Từ hà khắc lạnh lùng đến vui vẻ ấm áp
Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Đài Loan
[MINH HUỆ 28-05-2025] Trong câu chuyện cổ tích phương Tây phiên bản hoạt hình “Người đẹp và quái vật”, quái vật vốn là một vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú, nhưng lại ngạo mạn, lạnh lùng và có nội tâm u sầu. Vào một đêm mưa gió, một bà phù thuỷ đã hóa thân thành một người ăn mày già nua xấu xí đến lâu đài, muốn xin chút thức ăn và chỗ trú chân; thế nhưng, hoàng tử đã lạnh lùng từ chối và muốn đuổi bà đi. Bà phù thủy nhìn thấy sự tàn nhẫn và ngạo mạn trong nội tâm của hoàng tử, bèn biến chàng thành một quái vật có vẻ ngoài đáng sợ, để chàng phải dằn vặt đau khổ mà suy ngẫm lại bản thân. Nếu một ngày nào đó, hoàng tử có thể thay đổi hoàn toàn, thực sự xuất từ nội tâm mà quan tâm đến người khác và được người khác yêu thương, thì mọi lời nguyền mới biến mất, chàng mới có thể trở lại hình dáng chân thật của mình.
Trước đây, tôi cũng giống như vị hoàng tử đó, nội tâm khá lãnh đạm và cao ngạo. Bởi vì điều kiện các mặt tương đối tốt, được các bậc trưởng bối, cấp trên yêu mến, bạn bè xung quanh cũng thường nhường nhịn tôi, nên đã dưỡng thành tính cách ích kỷ, lạnh lùng, làm theo ý mình và yêu cầu sự hoàn hảo. Một khi đã đặt ra mục tiêu nào đó, tôi sẽ dốc toàn lực để thực hiện, trong mắt chỉ có thành tựu cần đạt được, còn những người và những việc khác đều bị tôi xem là “gánh nặng” trong vô thức, không quan tâm không để ý; trong các dự án cần hợp tác, nếu người khác không đạt được “tiêu chuẩn” do tôi tự đặt ra, tôi sẽ rất tức giận và ngay lập tức không muốn hợp tác với họ nữa.
Cho đến tháng 4 năm 1999, nhờ mẹ giới thiệu, tôi đã đọc quyển sách quý “Chuyển Pháp Luân”, và mọi thứ đã bắt đầu thay đổi.
1. Thay đổi quan niệm ‘lấy mình làm trung tâm’
Trong tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, Sư phụ dạy chúng ta phải hướng nội tìm. Tôi quan sát bản thân và phát hiện ra một khuyết điểm rất lớn, ấy là khi tôi cho rằng một việc gì đó rất đúng, thì tôi đặc biệt dễ mất đi kiên nhẫn. Lúc này, khi gặp người khác đưa ra đề nghị hoặc chất vấn, tôi liền không nhẫn được, có lúc còn sinh ra cảm xúc rất lớn.
Tuy nhiên, chính lúc này lại là lúc khảo nghiệm xem người tu luyện có thể bảo trì được từ bi và tường hòa hay không. Đối mặt với tình huống mà tôi cho là vô lý và không biết điều, liệu bản thân có thể giữ được sự khiêm tốn, linh hoạt và đồng cảm không? Rất nhiều lúc tôi vẫn không làm được, không giữ được bình tĩnh, tâm lượng quá nhỏ.
Tháng trước, tôi có cơ hội ra nước ngoài và ở nhờ nhà một người bạn. Nhà của bạn tôi vô cùng tráng lệ, trang nhã và rộng rãi, hơn nữa vợ chồng họ chưa bao giờ mời bạn bè đến ở, tôi là vị khách đầu tiên. Ban đầu, tôi rất dụng tâm yêu cầu bản thân phải chú ý tiểu tiết, phải tuân thủ quy tắc của gia đình, không được làm bừa bộn ngôi nhà đẹp đẽ như vậy. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, sau một lần thức đêm làm việc, tôi đã bất cẩn làm vỡ một chiếc bát mà vợ chồng bạn rất thích.
Lúc đó tôi không biết phải làm sao, rất áy náy, liên tục xin lỗi chồng của bạn, và cũng hứa sẽ đền bù (một cái) tốt hơn, nhưng chồng của bạn vẫn không thể nguôi ngoai, trong hai ngày tiếp theo anh ấy liên tục hỏi tôi tại sao lại làm vỡ bát… Anh ấy có ý tốt, hy vọng tôi đối mặt với thiếu sót của mình, cẩn thận hơn một chút, nhưng trước việc bị hỏi trách liên tục, tôi cảm thấy mình đã làm những gì có thể làm rồi, nhưng khó chấp nhận được thái độ “hung hăng” này, cuối cùng tôi và anh chủ nhà đã chia tay trong (tâm trạng) không vui.
Về đến nhà, tôi hướng nội tìm, và nhận ra rằng thái độ của chồng bạn chẳng phải là một tấm gương phản chiếu chính mình hay sao? Bình thường tôi cũng yêu cầu người khác một cách không khoan nhượng như vậy, phải đạt đến tiêu chuẩn do tôi đặt ra, đây chẳng phải là “lấy mình làm trung tâm” hay sao? Con người trên thế gian này muôn hình muôn vẻ, đặc điểm sinh mệnh đều không giống nhau, mới có thể tạo nên một thế giới phồn vinh; tôi đều yêu cầu người khác phải đạt đến cùng một tiêu chuẩn, chẳng phải đã quá tự cho mình là đúng sao? Hơn nữa tiêu chuẩn này là do ai đặt ra? Là do chính tôi đặt ra! Vậy những người làm tốt hơn nhìn tôi, phải chăng cũng thấy tôi không đạt tiêu chuẩn của họ? Vậy chẳng phải mỗi người trong xã hội này đều chìm trong bất mãn và oán giận hay sao? Điều này có phù hợp với yêu cầu “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công không?
Từng câu hỏi một, hỏi đến mức chính tôi cũng không trả lời được, đúng vậy, chính cái tâm tự cho mình là trung tâm và kiêu ngạo này, đã khiến tôi không nhẫn được mà nảy sinh xung đột lớn với chồng của bạn. Thực tế, họ còn là ân nhân của tôi, đã hết lòng giúp đỡ khi tôi gặp khó khăn mà không tính toán được mất, vậy mà tôi lại không nhẫn được một việc nhỏ như vậy, thật hổ thẹn với sự giúp đỡ của họ. Tôi cũng đã thẳng thắn thừa nhận thiếu sót của mình với bạn, và cảm ơn tình cảm mà họ đã dành cho tôi trong lúc hoạn nạn.
Nhận ra thiếu sót, tôi phải tu chính (lại) bản thân, đề cao lên, cố gắng lần sau làm tốt hơn.
2. Nhìn vào ưu điểm nhiều hơn, tảng băng giữa những người thân dần tan chảy
Trong các yêu cầu của “Chân-Thiện-Nhẫn”, tôi cho rằng mình tu chữ “Nhẫn” đặc biệt không tốt. Tuy nhiên, thông qua học Pháp luyện công hàng ngày, tôi dần dần tu tâm, đề cao bản thân, nhìn lại thì cũng thấy có những tiến bộ không nhỏ.
Sau đây là một vài ví dụ. Đầu tiên là chị A mà tôi từ nhỏ đã rất coi thường. A rất không biết quán xuyến việc nhà, nhà cửa bị chị ấy làm cho bừa bộn, hơn nữa tính tình lại tệ, bướng bỉnh ích kỷ. Trong mắt tôi lúc nhỏ, chị ấy không có phong thái của một người chị lớn. Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn oán giận chị ấy, chưa bao giờ nghe theo ý kiến của chị ấy, chị ấy nói Đông thì tôi cố tình đi Tây, dường như có một tảng băng dày ngăn cách giữa chúng tôi.
Sau khi tu luyện, tôi bắt đầu nhìn thấy những ưu điểm của chị ấy, bao gồm việc hết lòng ủng hộ và quan tâm người thân, tính cách mạnh mẽ độc lập, cầu tiến và nỗ lực, v.v., những điều này khiến tôi phải nhìn chị ấy bằng ánh mắt khác. Hơn nữa, dù sao đi nữa, A cũng là chị lớn của tôi, tôi nên có tâm tôn kính đối với chị ấy. Ngũ luân trong văn hoá truyền thống Trung Hoa có quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu, tôn kính người lớn tuổi và yêu thương người nhỏ tuổi, mới có thể tạo nên một xã hội có trật tự và hài hoà. Nếu tôi luôn coi thường người lớn, luôn muốn “nổi loạn”, thì ngay cả làm người tốt cũng không được tính, sao có thể nói bản thân là người tu luyện?
Sau khi nhận ra điều này, tôi đã nỗ lực thay đổi bản thân, nhìn nhiều hơn vào những điểm tốt của A, nghĩ nhiều hơn về những sự giúp đỡ của A dành cho tôi, cuối cùng cũng dần dần có thể tôn trọng đối phương. Đương nhiên vẫn còn khoảng trống rất lớn để tiến bộ, nhưng tảng băng giữa chúng tôi đã tan chảy đi không ít.
Tiếp theo là B, người em họ hàng của tôi, tôi và B cùng nhau lớn lên từ nhỏ, hồi cấp hai cậu ấy vẫn chưa có biểu hiện gì khác thường, nhưng sau khi lớn lên, cậu ấy xuất hiện các vấn đề về tâm lý và cảm xúc, sau khi tốt nghiệp đại học không thể đi làm, chỉ có thể ở nhà không làm gì. Tôi thấy rất khó chịu với điều này và cho rằng cậu ấy không nỗ lực, là một thanh niên sao có thể như vậy! Có mấy năm, hễ nhìn thấy cậu ấy là tôi lại trách mắng, có mấy lần còn mắng cậu ấy đến phát khóc.
Thông qua học Pháp luyện công, tôi dần dần nhận ra rằng mỗi người trên thế gian đều có những đặc điểm khác nhau, một việc đối với người này rất dễ dàng, có thể đối với người khác lại vô cùng khó khăn, chính là không làm được; nhưng “trời sinh ra ta ắt có chỗ dùng”, mỗi người đều có những ưu điểm độc đáo riêng, và cũng đang nỗ lực phát huy sở trường của chính họ.
Tôi quan sát B, nhận thấy cậu ấy đặc biệt có tâm đồng cảm, có thể chăm sóc người khác, đồng thời hết lòng vì bạn bè và người thân, coi nhẹ danh lợi, thực ra có rất nhiều ưu điểm. Sau khi nhận ra những điều này, tôi cũng điều chỉnh thái độ đối với B, và cuối cùng đã có thể giao tiếp với cậu ấy một cách tốt đẹp.
Lời kết
Thông qua những năm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi giống như vị hoàng tử trong “Người đẹp và quái vật”, từng chút từng chút một mở rộng tấm lòng mình. Tôi từng là người “lạnh lùng hà khắc”, dần dần trở nên rạng rỡ và vui vẻ, mang lại sự ấm áp và niềm vui cho những người xung quanh, cũng nhận được sự công nhận từ tận đáy lòng của bạn bè và người thân.
Tất cả những thay đổi này đều phải cảm tạ Sư phụ Lý Hồng Chí và Pháp Luân Đại Pháp. Tục ngữ có câu “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, nhưng các đệ tử Pháp Luân Công thông qua tu luyện, đang dần dần trở thành một người tốt hơn, liệu bạn cũng muốn bắt đầu đọc quyển sách quý “Chuyển Pháp Luân” để trở thành người may mắn nhất trên thế gian không?
(Phụ trách biên tập: Lâm Hiểu)
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2025/5/28/從苛刻高冷到開朗溫暖-488198.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/6/17/228529.html