Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 22-10-2024] Ngày 14 tháng 10 năm 2024, bốn học viên ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt giữ chỉ vì đức tin chung của họ vào Pháp Luân Công, môn tu luyện tinh thần bị ĐCSTQ bức hại từ năm 1999.
Ông Tiêu Văn Học và vợ là bà Dương Tư Trân, đều đã 70 tuổi, cùng bà Quách Xuân Phương, một cựu giáo viên tiểu học 55 tuổi, bị bắt giữ tại chỗ ở thuê của họ. Ông Dương Minh Hoa, hơn 60 tuổi, cũng bị bắt không lâu sau đó, khi ông tới thăm ba học viên này.
Tham gia vụ bắt giữ gồm có hơn 20 người từ Đội An ninh Nội địa Thành phố Toại Ninh, Đồn Công an địa phương và Cục Công an Đại Anh (Bà Quách trước đây sống ở huyện Đại Anh). Những người này dùng túi trùm lên đầu ông Tiêu, bà Dương và bà Quách rồi kéo họ xuống tầng dưới. Thiết bị và nguyên vật liệu mà ba học viên này dùng để in tài liệu chân tướng Pháp Luân Công đều bị tịch thu. Vợ chồng chủ nhà cho thuê (không rõ tên) cũng bị bắt giữ và nhà của họ bị lục soát. Chưa rõ họ có tu luyện Pháp Luân Công không.
Cảnh sát tuyên bố họ đã theo dõi ông Tiêu, bà Dương và bà Quách trong hơn bốn tháng và họ thà bắt nhầm người còn hơn là bỏ sót dù chỉ là một học viên Pháp Luân Công.
Cảnh sát chốt chặn bên ngoài chỗ ở thuê của các học viên này và bắt giữ ông Dương khi ông tới đây, lúc đó ông Dương không hề biết chuyện gì đang xảy ra.
Ông Tiêu, bà Dương và bà Quách bị đưa vào một cơ sở giam giữ ở huyện Đại Anh. Chưa rõ ông Dương có bị giam giữ ở đây không.
Trước vụ bắt giữ mới nhất này, để tránh bị bức hại, ông Tiêu và bà Dương phải sống tha hương từ năm 2008 và bà Quách cũng buộc phải sống tha hương từ năm 2011. Cả ba học viên này phải thay đổi chỗ ở liên tục trong hơn một thập kỷ qua để tránh bức hại phi pháp của cảnh sát.
Tổng quan về bức hại trước đây đối với các học viên này
Ông Tiêu và bà Dương là những người nông dân trồng rau. Sau khi bà Dương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 2 năm 1998, nhiều bệnh tật của bà, trong đó có bệnh tim, tất cả đều không cánh mà bay. Chứng kiến bà Dương thoát thai hoán cốt, ông Tiêu cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 1999 và ông cũng trở nên vô bệnh.
Sau khi chính quyền ĐCSTQ phát động cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, bà Dương bị bắt giữ tám lần và bị đưa vào các trung tâm tẩy não bốn lần. Bà cũng phải lao động cưỡng bức và bị tra tấn.
Do phải chịu sách nhiễu thường xuyên từ phía cảnh sát, sau khi cặp vợ chồng này trốn thoát được một vụ bắt giữ, họ đã buộc phải sống tha hương từ ngày 6 tháng 7 năm 2008 để tránh bị bức hại.
Bà Quách cũng liên tục bị bắt giữ và bị sách nhiễu kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu. Bà bị kết án phi pháp 5 năm tù vào tháng 9 năm 2006 và bị tra tấn tàn bạo tại Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên. Trong thời gian phải thụ án tù này, chủ lao động đã sa thải bà, chồng bà thì ly dị bà vào tháng 3 năm 2007 và mẹ bà, khi ấy đang sống một mình, đã qua đời vào tháng 7 năm 2007.
Khi bà Quách được thả vào tháng 2 năm 2011, tóc bà ngả bạc, phản ứng của bà chậm chạp, thính giác và trí nhớ của bà suy giảm nghiêm trọng, bà trông xanh xao và rất yếu.
Ngày 8 tháng 3 năm 2011, chỉ 19 ngày sau khi bà Quách được thả ra khỏi nhà tù, cảnh sát lại tiếp tục sách nhiễu bà. Họ cố gắng đưa bà vào một trung tâm tẩy não, hứa sẽ để bà được nhận trợ cấp thu nhập thấp và giúp bà tìm một công việc. Bà từ chối tuân theo. Dù đã cố gắng tránh được việc bị bắt giữ nhưng bà buộc phải sống tha hương kể từ đó.
Lời kể của bà Dương về bức hại bà phải chịu từ năm 1999 đến 2008
Dưới đây là lời kể của bà Dương về bức hại bà đã trải qua trong những năm qua:
***
Ngày 25 tháng 12 năm 1999, người của chính quyền thị trấn Nam Cường triệu tập tôi tới và hỏi xem tôi còn tu luyện Pháp Luân Công không. Tôi trả lời họ rằng Pháp Luân Công là một môn tu luyện tuyệt vời, thế nên tôi sẽ không bao giờ từ bỏ.
Ngày 4 tháng 3 năm 2000, trong khi tôi đang làm việc ngoài đồng, bốn người của chính quyền xuất hiện và bắt tôi đưa tới Trung tâm Tẩy não Long Bình. Hơn 20 học viên Pháp Luân Công khác cũng bị giam giữ ở đây. Sau đó, một số người được thả sau khi họ viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Còn lại 16 người, trong đó có 6 nam, người nhiều tuổi nhất là hơn 70 tuổi và trẻ nhất là hơn 30 tuổi.
Khang Gia Lương, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật nói với chúng tôi: “Các người bị bắt giữ theo lệnh của Giang Trạch Dân và không được phép tu luyện Pháp Luân Công. Các ngươi phải tuân thủ các quy định và không được tu luyện khi ở đây. Chúng tôi sẽ ‘chuyển hóa’ các người bằng mọi cách, có thể là đánh đập hoặc bỏ đói. Chúng tôi sẽ ‘bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể’ các người. Sau khi chúng tôi đánh đập các người, các người phải trả tiền cho chúng tôi. Có chỉ thị từ bên trên: đánh đến tàn phế chứ không được đánh chết. Những trường hợp bị đánh chết sẽ bị coi là tự tử, rồi sau đó sẽ bị đưa đi hỏa táng. Các người không thể làm gì được chúng tôi, chúng tôi nhận tiền từ Giang và làm những gì ông ta nói. Nếu các người muốn khiếu kiện, hãy tới Bắc Kinh và đệ đơn kiện Giang.”
Đồn trưởng Đồn Công an Thẩm Trường Hưng khẳng định: “Không ai quan tâm khi các người trộm gà trộm vịt, nhưng các người sẽ bị trừng phạt nếu tu luyện Pháp Luân Công.”
Ngày 7 tháng 3 năm 2000, 10 nữ học viên chúng tôi bị giam giữ trong cùng một phòng và bị các lính canh đánh đập, trong khi sáu học viên nam bị bắt đứng chân trần dưới trời mưa lớn.
Cả 16 người chúng tôi chỉ được cấp chưa đến 1,5 kg gạo mỗi ngày, mỗi bữa thì cơm chỉ đủ cho mấy người ăn. Một số người phải uống nước để đỡ đói. Buổi tối, chúng tôi phải ngủ trên nền xi măng mà không có ga trải. Các lính cánh cố sử dụng tất cả các hình thức để tra tấn chúng tôi.
Sau bữa tối ngày 9 tháng 3 năm 2000, một lính canh hỏi tôi nghĩ gì về Pháp Luân Công. Tôi nói rằng Pháp Luân Công là tốt. Chỉ vì thế mà ba lính canh vây quanh và đánh đập tôi. Khi một học viên khác là bà Trương Tú Dung cố gắng ngăn họ lại, họ kéo bà ra khỏi phòng rồi dùng ghế đẩu gỗ đánh bà và đạp lên đầu bà. Dù trời đang mưa, các lính canh vẫn bắt chúng tôi dựng ngược người lên trong tư thế “trồng cây chuối” ở bên ngoài.
Một số người dân nhìn thấy chúng tôi và lên án các lính canh đã tra tấn chúng tôi. Để tránh bị chỉ trích, lính canh đã đưa chúng tôi vào trong. Bởi từ chối nói lời bất kính về Pháp Luân Công và từ chối từ bỏ tu luyện, nên họ đã đánh đập tôi trong hơn ba tiếng đồng hồ, khiến mấy chiếc ghế bị gãy. Họ giật đứt rất nhiều tóc của tôi và tôi thấy tóc la liệt trên mặt đất. Da đầu tôi bị rách, miệng và lợi của tôi bị thương. Cuối cùng, tôi ngã xuống và bị hộc máu. Mặt tôi sưng lên và biến dạng, toàn thân bầm tím. Tôi không thể ăn và vào ban đêm, tôi không thể ngủ do đau đớn.
Ngày hôm sau, người của chính quyền thị trấn đến xem tôi thế nào, họ sợ hãi khi thấy mặt tôi sưng tấy biến dạng không nhận ra. Cao Huân, Bí thư Đảng ủy Thị trấn Nam Cường, lệnh cho gia đình tôi trả 5.000 Nhân dân tệ để tôi được thả về. Họ cũng đe dọa tuyên tôi án tù dài bởi tôi bị chính quyền coi là một cá nhân nguy hiểm và là một học viên Pháp Luân Công ngoan cố. Gia đình tôi phải trả cho họ 1.000 Nhân dân tệ, cộng thêm 160 Nhân dân tệ mà họ gọi là “chi phí sinh hoạt” của tôi. Ngày 17 tháng 3 năm 2000, tôi được về nhà.
Ngày 18 tháng 7 năm 2000, tám người từ Đồn Công an Thị trấn Nam Cường, trong đó có Phụng Quang Quốc, Trần Phi và Nhậm Phát Dung, đột nhập vào nhà tôi, khi đó vợ chồng tôi đang học các kinh sách Pháp Luân Công. Họ lục soát chỗ ở của tôi và lại đánh đập tôi. Con gái mười mấy tuổi của tôi bảo họ dừng lại, nói với họ rằng tôi mới hồi phục những tổn thương trên thân thể khi bị đánh đập trong trung tâm tẩy não. Để trả thù, họ cũng bắt luôn cả con gái tôi đưa tới đồn công an cùng với tôi.
Tôi lại bị đưa vào Trung tâm Tẩy não Long Bình, ở đó, các nhân viên Trác Xương Bảo, Khang Gia Lượng và Lý Tường chửi mắng các học viên Pháp Luân Công. Họ nói rằng nếu tôi cho rằng họ phạm pháp, tôi có thể tới Bắc Kinh nói chuyện với Giang Trạch Dân, vì chính ông ta đã ra lệnh cho họ bức hại tôi.
Để đòi lại công lý, ngày 20 tháng 12 năm 2000, tôi cùng các học viên khác đã lên đường tới Bắc Kinh thỉnh nguyện. Ngày 30 tháng 12, chúng tôi bị bắt ở tỉnh Hà Bắc và bị đưa tới Đồn Công an Thành phố Tam Hà. Bởi tôi không cho cảnh sát biết tên và địa chỉ, họ đã lột hết quần áo của tôi ra và tịch thu tất cả tài sản cá nhân tôi mang theo người. Họ dồn các học viên chúng tôi lên ba chiếc xe, chở tới một cánh đồng hoang vắng ở một vùng hoang vu của Thiên Tân và đẩy chúng tôi ra khỏi xe.
Không bỏ cuộc, chúng tôi đã cùng nhau đi bộ suốt đêm tới Bắc Kinh. Khoảng 9 giờ sáng ngày 31 tháng 12 năm 2000, chúng tôi bị người của Đồn Công an Tây Đan ở Công viên Trung Sơn bắt giữ. Cảnh sát đã lừa tôi nói ra tên, họ, địa chỉ của mình. Họ lập tức gọi cho Mễ và Lưu Lan của Văn phòng liên lạc Toại Ninh ở Bắc Kinh tới đưa tôi đi.
Ngày 7 tháng 1 năm 2001, tôi bị các cảnh sát Lý Húc, Nhậm Phát Dũng và Tăng Tổ Hưng đưa trở lại Toại Ninh. Trong đồn công an, cảnh sát Trần Phi đánh tôi và lăng mạ tôi. Hôm sau, tôi bị đưa vào Trại tạm giam Ngô Gia Loan và bị giam giữ ở đó hai tháng.
Ngày 23 tháng 2 năm 2001, chính quyền đưa hơn 40 học viên trong trại tạm giam này ra ngoài diễu phố để làm nhục và chỉ trích công khai. Nhiều học sinh lớp 5, lớp 6 bị ép tham gia. Cảnh sát vũ trang đẩy tôi cùng các học viên khác lên bục trong sân vận động, bắt chúng tôi cúi đầu và rồi họ tuyên bố các quy định trong trại lao động cưỡng bức và các quy định quản thúc tại gia. Tôi bị kết án một năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Nam Mộc Tự, ở đây, tôi liên tục bị tra tấn.
Tối ngày 26 tháng 9 năm 2002, người của Đồn Công an Thị trấn Nam Cường, gồm có Phụng Quang Quốc, Chu Xuân Hồng và Bành Minh Hoa, lại đột nhập vào nhà tôi và tịch thu của tôi các kinh sách Pháp Luân Công. Tôi bị đưa vào trại tạm giam và bị giam giữ ngắn ở đó.
Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 1 tháng 11 năm 2002, cảnh sát lại bắt giữ tôi và đưa tôi vào Trung tâm Tẩy não Long Bình để giam giữ 15 ngày.
Khi con gái tôi sinh con vào ngày 4 tháng 7 năm 2003, cảnh sát đột kích vào nhà tôi, nhưng tôi không có ở nhà.
Ngày 23 tháng 11, khi vợ chồng tôi đang hướng dẫn những người khác cách trồng rau thì cảnh sát tới bắt giữ chúng tôi. Chúng tôi bị đưa vào Trung tâm Tẩy não Bắc Môn và bị giam giữ ở đó hai tháng.
Tối hôm 27 tháng 2 năm 2004, chỉ một tháng sau khi được thả, chính quyền lại tiếp tục sách nhiễu chúng tôi. Con gái tôi, khi ấy đang sống cùng vợ chồng tôi, từ chối mở cửa và lên án họ vì bức hại phi pháp.
Đăng ký cư trú của tôi hết hạn vào năm 2004 và phải mất rất nhiều công sức mới gia hạn được. Sau đó, cảnh sát nỗ lực bắt giữ tôi. Tôi trốn thoát được và buộc phải sống trôi giạt khắp nơi hơn ba tuần.
Ngày 6 tháng 7 năm 2008, Đồn trưởng họ Tiêu của Đồn Công an An Cư lại cố gắng bắt giữ tôi. Họ đột kích nơi ở của tôi và lấy đi của tôi máy vi tính, máy in và các tài sản cá nhân khác. Sau khi tôi trốn thoát được, cảnh sát tiếp tục lục soát nhà hàng xóm và nhà người thân của tôi để tìm tôi. Họ còn treo thưởng 1.000 Nhân dân tệ cho ai có thể cung cấp được thông tin về nơi tôi đang ở.
Khoảng 10 giờ tối ngày 28 tháng 12 năm 2008, bảy, tám cảnh sát lại đột nhập vào nhà tôi để tìm vợ chồng tôi, rồi còn đe dọa người nhà tôi.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/10/22/484115.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/10/27/221382.html
Đăng ngày 04-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.