Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-12-2024] Ngày 7 tháng 11 năm 2024, một cư dân 50 tuổi ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, bị kết án 4 năm tù và bị phạt 20.000 Nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Bà Hoàng Thiếu Phổ bị bắt vào ngày 15 tháng 9 năm 2023, trong một chiến dịch càn quét các học viên Pháp Luân Công địa phương của cảnh sát. Bà bị tòa án quận Tương Dương xét xử vào ngày 11 tháng 10 năm 2024, sau đó bị kết án vào ngày 7 tháng 11 năm 2024. Bà đã nộp đơn kháng cáo, và đang bị giam tại trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư trong khi chờ đợi kết quả.

Trước bản án gần đây nhất, bà Hoàng Thiếu Phổ từng bị kết án 3 năm tù vì đức tin. Sau khi được thả vào năm 2004, bà bị đuổi việc và bị hủy đăng ký hộ khẩu. Cảnh sát còn từ chối cấp cho bà căn cước kiểu mới có hiệu lực vào năm đó. Bà nộp đơn xin cấp thẻ nhiều lần trong nhiều năm qua, nhưng luôn bị từ chối. Trong hai thập kỷ qua, bà không thể tìm được công việc toàn thời gian, và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống vì hông có đăng ký hộ khẩu và căn cước.

Sau lần bị bắt gần đây nhất vào tháng 9 năm 2023, cảnh sát không tìm thấy thông tin của bà trong cơ sở dữ liệu của họ, nên âm thầm phục hồi đăng ký hộ khẩu của bà vào ngày tiếp theo. Đồn phó buộc tội bà không làm đơn xin cấp lại mã số định danh ngay khi được thả vào năm 2004, và gia đình bà trình ra mẫu đơn bà điền vào năm 2012, bị đóng dấu “từ chối”. Ông ta không nói gì nữa. Tuy nhiên, bà Hoàng vẫn chưa có thẻ căn cước.

Vụ bắt giữ

Bà Hoàng bị bắt sau 6 giờ sáng ngày 15 tháng 9 năm 2023, trong khi bà đang mua tạp phẩm. Cảnh sát bắt giữ đến từ đồn công an An Ninh và Phòng An ninh Nội địa quận Tương Dương đã đưa bà về nhà, và tịch thu máy tính và tiền mặt của bà. Bà bị tạm giam hình sự tại trại tạm giam thành phố Gia Mộc Tư, nhưng bà từ chối ký giấy.

Cuối ngày hôm đó, cảnh sát bắt chồng bà, ông Vương Sỹ Dũng, cũng là một học viên Pháp Luân Công, và vợ chồng em trai bà. Ông Vương được bảo lãnh tại ngoại sau khi bị thẩm vấn. Em trai và em dâu bà Hoàng, những người không tu luyện Pháp Luân Công, cũng bị thẩm vấn và sau đó được thả vô điều kiện.

Hồ sơ được trả lại cho cảnh sát theo yêu cầu của gia đình

Giữa tháng 10 năm 2023, chồng bà Hoàng nộp đơn yêu cầu trả lại các món đồ bị tịch thu và không ban hành lệnh bắt giữ chính thức đối với bà. Ngày 22 tháng 12 năm 2023, ông gọi đến Viện kiểm sát quận Tương Dương để hỏi thăm về tình trạng vụ án của bà. Người nhận điện thoại từ chối trả lời thẳng câu hỏi về căn cứ để xác định Pháp Luân Công là tà giáo (mặc dù không có điều luật nào tại Trung Quốc hình sự hóa môn tu luyện này). Anh ta cho biết chỉ nói chuyện với luật sư của bà Hoàng. Luật sư gọi điện, và được thông báo viện kiểm sát đã tiếp nhận vụ án, và công tố viên Lý Lợi Phong chịu trách nhiệm vụ này.

Cha mẹ bà Hoàng, đều gần 80 tuổi, nộp đơn đề nghị được xem xét lại hồ sơ vụ án, và được đến thăm bà tại trại tạm giam. Công tố viên Lý yêu cầu cung cấp bằng chứng rằng vợ chồng ông bà không có án tích, mặc dù theo luật ai cũng có thể thăm người bị tạm giam. Đồn công an an ninh từ chối ban hành chứng nhận, và chỉ họ đến giám đốc cộng đồng địa phương của họ, người lại chuyển họ quay lại bên công tố. Sau nhiều ngày như vậy, cuối cùng ông bà cũng nhận được xác nhận “không có án tích”.

Tuy nhiên, công tố viên Lý cho hay cô ta vẫn cần ông bà ký vào một thỏa thuận bảo mật trước khi cô ta cho phép họ xem hồ sơ vụ án của con gái họ. Họ ký, nhưng vẫn phải đợi vài ngày rồi mới được tiếp cận hồ sơ vụ án. Sau khi xem xét hồ sơ, ông bà nộp đơn đề nghị bảo lãnh tại ngoại cho con gái họ, nhưng công tố viên Lý không phản hồi.

Sau đó, cha mẹ bà Hoàng nộp nhiều đơn đề nghị cho Lý, thúc giục cô ta không truy tố con gái họ và loại bỏ bằng chứng mà cảnh sát thu thập một cách phi pháp. Lý không tiếp nhận đơn đề nghị, và cũng không đưa chúng vào hồ sơ vụ án của bà Hoàng.

Ngày 17 tháng 1 năm 2024, người bào chữa không phải là luật sư cho bà Hoàng (không rõ đó là chồng, cha mẹ, hay một người thân nào đó của bà) đến trại tạm giam để thăm bà. Mặc dù ông ấy được công tố viên chấp thuận để đại diện cho bà Hoàng, nhưng ban đầu, lính canh ngăn ông ấy và bắt phải đợi ở bên ngoài. Cuối cùng, ông ấy cũng được phép gặp bà Hoàng sau khi bị giám đốc trại tạm giam, Lưu Hồng Vỹ, thẩm vấn.

Bà Hoàng cho biết bà chưa bao giờ nhận tội, và tất cả hồ sơ thẩm vấn bà đều do cảnh sát ngụy tạo. Bà cũng cho hay bà không hề có tiền mặt in thông tin về Pháp Luân Công ở nhà, nhưng cảnh sát lại dùng những tờ tiền họ tìm được ở chỗ khác cho vào các món đồ bị tịch thu từ nhà bà để làm bằng chứng kết tội bà.

Sau đó, thân nhân bào chữa đến gặp công tố viên Lý và trình bày chi tiết việc cảnh sát đã vi phạm thủ tục pháp lý. Ông đề nghị cô ta trả lại hồ sơ cho cảnh sát. Cuối cùng, vào ngày 19 tháng 1 năm 2024, Lý trả lại hồ sơ cho đồn công an an ninh.

Khiếu nại đối với hai cơ quan công an vì không đáp ứng đề nghị công khai thông tin

Cuối tháng 11 năm 2024, gia đình bà Hoàng nộp các đơn đề nghị riêng rẽ đến công an quận Tương Dương và cơ quan giám sát là công an thành phố Giai Mộc Tư. Họ đề nghị công an quận giải thích tại sao đồn công an an ninh, cấp dưới của họ, hủy đăng ký hộ khẩu của bà vào năm 2004 và liên tục từ chối đề nghị cấp căn cước mới của bà. Họ đề nghị công an thành phố công khai thông tin về căn cứ pháp lý để các cơ quan đó phê chuẩn và xác nhận bằng chứng buộc tội do cảnh sát cung cấp, trong khi theo luật thì chỉ đơn vị thứ ba, độc lập, mới có quyền xác nhận bằng chứng buộc tội.

Không cơ quan công an nào hồi đáp sau 20 ngày, khung thời gian yêu cầu của luật. Ngày 30 tháng 1 năm 2024, gia đình bà Hoàng nộp đơn kiện hành chính đối với công an thành phố Giai Mộc Tư. Họ cũng nộp đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chính phủ, bao gồm Viện kiểm sát thành phố Giai Mộc Tư, Chính quyền thành phố Giai Mộc Tư, và các cơ quan liên quan ở các cấp. Họ đề nghị các cơ quan đó điều tra công an thành phố vì không giải quyết đề nghị công khai thông tin của họ.

Đến ngày 2 tháng 2 năm 2024, gia đình nộp đơn đề nghị xem xét lại quyết định hành chính đến chính quyền quận Tương Dương, đề nghị cơ quan này kỷ luật công an quận Tương Dương vì không hồi đáp đề nghị công khai thông tin của họ. Họ cũng gửi khiếu nại công an quận đến nhiều cơ quan chính phủ.

Ngày 6 tháng 2 năm 2024, đồn công an an ninh gọi điện cho gia đình, và mời họ đến nói chuyện. Họ đến, và được phó đồn Diêm Bá Minh đón tiếp nồng hậu. Tuy nhiên, Diêm không có ý định giải quyết các mối quan ngại của họ, mà chỉ tìm cách khiến họ rút đơn đề nghị xem xét lại quyết định hành chính. Ông ta thuyết phục rằng việc kỷ luật các công chức hủy đăng ký hộ khẩu của bà Hoàng năm 2004 không có tác dụng gì. Ông ta còn viện cớ rằng sau đó bà Hoàng không nộp đơn xin cấp căn cước mới. Gia đình bà trình ra đơn bà điền vào năm 2012, Diêm không nói gì nữa.

Xét xử sau khi trình lại hồ sơ

Cảnh sát không tìm thấy thông tin phi pháp trong máy tính của bà Hoàng, và gia đình bà thúc giục họ hủy vụ án này. Ngày 31 tháng 1 năm 2024, gia đình nộp đơn đề nghị chính thức, nhưng Môn Mậu Thịnh, đội trưởng đội an ninh nội địa quận Tương Dương, cười nhạo họ: “Các người cho rằng chúng tôi sẽ dừng vụ án này chỉ vì các người nói dừng sao?” Ngày 29 tháng 2 năm 2024, cảnh sát trình lại hồ sơ cho viện kiểm sát.

Bà Hoàng bị khởi tố vào ngày chưa xác định, và bị tòa án quận Tương Dương xét xử vào ngày 11 tháng 10 năm 2024. Chỉ mẹ bà được tham dự phiên tòa, vì lính canh an ninh nói dối những thành viên khác trong gia đình bà rằng phòng xử án đã kín người rồi.

Người bào chữa không phải luật sư đề nghị cáo tỵ thẩm phán Trương Vỹ Ninh và công tố viên Lý. Trương lập tức chuyển đề nghị này cho Lý, người chỉ liếc nhìn đề nghị này và nói: “Đề nghị bị từ chối”.

Trong phiên tòa, không bằng chứng kết tội nào được kiểm tra chéo, và không có nhân chứng nào có mặt. Lý không đưa ra được cơ sở pháp lý để chứng minh cáo buộc của cô ta đối với bà Hoàng. Cô ta tuyên bố bà Hoàng đã sử dụng tiền mặt có chứa thông tin Pháp Luân Công tại một công viên và một cửa hàng tạp phẩm. Thực ra, bà Hoàng chưa bao giờ có tiền in thông điệp về Pháp Luân Công. Cảnh sát đặt những tờ tiền họ tìm thấy ở chỗ khác vào đống đồ tịch thu từ nhà bà.

Rõ ràng là Lý không thể trả lời các câu hỏi từ bà Hoàng, luật sư và thân nhân bào chữa về các vấn đề liên quan đến bằng chứng để cô ta kết tội bà Hoàng. Có lúc cô ta nói không thể tìm thấy nhân chứng. Thẩm phán Trương tỏ ra khó chịu, và khiển trách cô ta: “Cô đang nói bậy bạ gì vậy? Cô có bằng chứng kết tội hay không?”

Bà Hoàng tự bào chữa, và thuật lại chi tiết về việc bà vẫn luôn bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện mà bà theo tập từ năm 1997. Tháng 10 năm 1999, bà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, và bị bắt. Bà bị giam trong một xà lim cùng với hơn 20 người khác. Họ phải ăn, ngủ và vệ sinh trong không gian chật chội đó. Sau hơn 100 ngày bà mới được thả. Gia đình bà phải trả hơn 5.000 Nhân dân tệ trước khi được phép đón bà về.

Sau một lần bị bắt khác vào một ngày không xác định, bà Hoàng bị kết án 3 năm tù vào tháng 1 năm 2001, chỉ 6 tháng sau ngày cưới. Năm 2002, bà bị chuyển đến nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang, và bị tra tấn tàn khốc. Sau khi được thả vào năm 2004, người chủ của bà không cho bà quay lại làm việc, và đe dọa bắt bà lần nữa. Đồn công an an ninh địa phương từ chối xử lý đơn xin cấp căn cước mới, và hủy đăng ký hộ khẩu của bà. Hai loại giấy tờ này là điều kiện cần để có được công việc toàn thời gian.

Bà Hoàng cho biết cảnh sát phục hồi đăng ký hộ khẩu của bà sau khi bà bị bắt gần đây nhất, ngày 15 tháng 9 năm 2023. Anh trai bà được triệu tập đến đồn công an để giao nộp đăng ký hộ khẩu cũ của họ, và cảnh sát bổ sung bà vào đăng ký hộ khẩu mới của gia đình.

Bất chấp những khổ nạn mà bà Hoàng phải chịu đựng, công tố viên Lý vẫn đề nghị 4 đến 5 năm tù và phạt 20.000 Nhân dân tệ. Thẩm phán Trương nói cần thảo luận với hội thẩm đoàn trước khi đưa ra bản án.

Báo cáo liên quan:

Trưởng đồn công an bắt giữ các học viên và người nhà của họ, đe dọa xóa sổ Pháp Luân Công

Thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang: 10 học viên Pháp Luân Công và 2 người nhà bị bắt trong vòng 24 tiếng

Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:

Once Jailed for 3 Years, 50-Year-Old Heilongjiang Woman Gets Another 4 Years for Practicing Falun Gong

Báo cáo liên quan bằng tiếng Trung:

https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/7/467962.html

https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/24/473557.html

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/16/486158.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/24/222202.html

Đăng ngày 31-01-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share