Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 31-07-2024] Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng các nhà tù ở Trung Quốc để giam giữ và tra tấn học viên Pháp Luân Công kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Sau đây là thông tin chi tiết về các sự kiện bức hại xảy ra tại hai nhà tù ở Bắc Kinh.
Nhà tù Nữ Bắc Kinh
Theo lệnh của cựu trưởng khu giam số 3 của Nhà tù Nữ Bắc Kinh là Trương Hải Na và Đổng Hiểu Khánh cùng trưởng khu giam hiện tại là Lý Thiến, các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng nhiều hình thức tra tấn gồm tẩy não, cho dùng thuốc không rõ nguồn gốc, cấm ngủ và không được sử dụng nhà vệ sinh. Một số học viên đã mắc chứng tiểu không tự chủ do không được sử dụng nhà vệ sinh. Một số tù nhân tra tấn học viên trong điểm mù của camera giám sát. Đặc biệt, họ véo học viên để lại vết bầm tím dưới lớp quần áo của họ. Nhiều học viên bị tra tấn đến chết hay bị tàn tật.
Nhà tù thường tổ chức những buổi phê bình mà các học viên buộc phải tham dự, tại đây tù nhân được sắp xếp phát biểu nhằm kích động lòng căm thù đối với các học viên. Họ thường cáo buộc học viên bị rối loạn tinh thần và sử dụng điều này để lấy cớ “trợ giúp” họ.
Một thủ đoạn bức hại khác là hạn chế các tù nhân đang giám sát học viên hoặc tù nhân cùng phòng với học viên được tắm rửa và ngủ. Điều này nhằm cô lập học viên và tăng cường sự căm ghét đối với họ.
Sau đây là trích dẫn một số trường hợp:
– Bà Trương Thục Hương bị bắt giữ vào ngày 21 tháng 6 năm 2017 và bị kết án 3 năm tù. Bà bị chuyển tới khu giam số 3 vào ngày 1 tháng 8 năm 2018 và bị tra tấn tàn bạo. Ngoài bị huyết áp cao mãn tính, bệnh tiểu đường của bà Trương cũng tái phát. Với tuyên bố “giúp đỡ” bà kiểm soát lượng đường trong máu, lính canh được giao giám sát bà đã cho bà ăn rất ít trong mỗi bữa cơm và không cho bà uống nước. Bà nhanh chóng trở nên gầy gò và tiểu mất tự chủ. Bà còn bị suy nội tạng và cận kề cái chết. Ngày 3 tháng 4 năm 2019, bà được đưa về nhà bằng xe cứu thương và đã qua đời vào ngày 30 tháng 3 năm 2021, hưởng dương 73 tuổi.
– Bà Mạnh Tú Hoa, khi đó 63 tuổi, ở huyện Duyên Khánh bị bắt giữ vào ngày 4 tháng 7 năm 2011 và bị kết án 3,5 năm tù. Khi bị giam giữ tại Nhà tù Nữ Bắc Kinh, bà bị cưỡng bức lao động nặng nhọc không được trả công. Bà bị rối loạn tinh thần do sự tra tấn. Bà gặp khó khăn trong việc sắp xếp lời nói và không thể diễn đạt ý của mình. Khi người thân hỏi liệu bà có bị tra tấn hay cho dùng thuốc không rõ nguồn gốc không, bà chỉ biết khóc và không dám kể với người thân về những gì đã xảy ra trong nhà tù.
Sau khi được trả tự do, bà Mạnh tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công và đã hồi phục sức khỏe. Bà bị bắt giữ lần nữa vào ngày 23 tháng 5 năm 2018 và bị kết án 3,5 năm tù. Lần này, bà vô cùng yếu và không thể đứng dậy, nhưng lính canh vẫn buộc bà lao động nặng nhọc. Bà còn bị buộc phải viết tuyên bố rằng bà tình nguyện làm việc bất chấp tình trạng sức khỏe của mình.
– Bà Trương Ân Anh, khi đó 70 tuổi, ở thành phố Triêu Dương là công nhân của Cục Vệ sinh Môi trường ở quận Đông Thành trước khi nghỉ hưu. Bà bị kết án bí mật 3 năm tù vào tháng 5 năm 2017. Lính canh nhà tù đối xử với bà như bệnh nhân tâm thần và biệt giam bà, không cho phép bà ra ngoài. Họ còn nhét giấy viết những nội dung phỉ báng Pháp Luân Công vào quần lót của bà.
– Bà Khán Tục Phượng, khi đó 73 tuổi, bị người của Phòng 610 địa phương bắt giữ vào ngày 1 tháng 9 năm 2017 và bị kết án hai năm tù. Bà bị giam giữ tại khu giam số 3 của Nhà tù Nữ Bắc Kinh và thường xuyên bị ép viết báo cáo tự kiểm điểm. Bà còn bị các tù nhân khác ngược đãi. Giám đốc Trương đã buộc bà phải đứng ở ngoài hành lang và hét lên “Tôi là người vô liêm sỉ!” 100 lần.
– Bà Triệu Lưu Kỷ, 69 tuổi, ở quận Duyên Khánh bị bắt giữ vào năm 2018 và bị kết án 3 năm tù vào năm 2019. Tại khu giam số 3 trong Nhà tù Nữ Bắc Kinh, lính canh đã ép bà tới điểm mù của camera giám sát và véo khắp người bà. Đùi và cánh tay của bà bầm tím.
– Bà Hứa Na , một nghệ sỹ 56 tuổi ở Bắc Kinh, đã bị bắt giữ vào tháng 7 năm 2020 và bị kết án 8 năm tù vào ngày 14 tháng 1 năm 2022. Bà bị chuyển từ Trại tạm giam quận Đông Thành, Bắc Kinh tới Phòng Điều phối Nhà tù Thiên Hà vào ngày 20 tháng 9 năm 2023. Họ đưa bà tới khu giam số 3 của Nhà tù Nữ Bắc Kinh vào khoảng tháng 11 năm 2023. Nhưng bà nhanh chóng bị chuyển khỏi khu số 3 và hiện không rõ tung tích.
– Bà Cung Thụy Bình, 58 tuổi, ở quận Bình Cốc đã bị bắt giữ vào tháng 7 năm 2021. Bà bị Tòa án Bình Cốc kết án 5,5 năm tù vào ngày 21 tháng 2 năm 2022. Khi ở trong khu giam số 3 của Nhà tù Nữ Bắc Kinh, lính canh không cho phép bà ngủ hay sử dụng nhà vệ sinh bởi bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.
Đây là lần thứ hai bà Cung thụ án tại nhà tù này. Trước đây, bà từng bị bắt giữ vào năm 2001 và bị kết án 4 năm tù. Bà đã bị biệt giam và đánh đập thường xuyên. Trưởng khu giam khi đó là Điền Phượng Thanh đã chỉ đạo lính canh cho thuốc độc vào thức ăn của bà trong gần 6 tháng.
– Bà Quách Kim Hương và bà Khánh Tú Anh cùng bị kết án 10 năm tại Nhà tù Nữ Bắc Kinh. Bà Quách bị rối loạn tâm thần và bà Khánh bị bệnh nghiêm trọng do sự tra tấn.
– Bà Biên (chưa rõ tên) đã tuyệt thực để phản đối sự tra tấn và bị bức thực. Lính canh cũng trói bà lại và tiêm thuốc độc cho bà. Có thể nhìn thấy vết máu khắp phòng giam của bà. Hiện bà đang trong tình trạng mê sảng.
– Bà Bộ Kim Hương bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc và hiện đang trong trạng thái mê sảng.
Nhà tù Liễu Lâm
Ngoài Nhà tù Bắc Kinh, Nhà tù Liễu Lâm cũng tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công. Gần đây, trang Minghui.org đã xác nhận rằng một số học viên bị cầm tù trong Nhà tù Nữ Bắc Kinh bị chuyển tới Nhà tù Liễu Lâm gồm cả những học viên cao niên và học viên ốm yếu cũng như những học viên bị thương do sự tra tấn hoặc mắc bệnh truyền nhiễm.
Lưu Nghịnh Xuân, phó quản giáo Nhà tù Liễu Lâm, đã bức hại học viên trong gần 20 năm. Bà ta phụ trách khu giam giữ được chỉ định đặc biệt để bức hại học viên Pháp Luân Công.
Trước đây, Lưu là trưởng khu giam số 4 của Nhà tù Nữ Bắc Kinh, có ít nhất ba học viên gồm bà Cảnh Kim Nga, bà Lý Lỵ và bà Trương Xuân Phương bị bức hại tới chết tại đây. Lưu sử dụng nhiều tài liệu khác nhau để tẩy não các học viên, đặc biệt là các giáo lý từ tôn giáo khác.
Sau đây là hai trường hợp bức hại trong Nhà tù Liễu Lâm.
Bà Vương Phượng Long ở quận Phòng Sơn bị bắt giữ tại nhà riêng vào năm 2014 và bị kết án 4 năm tù. Trong khi đang bị giam giữ tại Nhà tù Liễu Lâm, bà bị tra tấn, bị huyết áp cao và tiểu đường, sau đó bị đột quỵ. Tháng 4 năm 2018, bà được trả tự do và 8 tháng sau bà đã qua đời vào ngày 20 tháng 1 năm 2019, hưởng dương 59 tuổi.
Bà Sài Quế Kim ở quận Mật Vân đã bị bắt giữ và bị kết án 2,5 năm tù vào năm 2017. Bà đã mắc bệnh lao nặng do cuộc bức hại.
Bài liên quan:
Tội ác của Hoàng Thanh Hoa, Trưởng Phòng 610 tại Nhà tù nữ Bắc Kinh
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/31/480333.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/11/219467.html
Đăng ngày 20-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.