Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-04-2025] Ông Lệ Ngọc Thư, cư dân thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã mãn hạn án tù 10 năm vào ngày 25 tháng 2 năm 2022. Lương hưu của ông bị đình chỉ sau khi ông được trả tự do. Ông liên tục yêu cầu chính quyền khôi phục lương hưu của mình, nhưng đều bị từ chối.
Bức hại tài chính nhằm vào ông Lệ, một nhân viên đã về hưu của Nhà máy Nhiệt điện Thành phố Đường Sơn, là sự nối tiếp bức hại của ĐCSTQ đối với ông chỉ vì ông tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị bắt khi đang đi mua sắm vào ngày 25 tháng 2 năm 2012 trong một cuộc truy quét của cảnh sát. Trong cuộc truy quét này, có khoảng 40 học viên Pháp Luân Công khác cũng bị bắt giữ. Cảnh sát tịch thu gần 9.000 Nhân dân tệ tiền mặt mà ông Lệ mang theo người. Họ cũng đột kích vào nhà ông và tịch thu của ông 5 chiếc máy vi tính, hơn 80.000 Nhân dân tệ tiền mặt và một số vật dụng liên quan đến Pháp Luân Công. Vợ ông cũng bị bắt giữ, nhưng được thả ra vài giờ sau đó.
Trong phiên tòa xét xử ông vào ngày 28 tháng 8 năm 2012, thẩm phán Từ Thiên Bằng của Tòa án Quận Phong Nhuận đã nhiều lần ngắt lời luật sư bào chữa của ông. Bất cứ khi nào luật sư lập luận rằng không có luật nào được ban hành ở Trung Quốc để hình sự hóa Pháp Luân Công và Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” vào năm 1948, thẩm phán Từ liền nói rằng “không cần phải nói về tuyên ngôn quốc tế đó ở đây, nếu muốn thảo luận thì hãy đến nước Mỹ”. Thẩm phán Từ cũng nói rằng luật sư hãy đến cơ quan lập pháp mà thảo luận về luật.
Bằng chứng truy tố ông Lệ gồm có hơn 820 cuốn lịch treo tường và hơn 4.000 móc treo chứa thông tin chân tướng Pháp Luân Công, cảnh sát tuyên bố rằng những thứ này là tịch thu từ nhà ông. Ông Lệ khẳng định rằng cảnh sát đã ngụy tạo bằng chứng, bởi vì ông chỉ có 2 cuốn lịch và có chưa tới 20 móc treo. Ông nói những thứ này đều là tài sản hợp pháp của ông.
Thẩm phán Từ kết án ông Lệ 10 năm. Đến ngày 25 tháng 2 năm 2022, ông được trả tự do và ngay sau đó, Trung tâm An sinh Xã hội Tây Thành ở Bắc Kinh đã đình chỉ lương hưu của ông. Cơ quan này quản lý các chế độ hưu trí của Tập đoàn Đại Đường, công ty mẹ của Nhà máy Nhiệt điện Đường Sơn.
Ông lệ nhiều lần yêu cầu Trung tâm An sinh Xã hội Tây Thành khôi phục lương hưu, nhưng lần nào nhân viên ở đây cũng từ chối thực hiện.
Trước án tù mới nhất này, ông Lệ đã từng bị bắt vào tháng 12 năm 2001 và bị đưa vào Trại tạm giam Số 1 Thành phố Đường Sơn. Ông nhanh chóng được thả, nhưng tới ngày 25 tháng 1 năm 2002, ông lại bị bắt giữ khi ông đang trả phí cầu đường trên một xa lộ. Ông bị đưa tới Phân cục Cảnh sát Khai Bình. Ông đã tuyệt thực để phản đối và tới ngày thứ năm, ông bị chuyển vào Trại tạm giam Số 1 Thành phố Đường Sơn. Ông tiếp tục tuyệt thực và bị bức thực vào ngày 1 tháng 2 năm 2002. Ông được thả ra khi tính mạng trở nên nguy kịch.
Cảnh sát lại bắt ông Lệ vào tháng 4 năm 2002 và đe dọa bắt giữ tất cả người nhà ông nếu ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các học viên Pháp Luân Công khác. Vài ngày sau, vợ ông là bà Vương Duệ cũng bị bắt. Ông Lệ đã chạy thoát được, nhưng sau đó cảnh sát lại nhanh chóng bắt được ông và đưa ông vào Trại tạm giam Số 1 Thành phố Đường Sơn. Ông bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức trong Trại Lao động Hà Hoa Khanh.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/2/492244.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/8/226147.html
Đăng ngày 13-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.