Cô ấy còn cung cấp cho tôi thông tin cập nhật về họ và thậm chí tìm cơ hội giúp họ được trả tự do.

Dưới đây là một vài trải nghiệm khác mà tôi đã gặp trong quá trình làm việc.

1. Giúp đỡ bằng sự chân thành và ấm áp

Có lần, một bệnh nhân đến điều trị mà không có người nhà đi cùng. Đột nhiên, ông ấy bắt đầu nôn thốc nôn tháo. Chất nôn văng ra khắp nơi và có mùi rất khó chịu. Mọi người xung quanh đều lùi ra xa và che miệng, bịt mũi. Tôi vội đến giúp ông ấy dọn dẹp, điều này khiến những người có mặt đánh giá cao. Chẳng bao lâu sau, con gái của ông đến bệnh viện, nghe mọi người kể lại sự việc và đã đích thân đến cảm ơn tôi.

Trong ca trực của tôi, tôi đều cố gắng rót nước, mua đồ ăn và giúp thanh toán viện phí cho những bệnh nhân không có người nhà chăm sóc. Họ đều đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, tôi muốn họ cảm nhận được sự ấm áp. Qua những hành động đó, tôi dần dần tạo được sự tin tưởng và thân thiết, từ đó họ dễ dàng tiếp nhận chân tướng về Đại Pháp. Tôi cũng vận dụng các Pháp lý của Đại Pháp để khai sáng và khích lệ họ sống có ý nghĩa hơn.

2. Từ chối nhận quà

Chúng tôi sử dụng thiết bị y tế trong điều trị, nên phải giao dịch với thương nhân. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, các nhà cung cấp thường tặng quà, chiết khấu hoặc phong bì trong dịp lễ để giữ mối quan hệ. Vào dịp Tết Trung Thu, một nhân viên bán hàng đã đưa cho tôi một phong bì tiền mặt. Khi tôi từ chối, anh ấy nói: “Chúng tôi tặng cho tất cả mọi người, không riêng gì chị.” Tôi vẫn kiên quyết từ chối vì đức tin của mình. Tôi cũng tranh thủ giảng chân tướng Pháp Luân Công cho anh ấy, và anh đã đồng ý thoái xuất khỏi ĐCSTQ.

Anh ấy nói thêm: “Nếu chị không nhận, tôi sẽ khó ăn nói với sếp, họ sẽ nghĩ tôi không có năng lực.” Không đợi tôi trả lời, anh ấy đã đặt phong bì xuống và rời đi. Nếu tôi trả lại, anh ấy sẽ khó xử, nên tôi đã dùng số tiền đó mua quà tặng lại anh ấy và khuyên anh không nên làm vậy nữa. Từ đó, anh ấy không đưa phong bì cho tôi nữa.

Một số bệnh nhân cũng muốn biếu quà, nhưng tôi đều từ chối. Trong những trường hợp khó từ chối trực tiếp, tôi sẽ mua quà và tặng lại họ.

3. Giữ vững đạo đức nghề nghiệp

Trong những năm đầu khi chưa có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị là gánh nặng lớn với các gia đình. Nhiều người phải bỏ điều trị hoặc sống tiết kiệm để trả nợ y tế, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Dù rất thông cảm, nhưng tôi vẫn phải tuân thủ quy định về thu phí chính thức.

Một bệnh nhân từng đề nghị trả tiền riêng cho tôi để được giảm chi phí, đồng nghĩa với việc tôi sẽ bỏ túi phần chênh lệch. Khi tôi từ chối, bà ấy nói: “Tôi đề nghị vậy vì biết chị là người tốt. Tôi từng làm vậy rồi và không ai từ chối cả.” Tôi đáp: “Tôi tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn. Nhận tiền như thế là trái với nguyên tắc của tôi. Đức tin của tôi yêu cầu tôi phải chân thật, tôi không thể thay đổi điều đó. Nếu chị có khó khăn khác, tôi sẵn sàng giúp, nhưng chuyện này thì không.”

4. Giúp cụ ông bị ngã trên tuyết

Một ngày nọ, ngay khi đang chuẩn bị về nhà, tôi thấy một ông lão đang nằm trên một đống tuyết bên cạnh bệnh viện. Trời rất lạnh, tôi phân vân không biết có nên giúp ông ấy hay không. Tôi từng nghe những câu chuyện cảnh báo về việc giúp người già bị ngã rồi bị vu oan, nhưng là người tu luyện, tôi không thể làm ngơ. Nếu cụ nằm lâu trong tuyết, tính mạng của cụ sẽ bị đe dọa.

Tôi đi tới và hỏi: “Cụ bị sao thế ạ?”, nhưng cụ chỉ thở dài. Tôi cố nâng cụ dậy nhưng nâng không nổi vì quá nặng. Tôi hỏi cụ có điện thoại không, cụ chỉ vào túi. Tôi lấy điện thoại gọi cho người nhà cụ. Đúng lúc đó, một nhân viên của hiệu thuốc gần đó đi ngang qua. Tôi đã nhờ anh ấy giúp đỡ. Anh ấy có vẻ lưỡng lự, có lẽ đang nghĩ “dính vào việc này sẽ rắc rối”, nhưng cuối cùng vẫn giúp tôi nâng cụ dậy. Khi người nhà của cụ đến, chúng tôi giao cụ lại cho họ.

5. Lời xin lỗi của viện trưởng

Chính quyền tỉnh từng đến thăm bệnh viện của chúng tôi và chọn khoa của chúng tôi để thị sát vào một ngày cuối tuần. Khi được báo tin, tôi lập tức đến bệnh viện để rà soát lại cơ sở vật chất, hồ sơ điều trị, bố trí thiết bị, đảm bảo mọi thứ đều đúng quy định. Sau khi hoàn tất, tôi gặp viện trưởng. Ông nói: “Cô vất vả quá, ngày nghỉ mà vẫn đến làm.” Tôi hơi ngại và đáp: “Đây là trách nhiệm của tôi để đảm bảo đợt kiểm tra đạt yêu cầu.”

Ông ấy nói thêm: “Tôi xin lỗi vì đã không kiên quyết đề nghị thăng chức cho cô. Nếu cô từ bỏ đức tin, cô đã được đề bạt rồi.” Tôi trấn an ông: “Thưa viện trưởng, không sao đâu. Tôi hiểu hoàn cảnh của ông. Cảm ơn ông đã quan tâm, nhưng tôi là người tu luyện. Dù có giữ chức vụ hay không, tôi vẫn sẽ tận tâm với bệnh nhân. Đó là đạo đức nghề nghiệp mà tôi cần tuân thủ.” Viện trưởng hiểu rõ chân tướng cuộc bức hại Pháp Luân Công vì tôi đã tặng ông cuốn Cửu Bình về Đảng Cộng sản khi cuốn sách mới được phát hành.

ĐCSTQ đã bức hại Pháp Luân Công trong suốt hơn 20 năm. Trong thời gian này, tôi đã bị giam giữ phi pháp bốn lần, phải bỏ trốn hai lần và bị cơ quan tịch thu chứng minh thư trong suốt sáu năm. Các đề xuất đi học nước ngoài đều bị từ chối. Gia đình tôi cũng bị liên lụy, nhưng vì hiểu chân tướng về Đại Pháp, nên họ tiếp tục ủng hộ tôi tu luyện. Trong thời gian tôi bị giam, người nhà đã nỗ lực để giải cứu tôi, thuê luật sư và sử dụng các biện pháp pháp lý để phản bức hại.

Trong suốt quá trình tu luyện, tôi luôn chiểu theo lời dạy của Sư phụ. So với các học viên tinh tấn, tôi biết mình còn kém rất xa. Nhưng Sư phụ luôn bảo hộ tôi trong những lúc gian nan, tiếp thêm động lực để tôi kiên trì bước tiếp.

Mong rằng sẽ có thêm nhiều người hơn nữa trân quý cơ duyên vạn cổ này để minh bạch chân tướng và được Đại Pháp cứu độ. Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu đã giúp đỡ tôi!

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/25/485291.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/6/5/228377.html