Bài viết của Thanh Liên, đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 19-06-2024] Tôi là một giáo viên trung học đã giảng dạy hơn 20 năm, và tôi cũng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được hơn 20 năm. Trong hơn 20 năm ấy, Sư phụ từ bi đã luôn bảo hộ và giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Chính Pháp đã ma luyện tôi trở thành một giáo viên có tư tưởng khoáng đạt, lạc quan, khiêm tốn, không màng danh lợi, được học sinh yêu mến và phụ huynh kính trọng.

Ngẫm lại sự nghiệp giảng dạy và quá trình tu luyện hơn 20 năm của mình, những gương mặt sống động lại hiện ra trước mắt, những kỷ niệm khó quên lại ùa về trong tâm trí tôi. Vào thời khắc đặc biệt này, là một đệ tử Đại Pháp, tôi rất vinh dự có cơ hội được hồi báo lên Sư tôn và chia sẻ những suy nghĩ cũng như trải nghiệm của mình với thế nhân và tất cả chúng sinh.

Cơ duyên hiếm có và quý giá

Mỗi lần dạy một lớp mới, tôi luôn nói thế này khi bắt đầu buổi học đầu tiên: “Các em có biết cơ hội chúng ta gặp nhau tại đây là hiếm có thế nào không?” Một số học sinh tỏ vẻ ngạc nhiên. “Để thầy phân tích cho các em. Đầu tiên, các em cần phải là một con người (các học sinh sẽ cười) trong số khoảng 7 tỷ người trên Trái đất. Các em cần được sinh ra tại Trung Quốc, một trong 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau đó, các em cần được sinh ra ở tỉnh của chúng ta, một trong 30 tỉnh thành, khu tự trị hoặc thành phố trực thuộc Trung ương. Và riêng trong tỉnh của chúng ta, các em cần được sinh ra ở đây, một trong mười huyện cấp thành phố này”.

“Điều quan trọng hơn cả là vào lúc này các em không thể quá già (các học sinh lại cười) và cũng không thể quá trẻ. Các em cần khoảng 16-17 tuổi, đúng độ tuổi học trung học”.

“Các em cũng cần vượt qua hơn 10.000 thí sinh để vào được trường của chúng ta và được phân vào lớp này trong số hơn 40 lớp học. Như thế các em mới có thể ngồi ở đây vào lúc này. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Giờ đến lượt tôi. Tôi cũng cần đáp ứng tiêu chí tương tự. Trước tiên, tôi cần là…”

“Một con người!” Các học sinh hào hứng đáp lại.

“Đúng vậy, trước hết phải là người Trung Quốc, sinh ra ở cùng tỉnh, thành phố và huyện của chúng ta. Tôi cũng cần có tuổi phù hợp, và tôi cần được phân dạy lớp ở trình độ trung học phổ thông. Ngoài ra, tôi phải được lựa chọn từ hơn chục giáo viên bộ môn để dạy các em năm nay. Đó là những gì tôi cần trải qua để có thể đứng ở đây hôm nay!”

“Nếu các em nhân tất cả các khả năng này để có được xác suất chúng ta gặp nhau, con số nhỏ đến mức gần như là bằng không. Vậy, điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là gần như không thể. Nhưng chuyện này đã xảy ra! Nó như thể là đã được sắp xếp một cách chủ đích. Chúng ta gọi điều này là gì?”

Các học sinh hăng hái trả lời: “Kỳ tích!” “Phép lạ!” Tôi nói: “Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, có một câu nói rằng…” Ngay lập tức, hầu hết tụi trẻ sẽ trả lời: “Duyên phận!”

“Đúng vậy, đó là duyên phận! Các em ạ, thầy trò chúng ta đến được với nhau là bởi duyên phận, cơ duyên này thật hiếm có và đáng trân trọng! Chúng ta cũng nên trân quý mối quan hệ giữa các bạn cùng lớp, thậm chí là bạn cùng bàn. Do vậy, trong tương lai, tôi hy vọng các em học được cách khoan dung nhường nhịn lẫn nhau và khích lệ nhau, cùng nhau trải nghiệm hành trình tuyệt vời của những năm trung học này và lưu lại những kỷ niệm đẹp!”

Bất cứ khi nào nói đến đây, tôi đều vô cùng cảm động. Tôi nghĩ: Mình thật may mắn biết bao khi được sinh ra vào thời điểm Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền!

Những bài giảng của Sư phụ khiến tôi nhận ra sứ mệnh của tôi là giảng chân tướng về Đại Pháp cho học sinh, bác bỏ những lời dối trá của chủ nghĩa vô thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và hướng cho học sinh trở về với các giá trị truyền thống và bản tính thiện lương.

Pháp của Sư phụ luôn khắc sâu trong tôi, khiến tôi luôn ước thúc bản thân theo các tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn và đối xử tốt với từng học sinh. Với ý định chân thành và đơn giản này, tôi đã bắt đầu một hành trình giảng dạy riêng của mình.

Mẫu hình người tốt

Hiện nay ở Trung Quốc Đại lục, việc theo đuổi danh vọng và tiền bạc là trên hết, và để đạt được mục đích, người ta sẽ không từ bất cứ điều gì. Giáo viên cũng không ngoại lệ. Nhiều đồng nghiệp của tôi coi học sinh như công cụ để giúp họ thăng tiến, thưởng tiền và vinh danh, nhưng họ thường mượn lý do “vì lợi ích của học sinh”. Giáo viên chỉ quan tâm đến điểm số, học sinh là những cái máy trả lời câu hỏi và làm bài kiểm tra, trong lớp học chỉ có khiển trách mà không có tình yêu thương hay dạy dỗ thực sự. Ngoài giờ học, các giáo viên cũng thờ ơ, không quan tâm đến học sinh của mình.

Là một học viên Đại Pháp, tôi cố gắng trở thành một bông sen thuần khiết nơi đầm lầy thế gian và hướng đến khôi phục một nền giáo dục chân chính: truyền kiến thức, dạy dỗ và làm sáng tỏ những hiều lầm. Tôi muốn mang trí huệ có được trong Đại Pháp để thức tỉnh bản năng truy cầu sự thật và sự thiện lương trong mỗi học sinh. Bằng thiện tâm của một học viên Đại Pháp, tôi bảo vệ trái tim mong manh dễ bị tổn thương của các em.

Học sinh trung học ngày nay đối mặt với lượng kiến thức khổng lồ và áp lực tinh thần to lớn. Nhiều em có vấn đề về tâm lý, nhưng không biết chia sẻ với ai và rất đau khổ. Tuy nhiên, khi các em gặp một học viên Đại Pháp, các em đã có trải nghiệm khác biệt. Thiện tâm vốn có của người học viên khiến các em dường như lập tức cảm thấy chúng ta khác với các giáo viên khác.

Ngoài ra, không khí trong lớp học của tôi rất thoải mái, nội dung tôi giảng phong phú và đa dạng. Học sinh không chỉ cảm thấy mới lạ mà còn chấn động sâu sắc. Đó là bởi vì hầu hết các giáo viên không quan tâm đến điều gì ngoài nội dung trong sách giáo khoa hoặc những nội dung có trong các kỳ thi. Còn tôi đã tích hợp những khám phá khoa học hiện đại vào nội dung giảng dạy của mình. Các tình huống và quan điểm mà tôi thảo luận thường phá bỏ giới hạn nhận thức hiện có và vạch trần những lời dối trá của chủ nghĩa vô thần.

Tôi cũng tổng hợp những sự kiện lịch sử xảy ra ở Trung Quốc trong các giai đoạn khác nhau để phơi bày những lời dối trá do ĐCSTQ tuyên truyền và khích lệ học sinh suy nghĩ và tự mình phân tích. Vì học sinh trung học có thể phân biệt đúng sai, dần dần các em có được nhận thức mới về ĐCSTQ. Tôi dẫn dắt các em tôn trọng văn hóa truyền thống đích thực và tìm hiểu cách ứng xử của người xưa.

Tu luyện Đại Pháp sẽ khiến người ta khai trí khai huệ nên tôi thường có thể biết rõ học sinh đang nghĩ gì và tôi sẽ dùng các thể ngộ của bản thân về các Pháp lý trong Đại Pháp để khuyên bảo các em. Vậy là trong quá trình nghe giảng, các vấn đề trong tâm các em được tháo gỡ một cách không tự biết. Một số học sinh thậm chí còn nói: “Thầy ơi, thầy nên là một nhà tâm lý học mới đúng!”

Sau giờ học, tôi cũng giúp các em giải quyết những vấn đề gặp phải trong học tập và cuộc sống cá nhân. Tại sao tôi có thể làm như vậy? Bởi vì tôi thực sự quan tâm đến học sinh của mình, coi các em như những chúng sinh đến vì Pháp, thay vì coi họ như công cụ để theo đuổi danh lợi! Tôi thực sự yêu học sinh của mình, và học sinh cũng yêu quý tôi. Các em cảm nhận được lòng tốt và sự chân thành của tôi, biết được thầy giáo là một người tốt đang dạy mình trở thành người tốt, cầu chân hướng thiện.

Có người có thể hỏi: Việc thảo luận các chủ đề không liên quan đến kỳ thi có ảnh hưởng đến điểm số của học sinh không? Hoàn toàn ngược lại, học sinh của tôi luôn có điểm số rất cao. Trí huệ Đại Pháp ban cho tôi giúp tôi soạn giáo án hiệu quả cao, cũng như thiết kế các phương pháp giảng dạy sáng tạo. Bài giảng của tôi luôn sống động, hài hước và đi thẳng vào vấn đề, đến mức các giáo viên nghiên cứu giảng dạy thường nói các lớp học của tôi rất truyền cảm hứng.

Trong hơn 20 năm sự nghiệp giảng dạy của tôi, có biết bao học sinh đã đến rồi đi, lớp này tốt nghiệp, lớp khác lại đến. Những đứa trẻ đáng yêu và dễ thương này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, và chúng tôi đã có nhiều trải nghiệm cảm động. Dưới đây là một vài câu chuyện đó, tên các học sinh trong chuyện đều là hóa danh.

Câu chuyện của Tiểu Vũ

Tôi nhớ rõ trước kia khi Sư phụ giảng Pháp truyền công ở Trung Quốc, Ngài đã yêu cầu học viên viết về những tâm đắc thể hội của mình. Tôi cũng noi gương Sư phụ, yêu cầu học sinh của mình viết ra những trải nghiệm và suy nghĩ về các tiết học của tôi. Căn cứ theo đó, tôi giải đáp các thắc mắc, tháo gỡ những hiểu lầm, phản hồi lại suy nghĩ của các em cũng như đề xuất các giải pháp. Một số học sinh thậm chí đã viết thư hồi âm cho tôi không chỉ một lần.

Tiểu Vũ thoạt nhìn là một nữ sinh trầm tính, và lá thư của em có chút đặc biệt: “Em chào Thầy ạ! Hôm nay em nhận được thư trả lời của thầy, thật là quá bất ngờ. Từ khi em vào học trung học, thực ra thầy cô nào cũng yêu cầu chúng em viết những bức thư thế này, nhưng theo em biết, rất ít thầy cô nghiêm túc đọc và trả lời chúng. Vì vậy, bức thư lần trước của em có phần sáo rỗng. Nhưng khi nhận được thư hồi âm của thầy, em đã rất cảm động“.

“Lá thư của thầy khiến em nhận ra rằng thầy thực sự quan tâm đến chúng em và suy nghĩ của chúng em. Nó khiến em cảm thấy mình được tôn trọng và coi trọng. Không có thầy cô nào khác từng làm được như vậy. Sự quan tâm chân thành và phản hồi ân cần của thầy đã giúp em thấy được tiềm năng của mình và truyền cảm hứng để em thành thực và chăm chỉ hơn. Giờ đây, em mong chờ các tiết học của thầy và mong được học hỏi và trưởng thành hơn. Cảm ơn thầy đã là một giáo viên tuyệt vời và cho chúng em thấy giáo dục thực sự là như thế nào”.

Lá thư hồi âm chân thành của Tiểu Vũ khiến tôi nhận ra sự tác động sâu sắc khi người thầy có thể thể hiện sự quan tâm thực sự đối với học sinh của mình. Điều đó củng cố niềm tin của tôi vào tầm quan trọng của việc đối xử tử tế và tôn trọng với mỗi học sinh, thúc đẩy tôi tiếp tục chỉ bảo và dạy dỗ các em bằng thiện chí, tình yêu thương và trí huệ.

Tiểu Vũ còn viết: “Các thầy cô thường quan tâm đến những học sinh giỏi nhất. Điểm của em chỉ ở mức trung bình. Hồi học trung học cơ sở, em còn được thầy cô quan tâm, nhưng lên trung học phổ thông, điểm của em không được cải thiện. Vì vậy, em đã buông lơi hơn nhiều vì em cảm thấy rằng dù sao thì thầy cô cũng sẽ không quan tâm đến em. Nhưng thầy đã thực sự thay đổi quan điểm của em. Thầy thực sự yêu thương chúng em. Em phải nói rằng trong số nhiều thầy cô, thầy là giáo viên duy nhất khiến chúng em cảm thấy được yêu thương. Cảm ơn thầy rất nhiều!”

“Thầy ơi, thành thật mà nói, em không hề nói quá rằng thầy giống như một vị thần đối với chúng em. Em tuyệt không xu nịnh! Vậy nên, thầy ơi, em muốn thầy biết rằng thầy thật tuyệt vời, và chúng em rất yêu quý thầy. Có lẽ thầy được thượng thiên phái xuống để cứu em! Có thể trong mắt một số thầy cô, em là một học trò kém, nhưng thầy thì không. Vậy nên em thực sự khâm phục thầy. Năm cuối cấp sắp tới, em hy vọng thầy sẽ tiếp tục dạy chúng em và là người dẫn dắt, đưa chúng em từ bình thường trở nên xuất sắc. Chúng em thực sự kính yêu thầy!”

Bức thư này đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Có lẽ một người thường sẽ cảm thấy rất vui và hài lòng khi nhận được lời khen ngợi như vậy từ một học sinh, vì thực sự không dễ để có được sự công nhận như vậy. Tuy nhiên, là một học viên, điều tôi thấy là khát vọng của một sinh mệnh và trách nhiệm nặng nề của tôi. Mọi người đều có một phần biết khao khát chân lý và sự cứu độ từ Đại Pháp, và các học viên đều biết rõ điều này.

Thành tích học tập của Tiểu Vũ chỉ ở mức trung bình, và ở cô học trò này không có gì nổi bật. Vì vậy, cô học sinh này không thu hút được nhiều sự quan tâm từ các giáo viên. Tôi thường đối xử bình đẳng với mọi học sinh vì tôi hiểu duyên phận giữa chúng tôi và mục đích các em đến đây. Vì vậy, bất kể điểm số của học sinh thế nào, ngoại hình của các em ra sao hay hoàn cảnh gia đình của các em như thế nào, tôi đều đối xử tốt với các em. Đây có lẽ là lý do tại sao tôi khác với những giáo viên khác. Tất nhiên, điều quan trọng nhất khiến tôi có thể làm được điều này nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Câu “Có lẽ thầy được thượng thiên phái xuống để cứu em“ luôn khắc sâu trong tâm trí tôi. Tôi muốn hoàn thành trách nhiệm của một học viên Đại Pháp, vì vậy tôi khẩn cầu Sư phụ ban cho tôi cơ hội này. Sau đó, tôi tiếp tục dạy Tiểu Vũ vào năm cuối trung học.

Một lần, Tiểu Vũ đến xin tôi lời khuyên về việc chọn chuyên ngành, và tôi biết cơ duyên đã đến. Cô bé khá hứng thú với ngành luật, nên tôi nói: “Luật là một nghề không tồi, đấu tranh cho công lý và gìn giữ sự công bằng. Nhưng nó cũng đầy thử thách và đòi hỏi phải làm việc chăm chỉ. Tất nhiên, để xuất sắc trong bất kỳ lĩnh vực nào, em cũng đều phải nỗ lực”. Tiểu Vũ đồng ý và nói: “Thưa thầy, em cũng nghĩ như vậy. Đấu tranh cho công lý, duy trì sự công bằng, và thu nhập cũng khá ạ”.

Tôi nói tiếp: “Ở Trung Quốc ngày nay, không có nhiều luật sư đứng lên vì công lý như vậy. Chính phủ đã chà đạp lên luật pháp. Em có biết về Pháp Luân Đại Pháp không? Đó là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Không có luật nào ở Trung Quốc nói rằng Pháp Luân Đại Pháp là một tà giáo. Và trong các điều khoản 99 và 100 của Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Nhà nước (cũng như Sắc lệnh số 50), lệnh cấm trước đó đã bị bãi bỏ và cho phép sở hữu hợp pháp các sách Pháp Luân Đại Pháp”.

“Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Trung Quốc, bao gồm cảnh sát, công tố viên và tòa án đã phớt lờ những qui định pháp luật này và ngang nhiên vi phạm chúng. Họ làm như vậy theo mệnh lệnh trực tiếp từ ‘cấp trên’, dẫn đến cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp“.

“Nhưng nhiều luật sư chính trực biết rằng Đại Pháp dạy mọi người làm người tốt và là một môn tu luyện hợp pháp! Vì vậy, họ bảo vệ những học viên vô tội này. Những lập luận biện hộ có căn cứ và hợp lý của họ khiến các công tố viên, tòa án và cảnh sát không nói nên lời. Một số thẩm phán thậm chí còn nổi giận trong phòng xử án: ‘Đừng dạy luật cho tôi, tôi chỉ tuân theo mệnh lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc!’ Em thấy đấy, đây là tình hình hiện tại của hệ thống pháp luật Trung Quốc”.

Tiếu Vũ gật đầu lắng nghe. Tôi cũng kể cho cô bé sự thật về vụ “tự thiêu” dàn dựng trên Quảng trường Thiên An Môn, giải thích rằng đó là trò lừa bịp do ĐCSTQ thực hiện để vu khống Pháp Luân Đại Pháp.

Sau khi Tiểu Vũ đã hiểu sự thật về Pháp Luân Đại Pháp, tôi nói chuyện với em về Tàng Tự Thạch ở tỉnh Quý Châu với những chữ được khắc tự nhiên trên đó. Nghe xong, Tiểu Vũ liền đồng ý thoái khỏi Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội Thiếu niên Tiền phong. Sau cuộc trò chuyện này, cô bé liên tục cảm ơn tôi. Tôi cười nói: “Đây đều là trách nhiệm của thầy, đừng khách sáo, sau này em có thể thường xuyên đến trò chuyện với thầy nhé!”

Một sinh mệnh đã được cứu! Tiểu Vũ, em có biết không? Trong mắt những giáo viên khác, em có thể chỉ là một học trò thất bại, nhưng trong mắt thầy thì không, và trong mắt Sáng Thế Chủ từ bi vĩ đại lại càng không như vậy. Em là người được trời cao che chở!

Câu chuyện của Tiểu Quốc

Lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên Tiểu Quốc là không lâu sau khi năm học mới bắt đầu. Giáo viên chủ nhiệm lớp của Tiểu Quốc nói với tôi:“Trong lớp chúng ta có một số đứa trẻ đặc biệt, một trong số đó là Tiểu Quốc. Cậu ấy là một đứa trẻ có vấn đề về tâm thần và đã sống trong bệnh viện tâm thần một thời gian, vì vậy, thầy đừng hỏi cậu ấy điều gì”. Sau khi nghe giáo viên chủ nhiệm nói như vậy, trong giờ học tôi liếc nhìn: Ồ, cậu ấy là Tiểu Quốc. Tôi nhớ ra cách đây hai ngày có một cậu bé đến văn phòng và xin tôi đừng hỏi cậu ấy những câu hỏi trong lớp, và tôi vui vẻ đồng ý. Hóa ra là cậu ấy!

Những ngày sau đó, tôi nhận thấy đôi khi Tiểu Quốc ngủ trong tiết học của tôi, nhưng khi tôi giảng đến những phần thú vị, như nội dung mở rộng ngoại khóa, cậu ấy luôn thức và còn cười theo.

Một tối nọ, trong giờ tự học, cậu ấy đến văn phòng của tôi và nói muốn trò chuyện với tôi. Tôi đã đưa cậu ấy đi dạo quanh khuôn viên trường và cậu ấy nhận xét: “Thưa thầy, thầy khác với những thầy cô khác. Khi các thầy cô khác giảng điều gì đó, bao gồm cả giáo viên chủ nhiệm và trưởng khoa, em đều biết họ sẽ nói gì tiếp theo. Nhưng thầy thì khác. Em không biết tiếp theo thầy sẽ nói gì. Thầy có biết em đã từng ở bệnh viện tâm thần một thời gian không?”

Sau đó, Tiểu Quốc nói về những sự việc trải qua trong quá khứ và nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại của mình. Cậu ấy kể lại một sự cố hồi lớp hai khi có thứ gì đó trong lớp bị hỏng và tất cả các bạn cùng lớp đều bảo là do cậu ấy, thực ra không phải. Giáo viên đã đưa cậu ấy ra ngoài để tra hỏi. Tiểu Quốc không thể thừa nhận điều mình không làm, nhưng cậu đã bị đánh mắng cho đến khi phải nhận bừa. Từ đó trở đi, cậu bị đổ lỗi cho mọi trò nghịch ngợm trong lớp. Cậu đã sống trong bầu không khí đó suốt thời tiểu học.

Tiểu Quốc trở nên cô đơn và không ai hiểu được nỗi đau của cậu. Khi học trung học cơ sở, cậu ấy theo học tại một trường nội trú tư thục và cũng bị đối xử tệ bạc do những chiêu trò kiếm tiền của nhà trường, các giáo viên trong trường cũng làm một số việc khiến cậu bị tổn thương. Vì vậy cậu có ác cảm với giáo viên. Mãi đến khi gặp tôi, cậu ấy mới nhận ra sự khác biệt, cả về phong cách giảng dạy và thái độ đối với học sinh. Vậy nên, cậu ấy mới sẵn sàng nói chuyện với tôi.

Tôi đã chia sẻ suy nghĩ của mình với cậu ấy. Tôi nói: “Không ngờ em đã phải trải qua nhiều chuyện như vậy. Thầy thông cảm với cảnh ngộ của em và hiểu tâm trạng của em. Cũng may cuối cùng em cũng vượt qua được! Nhưng oán giận thật sự không phải điều tốt, nó chẳng những không giúp em giải quyết vấn đề mà còn khiến em không vui, trong lòng chất chứa đầy u uất”.

“Đây là một chấn thương tâm lý nghiêm trọng. Theo thời gian, nó sẽ gây ra những tổn thương rất lớn về thể chất và tinh thần. Sau này, em cứ thoải mái nói chuyện với thầy nhiều hơn. Chúng ta cùng nhau thảo luận về mọi thứ nhé”. Lần đầu tiên, nên tôi không muốn nói quá nhiều với cậu ấy. Băng dày ba thước, đương nhiên không thể một ngày có thể đánh tan, từ từ rồi sẽ làm được.

Tiểu Quốc bắt đầu đến nói chuyện với tôi thường xuyên hơn, và trạng thái tinh thần cũng như thành tích học tập của cậu ấy đã được cải thiện đáng kể. Tôi động viên cậu ấy học tập nhiều hơn và phấn đấu để đậu một trường đại học tốt.

Khi sắp tốt nghiệp, cậu ấy đến văn phòng của tôi và tặng tôi một món quà. Đó là một cuốn sách mà cậu ấy thích nhất. Tiểu Quốc nói rằng cậu ấy muốn tôi sẽ giữ nó làm kỷ niệm. Thật là một học trò ngoan!

Vào buổi tối tự học cuối cùng, chúng tôi đi dạo quanh khuôn viên trường. Tôi cảm ơn cậu ấy vì cuốn sách và trong cuộc trò chuyện này, tôi đã giảng chân tướng cho cậu về Pháp Luân Đại Pháp. Cậu ấy đã đồng ý thoái các tổ chức liên đới của ĐCSTQ. Tôi nói: “Thầy sẽ tặng cho em cái tên Ánh Dương để thoái nhé. Thầy hy vọng trái tim em tràn ngập ánh dương, xua tan sự oán giận và bóng tối. Thầy chân thành chúc em hạnh phúc!”

Lúc này, dưới ánh đèn trong khuôn viên trường, tôi thấy mắt Tiểu Quốc ngấn lệ. Trong suốt nửa sau cuộc trò chuyện, cậu ấy đã luôn rơi lệ. Tôi không hỏi tại sao cậu ấy khóc, và tôi cũng không cần phải hỏi vì tôi đã biết câu trả lời. Sâu thẳm bên trong, cậu ấy đã tìm thấy sự thật, câu trả lời cho kiếp sau của mình.

Câu chuyện của Yến Tử

Yến Tử là một nữ sinh trầm tính, học rất chăm chỉ nhưng trình độ dưới mức trung bình. Gia đình Yến Tử rất khá giả, giáo viên chủ nhiệm của cô ấy đã nói với tôi như vậy.

Khi kỳ nghỉ đông đến gần, giáo viên chủ nhiệm của Yến Tử đưa cho tôi một tấm thẻ quà tặng đắt tiền, nói rằng đó là từ cha của Yến Tử gửi tặng cho mỗi thầy cô. Sau khi đưa cho tôi tấm thẻ, giáo viên chủ nhiệm nhanh chóng rời đi, vì vậy tôi phải tạm giữ nó. Ngay sau khi học kỳ mới bắt đầu, tôi đã viết một bức thư gửi cho cha của Yến Tử và kèm theo tấm thẻ.

Năm sau, điều tương tự lại xảy ra: Tôi nhận được tấm thẻ, tạm thời nhận rồi trả lại. Tuy nhiên, cha của Yến Tử nhất quyết muốn gặp tôi. Trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi, cha mẹ của Yến Tử đã rất xúc động. Họ nói: “Thật hiếm khi tìm được một giáo viên như thầy. Ngày nào Yến Tử cũng nói về thầy, kể cho chúng tôi nghe những gì thầy đã dạy. Cháu rất ngưỡng mộ thầy. Yến Tử thật may mắn đã gặp được một giáo viên như thầy và chúng tôi cũng thấy mình thật may mắn”.

Họ khẩn thiết mong tôi dạy kèm cho Yến Tử trong kỳ nghỉ. Tôi đồng ý, nhưng với điều kiện là chúng tôi sẽ không thảo luận về học phí. Tôi nói: “Tôi có thể kèm em ấy, nhưng chúng ta không nói về tiền nhé, nếu không tôi sẽ không dạy đâu”. Vậy là tôi đã dạy kèm cho Yến Tử trong kỳ nghỉ. Vào tháng đầu tiên của năm cuối cấp, bố của Yến Tử liên tục hỏi số tài khoản ngân hàng của tôi, nhưng tôi đều từ chối. Anh ấy cũng tìm cách gặp tôi để đưa tiền cho tôi, nhưng tôi lịch sự từ chối, nói rằng có gì trao đổi qua điện thoại là được rồi.

Sau đó, vì nhiều lý do, Yến Tử chuyển đến một trường học ở phía Nam. Trước khi chuyển đi, cô bé đã đến văn phòng của tôi để nói lời tạm biệt. Chưa kịp nói gì, cô bé đã bật khóc, lệ rơi đầy mặt. Tôi an ủi em, biết rằng em là một đứa trẻ thiện lương và tin rằng cô học trò nhỏ sẽ có một tương lai tươi sáng, bởi cô bé đã hiểu được sự thật về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cũng giúp em thoái xuất khỏi ĐCSTQ.

Cuộc sống và học tập của Yến Tử ở miền Nam không mấy suôn sẻ, nên em vẫn giữ liên lạc với tôi. Mẹ em nói với tôi qua điện thoại rằng Yến Tử liên tục so sánh tôi với các thầy cô hiện tại của em, cảm thấy có sự khác biệt rất lớn. Cô ấy hy vọng tôi có thể nói chuyện với Yến Tử nhiều hơn, bảo rằng người Yến Tử tin tưởng nhất lúc này là tôi. Tôi vui vẻ đồng ý. Tôi không chỉ trò chuyện với Yến Tử để giảm bớt căng thẳng cho em mà còn giúp em học trực tuyến. Nhờ sự nỗ lực và kiên trì của Yến Tử, cô bé đã đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học và được nhận vào một trường đại học như mong đợi.

Bố của Yến Tử nhất quyết cảm ơn tôi: “Thầy đã giúp chúng tôi rất nhiều, điều khác chưa nói, nhưng chí ít thầy hãy nhận học phí, không kể nhiều ít, cũng là một chút tấm lòng của chúng tôi, như thế chúng tôi mới phần nào yên tâm được”. Tôi đã không gặp anh ấy. Không ngờ một buổi tối, mẹ của Yến Tử gọi điện nói rằng họ đang ở cửa nhà tôi và sẽ đợi cho đến khi gặp được tôi. Cô ấy nói thêm: “Chúng tôi sẽ không nói về học phí. Chúng tôi biết tính của thầy rồi. Chúng tôi chỉ muốn gặp thầy, đó cũng là lẽ thường thôi mà”. Vì vậy, tôi phải ra ngoài để gặp họ. Như họ đã nói, họ không nói gì về học phí nhưng thay vào đó họ tặng tôi một món quà nhỏ cho vợ tôi, một sợi dây chuyền vàng.

Hóa ra trong khoảng thời gian qua họ đã bàn bạc về cách cảm ơn tôi, coi tôi là ân nhân của họ. Yến Tử nói rằng em muốn mua cho tôi một chiếc iPhone vì nghĩ chiếc điện thoại tôi đang sử dụng là chiếc điện thoại đơn giản nhất dành cho người lớn tuổi, hoặc tặng tôi một chiếc đồng hồ, nhưng sau khi cân nhắc, gia đình em không thể quyết định được. Cuối cùng, mẹ của Yến Tử đã đưa ra quyết định cuối cùng: mua chiếc dây chuyền vàng, không phải cho tôi mà là cho vợ tôi. Họ đưa tôi sợi dây chuyền và nhanh chóng rời đi giữa đám đông ồn ào, vậy nên tôi phải tạm thời nhận nó.

Trở về nhà, sợ dây chuyền vàng trở thành gánh nặng trong tâm trí tôi. Tôi có thể trả lại bằng cách nào đây? Tôi đã hẹn Yến Tử đến gặp tôi trước khi trường đại học bắt đầu năm học mới, nói rằng tôi muốn tặng cho em một album tốt nghiệp. Cuộc hẹn cứ bị hoãn lại và tôi tự hỏi liệu em có đến không. Tôi cầu xin Sư phụ cấp cơ hội cho tôi. Cuối cùng, Yến Tử đã đến. Tôi đưa cho em cuốn album đã chuẩn bị với lời nhắn của tôi cùng chiếc hộp bên trong có sợi dây chuyền vàng. Em kể với tôi rằng trước khi đi, mẹ em đã cảnh báo rằng cuộc gặp sẽ liên quan đến sợi dây chuyền và em không được mang nó trở lại.

Tôi giải thích: “Em biết đấy, thầy là một người có tín ngưỡng. Thầy dạy em trở thành một người tốt, vì vậy thầy cũng phải là một người tốt. Nếu thầy nhận sợi dây chuyền này và vợ thầy đeo vào, sau có người hỏi ai đã mua nó? Có thể nói rằng là của phụ huynh học sinh tặng ư? Không thể nói như vậy được. Thầy có nên nói dối rằng thầy đã mua nó không? Điều đó trái ngược với những gì thầy dạy em về sự trung thực”.

“Có một điều thầy không muốn kể, nhưng bây giờ có vẻ cần thiết. Thầy từng có một học sinh thi trượt đại học lần đầu và muốn thi lại nhưng gia đình không có tiền. Thầy đã giúp nộp học phí và một phần chi phí sinh hoạt cho cậu ấy. Sau khi vào đại học, thầy và cậu ấy mất liên lạc, rồi thầy cũng dần quên chuyện đó. Nhiều năm sau, thầy tình cờ gặp cậu ấy ở cổng trường cùng với người vợ mới cưới của cậu ấy. Hóa ra họ đến để cảm ơn thầy và chia sẻ niềm hạnh phúc của họ. Họ có công việc tốt, hơn nữa còn có nhà và xe hơi. Cậu ấy nói rằng tất cả những điều này là nhờ sự giúp đỡ của thầy hồi đó”.

“Cho nên, hôm nay thầy muốn em cầm lại sợi dây chuyền này và để lại một câu chuyện hay. Em cầm lấy đi, còn sau này, khi em đã thành công trong học tập và sự nghiệp, nếu em muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình, thì đó là điều dễ hiểu. Đó là từ tiền lương của chính em, còn bây giờ nó là tiền của cha mẹ em. Lúc đó, khi vợ thầy đeo sợi dây chuyền, và mọi người hỏi ai đã mua nó. Vợ thầy có thể nói rằng đó là quà tặng của một học sinh đã thành đạt nhờ sự dìu dắt của thầy năm đó. Mọi người sẽ nói học sinh này thật tốt và có lòng biết ơn. Đó chẳng phải là một câu chuyện hay sao?”

Sau khi nghe tôi giải thích, Yến Tử đã nhận lại sợi dây chuyền, và tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Sau đó, mẹ của Yến Tử đã nói với tôi: “Thực sự không có nhiều giáo viên như Thầy!”

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/19/468216.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/23/219631.html

Đăng ngày 10-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share